Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC

TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC

Phải phân biệt giữa tôn giáo và đạo đức. Hai cái có thể đi đôi với nhau, nhưng tôn giáo chưa hẳn là đạo đức. Có thể có trường hợp tôn giáo không có đạo đức. Mà không có đạo đức thì tôn giáo bị phá sản, có hại cho xã hội. Ví dụ như cuồng tín. Khi theo tôn giáo nào mà trong bản thân mình lại có chất cuồng tín thì mình sẽ gây rất nhiều khổ đau cho chính mình và cho những người khác. Mình cho rằng đạo giáo, tôn giáo của mình là đúng. Những người không nghe theo mình đều là tà đạo, ma quái cần phải loại trừ cần phải tiêu diệt. Khi đã có sự cuồng tín như vậy thì ngôn ngữ, hành động cũng như tư tưởng của mình không còn là đạo đức, suy nghĩ nói năng và hành động như vậy tạo ra sự chia rẽ kỳ thị, và đó là nguyên do đưa đến đấu tranh, tranh chấp. Vì vậy một tôn giáo chủ trương cuồng tín thì tôn giáo đó không còn có đạo đức. Một tôn giáo tổ chức chuyên sử dụng quyền hành và tiền bạc để đạt đến mục tiêu phát triển, xây dựng, sử dụng những phương tiện tham nhũng để xây dựng, mua chuộc tín đồ, là áp dụng những phương pháp bá đạo chứ không phải vương đạo. Phát triển nền tảng tôn giáo của mình như vậy là không có đạo đức. Vì vậy chúng ta không nên lẫn lộn giữa hai từ tôn giáo và đạo đức phá sản. Nên trong tôn giáo mà có sự tranh giành quyền bính để có địa vị, lợi lộc trong những chức vụ ....thì tất cả những sự tranh giành địa vị quyền bính đó chứng tỏ rằng người ta đang lợi dụng tôn giáo của chính họ để phục vụ tham vọng quyền lợi uy quyền của mình. Và như vậy đạo đức vắng mặt, và tôn giáo phá sản. Mà một khi đã phá sản thì tôn giáo có thể đóng góp được gì cho sự lành mạnh của xã hội.
¯

ĐẠO ĐỨC LÀ NỀN TẢNG

Tôn giáo có khả năng chuyên chở đạo đức. Thương mãi cũng vậy, thương mãi là một ngành hoạt động rất quan trọng trong ngành kinh tế. Nếu thương mãi không có đạo đức thì sẽ bị phá sản. Phát triển kinh tế mà không có đạo đức thì sẽ tiêu diệt môi sinh, tiêu diệt các chủng loại có mặt trên đất, sẽ làm ô nhiễm không những chỉ thiên nhiên mà còn cả tâm con người nữa, sẽ đem độc tố vào trong thân và trong tâm của những người sản xuất và tiêu dùng nữa. Vì vậy các doanh nghiệp, thương mãi, muốn phát triển kinh tế phải có đạo đức, nếu không có đạo đức thì sẽ có sự phá sản không sớm thì chầy. Ví như các vụ sửa Trung Quốc có chất milamin, Bột ngọt Vedan xả chất thải gây ô nhiễm sông thật là một tai nạn lớn không những cho một người mà nhiều người.
Trong giới chính trị cũng vậy, nếu chính trị mà không có đạo đức thì chính trị cũng phá sản. Người làm chính trị mà không có đạo đức thì không thể thiết lập được liên hệ tốt những người trong gia đình và xã hội. Gây tình trạng bế tắc truyền thông với nhau, những người lâm vào tình trạng đó thì khổ đau đè nặng trên trái tim họ, họ làm sao giúp được gia đình, xã hội. Vì vậy chính trị phải có đời sống tâm linh đạo đức để trước hết làm lành mạnh hóa, hạnh phúc bản thân và gia đình của mình rồi đem áp dụng thực tập trong đoàn thể chính trị. Khi đã thiết lập sự truyền thông giữa những người có cùng khuynh hướng chính trị, cùng một tổ chức, để có sự tin nhau, hiểu nhau. Để cùng đi chung trên con đường lý tưởng phục vụ dân phục vụ nước. Vì vậy chính trị cần phải có nếp sống đạo đức tâm linh.
¯

ÁP DỤNG ĐẠO ĐỨC TRONG CHÍNH TRỊ

Xưa vua Trần Thái Tông lúc 20 tuổi đã phải chịu đựng rất nhiều đau khổ. Thái sư Trần Thủ Độ là một nhà chính trị gần như không có trái tim. Lúc Trần Thái Tông mới có 20 tuổi, hoàng hậu Lý Chiêu Hoàng mới có 19 tuổi, mà Trần Thủ Độ nói rằng nếu không có con gấp thì thế nào cũng bị loại ra, không được làm hoàng hậu nữa. Phải có con gấp để nhà Trần có thể bảo đảm được sự tiếp nối. Trần Thủ Độ đă ép vua Trần Thái Tông phế Chiêu Thánh, giáng Chiêu Thánh xuống chức Công Chúa để gả cho một người khác, Và phải cưới liền vợ của anh ruột mình là Trần Liễu, người chị dâu đó là công chúa Thuận Thiên, chị ruột của Chiêu thánh. Lý do là Thuận Thiên đã có mang, nếu cưới thì trong 7, 8 tháng sẽ có con nối dõi. Một nhà chính trị không có đạo đức thì có thể hành động một cách dã man như vậy. Chàng thanh niên là vua lúc đó 20 tuổi vì có quá nhiều khổ đau như vậy, không muốn làm vua nữa, và bỏ hoàng cung tìm lên đến núi Yên Tử để đi xuất gia, ngày hôm sau Trần Thủ Độ lên núi buộc vua phải về làm vua. Vua khóc và không chịu về, Trần Thủ Độ nói vua không về ông sẽ cho xây đền đài cung điện tại đây. Vua đem nổi buồn đau khổ tâm sự với Quốc Sư Viên Chứng, trụ trì trên núi. Quốc Sư Viên Chứng nói: “Bây giờ đã là vua rồi thì không thể làm theo ý riêng của bệ hạ được? Vua phải theo ý dân, dân muốn bệ hạ về làm vua. Thì Bệ Hạ phải về để làm vua thôi”. Nhưng tôi có vài lời muốn nhắc Hoàng Thượng, dù làm Vua nhưng Bệ Hạ có thể tu học được. vậy xin Bệ Hạ đừng có ngày nào mà không học hỏi và thực tập đạo lý giải thoát”. Vì nghe lời an ủi đó của Quốc Sư Vua Trần Thái Tông. Đã chấp nhận về lại kinh đô để làm vua. Đêm nào vua cũng thức khuya để học thêm. Học thêm đạo nho để giỏi thêm về chính trị, học đạo Phật để có chiều hướng tâm linh đạo đức. Đủ để ôm áp chuyển hóa những nổi khổ niềm đau của mình. Vua mới có 20 tuổi mà đã thành công trên con đường chính trị, thành một nhà cầm quyền giỏi đó là nhờ có chiều hướng tâm linh và tu học. Trong sử ghi lại nhà vua đã hành trì một nghi thức gọi là Lục Thời Sám Hối Khoa Nghi, mỗi ngày vua thực tập bài sám và ngồi thiền 6 lần mà vẫn còn thời giờ để làm chính trị, và làm quân sự. Trong khi đó người anh ruột của vua là Trần Liễu phẩn uất vì đã bị cướp vợ và triệu tập binh sĩ, tổ chức hải quân để chống lại triều đình. Nhưng vì vua Trần Thái Tông đã biết tu học rồi nên vua đã tìm những phương pháp bất bạo động để giúp cho anh mình đầu hàng mà không trị tội. Cuối cùng Trần Liễu được ân xá, được cấp ruộng đất để sống một cách yên lành (185) và được ban cho chức hiệu An Sinh Vương. An Sinh Vương Trần Liễu có 3 người con. Trước khi qua đời An Sinh Vương gọi 3 người con tới bên giường và dặn các con phải trả thù cho cha, mối thù không thể nào quên được. Nhưng 3 người con đã tu theo Phật. Nên tất cả đều không nghe theo lời cha dặn mà lại dùng đạo đức để hóa giải với gia đình của người chú. Người con lớn là Hưng Ninh Trần Quốc Trung đã từng tham dự vào việc cầm quân chống lại cuộc xâm lăng của quân Nguyên và cũng đã từng tu học thành công để trở thành một vị thiền sư cư sĩ gọi là Tuệ Trung Thượng sĩ. Ông không những đã đóng góp cho chế độ bằng chiến công cứu nước dựng nước của mình mà còn đóng góp cho đất nước bằng các chiều hướng tâm linh của mình. Tuệ Trung Thượng sĩ đã trở thành một vị thiền sư giảng dạy trong triều đình và còn dạy thêm cho vua Trần Nhân Tông sau này. Trần Nhân Tông sau này sẽ đi xuất gia, trở thành Trúc Lâm Đại Sĩ. An Sinh Vương Trần Liễu có một người con gái sau này trở thành hoàng hậu của Trần Thánh Tông đó là hoàng hậu Thánh Thiên Cảm. Một người anh đóng góp về phương diện Quốc sư và đạo đức, Một người em gái đóng góp về phương diện bồi đắp gia đình, sinh con cho chế độ. Có một vị em trai nữa sau này là một vị đại tướng có công đánh quân Nguyên, đó là tướng Trần Hưng Đạo. Trần Hưng Đạo là em trai của thiền sư Tuệ Trung Thượng sĩ. Sở dĩ 3 anh em không báo thù mà đem hết tất cả sức mình để yểm trợ cho nước nhà vì họ đã được đạo đức của vua Trần Thái tông cảm hóa và chinh phục. Nếu không tu học thì vua Trần Thái Tông làm sao cảm hóa được 3 anh em? 3 anh em con của Trần Liễu cũng được hướng dẫn tu học rất sâu sắc. Cho nên yếu tố đạo đức, yếu tố tam linh đã làm cho vững mạnh triều đại nhà Trần. Cũng như đã từng làm vững mạnh triều đại nhà Lý. Những nhà chính trị trong nhà Lý- Trần đều có nếp sống tâm linh rất sâu sắc. Cho nên mới có được triều đại huy hoàng vững mạnh như thế. Điều này cho ta thấy chiều hướng tâm linh và đạo đức vô cùng quan trọng trong mọi lĩnh vực đời sống con người về phương diện tôn giáo và chính trị, kinh tế giáo dục .....
Thời nay, tướng Võ Nguyên Giáp cũng đã từng thực tập thiền mỗi ngày. Và cựu thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng đã từng đến Chùa Đậu quy y. Nhưng các vị này tuổi đã lớn. Trần Thái Tông đã hết tu năm 20 tuổi. Và nhờ đó hóa giải được khó khăn cho bản thân mình, cho gia đình và cho xã hội. Và đã có thể đối phó với hận thù, chia rẽ và tham nhũng, chúng ta có thể làm gì để giúp nước an dân. Nếu mỗi người chúng ta không có chiều hướng tâm linh và đạo đức. Chúng ta không chịu thanh lọc, không biết truyền thông thì chúng ta không có hạnh phúc, chúng ta không có hạnh phúc thì chúng ta không có khả năng đem lại hạnh phúc và an lạc cho nhau trong mọi tình huống.
(Phỏng theo “Thông Điệp Tình Huynh Đệ” HT Nhất Hạnh 10-2008)

********

TÔN GIÁO VÀ ĐẠO ĐỨC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét