BA ĐIỀU KHÓ ĐƯỢC
Được làm thân người là khó, lại được sinh vào nơi trung tâm có văn hoá là
khó, lại càng khó hơn sáu căn đầy đủ.
Đó là ba điều khó được mà trong kinh Phật đã từng nói, bình thường ta thấy
người ta đi chật đường chật phố sao đây lại nói khó. Khó là làm một con người
hoàn hảo, có tu có học đời nay không khổ đời sau không đoạ là điều không đơn
giản. Hiện nay người đông có mấy người được biết đến đạo Phật. Mấy người biết
đạo Phật có được mấy người tu theo Phật, có chỉ phần nhiều lễ lạy và cầu nguyện
cúng bái chứ không có tâm chí cầu sanh thoát khổ sanh tử.
Làm
thân người lại ở vùng sâu vùng xa dù có biết Phật cũng không thầy không bạn
không chùa muốn tu cũng không được. Làm được thân người giữa trung tâm thành
phố có chùa có thầy có bạn, nhưng lại đui điếc mù loà tật nguyền cũng không thể
nghe kinh học pháp được, vì thế cho nên gọi là khó.
Dù
có được làm thân người giàu sang phú quý, địa vị cao sang cũng không quý. Vì
sao: Danh mà chi, lợi mà chi? Bả công danh bột nước có ra gì - Mùi phú quý như
vầng mây tan hiệp - Giàu đến đâu cũng chỉ hưởng một kiếp - Sang cho lắm cũng
chỉ có một đời...... Vô thường đến trắng tay trong nháy mắt không gì đem theo
được, chỉ có nghiệp mang đi mà thôi.
Cho
nên những người học phật phải hiểu, nếu đã được làm thân người rồi mà quý tài
vật hơn thân mình, chỉ bon chen theo danh lợi, làm mệt nhọc thể xác, tổn hao
tinh thần, thì thật vô cùng đáng tiếc, vì một khi đã mất thân người rồi thì
muôn kiếp rất khó được trở lại.
Tuy
nói thân này là quan trọng, nhưng vẫn chưa quan trọng bằng chí đạo. Đức Khổng
Tử nói: “Triêu văn đạo, tịch tử khả
hỷ ”. Nghĩa là: Sớm mai được nghe đạo, chiều chết cũng
vui. Đức Lão Tử lại nói: “Ngô sở dĩ
hữu đại hạn giả,vị ngô hữu thân” )Ta sở dĩ có cái khổ lớn, vì ta có
cái thân).
Đức
bổn sư Thích Ca quá khứ đã xả bỏ thân mạng, đầu mắt tay chân để cầu đạo. Hiện
tại bỏ quốc thành thê tử vương vị đi tu tìm đạo, khổ hạnh sáu năm mới thành
chánh giác. Người học đạo noi gương các bậc thánh xem nhẹ thân người để quyết
chí cầu đạo, phát khởi tâm Bồ đề.
Như vậy
thân người rất quý, nhưng đạo càng quý hơn nhiều. Các bậc Thánh nhận thức rõ
đạo lý này nên thà hy sinh thân mạng để cầu đạo. Thân mạng vô thường, thở ra
không hít vào là qua đời khác, hôm nay dầu còn khó bảo đảm được ngày mai. Ít
người thấu rõ chân lý này. Vạn pháp luôn thay đổi, chấp thân chấp ngã tạo nên
không biết bao nhiêu nghiệp chướng, thường làm tổn hại cho muôn vạn chúng sanh,
oán thù chồng chất, lưới ái bủa vây. Rốt cuộc quả báo phải mang, vạc dầu sôi
lửa đỏ, muôn lần sống đi chết lại, rừng kiếm núi đao không phương chống đỡ, đói
ăn sắt nóng, khát uống nước đồng sôi, đội yên ngậm vàm sắt, mang lông đội sừng,
lấy thân lấy thịt làm thức ăn cho người, đem thân đền nợ cũ, khổ không
thể xiết. Đến lúc ấy hối hận cũng không còn kịp nữa.
Nghe nói đến đạo, có người lại thối tâm, tự ty cho mình là nhỏ nhen thấp kém
không làm nên việc Phật. Nhưng họ đâu có biết rằng, các loài súc sinh nghe kinh
thính pháp còn ngộ được đạo, huống nữa loài người, mà lại không được sao? Phật
pháp như ánh mặt trời chiếu khắp thế gian không phân biệt ai, cho nên ai muốn
đến thì đều có phần.
Thế
cho nên ai chưa phát tâm thì mau phát tâm tu học, ai chưa tinh tấn thì nên tinh
tấn dõng mãnh hơn. Ai chưa phát Bồ đề tâm thì gấp rút phát Bồ đề tâm dốc lòng
cầu đạo, mới thật không luống uổng một kiếp làm người.
Như
vậy ta mới thấy sự cao quý của việc tu đạo. vàng bạc ngọc ngà châu báu không
quý bằng thân người, lúc ra biển tàu chìm ai cũng phải nghỉ đến con đường thoát
thân khỏi chết chứ không ai nghỉ đến đống vàng hay bạc bao giờ? Lại thân người
không quý bằng đạo, vì đạo lại khó gặp, trăm kiếp ngàn đời may mắn mới gặp. Ở
đời ta thấy người không tin theo đạo thì nhiều, người tin theo đạo thì ít. Kẻ
ác đông nhiều như đất cát kẻ làm lành thì không mấy ai. Cho nên phải phát tâm
tu đạo, phát Bồ đề tâm, tu dưỡng phẩm chất đạo đức, phát huy tiềm năng tự thân,
hầu giải thoát khổ đau, đạt được an vui Niết bàn./.
---------—]–---------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét