Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

TU LUYỆN TÂM TÍNH

TU LUYỆN TÂM TÍNH

          Người tu tập phải đặt sự tu luyện tâm tính lên hàng đầu, và lưu ý rằng tâm tính là chìa khóa để tăng trưởng công hạnh (công đức). Nói một cách khác, công lực quyết định trình độ của một người không phải trên thời gian dài lâu hay công sức vật chất nhiều được tăng trưởng mà là bằng sự dụng công luyện tập tâm tính. Người tu tập phải có sự phấn đấu gia công cao độ, phải chịu khổ trong những cái khổ, phải nhẫn những việc khó nhẫn v.v..
     Tại sao có người tu tập nhiều năm mà sự giải thoát họ không cao, không có, đức hạnh không tăng? Lý do căn bản là: a/ Họ không chú trọng vào tâm tính, b/: Họ không áp dụng các phương pháp tu học vào trong đời sống, c/: Họ không quan tâm đến việc học tập để mở mang trí tuệ. Phần đông người đến với đạo là để cầu phước, cầu an chứ không cầu giải thoát, không cầu giác ngộ, không cầu thành Phật, không cầu hết phiền não, không mong ra khỏi sanh tử luân hồi.
     Người tu dần dần từ bỏ những suy nghỉ và hành vi tiêu cực như: tham lam, tự lợi, sắc dục, sát sanh, ẩu đả, trộm cắp, cướp gật, lừa đảo, tật đố, ganh tỵ v.v…Người tu tập buông bỏ sự truy cầu dục vọng, những thứ cố chấp mà con người thường am giữ. Nói cách khác là phải từ bỏ tất cả những chấp trước và xem nhẹ vấn đề danh lợi.
      Làm người tốt thì dễ, nhưng tu luyện tâm tánh thì lại không dễ, người tu phải chuẩn bị tinh thần. Người tu phải có thật lòng mong muốn trước khi cố gắng sửa đổi tâm tính của mình. Cuộc sống trong thế gian rất phức tạp. Ta muốn hành thiện nhưng có người không muốn ta làm như vậy. Ta không muốn làm hại người khác, nhưng người khác lại muốn làm hại ta, vì các lý do khác nhau. Một số điều này xảy ra không phải ngẫu nhiên. Chúng ta sẽ hiểu sao? và sẽ nên làm gì? Những thứ thử thách trên thế gian kiểm định tâm tính chúng ta trong mọi thời khắc. Khi đối mặt với sự tủi nhục không thể tả, khi lợi ích thiết thân bị tổn thương, khi bị cảm dỗ trước tiền bạc và sắc dục, khi đấu tranh quyền lực, khi tức giận và đố kỵ nổi lên trong các cuộc xung đột, khi xảy ra bất hòa trong gia đình và xã hội, và khi nếm trải mọi loại khổ, liệu chúng ta có thể tuân theo yêu cầu chặt chẻ về tâm tính hay không? Nếu chúng ta có thể làm được tất cả thì chúng ta đã là người giác ngộ rồi. Người tu tập phần lớn bắt đầu từ con người bình thường. Sự tu luyện tâm tính cũng từ từ và tiến lên từng bước một. Người tu cương quyết phải chuẩn bị để chịu đựng những khổ đau và đương đầu với các khó khăn bằng một ý chí vững chắc, và dĩ nhiên sẽ đạt được kết quả. Người tu tập phải nghiêm khắc giữ gìn tâm tính của mình và luôn đề cao công lực. 
        Người thường ai cũng muốn có chút tiếng tăm, tư lợi một cuộc sống đầy đủ khá giả, nhiều tiện nghi và nhiều tiền của. Đây là mục đích của người thường. Là người tu chúng ta lại khác hẳn. Vì chúng ta mong đạt được sự giải thoát của sự triền phược phiền não chứ không phải cái đó. Tu không phải bỏ qua vật chất mà ta xem nhẹ nó đi. Chúng ta tu tập trong xã hội người thường và cần phải sống như người thường, điều là phải khác với họ là không tham lam, không sân giận, không nhiễm. Chìa khóa của sự tu tập là pháp buông xả các chấp trước. Chúng ta không đòi hỏi phải mất nhiều thời gian và công sức cho sự dụng công. Mọi việc không thể nào tốt đẹp ngay lập tức. Sự tu tập cũng vậy, không thể một sớm một chiều mà giác ngộ ngay được. Nhưng bằng một cách nay tu một chút mai tu một chút và thăng tiến từng bước, mới có thể đạt được. Tuy nhiên trên con đương tu tập chúng ta sẽ đạt nhiều hơn là mất. Với thái độ xem nhẹ tư lợi, chúng ta muốn thu lợi ít hơn để có bình yên trong tâm hồn. Chúng ta có thể chịu đựng một vài mất mát nào đó về quyền lợi vật chất, nhưng chúng ta sẽ được thêm đức và công. Sự thật là vậy, không phải chúng ta cố ý đạt được đức và công bằng cách đánh đổi bằng danh tiếng, tiền của và tư lợi. Chúng ta có thể hiểu điều này hơn nữa khi ngộ tính của ta đề cao lên.
      Con đường tu tập là con đường đúng đắn nhất. Người tu thật ra là người thông minh nhất. Những điều mà người thường tranh giành và các lợi lộc nhỏ nhoi mà họ sẽ kiếm được chỉ kéo dài một thời gian ngắn. Ngay cả nếu của cải có được do sự tranh giành, hay kiếm được một ít lợi lộc tự mình làm ra đi nữa, rồi chuyện gì sẽ xảy ra? Có câu nói trong nhân gian rằng: “Khi ta chào đời, ta không có gì trong tay, lúc khi chết ta cũng không đem theo được thứ gì”. Thật vậy, lúc ta chào đời từ bụng mẹ đi ra bằng hai bàn tay không, thì khi ta chết cũng sẽ với hai bàn tay trắng. Ngay cả xương cốt của ta cũng sẽ thành tro bụi sau khi đi thiêu đốt hoặc chôn cất. Nó không là gì cả, mặc đầu chúng ta để lại một gia sản khổng lồ, hay quyền cao chức trọng, chúng ta không thể mang theo thế giới bên kia. Nhưng công đức tu hành thì có thể đem theo được, vì nó sản sinh trên thân của nguyên thần chúng ta. Công đức nó quý giá vô cùng, thật khó khăn mới đạt nên công đức, nên không thể đổi nó với bất cứ một số tiền lớn nào. Khi công của ta đạt đến một trình độ thật cao, và ngày nào đó chúng ta không tu nữa, miễn là không làm điều xấu, thì không vì thế mà nó mất.
     Có người vì lợi lộc cá nhân đã chiếm đoạt những thứ không thuộc về của họ bằng các thủ đoạn bất chính. Những người này họ sẽ nghĩ rằng họ đã đạt được món lợi lớn. Nhưng thật ra những lợi ích mà họ đạt được là do sự trao đổi đức của họ với những người khác, nhưng họ lại không biết điều này. Đối với người tu, nó phải bị khấu trừ từ công của họ, đối vời người thường chưa tu, nó phải bị khấu trừ tuổi thọ của người đó hay là các phương diện khác. Nói tóm lại, nợ nần sẽ được thanh toán. Đây là một chân lý sẳn có trong vũ trụ. Có một số người luôn luôn bắt nạt kẻ khác hay hãm hại kẻ khác với những lời lẽ xấu xa v.v...Khi những hành động này xảy ra, họ đang mất một phần đức của họ sang cho người kia để đổi lấy những hành động gây thương tổn cho kẻ khác.
     Có người cho rằng thật là thiệt thòi khi làm một người tốt. Nhưng không phải vậy, mới nhìn bên ngoài ta cho là thiệt thòi, nhưng bên trong công đức được tăng trưởng. Dưới cái nhìn của người thường thì họ cho là thiệt thòi. Nhưng họ có được những điều mà người thường không thể có được. Đó là “Đức” một thứ không thể thấy bằng con mắt thịt được, không thể nghe bằng lỗ tai, nhưng mà cực kỳ quan trọng và quý giá vô cùng. Không có đức thì sẽ không có công, đó là chân lý tuyệt đối. Tại sao nhiều người tu nhưng công của họ không tăng? Chính là vì họ không tu luyện đức. Nhiều người nói về đức và sự cần thiết của đức, nhưng họ không hiểu rõ nguyên tắc thật sự làm thế nào để chuyển hóa đức thành công. Ba tạng kinh điển, đức Phật đã thuyết trong 49 năm lúc ngài còn tại thế, tất cả nội dung cũng đều nói về một điều đó là “Đức”.  Các sách tu luyện của Đạo giáo tất cả cũng chỉ bàn về Đức.
      Khi tu tập chúng ta phải gặp sự khảo nghiệm, sự khảo nghiệm này sẽ gây đau đớn về thân hay về tâm. Những đau đớn khổ nạn có thể xảy ra với chúng ta ở ngoài xã hội hay trong gia đình hoặc nơi làm việc, tất cả đều có thể xảy ra. Xung đột bổng nhiên nổi lên vì tự ái hay va chạm tự ái. Mục đích là để nâng cao tâm tính của hành giả, nếu chúng ta gặp những điều phiền phức hay rắc rối xảy ra, làm ta xấu hổ, hay đặt ta vào vị trí khó xử, vậy chúng ta phải đối xử như thế nào? Nếu chúng ta giữ được bình tỉnh không nổi nóng, nếu chúng ta có thể làm như vậy, tâm tính của chúng ta được nâng lên sau khi trãi qua thử thách này. Đồng thời công phu của hành giả sẽ được nâng cao tương ứng. Nếu chúng ta có thể làm xong một chút, thì chúng ta sẽ được một chút vậy. Chúng ta sẽ được bao nhiều là tùy thuộc vào sự cố gắng ít hay nhiều của chúng ta. Phần đông khi bị khảo nghiệm, người ta khó mà có thể nhận thức được điều này. Tuy nhiên ta phải nhận thức được nó và không được lẫn lộn với người thường. Chúng ta nên giữ một thái độ cao hơn khi phát sinh ra bất hòa. Tâm tính của chúng ta được tôi luyện giữa những người thường bởi vì chúng ta tu luyện giữa họ. Chúng ta nhất định sẽ phạm phải lỗi lầm và cũng rút ra kinh nghiệm từ đó. Công của hành giả  không tăng trưởng khi hành giả thấy thỏa mái và không gặp bất cứ vấn đề gì xảy ra.
     Sự tu tập để đạt đến chân thiện mỹ, là thực hành những điều chân chính, trở về với bản tính nguyên lai và sau cùng thành chân nhân. Là người có đầy đủ trí tuệ và lòng từ bi thương người, làm những việc thiện cứu giúp người. Toàn bộ tiến trình tu luyện là làm cho hành giả phải nhẫn nhịn, giữ tâm tính của mình chứ không phải làm theo sở thích.
     Người thường khi gặp vấn đề họ sẽ làm sự việc càng trở nên nghiêm trọng hơn, vì họ sống với bản ngã và không thể dung thứ bất cứ điều gì. Khi bị chọc giận, họ dám làm bất cứ điều gì. Nhưng là người tu, những thứ người thường xem trọng, thì người tu xem rất tầm thường, quá tầm thường. Vì mục tiêu của hành giả là vô cùng to lớn và lâu dài. Hành giả nghĩ về những thứ đó sẽ thấy chúng có hay không cũng không quan trọng. Hành giả có thể đặt chúng qua một bên khi suy xét từ cái nhìn rộng hơn.
    Từ bỏ tâm tật đố: Tâm tật đố là một trở ngại lớn cho sự tu luyện và có ảnh hưởng quan trọng đối với người tu. Nó sẽ trực tiếp ảnh hưởng đến công lực của người tu, làm hại các bạn đồng tu và cản trở một cách nghiêm trọng trong việc tu luyện của chúng ta. Là người tu phải biết tập buông bỏ. Có nhiều người tu đến trình độ rất cao về kiến thức nhưng chưa buông bỏ tâm tật đố. Hơn nữa, nó càng khó buông bỏ thì càng dễ dàng gia tăng. Loại phản tác dụng này làm cho tâm tính khác đã đề cao của họ trở thành yếu nhược. Tâm tật đố nó đã ăn sâu vào tâm khãm con người, nếu không biết dụng công tu luyện tâm tính.  Người có tâm tật đố hay xem thường người khác và không bằng lòng để ai hơn mình hoặc bằng mình. Khi thấy có ai hơn họ, họ bắt đầu cảm thấy khó chịu, không nhìn nhận nó và không chấp nhận sự thật.
      Người tu cần phải nhìn vào bên trong để tìm ra nguyên nhân của mọi vấn đề, nổ lực tự bản thân và đề cao phương diện hoàn thiện tâm tính. Nếu cứ nhìn ra bên ngoài, nhìn người khác, để tìm ra nguyên nhân của vấn đề thì sẽ sanh ra nhiều phiễn não. Nếu ta không khéo sẽ đi xa mục đích của sự tu tập, và ta đang phung phí thời giờ của mình. Tu luyện là tu luyện chính mình chứ không phải người khác.
&   &   &
      Có ba hạng người đến với Đạo. Lão Tử nói: “Khi người thượng sĩ đến nghe đạo, người đó sẽ chuyên cần tu tập (tập luyện). Khi người trung sĩ đến nghe đạo, người đó lúc tập lúc không. Khi người hạ sĩ nghe đạo, họ thoáng qua rồi bỏ đi.
&   &  &
Ở đời lắm người ít học mà thông, lại cũng có nhiều người cao tài mà dốt. Kẻ được bề này thì mất bề kia, kẻ được bề kia thì mất bề nầy. Lại lắm người mất nhiều bề.
Có người có tài mà không có đức, lại có ngưới có đức mà không có tài. Lại có người không có tài mà cũng không có đức. Còn có cả tài và đức là những hạng người hiếm có trong đời.
&  & &
Người học Phật không những chỉ ăn chay giữ giới mà đủ, còn phải thực hành nuôi dưỡng các đức tính từ bi, hỷ xả nữa.
&&&

          Lòng hiếu thảo mà thấu đến trời thì gió mưa hòa thuận. Lòng hiếu thảo mà thấu đến đất, thì muôn vật sinh sôi. Lòng hiếu thảo mà thấu đến người thì các phước đều tuông đến./. 

TU LUYỆN TÂM TÍNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét