Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

NHÂN QUẢ

NHÂN QUẢ

                          (tóm lược một số ý về nhân quả).
      1/ Định nghĩa:
         Nhân quả là một nguyên lý tự nhiên trong vũ trụ không phải Phật đặt ra. Cũng không phải thần linh hay thượng đế sáng chế. Nói cho dễ hiểu hơn là luật nhân quả, là quy luật vận hành của vũ trụ vạn hữu. Trước đức Phật ra đời các tôn giáo cũng có đề cập đến Nhân quả, nhưng sự nhận xét và ứng dụng của các tôn giáo chưa toàn thiện chưa rốt ráo.
          Học và hiểu để ứng dụng nhân quả trong mọi lãnh vực đời và đạo con người sẽ có hạnh phúc và an lạc. Các nhà khoa học xưa nay dựa trên triết lý nhân quả mà nghiên cứu phát minh ra những sáng chế mới, những kỷ thuật mới làm cho đời sống con người trong mọi lãnh vực có nhiều hiệu quả hơn, tiện dụng hơn…Cho nên nhân quả là vấn đề không bao giờ xa lạ và lỗi thời với con người trong mọi thời đại. Là Phật tử phải học hỏi để hiểu rõ và ứng dụng nhân quả vào cuộc sống đời và đạo.
          Hiểu nhân quả chúng ta thấy được thực tính của sự vật, gạt bỏ được đức tin chi phối của thần linh, không có một thần linh nào có quyền thưởng phạt thiện ác, mà chỉ có luật nhân quả là một nguyên lý chi phối con người và vũ trụ. Nói đến nhân quả là người ta có ý niệm liên tưởng đến thiện và ác, hai phạm trù luôn đối tác với nhau con người thường gặp phải trong cuộc sống, nhưng không mấy ai hiểu rõ một cách tường tận về nhân quả. Tuy vậy ý niệm nhân quả đã ăn sâu vào tâm thức đời sống con người đã lâu đời, họ thường hay nói:”ở ác gặp ác, ở hiền gặp lành”hay”gieo gió gặt bảo”v.v Đó là những câu nói về nhân quả tự nhiên trong ý nghỉ mọi người. Nhân quả luôn đi đôi với nhau như bóng với hình. Nói nhân quả nói cho đủ là nói nhân duyên quả, vì từ nhân đến quả phải trải qua nhiều duyên thì quả mới hình thành.
        Không hiểu nhân quả người ta sẽ thắc mắc nghi ngờ, tại sao ở đời có kẻ giàu người nghèo? kẻ ác người thiện. Người ác lại giàu có sống lâu, người hiền lại nghèo khó chết yểu? Người lương thiện bị hoạn nạn, người độc ác lại gặp may mắn v.v..Những thắc mắc trên sẽ giải đáp, nếu tìm hiểu về luật nhân quả sẽ giải tỏa bao nổi khổ xưa nay trói buộc con người, mà con người không có phương pháp nào tháo gở, nó nhót con người trong ngục tù mê tín không đường thoát ra, nó khiến cho con người ỷ lại và trông chờ nô lệ cho thần linh, cho số mệnh. Hiểu được nhân quả sẽ giúp con người thay đổi được tâm tư thành người giác ngộ, yêu đời không những trong cuộc sống hiện tại mà  còn hướng đến những kiếp tương lai lâu xa hơn. Thì ngay bây giờ trong cuộc sống này ta hãy gieo nhân lành để gặt hái quả tốt trong tương lai.
  2- Những đặc tính nhân quả:
     a/ Nhân thế nào quả thế ấy: Tức nhân nào quả ấy, gieo đậu gặt đậu gieo lúa gặt lúa..tức nhân quả đồng chủng loại.
     b/ Nhân không cùng với quả, tức nhân quả khác loại.  Tại sao như vậy? Vì sự khác biệt này tùy thuộc vào sự tác động của duyên (thuận hay nghịch) mà quả theo đó được hình thành. Ví dụ dây bầu được ghép với ngọn ổ qua thì quả sau này sẽ không giống như quả bầu nguyên gốc của nó.
    c/ Nhân quả nghiệp báo là sự hiện hữu của mối tương quan thiện ác chánh tà. Nó thuộc về pháp hữu vi sanh diệt vốn là hiện thân của ý niệm phân biệt. Với tâm thanh tịnh và xả ly thì vấn đề nhân quả nghiệp báo coi như không có tác dụng. Ví như nắm muối bỏ vào ly nước và nắm muối bỏ vào dòng nước hai trạng thái khác nhau...
    d/ Một nhân không thể sinh ra quả được. Nhân cần phải có duyên thì quả mới hình thành.
    đ/ Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Nhân hiện tại đã hàm chứa cái quả tương lai, cũng chính  trong cái quả hiện tại đã có hình bóng của cái nhân quá khứ. Mỗi vật có thể gọi vừa là nhân vừa là quả. Đối với quá khứ thì nó là quả, với tương lai nó là nhân. Nhân quả nối tiếp nhau như những cái vòng trong một sợi dây chuyền.
          3- Sự phát triển nhanh hay chậm từ nhân đến quả:
          a/ Nhân quả đồng thời: ví như đánh trống, dùi trống vừa chạm mặt da trống liến có tiếng vang lên.
          b/ Nhân quả khác thời: Chia làm ba loại: Sanh báo, hiện báo, và hậu báo. Với lý do mau chậm, từ nhân đến quả thời gian có lâu mau nhanh chậm, chúng ta không nên kết luận rằng nhân quả không hoàn toàn đúng khi thấy những cái quả chưa phát sinh ra …vì thế nhân quả theo thời gian chia làm ba loại:
          Hiện báo: Đời nay gieo đời nay gặt.
          Sinh báo: Đời nay gieo nhân qua đời sau mới lãnh thọ.
          Hậu báo: Đời nay gieo qua nhiều đời sau mới nhận lãnh.
          Ba thời gian nhân quả nầy có một thời gian tương đối ổn định, có khoảng cách, chúng được xếp vào loại định nghiệp. Có trường hợp do các duyên can thiệp vào làm cho nghiệp quả thay đổi nên khó xác định về thời gian và chủng loại. Trường hợp này gọi là bất định nghiệp. Hiểu được ba thời gian nhân quả nghiệp báo này thì giải tỏa được những thắc mắc, những người làm lành mà bị tai nạn, người làm ác mà được yên vui…
          4/ Phân loại nhân quả theo vật lý tâm lý:
          a/ Nội tâm và ngoại giới. Nhân quả biểu hiện ở trong tâm lý gọi là nhân quả nội tâm (hay nội giới) và ngược lại gọi là ngoại cảnh.  Ví dụ như một người tu hành chân chính mà bị vu oan bắt phải ở tù. Thân người ấy ở trong tù nhưng tâm họ vẫn an định, như thế nghiệp chỉ biểu hiện ở thân chứ không biểu hiện ở tâm.
          b/ Tâm lý vật lý: Sự biểu hiện khác nhau của nhân quả trên con người chia làm hai phần, tâm lý và vật lý. Như một người lùn xấu xí không có tướng hảo, nhưng tâm họ rất tốt biết thương người lại thông minh sáng suốt, hiền lành tiền của dư thừa. Trái lại người có tướng hảo mà độc ác nham hiểm, keo kiệt dối trá v.v.
          CÁC PHẠM TRÙ NHÂN QUẢ: Nhân quả là giáo lý gắng liền với đời sống tu tập của người Phật tử, gắng liền với vấn đề luân lý đạo đức của con người, vì nhân quả nghiêm túc đặt ra vấn đề trách nhiệm của con người đối với chính tự thân cũng như xã hội. Bởi lẽ Phật dạy rằng”Con người là chủ nhân của nghiệp, thừa tự của nghiệp”Từ đó nhân quả được coi là phạm trù cơ bản của đời sống con người.
          a/ Nhân quả vấn đề luân lý đạo đức: Giáo lý nhân quả dạy con người thức tỉnh trong các hành động tạo tác của mình để tránh các điều ác và nổ lực làm các việc lành, nhằm đem lại sự an lạc cho cuộc sống. Giáo lý nhân quả khác với các quy ước luật pháp của xã hội. Đối với pháp luật con người có thể chạy trốn nhưng nhân quả thì không thể trốn tránh được. Vì thế nhân quả đứng trên phương diện giáo dục, giáo lý nhân quả là một phương pháp giáo dục vô cùng lành mạnh. Vì con người hoàn toàn chịu trách nhiệm về những tư duy và hành động của chính mình. Hạnh phúc hay đau khổ do mình tự tạo cho mình, ở đây không có sự trừng phạt nào hay sự ban thưởng, cũng không có một giáo điều nào hay một lý tín nào có thể thiết lập trên cơ sở nhân quả của Phật giáo. Nhân quả là một nền luân lý nhân bản, tích cực, trí tuệ và đầy tình người, nếu được áp dụng nhân quả vào mỗi con người, gia đình, xã hội, học đường v.v ắt hẳn sẽ đưa đến một cuộc sống an lạc hạnh phúc vô biên.
          Hiểu và ứng dụng nhân quả vào cuộc sống và sự tu tập là khởi điểm của tiến trình tiến đến giải thoát giác ngộ. Ứng dụng nhân quả thì con người sẽ vượt lên được ý niệm phân biệt, mọi ngã tưởng điên đảo đạt đến thế giới của sự thanh tịnh xả ly, vô niệm. Tại đây thần chết sanh tử của nhân quả không còn nữa, vì rằng ngã tưởng được buông bỏ thì tham ái và chấp thủ sẽ bị tiêu tan. Khi ngã tưởng tham ái và chấp thủ bị đoạn diệt thì trụ cột của thế giới tương quan nhân quả của nghiệp báo thiện ác đã bị sụp đỗ, và đây ý nghĩa của Niết bàn tối thượng có mặt.
          Nhân quả đứng một vị trí quan trọng trong vấn đề cứu giúp con người ra khỏi khổ, là nền tảng đạo đức luân lý nhân bản và tích cực. Giáo lý nhân quả khai phóng con người lối đi năng động tích cực vượt qua mọi trở ngại của nghiệp quả và có thể chấm dứt dòng sanh tử khổ đau ngay tại cuộc sống này.
          Hiếu và ứng dụng luật nhân quả sẽ giúp con người tránh mọi mê tín dị đoan, thoát khỏi vào sự tin tưởng sai lầm vào các đấng thần quyền. Đem lại lòng tự tin vào chính con người, giúp con người không chán nản, không ỷ lại, không trách móc, không thối lui, không nghi ngờ v.v…  

˜]

NHÂN QUẢ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét