Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

PHÁT HUY ĐẠO LỰC

PHÁT HUY ĐẠO LỰC

Trên bước đường tu, có người nặng nhiều về hình thức, nên thường làm những việc quá hoàn cảnh của mình, và vượt quá khả năng của mình, tất nhiên họ sẽ gặp những khó khăn cản trở trên công việc.
Trong đạo Phật có pháp tùy duyên, Phật dạy tất cả pháp đều do duyên sanh, và chủng tử Phật tánh cũng phải do duyên sanh. Làm đúng duyên hạt giống Phật sẽ tăng trưởng, làm ngược duyên nó sẽ bị tiêu hủy. Như vậy, muốn hạt giống Phật tánh lớn mạnh, chúng ta phải biết rõ lý duyên sanh và tùy theo duyên mà làm đạo.
Phật dạy rằng giới luật còn thì đạo pháp còn, giới luật ở đây là chỉ cho đạo đức, có nghĩa là đạo đức con người còn thì đạo Phật còn. Đạo đức thay cho giới luật, vì giới luật nhằm phát huy đạo đức của người tu. Từ giới luật chúng ta phát huy thành giới đức. Nhờ giới luật mà chuyển đổi hành vi và tư cách sống của con người. Vì vậy, đệ tử Phật xuất gia, tại gia có đức hạnh Phật pháp từ đó mới không suy đồi.
Đạo đức này là gì? Trước hết ta phải hiểu đạo đức trong thế gian, vì Phật pháp tồn tại trong xã hội loài người. Như vậy điều cốt yếu là phải được con người và xã hội tiếp nhận, đạo Phật mới tồn tại. Đạo Phật suy đồi là lúc xã hội không quan tâm đến đạo Phật. Trong xã hội có hai thành phần, thượng tầng kiến trúc, hạ tầng cơ sở. Thượng tầng kiến trúc gồm có những người lãnh đạo và hàng trí thức. Hạ tầng cơ sở là quần chúng. Khi đã được hai mặt, thượng tầng kính trọng, hạ tầng quy ngưỡng, thì Phật giáo mới mạnh. Điển hình như Phật giáo thời Lý-Trần, được xếp vào thời vàng son đã kết hợp được hoàn toàn hai thành phần xã hội. Nhưng sau đó đến thời Hậu Lê và thời Nguyễn, hàng vua chúa và trí thức không còn đánh giá cao đạo Phật. Phật giáo chỉ còn sinh hoạt với quần chúng, bình dân và chỉ phục vụ tín ngưỡng bình dân, lâu ngày trở thành mê tín dị đoan-Bấy giờ đạo Phật được xem như một tín ngưỡng nhân gian bình thường.
Phật giáo Việt Nam đã từng trãi qua nhiều giai đoạn suy đồi như thế. Lúc Phật giáo suy đồi thì chỉ xuất hiện những ông thầy đi cúng đám ma chay, ở đâu có người chết thời ở đó có ông thầy. Không người chết thì không có thầy. Phật giáo chỉ có việc ma chay, cầu an, cầu siêu, tổ chức đàn cúng hội chẩn chế. Phật giáo chỉ còn có mặt trong việc phục vụ quần chúng ở mức thấp.
Muốn Phật giáo tồn tại và phát triển, chúng ta phải sinh hoạt theo thế cân bằng, cần có sự phân công một người làm một việc. Tất cả làm giống nhau thì Phật giáo sẽ không hưng thịnh. Ai có năng lực nào thì đóng góp vào khía cạnh đó, thích hợp với pháp môn nào thì hành trì theo pháp môn đó nhưng phải có kết quả. Hiện nay trong Phật giáo có nhiều cách để phát huy đạo Phật như thuyết giảng, chẩn bệnh, cho thuốc, từ thiện, cầu an, cầu siêu... Phật giáo sinh hoạt đa dạng nhằm phục vụ tốt cho đời một cách rộng rãi ở nhiều lĩnh vực khác nhau.
Phật giáo thịnh hành khi được thượng tầng kiến trúc kính trọng và tin tưởng là lúc Phật giáo có các vị sư thông thái học rộng nghe nhiều mới hàng phục được những tà thuyết.
Như trong Thời Lý có 51 nhà văn nhà thơ, đã có đến 41 người là nhà sư. Nếu tu học chỉ nhắm đến việc cao siêu còn việc bình thường ở nhân gian thì bỏ quên là đánh mất cái gốc của quần chúng. Người dân không còn chỗ dựa tinh thần để gần gũi chia sẽ nổi buồn vui, nên đạo Phật không đến với họ được.
Xã hội ngày nay lấy dân làm gốc, Phật giáo cũng vậy, lấy thế gian làm đất để gieo giống Bồ Đề, nếu không như vậy Phật giáo không thể tồn tại.
Người tu phải phát huy được đạo lực, người có đạo lực lớn sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến đại chúng. Người có đạo lực nhỏ thì ảnh hưởng ít, và người không có đạo lực coi như chưa được gì trên bước đường tu.
Đạo lực ở đây không có nghĩa là học cao bằng cấp lớn, mà nó nằm ở nơi giới luật hành trì và sự huân tu. Có người học giỏi bằng cấp cao mà không làm được việc, mọi người không nể. Còn có người ít học mà có đức hạnh sáng ngời, thì mọi việc làm của họ đều êm xuôi, người người mến kính.
Người ta nói chữ tài liền với chữ tai một vần. Người có tài mà không có đức, nhiều tai hoạ hay đến với họ có những người giỏi lãnh đạo nhưng thiếu đức thường gặp khó khăn nguy hiểm, trong khi người hiền lãnh đạo công việc trở thành dễ dàng. (giáo hoàng ....... đi đâu cũng bằng xe chống đạn có tám lính hộ vệ, đã mấy lần bị ám sát suýt chết).
Người tu phải học rộng nghe nhiều rất tốt. Nhưng phát huy được đạo lực thì càng tốt hơn. Sự đóng góp thích đáng cho đời và đạo chủ yếu là đạo lực. người đạo lực kém không giải quyết được những khó khăn thử thách. Muốn có đạo lực cao, người tu cần phải hạ vọng tâm, ít muốn biết đủ, người có đạo lực thì ngưới ấy ở đâu cũng được an lành và làm cho Phật pháp lành mạnh hơn.
Gặp được đạo Phật tu hành là cơ hội tốt ngàn đời hiếm có, là dịp để chúng ta rèn luyện tâm tánh, phát huy nội lực. Nếu ta thờ ơ bỏ qua thời gian vàng son của đời người qua đi không lo tu học đến lúc già, bệnh đến với ta, dù có muốn lạy một lạy, đọc một câu, làm phước cúng dường một đồng cũng khó thực hiện được.
Campuchia thời Pôn pôt lên nắm chính quyền, đã giết tất cả các nhà sư trong nước, trong đó có 25 vị sư trí thức được vua Sihanouk đào tạo để phiên dịch kinh điển ra tiếng Khơ me thì hai bốn vị cương quyết giữ chiếc áo nhà tu nên đã bị giết chết chỉ còn một vị là Um Sum nhận thấy bận chiếc áo thầy tu không thích hợp, không được chính quyền kính trọng mà đã trở thành tai họa dưới thời Pôn Pốt, liền thay đổi lớp áo cà sa giả dạng làm người nông dân mới thoát được nạn. Ngài đã ứng dụng đúng lý nhân duyên, lúc nào nên mặc và lúc nào không nên mặc pháp phục cà sa. Trong phẩm Phổ Môn, Bồ Tát Quan Âm đã ứng dụng 32 hình thức hóa thân để hiện hữu, hòa nhập trong mọi loài nhằm ban vui cứu khổ.
Đạo Phật quan niệm tất cả pháp không cố định, đều do duyên sanh, nương theo lý nhân duyên tu hành, giúp cho sự tu tập tăng trưởng - trái lý nhân duyên sự tu học bị thối thất dẫn đến tiêu diệt./.

***

PHÁT HUY ĐẠO LỰC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét