Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

TÍNH CHẤT NHÂN QUẢ BÁO ỨNG

TÍNH CHẤT NHÂN QUẢ BÁO ỨNG

          Nói đến nhân quả có ba trường hợp như sau:
          a/ Công bằng  b/ Khó thấy c/ Khi đủ nhân duyên mới sanh quả báo.
           Nhân quả báo ứng là điều mà hết thảy các bậc thánh nhân xuất hiện ở đời đều tuyên dương. Kinh Dịch nói: “Tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh, tích bất thiện chi gia, tất hữu dư ương”. (Nhà tích chứa điều thiện ắt sẽ có niềm vui, nhà tích chứa điều bất thiện ắt sẽ gặp tai ương).  Kinh Niết Bàn của Phật gia nói: “Thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình, tam thế nhân quả, tuần hoàn bất thất”. (Quả báo thiện ác, như bóng theo hình, nhân quả ba đời xoay vần không mất).  “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” của Đạo gia nói: “Họa phúc vô môn, duy nhân tự chiêu, thiện ác chi báo, như ảnh tùy hình”. (Họa hay phúc, do người tự tạo, quả báo của thiện ác, như bóng theo hình). Qua đây đủ biết nhân quả báo ứng xác thực là điều mà các bậc thánh nhân tại thế gian và xuất thế gian đều muốn tuyên dương.
          Nói đến nhân quả không riêng Phật giáo đề cập mà các tôn giáo khác cũng đều đề cập. Nhưng cách trình bày nhân quả của các tôn giáo, các chủ thuyết khác họ chỉ nói nhân quả một chiều không toàn diện như sự trình bày và lý giải của đạo Phật. Ví như những người theo Thiên chúa giáo chủ trương tất cả đều do Thượng đế sáng tạo, Thượng đế muốn ai thế nào thì người đó phải như thế ấy. Hay phái Kì Na giáo chủ trương tội phước, khổ vui đều do đời trước tạo ra, tất nhiên phải chịu đền trả, không phải ngày nay tu hành có thể dứt được.  Ngoài ra các phái như Hoài nghi luận, Duy Vật luận, Khoái lạc luận, Vô đạo đức luận, Vô nhân luận chủ trương không do nhân duyên mà chỉ do tự nhiên sinh, phủ nhận nghiệp báo thiện ác, nhân quả.  Khác biệt với các chủ trương trên, Phật giáo rất đặc biệt và đặc thù chủ tuyên Duyên khởi Nhân quả.
     Duyên khởi và nhân quả là những giáo lý hết sức căn bản và thiết yếu của Phật giáo. Trong đó, thuyết nhân quả báo ứng đưa ra quan điểm thấu triệt và hợp lý hơn hết.
    Theo quan điểm này, mỗi một sự việc xảy đến cho mỗi người chúng ta trong cuộc sống đều có một nguyên nhân sâu xa, trực tiếp hoặc gián tiếp, từ những hành động, lời nói, ý nghĩ mà chính ta đã từng thực hiện. Chúng ta sẽ không mong sẽ gặt hái những quả báo tốt, nếu chỉ gieo trồng những hạt giống xấu, bằng những hành vi xấu, trái đạo đức. Ngược lại, nếu chúng ta làm lành lánh dữ, thường giúp đỡ người khác thì những điều tốt đẹp sẽ tự nhiên tìm đến với mình, cho dù chúng ta chẳng hề để tâm mong cầu, rõ là: “phước lành tự đến do công đức thành”.
          Ai hiểu được nhân quả thì giúp cho chúng ta tháo gỡ được hoài nghi thắc mắc, đầy đủ nghị lực để đối diện với sự thật và hóa giải mọi hoàn cảnh, mọi tình huống. Bởi một khi hiểu triệt được nhân quả, ắt hẳn sẽ không còn ai hỏi “tại sao có người tốt làm lành mà bị bịnh khổ hành hạ, nghèo khổ, làm quần quật nhưng cơm không đủ ăn, áo không đủ ấm, gian truân suốt đời...Trong khi đó nhiều người xấu ác mà mỗi ngày đều ăn sơn hào hải vị, thụ hưởng dục lạc đầy đủ, sự nghiệp ngày càng phát triển, tiền vô như nước, thân thể khỏe mạnh, chức vị càng lên cao. Hình như luật nhân quả báo ứng không đến với những người này. Một khi đã thực sự hiểu nhân quả, chúng ta biết trong tiến trình từ nhân dẫn đến quả, đòi hỏi cần có duyên làm chất xúc tác. Nếu chỉ có nhân mà không có duyên, thì quả chưa thể phát sanh. Vả lại, trong tiến trình tiếp diễn ấy, có khi nhanh, có khi chậm, có những nhân dẫn đến quả ngay (hiện báo), song có những nhân từ đời này đến đời sau mới hình thành quả (sinh báo) hoặc có những nhân đã tạo thành nhưng phải qua nhiều đời sau mới nhận lãnh quả báo (hậu báo).
          Khi đã hiểu được nhân quả rồi thì ta không còn “đỗ lỗi cho số phận” bởi thực sự trên đời này không có cái gì gọi là “số phận” không có cái “luật” “số đã vậy, phải chấp nhận vậy”. Tất cả đều được soi rọi bởi lăng kính nhân quả, mình gieo nhân nào thì phải gặt quả ấy. Chiếu theo nhân quả, tuyệt nhiên không có chuyện “đời cha ăn mặn, đời con khát nước” ai gây tạo thì người ấy phải nhận lãnh hậu quả. Tất cả sự việc đều kết nối với nhau thông qua dây xích “duyên sinh” mà thôi.
Không trên trời dưới biển
Không lánh vào động núi
Không chỗ nào trên đời
Trốn được quả ác nghiệp
(Pháp Cú: Kệ 127)
          Lý nhân quả trong Phật giáo có tính giáo dục luân lý đạo đức rất cao, đem lại hiệu quả rất tốt đẹp, góp phần nâng cao và phát huy tính hướng thiện cho tất cả mọi người.
          Nhân quả giúp cho con người sớm thức tỉnh và quay về con đường hướng thiện- Góp phần an ninh xã hội, cứu vãng những cuộc đời bất hạnh của những người đang và sẽ đi lạc vào con đường tăm tối, khổ đau.
          Mỗi tôn giáo đều có lý luận nhân quả riêng của mình, nội dung không giống nhau. Luật nhân quả báo ứng được quan niệm khác nhau, thậm chí đang tồn tại sự khác biệt khá lớn. Phật giáo đối với “nhân quả báo ứng” có cái nhìn đầy đủ và thấu triệt hơn. Nội dung lý luận nhân quả trong Phật giáo rất rộng rãi mênh mông, chúng ta chỉ hiểu và suy nghiệm trong một số phạm trù nào đó thôi chứ không thể nói hết được.
          1/ Nhân quả thông ba đời:
          Gọi là “ba đời” tức chỉ cho đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai. Đời hiện tại  là chỉ cho đời hiện tại ta đang sống. “Đời quá khứ” phạm vi bao gồm đời trước của đời hiện tại, cho đến vô lượng về trước, thời gian này gọi là đời quá khứ. “Đời vị lai” phạm vi bao gồm đời sau của đời hiện tại, cho đến vô lượng đời về sau, thời gian này gọi là đời vị lai.
          Gọi là “nhân quả thông ba đời”, có hai nghĩa: Thứ nhất, từ khi làm thiện hoặc tạo ác cho đến lúc gặp quả báo, thời gian có mau, chậm. Nếu nói mau sẽ có quả báo ngay đời hiện tại. Còn nói chậm có thể đời trước tạo nhân, đến đời nay mới nhận quả, cũng có rất nhiều trường hợp đời này tạo nhân, mãi đến nhiều đời sau mới nhận quả. Nếu nói lâu nữa, từ nhân đến quả, phải trải qua thời quá khứ, đời hiện tại, đời vị lai, có khi phải trải qua thời gian tăm ngàn vạn kiếp, hoặc vô cùng vô tận kiếp mới có quả báo. Thứ hai, sau khi nhận quả, thời gian thọ quả cũng có dài ngắn khác nhau. Nói ngắn, chỉ vài ngày, vài tháng hoặc vài năm. Còn nói dài, thời gian vô cùng tận.
          2/ Làm thiện nhỏ được phước báo nhỏ, làm thiện lớn được phước báo lớn. Làm ác nhỏ bị ác báo nhỏ, làm ác lớn bị ác báo lớn.
          a/ Làm thiện nhỏ được phước báo nhỏ, làm thiện lớn được phước báo lớn.
          Chính là nói: “Làm việc thiện nhỏ được phước báo nhỏ”. Phước báo nhỏ thì mức độ hưởng quả ít, như tiền làm ra ít, danh lợi nhỏ, làm quan nhỏ, làm chủ nhỏ, ít sức khỏe, thời gian thọ phước báo ngắn, có khi được vài ngày, vài tháng, vài năm, cũng có khi được 2,3 mươi năm là hết. “Làm thiện lớn được phước báo lớn”. Phước báo lớn thì mức độ hưởng quả nhiều hơn, như tiền làm ra nhiều, danh lợi lớn, làm quan to hoặc làm chủ xí nghiệp lớn, thậm chí làm vua, làm tổng thống, đời sống sung túc, thời gian thọ báo dài, có khi được một đời, hoặc mười đời, trăm đời, cho đến trăm ngàn kiếp mới hưởng tận.
          Vì duyên cớ này, nếu có người trong quá khứ làm được những việc lành lớn, có thể rất nhiều đời trước anh ta đã bắt đầu hưởng phước báo đó rồi, mãi cho đến ngày nay, thậm chí cho đến nhiều đời vị lai mới hưởng hết. Trong khi hưởng chưa hết, không ai có thể tranh giành hoặc chiếm đoạt phước báo đó của anh ta.
        b/Làm ác nhỏ bị ác báo nhỏ, làm ác lớn bị ác báo lớn.
          Ác báo nhỏ mức độ nhẹ, như bị bệnh nhẹ, gặp trắc trỏ nhỏ, làm nhiều hưởng ít, nghèo khổ, thấp hèn. Ác báo nhỏ, thời gian chịu ác báo ngắn, có khi vài ngày vài tháng, vài năm, hoặc 2, 3 mươi năm thì hết.  Ác báo lớn, mức độ nặng, hoặc bị bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo, chết yểu, bất đắc kỳ tử, gặp trắc trở lớn, hoặc bị đui, điếc, câm, ngọng, tàn tật, hoặc bị đói, bị khát, lạnh, nóng bức bách: thời gian thọ báo dài, có khi một đời, mười đời, trăm đời, ngàn đời, thậm chí trăn ngàn kiếp mới hết.
         Do những nguyên nhân này, nếu có người trong đời quá khứ tạo những việc cực ác, rất có khả năng anh ta đã bắt đầu chịu ác báo trong nhiều đời về trước và cho mãi đến hôm nay, thậm chí cho đến nhiều đời sau mới thọ hết. Trước khi chưa thọ hết ác báo, không ai có thể giảm nhẹ hoặc giải trừ những ác báo đó.
          3/ Thiện ác không thể đánh đổi cho nhau.
          “Thiện nghiệp và ác nghiệp không dễ dàng đánh đổi cho nhau, cho nên cần phải có những điều kiện tương đương mới có khả năng bù trừ được”. Đây là nguyên tắc quan trọng để duy trì tính công bằng của luật nhân quả. Thiện ác có khi cũng có khả năng đánh đổi cho nhau, nhưng chúng ta không dùng chữ đánh đổi, bởi “đánh đổi” chỉ là hiện tượng bề ngoài chúng ta thấy được, chúng ta nên dùng chữ “chuyển nghiệp” thì hay và chính xác hơn- chuyển nghiệp tức là nói “vốn có phước báo, nhưng do tạo ác nên phát sinh chuyển biến theo chiều hướng xấu” hoặc “vốn có ác báo nhưng do sám hối, dừng ác, tu thiện, niệm Phật mà phát sinh chuyển biến theo chiều hướng tốt”. Lúc này những nghiệp báo bị chuyển biến, hoặc từ nặng sang nhẹ, từ nhẹ chuyển thành không, hoặc phải chịu ác báo trong đời này, nhưng nhờ đây mà chuyển sang đời sau, hoặc đáng lẽ đời sau mới chịu ác báo, nhưng do tạo ác đời này phải chịu, hoặc những ác nghiệp đó đều bị đoạn diệt hoặc ác báo ẩn. Sau này khi gặp duyên mới phát khởi trở lại. Vấn đề này vô cùng phức tạp không thể luận bàn hết được và cũng không thể dùng vài lời đơn giản mà nói rõ được.
          Đặc tính này cùng với những vấn đề trên thế tục khác nhau rất xa. Người đời khi phạm tội, nếu có tiền, có địa vị, có thế lực, chỉ cần lấy tiền hối lộ cho bọn tham ô, liền có thể thoát khỏi hình phạt. Nhưng trời đất chí công vô tư, đứng trước luật nhân quả, không phân biệt giàu nghèo, sang hèn gì cả, tất cả đều bình đẳng như nhau. Thiện ác không thể tùy tiện đánh đổi khi anh tạo nghiệp ác, dầu anh có tiền, có thế lực, cũng không thể dùng tiền làm việc thiện, lấy thế lực để mong đánh đổi ác nghiệp thành thện nghiệp được. Nếu luật nhân quả cũng giống như kẻ tham ô, thì những người có tiền, có thế lực, chúng chẳng sợ gì cả, chúng cứ ra sức làm ác, sau đó dùng tiền làm thiện, lấy thế lực ra dương oai, liền có thể tiêu tai, khỏi phải thọ ác báo, như vậy có thể gọi công bằng sao?
          Nhưng mục đích Phật ra đời vì cứu độ chúng sanh ra khỏi biển khổ, đương nhiên cũng từ bi luôn với những người chưa tin Phật pháp, không rõ nhân quả, phạm trọng tội, Ngài chỉ cho họ biết hối cải, hướng đến con đường thiện. Vì vậy dưới những điều kiện tương đối phù hợp, nghiệp báo có thể chuyển biến. Đây là tia hy vọng cho những người tạo ác báo, đang bị thống khổ cùng cực.
          4/ Nhân duyên hội hợp mới sinh quả báo
          Làm thiện được phước báo, làm ác bị khổ báo, làm thiện là “nhân”phước báo là “quả”, lám ác là “nhân” khổ báo là “quả” nhân có khả năng sinh ra quả, có quả nhất định phải có “nhân”. Đây là đạo lý nhất định.
          Nhưng sau khi có “nhân” rồi cần phải phối hợp với “duyên” mới có thể sản sinh ra “quả”- “nhân” giống như hạt giống “duyên” giống như đất, phân, nước, không khí, ánh sáng...Sau khi đã có đầy đủ những duyên này, lại đòi hỏi chúng phải phối hợp với nhau, hạt giống mới nảy mầm, phát triển và ra hoa kết quả. Nếu thiếu duyên, hạt giống chỉ là hạt giống thôi, không thể tự nó ra hoa kết quả được. Nhưng hạt giống vẫn tồn tại không mất, chỉ cần một ngày nào đó gặp duyên, nó sẽ đâm chồi và ra hoa kết trái.
          Do vậy, nhân duyên đầy đủ mới sản sanh ra quả báo, cho nên nhân tạo đời trước không nhất định sản sinh quả báo ở đời trước, đời sau tạo nhân không nhất định sản sinh quả báo ở đời sau, còn tạo nhân đời này, cũng không nhất định liền sản sanh quả báo ngay đời này.       
          Thông thường, phần lớn mọi người do không thấy hiện báo ở đời hiện tại cho nên phủ định sự tồn tại của nhân quả báo ứng - Kỳ thực trong kinh Đức Phật đã sớm nói cho chúng ta biết: dù trải qua thời gian trăm kiếp ngàn đời lâu xa như vậy, những nghiệp thiện, nghiệp ác chúng ta đã tạo không bao giờ mất chỉ cần gặp duyên, liền sản sanh ra quả báo, quả báo này do mình làm mình chịu.
          5/ Nhân quả phức tạp khó thấy
          Luật nhân quả tuyệt đối công bằng, do đó chắc chắn cũng vô cùng phức tạp, hai, ba đời khó mà nói rõ. Chúng ta đã biết nhân quả thông cho ba đời, vì thế không thể thấy được toàn bộ chân tướng của nó.
          Do nhân quả thông ba đời, cho nên một hành vi thiện hoặc ác, từ khi bắt đầu cho đến kết thúc, đều phải trải qua thời gian rất dài của đời quá khứ, đời hiện tại và đời vị lai, chỉ có trí tuệ cùng thần thông của Phật mới có khả năng hiểu triệt hết, chứ hạng phàm phu chúng ta, nhiều khi sự việc ở đời hiện tại còn không biết rõ, huống gì những sự việc ở đời quá khứ và vị lai làm sao biết được.
          Nhân quả báo ứng có lúc khó thấy, khó lường, giống như núi băng nổi trên mặt biển, chúng ta chỉ thấy được phần băng nổi trên mặt nước, còn phần chìm trong nước khó ai nhìn thấy. Cũng có rất nhiếu khi phần nổi trên mặt nước rất nhỏ, mà phần chìm trong nước vô cùng lớn. Những người mới lái thuyền, thông thường chỉ tin vào mắt mình, vả lại không được người có kinh nghiệm chỉ dạy, khi thấy núi băng tưởng đây chỉ là một tảng băng nhỏ, nên cho thuyền lướt qua luôn-kết quả khó tránh khỏi thuyền đắm, người chết hối hận thì đã quá muộn.
          Người không rõ nhân quả cũng giống như vậy, y chỉ tin vào mắt mình, cho mắt mình chính xác, rồi chê bai những lời Phật dạy về nhân quả là sai sự thật, không chính xác, những người như thế thật ngu muội, chẳng khác nào con ếch nằm dưới đáy giếng. Người đã không tin nhân quả nên khi nghe nói nhân quả liền bĩu môi chê cười. Do đó suốt ngày chỉ tìm kẻ hở của luật nhân quả để soi mói, mà họ chẳng chịu làm theo nhân quả, để hướng đến điều thiện rời xa điều ác, cải đổi vận mệnh của mình- Kết quả khó tránh khổ báo, có khi bị đọa lạc trong đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đau khổ đời đời, không có ngày ra. Những người như thế, vừa đáng thương, vừa đáng tiếc.
          Tuy chúng ta không biết được chuyện của quá khứ và vị lai, bên cạnh đó nhân quả báo ứng thường khó thấy khó lường, nhưng may thay cũng có một số chứng cứ mắt thấy tai nghe về nhân quả báo ứng, như đời này làm thiện đời này được phước báo, còn đời này làm ác đời này chịu ác báo.
          Do đó chúng ta nên dựa vào những chứng cứ này, để gián tiếp chứng minh quy luật nhân quả ba đời Đức Phật đã nói không hư dối.
          Tại sao người làm thiện không thấy gặp phước báo
          Kinh Phật nói: “làm thiện có phước báo” tại sao rất nhiều người làm tốt, nỗ lực làm thiện mà vẫn gặp tai nạn bệnh khổ, lam lũ quanh năm...
          Như trước đã nói nhân quả thông cho ba đời, chúng ta cần phải hiểu rõ và tin chắc, cho nên bất cứ người nào khi gặp chuyện bất trắc, tai nạn, bệnh tật.v.v…biết chắc rằng người này trong đời quá khứ đã tạo ác nghiệp, ngày nay phải thọ ác báo. Nhưng ngày nay nỗ lực làm thiện, chuyển nghịch cảnh thành thuận cảnh và cải đổi vận mệnh, thực hành như vậy có thể đạt được những kết quả như sau:
          a/ Các loại điều kiện chưa có thể phối hợp, cho các hành vi thiện chưa có khả năng chuyển đổi nghiệp báo. Lúc này đương nhiên người ấy phải thọ ác báo, cho đến khi thọ báo xong mới hết.
          Cái gọi là các điều kiện chưa có thể phối hợp chính là nói: thiếu tâm từ bi, tâm tha thứ, tâm sám hối, tâm tu thiện cho đến không làm mười điều thiện, hoặc có làm thiện nhưng năng lượng thiện chưa đủ, cho nên còn phải chịu ác báo.
          b/ Các loại điều kiện phối hợp rất đầy đủ những hành vi thiện có thể chuyển biến được ác báo, có thể khiến cho thời gian thọ ác báo dài chuyển thành thời gian thọ ác báo ngắn. Nghĩa là với hành vi ác đó, anh có thể bị ác báo 10 năm, nhưng do anh biết tu thiện nên thời gian thọ báo của anh chỉ còn vài tháng - Nhưng nếu ác báo đã tạo trong đời quá khứ quá nặng, anh phải chịu ác báo trong thời gian rất dài, những hành vi thiện hôm nay có thể đạt được phước báo, nhưng hiềm một nỗi phước báo quá ít, trong khi đó ác báo quá nhiều, những hành vi thiện chưa tương đương với những hành vi ác, nên chỉ chuyển được phần nào của nghiệp mà thôi, vì vậy vẫn còn rất nhều ác báo chưa chuyển biến, cho nên thọ ác báo, thọ cho đến khi nào ác báo hết mới thôi.
          Ví dụ một người bị bệnh ung thư, bệnh nhân phải chịu sự giày vò giữ dội của căn bệnh, phải chịu như vậy một năm. Khi bệnh chẳng những tốn tiền mà còn làm liên lụy đến bà con, gia đình. Nếu anh ta có làm thiện, tuy kết quả của việc làm thiện không giúp anh ta khỏe trở lại như xưa, hoặc làm giảm đi sự thống khổ, nhưng có thể giúp anh ta chết sớm hơn. Đáng lẽ phải chịu đau khổ hơn 1 hoặc 6 tháng, nhưng bây giờ chỉ chịu khổ trong 3 tháng 4 tháng. Như vậy giúp anh ta khỏi phải chịu đau khổ một thời gian. Vừa giúp gia đình đỡ tốn kém một thời gian chi phí cho thuốc men.
          Ví dụ trên mới xem qua chúng ta cứ ngỡ làm thiện không có tác dụng gì cả, bởi người bị ung thư vẫn không thể lành bệnh, và cuối cùng người ấy cũng chết. Nhưng trên thực tế, làm thiện giúp anh ta và gia đình có được một sự lợi ích. Do đó đặc tính của luật nhân quả khó thấy, khó lường, chúng ta không rõ chân tướng của sự thật đó thôi.
          c/ Các loại điều kiện phối hợp rất đầy đủ kết quả của hành vi thiện có khả năng chuyển ác báo nặng thành ác báo nhẹ, do chúng ta chỉ nhìn thấy người kia thọ ác báo, rồi liền ngộ nhận cho rằng làm thiện không có kết quả gì cả, mà chúng ta không chịu xét xem thời gian người ấy họ báo bao lâu.
          Ví dụ có người bị bệnh ung thư, chịu thống khổ giày vò, dữ dội, phải chịu như vậy cả năm mới chết- Nhưng người này qua công tu phước, tu thiện tích đức, ăn chay sám hối niệm Phật, nhờ những công đức này làm cho mức độ chịu thống khổ của anh ta nhẹ hơn nhiều hơn so với những người cùng chứng bệnh như anh. Tuy ta thấy anh ta vẫn phải chịu thống khổ, song trên thực tế thống khổ ấy được giảm đi rất nhiều. Và cũng có người bị bệnh ung thư nỗ lực sám hối,  niệm Phật, tu thiện, bệnh được bình phục khỏe mạnh.
          Dẫu biết rằng bệnh ung thư y học  vẫn chưa tìm ra thuốc chữa trị, nhưng người sám hối niệm Phật, tu thiện được hết bệnh. Đây là do tác động hành thiện mà thay đổi ác nghiệp.
           Người làm ác sao không thấy quả báo ?
           Như đã nói làm ác sẽ bị quả báo ác, tại sao có nhiều người làm xấu ác, cho đến không chừa một việc ác nào, nhưng vẫn được thăng quan tiến chức, tiền bạc dồi dào, đời sống sung túc, mọi việc đều như ý, khiến cho ai nấy đều khâm phục.
          Như chúng ta đã biết, nhân quả thông cho ba đời, do đó không luận là người nào, nay được làm lớn, tiền bạc nhiều, danh tiếng khắp nơi, chúng ta biết rằng trong đời trước người này đã làm việc lành rất lớn, cho nên nay được hưởng phước báo. Nhưng đời này anh ta không làm thiện mà làm toàn điều xấu ác, kết quả có thể xáy ra như sau:
          a/ Nếu ta chấp nhận thiện ác không đánh đổi cho nhau, đương nhiên anh ta có thể tiếp tục hưởng thụ phước báo, tiếp tục thăng quan tiến chức, tiếp tục kiếm được nhiều tiền, tương ưng với việc lành anh ta đã tạo. Đến khi phước báo hưởng hết, mới bắt đầu gặp những ác báo anh ta đã tạo trong đời này. Thời gian thọ phước báo tùy vào hành vi thiện đã tạo trong quá khứ, có thể vài năm, hơn 10 năm, hoặc đến khi chết phước báo mới hết, cũng có khi đến đời sau anh ta lại tiếp tục được hưởng phước báo, hưởng đến khi nào hết mới bắt đầu thọ ác báo.
          b/ Nếu có người tạo ác, phải chịu ác báo, nhưng do những việc thiện anh ta đã làm ở đời trước quá lớn, thời gian hưởng phước báo cũng quá dài, tuy hiện tại làm ác, lẽ ra phải thọ ác báo, nhưng phước báo của đời trước quá lớn, nên có thể đến chết cũng hưởng chưa hết. Cho nên, trong đời này có được đời sống sung sướng, đương nhiên chúng ta sẽ không thấy anh ta bị quả báo của hành vi ác.
          c/ Do anh ta tạo ác liên tục, làm cho phước báo bị giảm thiểu, nhưng phước báo còn khá lớn nên anh ta vẫn được hưởng thụ phước báo, có đời sống sung túc giàu sang. Mọi người thấy như vậy vội kết luận “làm ác không bị quả báo”.
          d/ Lúc hưởng hết phước báo, những hành vi ác đã tạo dồn chứa lại rất nhiều, do đó cơ duyên của ác báo đã thành thục, anh ta sẽ bắt đầu gặp khổ báo, như làm ăn thua lỗ, nợ nần chồng chất, con cái phá sản, đời sống vô cùng cơ cực, cho đến gặp những căn bệnh hiểm nghèo, gặp tai vạ bất ngờ …Lúc này hối hận cũng không kịp.
          Do đây chúng ta có thể biết, hiện tại chúng ta thấy có nhiều người tuy làm ác, nhưng họ vẫn được thăng quan tiến chức, tiền của dồi dào, mọi việc đều toại nguyện, đều thuộc về ba trường hợp trên.

***

TÍNH CHẤT NHÂN QUẢ BÁO ỨNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét