Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Bài 13: ĂN CHAY

Bài 13: ĂN CHAY

 - Ăn chay là dùng các thứ rau, cây, hoa, trái, sữa v.v.... không được dùng các thứ rau tanh hôi như: tỏi, hành, hẹ và thịt các giống thú vật như: heo, gà, chim muông, cua, cá v.v..
- Ăn chay để tăng trưởng tấm lòng Từ bi, khỏi giết hại các giống vật, bỏ dần tính độc ác, trở thành người  hiền lương.
- Ăn chay thân thể được khỏe mạnh, ít bệnh tật, trí não được sáng suốt, tính tình được thuần hậu.
- Các thứ rau quả có nhiều chất bổ, khiến người ăn dễ dàng tiêu hoá. Trái lại thịt cá lâu tiêu, hay khiến thân thể nặng nề mệt nhọc. Người  ăn chay là tập một nếp sống  giản dị, đỡ tốn kém vì rau quả bao giờ cũng rẻ tiền hơn thịt cá.
Người ăn chay sẽ ít dục vọng, bớt tội lỗi, đời nay và đời sau sẽ được sống lâu ít bệnh. Không  bị quả báo chết non.
- Ăn chay có nhiều cách tuỳ hoàn cảnh của mỗi người hoặc phát nguyện ăn trọn đời, ăn mỗi năm 3 tháng, mỗi tháng 10 ngày, 4 ngày, 2 ngày hay những ngày vía Phật và Bồ tát (1-8-14-15-18-23-24-28-29-30).
- Đã phát nguyện ăn cách nào nên cố gắng giữ gìn. Trường hợp bệnh nặng, nếu thầy thuốc bảo ăn thịt để chữa bệnh thì sau khi khỏi phải sám hối giữ lại.
- Ăn chay nên giữ mức trung bình, đừng sang quá cũng đừng kham khổ quá. Sang quá thì tốn kém phiền phức, khổ quá thì không đủ sinh tố để giúp cho sức khoẻ.
 Tóm lại, ăn chay có nhiều lợi ích cho thể xác cũng như tinh thần, tăng trưởng lòng Từ bi hợp với đạo. Ăn chay có nhiều cách tuỳ hoàn cảnh và sự phát nguyện của người Phật tử.
"Vừa mồm đôi dĩa rau tương
Trong lòng phủi sạch tình thương ghét,
Phó mặc cho ai quở với hờn"

    I.  Bài học thêm:
1. Ăn chay là một vấn đề phổ biến nhất trong đạo Phật. Tuy thế, vẫn có một số người chưa hiểu rõ ý nghĩa và chưa thực hành hạnh ăn chay.
 2. Trong giới Phật tử, cũng còn có rất nhiều người chưa hiểu rõ ý nghĩa ăn chay, mặc dầu đã thực hành hạnh ăn chay được ít nhiều.
 3. Không hiểu thì không thấy giá trị, không thấy giá trị thì không thực hành, có thực hành cũng không tinh tấn bền bỉ. Muốn thấy rõ giá trị. Muốn được bền bỉ và tinh tiến trong khi thực hành ăn chay, chúng ta cần phải tìm hiểu ý nghĩa ăn chay.
I- ĂN CHAY NHƯ THẾ NÀO?
    Ăn chay là ăn thứ không có sanh mạng như rau, dầu, sữa v.v.. Ăn chay là  một phương pháp Phật dạy để thay thế cho sự ăn mặn, như ăn thịt cá v.v...(ăn mặn là nói trại nghĩa của danh từ ăn mạng, mạng là mạng sống của chúng sanh vậy).
II. Ý NGHĨA VÀ LỢI ÍCH ĂN CHAY
  1. Thực hiện tinh thần ăn chay (Từ bi) cứu khổ của đạo Phật. Đạo Phật là đạo Từ bi cứu khổ, ăn chay là thực hiện tinh thần Từ bi cứu khổ một cách đầy đủ và chính đáng.
  2. Tôn trọng sự sống: Hạnh phúc trên hết của muôn loài chúng sanh là sự sống. Đạo Phật triệt để tôn trọng và bảo vệ hạnh phúc ấy cho nên đạo Phật chủ trương ăn chay là tích cực bảo vệ tôn trọng hạnh phúc trên hết của muôn loài chúng sanh một cách rõ ràng và thiết thực.
 3. Chấm dứt nguyên nhân luân hồi đau khổ: Giết hại là một nguyên nhân lớn nhất, quan trọng nhất gây nên luân hồi đau khổ. Ăn chay là không còn giết hại và đó là một phương pháp chính đáng chấm dứt nguyên nhân đau khổ luân hồi.
 4. Được gần gũi chư Phật: Ăn chay sẽ được gần gũi chư Phật, nghĩa là sẽ được giải thoát và giác ngộ. Vì mười phương ba đời  các đức Phật được giải thoát và giác ngộ đều do nguyên nhân tu tập và thực hành hạnh ăn chay. Với lại, muốn được gần gũi chư Phật thì chúng ta phải biết thực hành lời Phật dạy. Ăn chay là thực hành lời Phật dạy một cách đúng đắn và chỉ có thực hành lời Phật dạy mới được gần gũi chư Phật mà thôi.
 5. Thân thể được tráng kiện, ít bệnh hoạn: Trong các thứ hoa, quả, giá, đậu, mè v.v.. có rất nhiều sinh tố và ít chất độc như cá thịt. Vì thế nếu ăn chay cho đúng phương pháp nghĩa là đừng ăn quá kham khổ thì thân thể sẽ được tráng kiện và ít khi mắc các chứng bệnh nguy hiểm như những người ăn mặn.
 6. Tâm trí sáng suốt, tính tình thuần hậu: Tâm trí và tính tình của con người cũng vẫn chịu ảnh hưởng ít nhiều của thức ăn. Vì thế những thức ăn chay là toàn các thứ rau trái  tinh sạch, nhẹ nhàng nên tâm trí và tính tình thường được sáng suốt thuần hậu. Vả lại, động cơ của vấn đề ăn chay là Trí tuệ và Từ bi, thì người ăn chay không được tiến bộ về phương diện ấy sao?
 7. Tinh giảm được lòng dục vọng: "Ham muốn dục vọng" là nguyên nhân gây nên thống khổ cho con người. Ngày nay chẳng những cảnh tranh giành chém giết tràn đầy trên thế giới, đều do lòng dục vọng điên đảo của con người gây nên. Nhưng trong những nguyên cớ quan trọng để lòng dục vọng víu vít và bành trướng, vấn đề ăn uống là một. Vậy ăn chay cũng là phương  cách làm cho vấn đề ăn uống trở thành giản dị, tỉnh giảm bớt lòng dục vọng và  như thế có thể chấm dứt  được những cảnh đau khổ cho con người trên thế giới ngày nay.
III. CÁCH THỨC ĂN CHAY
  Để cho mọi người ai cũng có thể tu tập và thực hành được ít  nhiều hạnh ăn chay, đạo Phật chia cách ăn chay ra làm hai:
  1. Ăn  chay trường: Nghĩa là phát nguyện ăn chay luôn luôn, ăn chay suốt đời không bao giờ ăn mặn.
  2. Ăn chay kỳ: Nghĩa là phát nguyện ăn chay một năm vài tháng, hoặc một tháng vài ngày. Như một  năm ăn chay 3 tháng: Tháng giêng, tháng năm và tháng chín. Một tháng phát nguyện ăn chay 10 ngày, ngày mùng 8, 14, 15, 23, 29, 30 hoặc ăn chay 4 ngày 14, 15, 30  mùng 01. Hoặc hai ngày 15 – 01.
IV. TƯ CÁCH ĂN CHAY
   1. Phải bền chí nhẫn nại và tinh tấn.
      Khi đã phát nguyện ăn chay rồi thì trọn đời phải cố giữ lấy, phải bền chí nhẫn nại để cố vượt qua những trường hợp khó khăn trở ngại, chỉ trừ khi bệnh hoạn, nhưng lành bệnh rồi thì phải ăn chay lại như xưa, phải luôn luôn tinh tấn đừng bao giờ thối thất.
  2. Nên đơn giản tránh cầu kỳ:
     Ăn chay nên ăn đơn giản, đừng quá sang trọng, tốn kém và làm phiền đốn nhiều người, nhưng cũng không nên ăn quá kham khổ có hại cho sức khoẻ và nhất là tránh những lối ăn cầu kỳ, là những lối ăn không hợp với chánh pháp.
   3. Không khoe khang, không mâu thuẫn: Khi ăn chay nên tự nhiên không khoe khang, không làm bộ, không nên khinh ghét những người chưa ăn chay, nên thương mến và khuyến khích họ. Nhất là nên tránh những mâu thuẫn trong khi đã phát nguyện ăn chay như: gieo rắc đau khổ cho mọi loài, mọi vật. Trái lại, khi ăn chay phải luôn biết thương yêu, làm lợi ích đem lại an vui cho mọi người, mọi vật. Phải sẵn sàng hy sinh và tận tụy cứu giúp bênh vực khi có người hoặc vật bị tai biến hoạn nạn.v.v...
       V. NHẬN XÉT VÀ KẾT LUẬN
  1. Ăn chay là thực hiện tinh thần Từ bi cứu khổ của đạo Phật một cách  đầy đủ.
  2. Ăn chay là tôn trọng sự sống, là thực hành lời Phật dạy một cách chính đáng.
  3. Ăn chay là chấm dứt nguyên nhân luân hồi là tỉnh giảm được lòng dục vọng gây nên đau khổ chiến tranh.
  4. Nói tóm lại, ăn chay là một trong những nguyên nhân chính đáng và quan trọng, tạo nên hoà bình an vui và giải thoát.
  5. Ngày nay hoà bình chưa trở về với nhân loại, an vui giải thoát chưa được thực hiện cùng khắp trong tất cả nhân loại, là vì mọi người chưa hiểu và chưa thực hành triệt để hạnh ăn chay trong đạo Phật

            6. Những người học Phật, những người Phật tử tu hạnh theo đạo Phật là những phần tử tiền phong, biểu dương tinh thần Từ bi cứu khổ và thực hiện chủ trương trong sự sống của muôn loài theo tinh thần đạo Phật. Chúng ta phải học hiểu, thực hành và có bổn phận phổ biến rộng rãi hạnh ăn chay để đem lại hoà bình cho nhân loại an vui giải thoát cho muôn loài chúng sanh.

Bài 13: ĂN CHAY Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét