Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

PHÁP ĐỐI TRỊ SÂN HẬN

PHÁP ĐỐI TRỊ SÂN HẬN

          Sân là một trong ba phiền não lớn quan trọng trong quá trình tu tập, hành giả phải đối phó. Sân là tâm lý thuộc về pháp bất thiện, nó có sức mạnh phá vỡ thiện niệm của mình và thiện niệm của người khác, phá vỡ công đức của mình và công đức của người khác, làm chướng ngại Bồ Đề tâm, chướng Bồ Đề hạnh, chướng Bồ Đề nguyện.
          Sân là loại phiền não khó điều phục và khó diệt trừ. Vì thế đức Phật đưa ra nhiều phương pháp để đối trị tâm sân. Một trong những phương pháp đó, trong kinh Di Giáo, Phật dạy pháp đối trị tâm sân hận lấy pháp nhẫn nhục để đối trị.
          Muốn thực hành pháp nhẫn nhục, Phật dạy là phải an trú trong chánh niệm là chế ngự tâm ý, tâm ý được chế ngự thì việc gì cũng không lo.
Ngược lại, không chế ngự được tâm ý, buông thả tâm ý thì Phật nói rằng:”tâm còn đáng sợ hơn rắn độc, thú dữ, giặc thù, lửa dữ bùng cháy tràng lan cũng chưa đủ để ví dụ cho tâm”.
Tâm ý không được chế ngự thì sẽ tạo tác ác nghiệp”không khác gì voi điên mà không có móc sắt, vượn khỉ mà gặp được cây rừng”.
Tâm ý được chế ngự thì có sức mạnh để thành tựu các công đức- Kinh văn nói”chế ngự tâm lại một chỗ thì không việc gì không thành”.
Tu tập chế ngự tâm ý là một quá trình nỗ lực tự mình điều phục tâm ý như kinh Pháp Cú Phật dạy:
Nổ lực không phóng dật  -  Tự điều khéo điều ngự
Bậc trí xây hòn đảo         -  Nước lụt khó ngập tràn
                                                          (tâm không phóng dật- 25)
Thường tưởng niệm chánh pháp là làm cho tà pháp không có cơ hội phát triển, thường tưởng niệm thì phải ít ngủ nghỉ, dành thì giờ nhiều hơn để tu tập. Kinh dạy rằng”phiền não ngủ trong tâm như rắn hổ mang ngủ trong nhà, phải lo dùng móc sắt giữ giới cấp kéo nó ra, rắn ngủ ra rồi mới yên tâm ngủ nghỉ”. Phiền não ngủ trong tâm là những phiền não tùy miên rất khó đoạn trừ, vì nó là tập khí tiềm ẩn huân tập lâu đời vì thế khó biết- Nhờ giữ giới tức là nhờ chú tâm, cảnh giác ngày cũng như đêm mà kéo những phiền não ấy ra khỏi tâm thức.
Phải biết tự giác hổ thẹn thì mới có đủ năng lực duy trì và tăng trưởng thiện pháp, tâm lý hổ thẹn là một loại tâm lý thiện, có tác dụng kích thích sự nổ lực. Kinh Văn nói”có hổ thẹn là có thiện pháp”.
TU TẬP HẠNH NHẪN NHỤC:  Tu tập nhẫn nhục đối với nghịch cảnh, nghịch ý. Tu tập nhẫn nhục là để đoạn trừ sự bộc phát sân tâm, cảnh giác ngăn ngừa tội lỗi, khổ thọ - Và dao động của tâm làm tán thất công phu tu tập- Mặt khác luyện cho tâm trầm tĩnh vững chãi, và cũng để tu tập từ bi hỷ xả, chuẩn bị tâm đi vào định huệ, sự tu tập nhẫn nhục theo yêu cầu của kinh văn rất cao, Phật dạy”Nếu ai cắt xẻ các thầy ra từng mảnh, các thầy cũng phải tự kiềm chế thân mình đừng để cho giận dữ, lại phải giữ lấy miệng lưỡi đừng để phát ra những lời tiếng không tốt. Tâm giận giữ nổi lên là tự hại đạo nghiệp. Sự nhẫn nhục như vậy là biểu hiện sức mạnh chế ngự nội tâm của người tu tập theo giáo pháp của đức Phật”.
Thông thường chúng ta sống theo phản ứng tự nhiên, ai mắng ta ta mắng lại, ai đánh ta ta đánh lại, do đó cuộc đời của ta luôn sống trong trạng thái bị động của đấu tranh của khốn khổ. Một người có trí tuệ sẽ chọn cách sống có kiềm chế, tự chủ hơn và trầm tĩnh hơn. Có người cho rằng nhẫn nhục là thái độ hèn nhát.
Sự nóng giận bao giờ cũng đưa đến tai hại cho thân và tâm, tình cảm, hại cho gia đình, tập thể và xã hội.
Trong xã hội con người không được giáo dục và rèn luyện tính nhẫn nhục, sức tự chủ yếu, dễ dẫn đến phạm tội. Người ta có thể đánh nhau, giết nhau, hãm hại nhau, phản bội nhau vì những lý do rất nhỏ bé, như một lời nói xúc phạm chẳng hạn- Tu tập hạnh nhẫn nhục không những kiềm chế được tâm thức không cho khởi lên sân hận khi bị người ta chỉ trích hay mắn chửi, mà còn tu tập tâm bất động khi người ta làm tổn thương đến thân thể của mình. Đó không phải là điều dễ làm. Vì vậy nói nhẫn nhục là sức mạnh.
Tâm sân hận rất nguy hiểm, nó có sức mạnh tàn phá tất cả các thiện pháp, nó vượt qua mọi giới hạn, như khi lòng sân nổi lên, con người có thể giết cha, giết vợ, giết chồng, trò có thể phản hại thầy v.v…Vì vậy trong kinh Di Giáo, Phật nói”giặc cướp công đức không gì hơn giận dữ”. Cổ đức cũng đã nói”một niệm sân khởi lên là trăm ngàn cửa nghiệp chướng đều mở ra”. Vì vậy, mà công hạnh tu tập nhẫn nhục được coi là đệ nhất đối với hạnh khác.
Đến chùa, đầu tiên là phải biết tập hạnh kham nhẫn, đối với sự chỉ trích, răn đe, oan uổng...Có kham nhẫn dần dần người tu mới trở nên vững vàng để tiến xa hơn, cho nên giới kinh dạy rằng:
Đức nhẫn nhục là đạo bậc nhất
Phật nói vô vi là pháp tối thượng
Là hạng xuất gia mà bức não người
Thì không được gọi là bậc Sa môn.
Để giữ gìn tâm niệm khỏi bị quấy động và ô nhiễm cũng như giữ gìn phong cách của người tu học trong giới kinh có nhiều khoản đưa ra để đối phó với tâm sân giận thiếu sự tự chủ kiềm chế như các trường hợp. Vì giận mà vu khống, phỉ báng- Vì giận mà xuyên tạc phỉ báng, vì giận mà chửi mắng các thành phần xã hội, vì giận mà gắt mắng người thi hành công việc, người giữ chức vụ, vì giận mà lôi người ra khỏi chổ ở, vì giận mà đánh, tát người khác, vì giận mà vu khống...
Như vậy tu tập để đối trị lòng sân giận nằm trong giới, vì thế thực hành nhẫn nhục cũng tức là giữ giới.
Tu tập hạnh nhẫn nhục trong kinh văn dạy là hoàn hảo mà thuật ngữ trong lục độ gọi là nhẫn nhục Ba La Mật. Chúng ta không chỉ không giận tức người chửi mắng hãm hại mình, mà còn phải tu tập để đạt được trình độ hoàn hảo hơn là tiếp nhận sự chỉ trích, chửi mắng của người khác một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ.”Kẻ nào không thể tiếp nhận cái độc nhục mạ một cách hoan hỷ như uống nước cam lồ. Kẻ ấy không thể được ca tụng là người nhập đạo có trí”(Kinh Di Giáo).
Sự tu tập hay công phu tu hành nhiều hay ít, cao hay thấp theo con đường Phật học, được đánh giá qua trình độ kham nhẫn này, nhẫn nhục là đức hạnh tiêu biểu của người tu tập theo con đường Phật học của người xuất gia cũng như tại gia. Nếu không có hạnh nhẫn nhục, phẩm hạnh của người tu tập không gọi là vẹn toàn. Trong Kinh văn kết thúc hạnh nhẫn nhục như sau:
Người thế gian hưởng thụ dục lạc, không phải là kẻ hành đạo, không có phương pháp để tự kiềm chế, nên họ giận giữ thì có thể tha thứ được. Người xuất gia hành đạo là kẻ loại bỏ dục vọng mà giận giữ thì thật không đáng có. Không khác gì giữa bầu trời mây trong mát mà sấm sét lóe lửa nổi lên là điều không thích hợp”. (Kinh Di Giáo)
Tâm sân tật đố khởi lên, thì ba độc lừng lẫy sinh ra các ác nghiệp. Thấy người bố thí, trì giới, ăn chay, ngồi thiền, tụng kinh, tự mình không thể làm, không hay tùy hỷ. Thấy người tọa thiền niệm Phật, tu nghiệp trí tuệ, tự mình không thể làm, hay không thùy hỷ, tạo những tội như vậy thật vô lượng vô biên.
Những người có tâm sân hận, đi đứng nằm ngồi tâm ý không yên, không giữ oai nghi tế hạnh, không biết hổ thẹn, không nghĩ vô thường, không biết xả thân này rồi vào địa ngục.
Tâm sân hận khởi lên làm chướng ngại người hành đạo, chướng ngại người xây dựng, chướng ngại người nói pháp, chướng ngại người nghe pháp, chướng ngại người cúng dường Tam Bảo, chướng ngại người bố thí, người trì giới, chướng ngại người tinh tấn, ngồi thiền, niệm Phật, chướng ngại người làm chay, chướng ngại người khổ hạnh, không tin tu tập là hạnh viễn ly, là hạnh giải thoát, là con đường an lạc, không biết bình đẳng là đạo bồ đề, xa lìa vọng tưởng là tâm xuất thế.
Do tâm điên đảo, do tưởng điên đảo, thấy biết điên đảo nên thường xa lìa bạn lành, gần gũi bạn ác, trái nghịch chánh đạo, thuận theo tà đạo, chánh pháp nói phi pháp, phi pháp nói là chánh pháp, bất thiện nói là thiện, thiện nói là bất thiện. Dựng cờ kiêu mạng, giăng buồm ngu si, theo dòng vô minh, vào biển sanh tử, gây ra tội lỗi như vậy bắt nguồn từ tâm sân giận mà ra.
Vì tâm điên đảo mà tạo ra 5 tội nghịch, 10 ác nghiệp, 3 độc lừng lẫy, 8 khổ nung nấu, gieo giống địa ngục, gieo giống súc sanh, gieo giống sanh già bệnh chết, ưu bi khổ não ở cõi trời, cõi người, để chịu quả báo đau khổ, không thể kể xiết.
Thuận chiều gió mà nghiệp mà không tự biết, chướng người tu tập, chướng mình tu tập, chướng Bồ Đề tâm, Bồ Đề hạnh, Bồ Đề nguyện, làm trở ngại việc tốt của người, trở ngại thiền định, không hay tu tập, không hay tu trí huệ, không hay tu phước, trọn ngày hay làm ác, ưa việc khó nhọc, làm cho các việc ác khiến cho thân này không được giải thoát, như tằm làm kén, tự ràng tự buộc, như phù du vào lửa, tự mình thiêu đốt.
Những người như thế nghiệp ác nhiều, nghiệp thiện không bao nhiêu, nếu có tu tập, lễ bái một chút liền nói khổ lắm, vừa cầm đến kinh liền sanh nhàm chán. Tất cả đều từ ác nghiệp mà ra. Tâm lý sân giận, nghiệp sân giận không đem lợi ích an lạc cho mình, cho người, cho gia đình, xã hội, cho đời này đời sau, hiện tại sống bất an tương lai đau khổ./.
                                                             s.x 5/6 C.Dần 7-2010
Phật dạy”Các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.
Phật dạy:”Này các Tỳ Kheo! Nhất tâm cần cầu tuệ giác giải thoát, toàn thể vũ trụ là pháp biến động, hay không bất động đều là trạng thái bất an tan rã (vô thường).   
Này các Tỳ Kheo! Tịnh giới là đức thầy cao cả của đức thầy, nếu Như Lai có ở đời thì cũng không khác gì các tịnh giới ấy./.
KHI SÂN TÂM KHỞI: Lúc lửa sân trong tâm phừng phừng bốc cháy thì nơi nghiệp miệng họ chẳng thiếu tội gì”vu khống, chửi bới, nguyền rủa, lăng nhục tục tỉu, gươm hai lưỡi giáo hai đầu, và khi đến cực điểm nghiệp thân ra tay giết hại. Mạnh thì đâm chém ăn sống nuốt tươi lập tức, yếu thì lanh quanh quay trở lại làm ma đạo, quỷ thần để hại cho được kẻ cản đường kia, bất chấp đó là ai?
 Thần tức quỷ thần, có phúc chết thành thần, vô phúc chết thành quỷ. Thần có thiên thần, địa thần, thủy thần, sơn thần v.v…Tài thần, Phúc thần.
           NHẪN NẠI: Là chịu dựng, khoan dung là tha thứ, có người chịu đựng để tha thứ, nhưng có người chịu đựng để trả thù. Người học Phật chịu đựng để tha thứ, đừng nên chịu đựng để trả thù.
          Ví như có một người bị chửi rủa, gây gổ với ta hay ép chế ta, ta đang ở thế kẹt vì đông người quá, người ta chửi mình, lấn hiếp mình, mình cô thế chưa có thể đối phó lại nên đành phải nhẫn nhục. Đợi cơ hội thuận tiện ta phục thù hoặc ta tự lén đón đường người kia mà trả thù, hoặc ra lệnh, sai sử người khác làm khó dễ trở lại để trả thù. Hoặc đánh, hoặc giết, hoặc làm cho mất danh dự, hoặc làm cho mất việc, hoặc làm cho bỏ xứ đi chỗ khác v.v…
          Có nghĩa là mình nhẫn nhục chịu đựng, nhưng chịu đựng chỉ trong một lúc thôi, đợi để có cơ hội là sẽ trả thù. Cái nhẫn nhục, chịu đựng này nó chỉ thể hiện trên thân và khẩu, chứ ý nghiệp hoàn toàn chưa nhẫn, nên ý niệm dẫn đến tìm có cơ hội sẽ phục thù, trả thù mãi mãi không chỉ một lần mà tất cả thời gian không gian có cơ hội là họ trả thù, bằng nhiều cách, bằng hành động, bằng ngôn ngữ, bằng ý nghĩ. Sự phục thù nó thể hiện trên ngôn ngữ nhiều hơn, đi đâu, ở đâu hể có cơ hội là ta nói xấu người đó, ta chê trách người đó v.v...
          Người học Phật chúng ta chịu đựng, mà chịu đựng trong tha thứ. Muốn thực hiện hạnh khoan dung tha thứ, chúng ta phải quán từ bi, quán nhân duyên, quán quả báo. Khi có người mắng nhiếc ta, làm hại ta, mình lấy lòng từ bi thương xót họ. Trước hết mình phải coi tất cả chúng sanh đều là quyến thuộc, là cha me, anh em, nhiều đời, nhiều kiếp cho nên nay phải gặp lại - Đã là quyến thuộc thì có duyên nợ - Duyên nợ có duyên thuận và duyên nghịch - Duyên có duyên thiện và duyên ác. Gặp nhau để trả nợ kiếp trước hay đòi nợ kiếp trước. Duyên thuận tức trả nợ, thì họ sẽ niềm nở vui vẽ hoan hỷ tha thứ, còn duyên nghịch tức ác nghiệp là đòi nợ, họ sẽ khó chịu với ta, áp chế ta, gây khó khăn cho ta. Khi quán rõ nhân duyên quả báo như vậy khiến ta bình tâm, vững tâm hơn, tự tin hơn, giúp chúng ta không phải đối lại, không sân hận oán thù khởi lên. Nếu làm được như thế, ta đã xóa, tức  trả được mối nợ cũ mà không gây thêm nghiệp mới. Và khởi tâm như thế ta mới có thể thương họ được và thông cảm với họ được, thương họ không biết đến nhân quả. Bởi vì luật nhân quả, anh hại người ta  trước sau gì anh cũng lãnh lấy quả báo, ác nhân thì ác báo, gieo gió thì gặt bão. Bây giờ người ta hại mình, mắng nhiếc mình, chửi rủa mình, mình lại thương người ta, thương người ta đang gieo nhân xấu để rồi phải gặt quả xấu. Cũng giống như cha mẹ thương đứa con lầm lỡ, chúng ta phải có tính thương như vậy. Chúng ta chịu đựng để tha thứ chứ không phải chịu đựng để trả thù. Trong kinh Phổ Môn Đức Phật dạy có câu:”từ nhãn thị chúng sanh”nghĩa là dùng con mắt thương yêu nhìn chúng sanh, chúng ta phải có một tâm từ như vậy.
          “Lấy ân báo oán, oán ấy tiêu tan, lấy oán báo oán, oán ấy chập chồng”. Đó là câu trong kinh Pháp Cú dạy rất hay và có giá trị- Khi người đối xử tệ với chúng ta, chúng ta luôn luôn lấy lòng từ tha thứ họ, tự nhiên một ngày nào đó, tất cả những oán thù sẽ tiêu tan. Còn nếu người ta gây thù mình, mình gây thù lại, thù qua thù lại, oán oán càng chất chồng. Không những đời này mà kéo dài cho đến các đời khác. Là người đệ tử Phật khi đã phát nguyện tu tập thì phải thường xuyên niệm Phật chứ đừng niệm ác, phải có tâm nhẫn nại chịu đựng những thử thách, những lời thóa mạ của người khác và mình phải biết rải tâm từ, tha thứ cầu nguyện cho  những người đó ý thức được việc làm sai trái để họ đừng tiếp tục gây thêm đau khổ cho người khác cũng chính là gây khổ cho chính họ. Bởi vì”ngậm máu phun người miệng mình dơ trước”hoặc phun nước miếng lên trời, nước không đến trời mà trở lại rơi vào mặt mình, hoặc tung bụi ngược gió v.v...đều là những trạng thái tâm lý gây tổn hại tự thân mình trước./.
       Tu ít giận nhiều, tu nhiều giận ít, tu giỏi không giận, không tu thì lận đận suốt đời.
Sân hận như lửa dữ
Làm hư hại dung nhan
Thiêu đốt cả tâm can
Cháy tan rừng công đức
Cái hại của bực tức
Gây khổ cho mình và người
Hiện đời không an lạc
Thác đọa ba đường ác
&  &

GIẬN MẤT ĐẸP VÀ HẠI

Khi giận ai soi kiếng thấy liền
Nhìn trên khuôn mặt ưu phiền hiện ra
Khi vui thì tươi thắm làn da
Lúc buồn tiều tụy như ma không hồn
Giận ai tâm cứ bồn chồn
Chữi la mắng nhiếc đổ dồn người thân
Môi bầm thâm tím khi sân
Mắt như lửa đổ trán nhăn mau già
Giận làm đau khổ người nhà
Bà con cô bác thấy mà tránh xa
Giận làm đau khổ thân ta
Sau cơn nóng giận hiểu ra muộn rồi
&   &
Ta bà nghiệp chướng luân hồi
Tu tâm dưỡng tánh vun bồi thiện duyên
Nghe lời đức Phật dạy khuyên
Lòng nhân tha thứ cần chuyên tu hành
Sáng trưa chiều tối làm lành
Ngồi nằm, đi đứng Phật danh niệm thường.
&  &
Bước vào cửa chùa bỏ mọi duyên đời vui với đạo.
Vào trong điện Phật chấp tay thầm niệm A Di Đà
&  &
Bụng lớn năng dung, dung những điều khó dung trong thiên hạ.
Lòng từ thường xả, xả những điều khó xả ở thế gian.
&   &
          Người mê đắm sắc dục nhiều thì thân tàn danh bại. Người đắm sắc sẽ gây tai hại về sức khỏe và tuổi thọ- người mà đắm sắc mê dục sẽ mất đi năng lượng, hay nói cách khác là mất đi sinh lực, tức sức sống của con người. sinh lực bị mất dẫn đến bệnh tật và chết yểu. Ví như thân cây nhựa sống mất hết thì cây sẽ úa tàn và chết khô. Đối với Phật giáo tham đắm sắc dục là nguyên nhân đưa con người đến sanh tử luân hồi, đau khổ mãi mãi./.

d & c

PHÁP ĐỐI TRỊ SÂN HẬN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét