Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

TU TÂM TRONG ĐẠO PHẬT

TU TÂM TRONG ĐẠO PHẬT

Trong đạo phật có nhiều phương pháp tu tập, nhưng cốt lõi là TU TÂM. Những hình thức tu tập như: tụng kinh, niệm phật, làm lành, ngồi thiền..v.v.. Tất cả những phương thức ấy đều để đưa đến mục đích là thanh lọc tâm, làm cho tâm được thanh tịnh, tâm trở nên được hoàn thiện.
Việc tu tâm dễ mà cũng rất khó. Bởi lẽ những hoạt động của tâm ở trong mỗi người, dù vô hình nhưng rất cụ thể, chỉ có điều là rất khó kiểm soát. Các thế lực thiện và ác, thanh tịnh và ô nhiễm ở trong tâm luôn giành đất đứng. Nhất là tâm lý chấp ngã nổi trội hẳn lên, gần như lúc nào cũng có mặt. Từ trong tâm chấp ngã, các hoạt động tâm lý ô nhiễm được tỏa ra mọi ngõ ngách, mọi nẻo đường.. cho nên Tu Tâm vừa dễ lại vừa khó.
Ta thường thấy ở trong sân có nhiều lá vàng rơi, chúng ta phải quét lá vàng. Sau khi quét xong, chẳng mấy chốc sân bắt đầu có lá rơi trở lại, lá cứ tiếp tục rụng. Trên đường tu tập của chúng ta cũng tương tự như lá vàng rơi rụng, rác lá cứ có mãi trong sân cũng như tâm mình luôn được thanh lọc, thanh tịnh, đừng tưởng rằng đã quét rác xong là sân nhà mình sạch, không ngờ sân vẫn tiếp tục dơ. Cũng vậy, thấy tâm có chút thanh tịnh, tưởng rằng đã xong chuyện, nhưng đâu ngờ rằng, khi hơi chểnh mãng thì tâm ô nhiễm lại khởi lên. Ngoài sân kia, ngày nào cũng phải quét rác, buổi sáng quét, buổi chiều quét. Việc tạo được tâm thanh tịnh, tâm không nhiễm ô là việc phải tu tập thường xuyên, phải “ quét” thường xuyên ở trong tâm thức của mình. Chỉ cần nghỉ tu một bửa, nghĩ “ quét” đi một ngày là cõi tâm của mình tức khắc xáo trộn, dao động và ô nhiễm sẽ lại khởi lên.
Kinh nghiệm tu tập cho thấy rằng nếu không duy trì tu tập, tinh tấn liên tục thì tâm của mình dễ trở nên lu mờ ô nhiễm. Cho nên yếu tố tinh tấn, nỗ lực tu tập thường xuyên là điều quan trọng, chứ không thể chỉ năng nỗ nhiệt tình trong giai đoạn nhất thời. Kết quả công phu tu tập có khi rất cao, nhưng có khi lại rất thấp. Trong tâm của mình đôi khi có hai trạng thái dễ nhận thấy: có khi thấy mình quá thánh thiện, cũng có khi nhận thấy mình rất ô nhiễm.
Tâm thánh thiện và tâm ô nhiễm đan xen vào nhau ở trong tâm của mình, nên sự thường xuyên tỉnh giác để mà quét sạch bụi mờ ô nhiễm trong tâm là rất quan trọng.
Không có phương pháp nào hiệu quả để thanh lọc tâm bằng phương pháp thiền định hoặc trì danh niệm phật. Ngoài việc tụng kinh, niệm phật... làm các công đức là tốt, nhưng cái chính để thanh lọc tâm là thiền định, thiền quán hay thiền chỉ. Chính sự tu tập này làm cho tâm của mình được ổn định, củng cố, tập trung. Trí tuệ của mình trở nên linh hoạt hơn, và đó cũng là lúc ta dễ nhận biết được những xung đột ở trong nội tâm của mình và những phản ứng của tâm.
Thông thường chúng ta chỉ tu tập tĩnh tâm khi ngồi thiền, niệm phật, tụng kinh, nhưng không tĩnh giác trong lúc đi đứng, nằm ngồi hoặc làm việc phải đối mặt với nhiều đối tượng, nhiều sự việc khác nhau trong đời sống bình thường. Tu như vậy hiệu quả sẽ không cao, trong đời sống hằng ngày  chúng ta phải tiếp xúc thường xuyên với sự biến đổi của tâm thức, có liên tục quét, lau, chùi trong mọi hành động, như thế thì chúng ta mới có được tâm thanh tịnh một cách vững vàng, bằng không thì tu được ba bước lại bước lùi bốn bước. Có nhiều người tu lâu rồi vẫn thấy mình không tiến bộ, có những người vẫn thường tham dự những khóa tu, vẫn giữ thời gian tụng niệm nhưng sự tiến bộ chưa thấy, chưa có được sự an lạc trong tâm thức. Thậm chí có nhiều người ban đầu có tinh tấn, cuối cùng không còn tham dự khóa tu được nữa vì người đó đã bỏ quên tâm thức của mình, không có quan sát, lau chùi thường xuyên nội tâm.
Công phu tu tập thường xuyên vô cùng cần thiết. Giống như đồ vật trong nhà cần phải lau chùi thường xuyên, không thì bụi sẽ bám vào làm cho xấu xí. Ví như tâm của ta vốn ô nhiễm, vốn nhiều nghiệp chướng nặng nề, có xu hướng đi xuống, xu hướng bản năng hơn là xu hướng hướng thượng, ban đầu tâm ta còn yếu, còn dở nhưng do tu tập liên tục, kiên trì thì tâm mình dần dần được sáng, được ổn định và trí tuệ ngày càng phát triển. Có những người vốn có thiện tâm, có nhân duyên gần gũi với thầy, với bạn đồng tu, gần gũi với môi trường phật pháp nhưng mà ỷ lại không tu. Dựa vào những cái mình đã có rồi mà không cần phải nỗ lực tu tập hằng ngày. Lâu ngày tâm mình trở nên chai lì hung dữ, càng ngày càng tổn đức. Có người càng đi chùa càng xấu thêm, càng gần quý thầy gần chùa thì càng tối tăm đều do không tu tập thường xuyên. Hoặc có người khi còn trẻ tu giỏi nhưng về già lại lười biếng. Có người cho mình là người tốt, rồi không cần tu nữa, người nào tu dở mới cần tu, mình tu giỏi rồi thì nghĩ tu. Người dở phải tu thường xuyên mà người giỏi cũng phải tu thường xuyên. Bởi vì không có gì phức tạp và khó khăn nắm bắt bằng tâm thức của chúng ta. Chúng ta đã quá nhiều đời nhiều kiếp lăn trôi trong vô minh và sinh ra trong cõi đời này vốn đã đeo mang nghiệp chướng nặng nề. Và bản năng động vật ( thú tính) khá nặng nề còn chi phối sâu sắc, ảnh hưởng mạnh những tâm lý của ta, những hoạt động của tâm thức, một cách vi tế và phức tạp trong chúng ta. Khi mà việc tu tập chưa đạt được giải thoát, chưa viên mãn thì người phật tử không thể lơ là việc tu tập được. Đức Phật dạy có hai loại Thánh: Thánh vô học và Thánh hữu học. Thánh vô học tức các bậc A La Hán, là những vị thánh đã đoạn trừ phiền não, cho nên không còn gì để học, không cần phải nỗ lực, tinh tấn gì cả. Còn Thánh hữu học là những người vì còn trần lao phiền não, cần phải học, phải tinh tấn. Nếu chúng ta không phải là A La Hán chúng ta cần phải học, cần phải thường xuyên nỗ lực tinh tấn để thanh lọc tâm thức của mình. Cần phải luôn luôn quán chiếu, luôn luôn tự soi sáng, thấy được những biến động vi tế trong tâm thức để mà chuyển hóa tâm ô nhiễm. Sự thành tựu nào cũng phải trải qua gian nan khổ sở, sự tinh tấn là cốt lõi của mọi thành công.
Là người tu tập theo phật pháp đã có nhân duyên tốt được gặp thầy hay bạn tốt, hãy tận dụng nhân duyên ấy để củng cố con đường tu tập của mình, biến những may mắn ấy thành nghị lực tinh tấn tu hành, đạt kết quả tốt đẹp cho đời sống hiện tại và tương lai cho mình, cho mọi người, để thành tựu hạnh nguyện “ Thượng cầu phật đạo, hạ hóa chúng sanh”.

          Tâm Sáng Soi

Tâm thanh tịnh thường lặng soi sáng tỏ
Việc qua rồi liền buông bỏ chẳng ghi
Trí chiếu soi tỏa sáng đức Từ Bi
Việc gì đến liền kịp thời biết rõ.

Tâm thanh tịnh mỗi người đều sẵn có
Từ lâu nay bị quên bỏ xa rời
Đem tâm về gắn bó với cuộc đời
Làm lợi ích giúp khắp nơi an lạc.

Người tu học thường làm lành bỏ ác
Thân tâm mình đầy an lạc tuyệt vời
Sống hài hòa cùng vạn vật khắp nơi
Không cố chấp nhịp nhàng rời ngã pháp.

Trong cuộc sống có đủ đầy phức tạp
Tùy nhân duyên truyền chánh pháp lợi sanh
Vùng sâu xa cần cố gắng tu hành
Lợi lạc lớn dược sanh thành nhờ bạn.

Suốt cuộc đời cần tu hành viên mãn
Mong mọi người sẽ đạt được thành công
Trở về nơi cuộc sống cộng đồng
Thường mạnh khỏe nhiều an vui hạnh phúc.
“ Biết mình biết người” biết mình là trí, biết người là khôn. Biết mình để mà tu mà sửa đổi, biết người là để hiểu người mà thông cảm, để dung hòa, để tha thứ.


“ Trang nghiêm tự thân tức trang nghiêm đại tràng”

TU TÂM TRONG ĐẠO PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét