Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

QUẢ BÁO THIỆN ÁC

QUẢ BÁO THIỆN ÁC

          Quả báo của các nghiệp lành dữ có thể chia làm hai phần, một phần quả báo nơi tự tâm, một phần quả báo nơi đối đãi. Ví như có người bắn chết một con chim, lối hành vi đó huân tập tánh háo sát nơi tự tâm làm cho con người ấy thêm tánh hung dữ tàn bạo, đó là kết quả nơi tự tâm.
          Ngoài ra đối đãi với con chim, người ấy đã sát hại thân mạng, thì về sau, hoặc một đời hay nhiều đời sau con chim kia, nếu đủ thế lực thì sát hại lại để trả oán, đó là quả báo về mặt đối đãi.
          Về mặt đối đãi thì không luận có biết hay không biết, có cố ý hay không cố ý, hể đủ làm tổn hại cho người khác, vật khác thì người khác vật khác kia tất nhiên sanh lòng muốn làm tổn hại lại, chớ về phần tự tâm thì đồng một sự mà chỗ huân tập về thiện ác kia thì khác hẳn.
          a/ Vô tâm Như có người thấy chim nhốt trong lòng, đến coi vô ý làm sẩy, người ấy không có ý làm lành mà làm được việc lành thì không có kết quả gì nơi tự tâm cả, nhưng nếu trong khi chim bay người ấy ăn năn hoặc tiếc nuối vì đã làm sẩy thì chỗ huân tập nơi tự tâm lại thuộc về phần ác.
          Còn như có người đi vô ý đạp chết con kiến, tuy về phần đối đãi vẫn không thể tránh quả báo dữ, nhưng về phần tự tâm thì người ấy không chịu huân tập về mặt độc ác chút nào nếu không có quả báo. Song nếu người ấy khi biết mình có lỡ, rất lấy làm hối hận, phát đại bi tâm, cầu nguyện cho tất cả các con kiến thoát ly sự khổ não, thì chỗ huân tập tự tâm của người ấy lại là về đường thiện.
          b/ Vô tâm: Lại như có người tuy không phải cố ý nhưng bản tánh hiền lành không nở làm tổn hại cho người khác, lúc nào cũng làm lợi ích cho người khác vật khác, thì quả báo tự tâm người ấy rất lớn, vì đã được tánh thuần thiện, trái lại nếu như có người, tuy không phải cố ý nhưng gặp con vật gì cũng chặt đuôi, cắt cánh, làm những sự tổn hại thì quả báo của người ấy nơi tự tâm rất nặng nề, vì tánh dữ của người ấy đã thuần thục.
          c/ Hữu tâm: lại như có người cố ý làm các việc lành để trông cầu danh lợi, như giúp đỡ dân sự để được bầu làm lý trưởng, nuôi nấn chăm sóc con ngựa để cho được ăn giải nhất, tuy quả báo đối đãi vẫn là thiện, song về mặt quả báo tự tâm thì đã bị huân tập theo đường danh lợi, trái lại nếu như một quan tòa án, vì lẽ công bằng theo pháp luật phải kêu án tử hình, hoặc một vị tuần tiểu vì chức trách phải đánh bắt những kẻ trộm cướp, để cho kẻ dữ khỏi hiếp đáp những người lương thiện, thì về ý làm việc tổn hại cho người khác nhưng chỗ huân tập của tự tâm về đường lành, vì đã huân tập theo lối làm hết bổn phận, trừ kẻ dữ giúp người lành.
          d/ Hữu tâm lại như có người vui tin nhơn qủa, cố ý làm các việc lành, thì tuy cố ý nhưng chỗ huân tập của người ấy vẫn về phần thiện vì huân tập về đường chánh tín. Cho đến những người vì muốn xả lòng tham gian, sân hận, cố ý tu các hạnh bố thí và nhẫn nhục thì cũng được huân tập về đường thiện, trái lại những vị vì sự thù hiềm ghen ghét, hoặc vì tranh danh trục lợi, cố ý làm những việc dữ thì chỗ huân tập tự tâm của người ấy chắc chắn rất nặng nề về đường dữ.
Nếu trong khi cố ý làm các việc lành dữ, làm được việc lại rất vui mừng, muốn làm thêm các việc khác như vậy thì quả báo lành dữ lại càng thêm gấp bội.
Song quả báo dù về mặt đối đãi hay về mặt tự tâm đã do về nhơn duyên tạo thành, thì tùy theo sự hành vi sự huân tập về sau, cũng có thể thay đổi, chớ không phải nhất định. Như có người bị quả báo đối đãi dữ làm cho một người khác mới thấy đã giận ghét, sanh lòng sát hại. Nhưng nếu người ấy hết sức từ hòa nhẫn nhục, làm ơn làm phước cho người kia, thì là người kia hết giận, hết sanh sát hại, mà lại còn đem lòng kính mến nữa. Trái lại, trong lúc hưởng quả báo đối đãi về đường thiện nếu hung dữ thổ lộ, làm càng làm quấy, thì cũng có thể đổi cái thiện niệm đối đãi của kẻ khác hóa ra ác niệm. Về phần quả báo nơi tự tâm cũng vậy, nếu một người trước vẫn làm nhiều việc lành và mưu vì bạn xấu xui giục, hoặc hoàn cảnh lôi kéo không biết tự chủ, phát tâm làm những việc dữ, thì cũng có thể hóa thành có tâm dữ và chịu quả dữ. Trái lại, một người độc ác, làm nhiều điều tàn nhẫn, như sát sanh hại vật, trộm cướp v.v...biết ăn năn chừa lỗi, thề bỏ điều dữ, nguyện làm việc lành thì tâm người kia có thể hóa ra tâm lành và quả báo người kia cũng có thể xoay về đường thiện. Vì trong một đời người, sự huân tập của tự tâm, lúc lành lúc dữ không nhất định, nên tùy theo sự huân tập của tâm mình về bên thiện mạnh hơn hay về bên ác mạnh hơn mà hưởng thọ các quả báo, lành nhiều hơn thì sanh lên chư thiên, dữ nhiều thì sanh về địa ngục.
Về quả báo nơi tự tâm cốt nhất là do nơi tâm niệm, tâm niệm vẫn rất phức tạp, song truy nguyên vẫn không ngoài hai thứ là tâm niệm tình ái và tâm niệm lý tưởng. Tâm niệm tình ái thường không ra ngoài chỗ thọ dụng của một thân, nên hẹp hòi, thô trược, tối tăm làm cho tâm thức phải thối hóa trên con đường hiền lành sáng suốt. Trái lại, lý tưởng bao quát những nguyên lý rất rộng, lắm khi vượt ra ngoài phạm vi của loài người cho đến vượt ra ngoài phạm vi của tất cả các giống hữu tình, vô hình, hữu hình, nên rộng rãi nhẹ nhàng, thanh bai, sáng suốt làm cho tâm trí được tiến hóa trên con đường nhơn từ trí huệ.
Trong kinh Lăng Nghiêm Phật dạy “Thuần là tình ái thì sa xuống địa ngục, thuần là lý tưởng thì sanh lên chư thiên, tình và lý tưởng cân nhau thì không lên không xuống, và trở lại sanh ra làm người, lý tưởng có phần hơn thì hóa ra thông minh, tình ái có phần hơn thì hóa ra u độn. Nếu như có người trong lúc đi lên, lại đã có tu phước đức trí tuệ, nguyện sanh về Tịnh độ, nguyện sanh về Tịnh độ, thì liền được vãng sanh về cõi Phật”. Do chỗ huân tập về tình ái về lý tưởng nhiều ít khác nhau nên thế gia chia ra ba cõi là vô sắc giới, sắc giới và dục giới. Trong mỗi giới lại chia ra nhiều bậc, như dục giới chia ra sáu bậc trời, cho đến nhiều bâc nhơn loại, tu la, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Chẳng nói chi các bậc khác, chính trong nhân loại, người thì có thân thể khỏe mạnh, kẻ thì ốm yếu, người thì phú quý, kẻ lại bần tiện, người thông minh, kẻ ngu đần tối tăm, người thì gia đình đoàn tụ vui vẻ, kẻ gia đình ly tán chia lìa khốn khổ v.v...là đều do các quả báo lành dữ mà phát ra cả.
CHỨNG NGHIỆM Dù chưa nhận được quả báo về sau, song chính nơi đời hiện tại, chúng ta có thể nhận định quả báo tốt của sự lành và quả báo xấu của sự dữ. Như hiện nay, những người làm được việc lành thì được công chúng hoan nghinh tôn kính, ưa mến thân mật và giúp đỡ, lắm khi đã chết rồi còn được dân chúng kỷ niệm, sùng bái, phương danh ghi chép trong sử sách đời đời. Ví như các vị có công giữ nước, dựng nước.v.v..
Chúng ta thử xem, hiện nay những người nhân đức không giết hại sanh vật và có lòng thương yêu, bảo hộ, thì người nào vật nào cũng đều thân ái, những người liêm khiết không làm điều phi nghĩa, không tham muốn của ai và có lòng bố thí thì ai ai đều tin cậy, gửi tiền, gửi của không chút nghi hoặc. Trái lại những người độc ác hung dữ, thì hiện đời đã bị công chúng phản đối, giận ghét trốn tránh, ruồng bỏ mà sau khi chết rồi, cũng còn bị người ta khinh miệt, chỉ trích.
Phàm ở đời gúp đỡ người ta thì người ta giúp đỡ mình, kính mến người ta thì người ta kính mến mình, nghi kỵ người ta thì người ta nghi kỵ mình, phá hại người ta thì người ta phá hại mình, hể làm lành thì được lành, làm dữ thì gặp dữ, chúng ta cũng có thể công nhận cái quả báo lành dữ nơi đời hiện tại.
THÍCH NGHI: Qủa báo thiện ác là một điều hiển nhiên, ai ai cũng đều công nhận, nhưng cũng có một số người vì quá tin những điều tà thuyết, nên phát sanh ra các điều nghi hoặc như sau, cần phải giải:
1/ Có người thì nghĩ rằng thiện ác là những danh từ bày đặt, tùy phong tục mà nói việc này là lành, việc kia là ác, thật ra không có gì là thiện ác, làm sao có được quả báo?
Chỗ nghi đó chúng ta đã định nghĩa hai chữ thiện ác, đã giải thích rồi. Phàm làm những việc gì có lợi ích cho người khác, dù việc đó có lợi ích cho mình hay không có lợi cho mình, đều gọi là thiện. Trái lại, làm tổn hại cho kẻ khác thì gọi là ác, chứ không quan hệ gì đến phong tục cả. Lại trong khi làm lợi ích cho kẻ khác tất nhiên tâm lành thêm hiền lành và kẻ khác cũng vui lòng làm việc lợi ích cho mình, trong khi làm việc tổn hại cho kẻ khác thì tâm mình thêm hung dữ và kẻ khác cũng mong mỏi làm tổn hại cho mình, thế là quả báo của điều thiện, điều ác đã có sẵn rồi, có điều gì xa lạ mà không công nhận.
2/ Có người thì bảo rằng thiện ác quả báo là thuốc độc của đạo Phật làm cho nhiều người yếu đuối không đủ sức cạnh tranh phấn đấu, thiệt không lợi ích cho nhân loại gì cả.
Xin đáp lại rằng: thuyết thiện ác quả báo đâu do đạo Phật đặt ra, nhưng đây không phải điều viễn vông, không có chứng cớ nói sự thật. Thuyết ấy lại làm cho loài người bỏ dữ làm lành, thì thuyết ấy đâu phải là vị thuốc mê mà chính là một món thuốc rất quý hóa làm cho loài người bớt lấn hiếp nhau, lường gạt nhau, sát hại nhau mà thôi.
Nếu như một thuyết làm cho loài người không giết hại nhau, lấn hiếp nhau, lường gạt nhau mà trái lại làm cho loài người giúp đỡ nhau, lượng thứ nhau, một thuyết như thế còn cho là không có lợi ích cho nhân loại, thì chẳng lẽ xúi giục loài người tàn hại lẫn nhau, giận hờn thù oán nhau mới là có ích hay sao. Những nhà tự nhận mình là kẻ ưa thời mẫn thế, chắc không bao giờ trông mong nhơn loại thù hiềm, giết hại nhau bao giờ.
3/ Có người lại nói rằng làm lành làm phước chỉ làm cho người ta sanh lòng kiêu căng, người chịu ơn chịu nghĩa sanh lòng hổ thẹn, sao cho bằng tổ chức lại nhơn quần một cách hoàn toàn để cho không ai cần phải làm lành, không ai cần phải thù oán.
Nói như vậy chỉ thiên về các sự làm lành làm phước mà thôi, lại dù muốn tổ chức nhơn quần một cách hoàn toàn đi nữa nếu tâm của mọi người không hiền lành, chánh trực thì nhơn vào đâu mà tổ chức hoàn toàn cho được? Từ xưa đến nay, xét trong lịch sử của nhân quần, hết tự do chủ nghĩa thì quay về chuyên chế chủ nghĩa, hết chuyên chế chủ nghĩa thì xoay về tự do chủ nghĩa, quay đi trở lại mãi mà không thấy nhơn quần được tổ chức hoàn toàn là vì cớ gì? Chính là vì lo tổ chức bề ngoài, còn về những hư hỏng của chơn tâm không biết cải tạo cho thuần thiện, chơn tâm đã hỏng, nuôi mãi ba cái độc tham, sân, si làm sai những việc sát đạo, dâm, vong, ngôn ỷ ngữ lưỡng thiệt thì dầu tổ chức thế nào đi nữa nhân loại cũng lấn hiếp nhau, lừa gạt nhau, sát hại nhau biết bao giờ cho hoàn toàn được.
Trái lại, nếu toàn thể nhân loại đều có tâm hiền lành dung thứ nhau, giúp đỡ nhau, yêu mến nhau, thì tổ chức cách gì nhơ quần lại không hưởng được cảnh thái bình hạnh phúc, nhơn tâm đã thuần thiện thì người làm lành làm phước cũng không kiêu căng, người chịu ơn chịu nghĩa cũng không hổ thẹn ghen ghét, làm sao không bằng được những lối tổ chức nhơn quần nơi hình thức kia, chỉ có hư danh mà không có thiệt sự.
4/ Có người lại nói rằng: lắm người không làm lành mà vẫn sung sướng, vị tất thiệt có quả báo.
Nói như vậy là chỉ xét trong đời hiện tại, nghĩa là trong lúc các người kia đương chịu quả báo mà thôi, chớ nếu đem tâm trí sáng suốt mà xét đoán, đem con mắt tinh đời mà ngó xa một chút nữa, thì vị tất đã không thấy quả báo dữ chính nơi hiện tại, huống chi của quả báo đời sau thế nào, chúng ta cũng có thể suy xét mà dự đoán được.
5/ Có người lại nghĩ rằng vẫn biết thiện ác đều có quả báo nhưng cái quả báo đó nếu chỉ về đời sau thì đã có các thân khác chịu, việc gì phải tránh dữ làm lành trong đời này cho cực khổ.
Chúng tôi xin đáp lại rằng tránh dữ làm lành thì thân tâm được an ổn, vui vẽ sung sướng lắm chứ không phải cực khổ- Trái lại, gây các điều dữ làm cho kẻ khác oán thù thì phải lo sợ hằng ngày, vị tất đã là sung sướng. Huống chi trong lúc chịu quả báo thân thể tuy khác mà tâm tánh vẫn một nào phải ai đâu xa lạ. Cũng như một người mặc áo giáp sắt cầm cây ra đường đập, đánh người ta, hôm sau ra đường, mặc áo vải trắng ra đường bị người đập lại, người mặc áo giáp sắt có thể không nghĩ đến người mặc áo vải trắng được không? Nếu không thì thà rằng khi trước đừng đập người ta để về sau khỏi bị người ta đập lại. Thiệt ra thì nhơn vẫn tự mình làm, quả vẫn tự mình chịu, nào phải ai đâu xa lạ, mà phân biệt thân này thân khác.
6-Có người lại nói rằng: “Đã lỡ làm ác rồi không thể làm lành được”.
Nhưng chúng ta nên xét cho kỹ, chúng ta đang còn mê muội, sanh ra ở đời ai lại không có lỗi, ai lại khỏi có tội, song như trước đã nói, tâm tánh có thể luyện tập dữ hóa lành, quả báo cũng có thể chuyển đổi xấu hóa tốt, một điều cốt yếu là đã hết lỗi thì phải chừa bỏ phát ra chí nguyện rộng lớn, quyết định trau dồi đức tánh cho đến chốc thuần thiện là được. Nếu chỉ ta biết sự lỗi lầm, bỏ điều quấy điều dữ, làm điều lành, điều phải thì hôm rước hôm sau đã có thể trở thành một người khác hẳn rồi, làm sao lại không thể làm lành được.
7- Có người lại nói rằng: “Đã hiền lành rồi không cần phải tu tập nữa”.
Nhưng xin xét cho kỹ hiền lành cũng có nhiều tầng bậc lắm, dù cho đoạn tiệt những lòng tham, sân, si, mạn, cho đến đoạn những lòng nhơn, ngã, bỉ, thử đi nữa, nhưng nếu không được giác ngộ hoàn toàn đủ năng lực hóa độ chúng sanh như Phật thì cũng chưa phải là hoàn toàn từ thiện, huống chi là chúng ta tự xét mình cho kỹ thì mấy ai đã xóa được lòng tham sân, si, mạn, vậy dù chúng ta đã sẳn tính hiền lành rồi chúng ta cũng cần phải tu tập thêm nữa, tu cho đến khi không thể làm một việc dữ nhỏ mọn và có thể làm tất cả các việc lành to lớn, thì mới thiệt là thuần thiện được. Chúng ta đã biết việc lành là hay là quý, thì người sẵn có tính tình hiền lành cũng lại tu tập việc lành cũng như gấm thêm hoa, có điều gì phải nghi ngại mà không tu tập.
8- Có người lại nói rằng: vẫn biết rằng bỏ dữ làm lành là phải, song tánh tôi đã trót quen cờ bạc, rượu chè chỗ hoa tường liễu ngõ, nên không tu như vậy được.
Chúng tôi xin đáp lại rằng: người ta ở đời, không lúc nào nên tự xử mình trong chỗ hèn yếu nếu biết việc phải mà không làm, là vì chúng ta không muốn làm chứ không phải vì chúng ta không thể làm. Nếu thiệt chúng ta muốn làm việc phải, chúng ta cứ phát ra cái chí nguyện cho mạnh mẽ, quyết định làm cho được mới thôi, thì thế nào chúng ta cũng có thể đổi các tánh xấu hóa ra tánh tốt. Chúng ta nên nghĩ rằng hiện trong đời này, chúng ta gặp thầy, gặp bạn, biết được chỗ phải chỗ quấy, nếu không phát tâm tu tập thành người hiền lành thì trong đời sau tánh xấu tiêm nhiễm đã lâu, lại chưa chắc gặp thầy, gặp bạn, chúng ta biết làm sao tránh khỏi sa đọa cho được. Chúng ta đã không muốn sa đọa, thì chúng ta phải biết hết lòng gắng sức mà phấn đấu với các tánh xấu mới được, chứ chúng ta không nên thối chí trước khi tu tập.
Khuyến khích: Qua các điều giải nghi ở trên, chúng ta có thể tin và hiểu ít nhiều thuyết thiện ác quả báo một cách chắc chắn và phát tâm mau bỏ dữ làm lành cho được quả báo hiền từ sáng suốt.
Người đời phần nhiều nghĩ rằng đồng một mối lợi hể người ta mất thì mình được, mình mất thì người ta được, nên khó biết làm việc lợi tha lắm nên xét ra cho kỹ thì làm lợi cho kẻ khác chính là làm lợi cho mình một cách lâu đài vững chắc. Ví như một người buôn bán, ý mình hoa ngôn xảo ngữ, trau chuốt những hàng hóa xấu, phỉnh gạt người ta để cho được lời nhiều. Thì người đó lúc ấy vẫn tưởng làm hại người ta là lợi cho mình mà không biết rằng sau khi gạt được một vài trăm người thì không còn ai thèm tới mua hàng người ấy nữa. Chừng đó bán hàng lần lần đến phải sập tiệm, tổn hại rất nhiều hay ít khi biết hại người tức là hại mình và thường đổ tội cho sự này việc khác, nhưng thật ra những sự tổn hại đó chính là kết quả của cái lối hành vi lừa gạt từ trước.
Chúng ta đã tin thiện ác nghiệp báo, hễ có nhơn thì có quả, chúng ta đối đãi với người khác vật khác thế nào, thì chúng ta sẽ bị đối đài như thế ấy, chúng ta huân tập tâm tánh của chúng ta sẽ hưởng thọ theo bậc ấy. Vậy chúng ta còn nghi ngại gì nữa mà không phát ra các chí nguyện bỏ các điều dữ, làm các việc lành, để cùng toàn thể nhân loại, cùng tất cả chúng sanh hưởng sự vui vẻ trên cái nền nhân ái.
Kết luận: Tóm lại, cái thuyết thiện giả, thiện hoàn, ác giả, ác báo là một thuyết rất đúng với sự thật, lại là một thuyết rất bổ ích cho thế đạo nhân tâm. Một người làm việc lành thì đã có ảnh hưởng lành giữa quần chúng, 100 người vạn người làm việc lành thì ảnh hưởng lành sẽ lan khắp cùng cả thế giới. Nếu ai ai cũng biết tin thiện ác nghiệp báo, cũng bỏ dữ làm lành thì còn đâu những sự bần cùng, khốn khổ, còn đâu những cuộc chiến tranh thê thảm. Ai là người ưa thời mẫn thế, có chí nguyện mưu cầu hạnh phúc cho nhân loại, xin hãy gắng sức truyền bá thuyết thiện ác quả báo này cho nhân quần? Đến khi toàn thể nhân loại đều hồi tâm hướng thiện rồi thì tổ chức chánh thể, tổ chức thế giới cách thế nào đi nữa, nhân loại cũng có thể thân thiện cùng nhau và chung hưởng thái bình hạnh phúc./.

                                                %  %

QUẢ BÁO THIỆN ÁC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét