Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

NHẪN LÀ “MÓN” THƯỜNG DÙNG

NHẪN LÀ “MÓN” THƯỜNG DÙNG

          Nhẫn là”món”mà người ta thường gặp phải hằng ngày, dù chúng ta ở đâu trên thế giới này. Đi chơi gặp trời nắng phải đội nón, phải nhẫn với nắng. Đi gặp trời mưa phải mang áo mưa, phải nhẫn với mưa. Gặp lúc trời gió bão phải hoãn chuyến bay, thời tiết xấu phải đợi chờ cũng phải nhẫn mà thôi.
          Uống một ly nước, nước quá nóng phải chờ đợi, cũng phải nhẫn. Mỗi ngày muốn gấp, muốn mau, mà không thể gấp không thể mau được đều phải nhẫn. Có khi ta muốn chậm mà nó không chậm, cũng không được. Có khi ta muốn mau mà nó không mau, cũng không được, cho nên phải nhẫn. Có khi ta muốn chuyện gì xảy ra mà nó không xảy ra. Có khi ta muốn chuyện không xảy ra mà nó xảy ra, ta cũng phải nhẫn mà thôi. Nếu không nhẫn được thì sẽ stress. Mặt mày nhăn nhó cả ngày rồi sanh bệnh.
          Rồi đến tuổi già, không làm nặng không đi xa được, chống gậy, đi xe lăn. Nói trước quên sau, để đâu quên đó, rồi đến lúc thân tâm không tuân theo ý mình nữa, cũng phải nhẫn mà thôi. Mỗi ngày chúng ta phải nhẫn biết bao nhiêu điều, rất nhiều cái chống lại ý muốn của ta. Nếu mỗi cái mỗi tức giận thì chắc là không sống thọ nổi. Nhẫn quá nhiều thành quen, đến độ nhìn kỹ một đời người chỉ là một chuỗi dài những nhẫn. Kể cả nhẫn với thành công, nhẫn với thất bại. Nhẫn với được nhẫn với mất. Đạo Phật đã gọi chúng sanh đang sống ở đây là cõi Ta Bà, nghĩa là cõi kham nhẫn.
          Chúng ta phải nhẫn với cái tham muốn của mình. Tham muốn thì quá nhiều mà thành tựu thì quá ít, quá lâu. Tham muốn mà bị người nào cản trở, chống lại, thì nổi tức giận. Lại phải nhẫn với tức giận. Chúng ta lại phải nhẫn với những quan niệm sai lầm của mình và của người khác. Nhẫn là nhẫn với tham, sân, si và do đó, nhẫn là một sức mạnh để vượt thắng tham sân si, vượt thắng con người tạp nhạp hỗn loạn của mình. Nhẫn là một đức tính để làm người và để vượt khỏi thân phận con người rối loạn hạn hẹp của mình.
          Chúng ta phải nhẫn vì hiện hữu thân tâm của chúng ta là giới hạn, bất toàn và thế giới chung quanh cũng hữu hạn, bất toàn. Chúng ta phải nhẫn vì thân tâm chúng ta đang bị thúc ép, trói buộc. Như thế mỗi cái nhẫn ấy phải chăng là một lời kêu gọi của tự do?
          Mặt bên kia của sự việc khiến ta phải nhẫn chính là tự do. Đọc kinh Bát Nhã ai mà không thuộc”sắc tức không, không tức sắc, sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc”. Vấn đề là ngay nơi cái nhẫn này chúng ta có thể nghe được và tìm thấy sự tự do tối hậu hay không?
          Nhẫn là một đức tính để sống ở đời, để làm bất cứ việc gì, để khỏi gây gổ, để khỏi làm tổn hại mình, để đi đến thành công trong bất cứ việc gì. Nhẫn được xác định là một trong sáu sự toàn thiện (Ba-La-Mật) để trở thành người cao cả, phát huy được đức tính con người. Đó là Nhẫn Nhục Ba-La-Mật. Chữ”nhục”đây không có nghĩa là nhục nhã, mà có nghĩa là chịu khuất, chịu lép vế, chịu nhịn. Để sống ở đời, để tu hoàn thiện, để trở nên cao đẹp, chúng ta cần đức tính nhẫn, kiên nhẫn, chịu đựng, chịu khó, biết nhường nhịn, biết bớt tham, bớt sân, bớt si....
          Muốn tiến trên con đường sự thật, con đường chân lý, đòi hỏi chúng ta phải nhẫn nhục với những sự thật, để thấu hiểu và xuyên qua chúng. Khổ, không, vô thường, vô ngã là sự thật rất khó chịu đựng. Để thấu hiểu chúng, để thoát khỏi tính ích kỷ thâm căn cố đế, chúng ta phải nhẫn nhục chịu đựng những sự thật làm tróc gốc hiện hữu của ta, chịu đựng chúng càng lâu ngày dần dần chúng ta sẽ nhận ra chúng, thấu hiểu chúng và vượt qua bờ bên kia của tự do và giải thoát.
          Thế nên, như một cách diễn tả con đường đi đến chân lý, đạo Phật dùng chữ nhẫn, như phục nhẫn, tín nhẫn, tuỳ thuận nhẫn, vô sanh pháp nhẫn và cứu cánh nhẫn hay tịch diệt nhẫn. Càng ở thấp càng ít phát triển, càng kém hoàn thiện, chúng ta càng phải nhẫn nhiều. Đó là dấu hiệu cho chúng ta còn có ít tự do, cho đến vô sanh pháp nhẫn thì không có gì để phải nhẫn nữa, không có một cái tôi để phải nhẫn với cái gì, và không có một cái gì để phải nhẫn nữa. Nhẫn như vậy là một con đường để đến tự do và cũng là một thước đo cho sự tự do nội tại vốn có của chúng ta.
          Cho nên đạo Phật mở ra con đường nhẫn nhục Ba La Mật, một trong sáu sự hoàn thiện của con người. Ba La Mật là hoàn thiện, trọn vẹn, rốt ráo, vượt qua đến bờ bên kia.
          Tóm lại, nhẫn nhục là một đức tính không thể thiếu trên con đường làm người (nhân đạo) và càng không thể thiếu trên con đường trở thành một con người hoàn hảo toàn thiện và toàn diện (Phật đạo).
                                       (Nguyễn Thế Đăng- VHPG- số 136-  1-9-2011)


Phụ đề:
    Nhẫn là phương châm xử thế mà còn là một pháp tu học trong các pháp tu học của đạo Phật cũng như Nho gia đề xướng và ca ngợi là pháp ưu việt trong các pháp. Cho nên  Phu Tử nói rằng:”Bá hạnh nhẫn chi vi thượng”. Tức trăm hạnh nhẫn là hơn hết. Người đời nhẫn mà nên phận. Người tu hành nhờ nhẫn mà thành công đắc quả.
      Tử Thường đi xa đến tạ từ Phu Tử xin dạy một lời cần yếu tu thân. Khổng Phu Tử dạy:”Bá hạnh nhẫn chi vi thượng”. Trăm hạnh, nhẫn dẫn đầu.  
      Tử Thường hỏi:”Thế nào là nhẫn”?
      Khổng Tử nói: Thiên tử nhẫn nước không hại, chư hầu mà nhẫn nên việc lớn, Quan lại nhẫn lên chức vị, vợ chồng mà nhẫn tình chung thuỷ, Anh em nhẫn nhà giàu sang. Bằng hữu mà nhẫn, danh không hư. Tự thân mà nhẫn không bị hoạ vào thân.
          Tử Thường lại hỏi: Nếu không nhẫn thì làm sao?
          Phu Tử trả lời: Thiên tử không nhẫn nước tiêu hư. Chư hầu không nhẫn mất thân mạng. Quan lại không nhẫn bị hình phạt. Vợ chồng không nhẫn tình ý xa nhau. Anh em không nhẫn chia lìa nhau. Tự thân không nhẫn hoạ khó trừ.
          Tử Thường nói: Lành thay khó nhẫn, lành thay khó nhẫn, không nhẫn không thành người, không phải người không nhẫn được.
***
          Sách Minh Tâm chép:
Nhẫn nhẫn nhẫn nhứt thiết ác duyên tùng thử tận,
Nhiêu nhiêu nhiêu thiên tai vạn hoạ nhứt tề tiêu,
Mặc mặc mặc vô hạn thần tiên tùng thử đắc
Hưu hưu hưu cái thế công danh bất tự do.
Dịch nghĩa:
(Nhẫn nhẫn nhẫn tất cả ác duyên từ đây hết
Nhịn nhịn nhịn thiên tai ngàn hoạ đều tiêu sạch
Nín nín nín cửa thần tiên từ đây có được
Thôi thôi thôi cái thế công danh khỏi phải lo.)
***
          “Quân tử tánh như thuỷ, năng phương năng viên uỷ khúc tuỳ hình, ủng chi khả dĩ tại sơn, kích chi khả dĩ quá tảng”. Nghĩa là”Quân tử tánh như nước, hay chịu uốn theo vuông tròn theo sông cong ngay, ngăn đó vẫn ở trên núi cao, tác đó hay vượt qua trán”.
       Nhẫn nhục là pháp kiềm chế vọng tâm dứt trừ được tham, sân, si, ngã mạn. Lại nhẫn là mềm mại”nhu nhược: nhu thắng cang, nhược thắng cường”.”Thiệt nhu thường tồn, xĩ cang tắc chiết”. Nghĩa là lưỡi mềm thường còn, răng cứng ắt gảy. Nhưng ở đây không phải nhẫn nhục là hèn hạ, thất bại mà”nhu thắng cang, nhược thắng cường”nghĩa là mềm mỏng thắng cang cường.
Nhẫn nhẫn nhẫn
Nhẫn là nguồn rộng bao la
Thế hết mê lầm chấp có ta
Trời sáng trong thanh đâu nổi sấm
Nước thanh ngần suốt chẳng đào ba
Thánh nhân điềm tỉnh thường an lạc
Tiểu tử hung hăng lắm thiết tha
Của quý ngàn vàng không chuộc nhẫn
Nhẫn thường tự tại chứng ma ha.
ô ô ô
Chết nghĩa là không cố gắng gượng ngồi dậy khi ngã xuống.Chết nghĩa là buông xuôi khi vẫn còn sức sống.
ô ô ô
Có những người sống mà không biết mình sẽ chết. Đến lúc sắp chết thì mới chợt nhận ra là mình chưa từng sống.
                                           (Đạt Lai Lạt Ma)
ô ô ô
Sân hận không có mục đích nào khác hơn là làm khổ và làm tổn thương mình và người khác. Tên thủ phạm tồi tệ nhất trong những phiền não là lòng sân hận.
ô ô ô
  Nhất thiết chư pháp     
Vô phi Phật pháp
 Nhi ngã bất liễu           
Tuỳ vô minh lưu
    Thị tắc ư bồ đề trung    
Kiến bất thanh tịnh
Ư giải thoát trung         
Nhi khởi phiền trược
d é c
“Tất cả pháp đều là Phật pháp   - Mà con không hiểu -Đi theo dòng trôi vô minh  - Ở trong cảnh giác ngộ  -Mà thấy không thanh tịnh  -  Ở trong cảnh giải thoát  - Mà khởi lên phiền não.”

d é c

NHẪN LÀ “MÓN” THƯỜNG DÙNG Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét