Thứ Hai, 31 tháng 10, 2016

QUY Y TAM BẢO

QUY Y TAM BẢO

          Phật Bảo: Phật ra đời khó gặp. Từ một người phàm tu hành thành Phật là một việc khó. Như hoa ưu đàm 1000 năm mới trổ một lần. Phật là một người đã giác ngộ bản thân thành Phật ra khỏi luân hồi, đem chỗ giác ngộ ấy dạy lại cho người cùng ra khỏi sanh tử, là điều cao quý nhất trên trần gian nên gọi là Báu.
          Pháp Bảo: Phép của Phật dạy là chân lí, dù trải qua thời gian bao lâu chân lý ấy không thay đổi. Pháp ấy như đèn sáng ban đêm cần cho người lạc lối, Như phao nổi trong biển cả cần cho người chìm thuyền. Người học đạo gặp được chánh pháp cũng như thế nên gọi là Báu. Trăm nghìn muôn kiếp khó tìm gặp.
          Tăng Bảo: Là đoàn thể tu tập theo chánh pháp của Phật sống lục hòa hướng dẫn chúng sanh đi đúng con đường chánh pháp giúp chúng sanh không sa đọa vào ba con đường ác nên gọi là Tăng Bảo.
          Quy y: Nguyện noi theo con đường của Phật đã đi gọi là quy y Phật- quyết thực hành những lời chỉ dạy của Phật trong kinh điển gọi là quy y Pháp- Thuận theo các hướng dẫn của chư Tăng mà tu hành bỏ tà quy chánh, bỏ ác làm lành gọi là quy y Tăng.
          Cuộc đời chúng ta lấy Tam Bảo làm thước đo, lấy Tam Bảo làm mẫu mực, lấy Tam Bảo làm chiếc thuyền chở thân mạng chúng ta đến đích giải thoát.
           Tăng là người đại diện cho Phật Pháp và tất cả Tăng trong ba đời mà hướng dẫn ta tu tập theo chánh pháp. Nếu vị tăng đại diện truyền quy giới cho ta có tu được hay không tu được, người thọ pháp quy giới vẫn đã quy y Tăng rồi. Khi quy y một vị Tăng tức đã quy y tất cả chư Tăng rồi, cho nên đã quy y rồi không còn hạn hẹp nơi ông thầy mình quy y. Như vậy mới đúng tinh thần quy y Tam Bảo.
*Quy Y TAM BẢO TỰ TÂM
Phật Pháp bao giờ cũng đủ hai mặt lí và sự- đó là Tam Bảo ngoại và Tam Bảo nội. Tam Bảo ngoại là đối tượng. Tam Bảo tự tâm là bản chất. Nương Tam Bảo ngoại để phát huy Tam Bảo của tự tâm. Trong ngoài hỗ tương để viên mãn công phu tu hành. Đó là mục tiêu chính của đạo Phật.
Thế nào là Tam Bảo tự tâm?
Tánh giác sẵn có nơi chúng ta là Phật bảo lòng từ bi thương xót cứu giúp chúng sanh là Pháp bảo. Tâm hòa hợp thảo thuận với mọi người là Tăng bảo.
Nhờ Phật bảo bên ngoài chúng ta đánh thức tánh giác của mình trở về nương tựa tánh giác bên trong của mình gọi là quy y Phật.
Nhờ Pháp bảo bên ngoài, chúng ta khởi lòng từ bi của mình là quy y Pháp.
Do chư tăng gợi  cho chúng ta có tinh thần hòa hợp thảo thuận của mình gọi là quy y tăng. Phật Pháp tăng bên ngoài là trợ duyên giúp chúng ta phát khởi Phật pháp tự tâm vậy.
Tuy có bên ngoài mà người Phật tử không cố gắng đánh thức Tam Bảo của chính mình. Tam Bảo bên ngoài cũng vô nghĩa. Có thầy giáo cần cù mà đứa học trò lười biếng không chịu học ông thầy cũng vô nghĩa.
Cho nên Tam Bảo bên ngoài là tối thiết yếu với người Phật tử mới có được giác ngộ giải thoát.  Đó là khả năng của Tam Bảo tự tâm. Chỉ biết Tam bảo bên ngoài là chấp sự bỏ lý. Một bên chỉ tin Tam Bảo tự tâm không cần biết đến Tam Bảo bên ngoài, là chấp lý bỏ sự. Người Phật tử chân chính phải viên dung cả sự lẫn lý. Mới không trở ngại trên con đường tu tập.
*CÁCH THỨC QUY Y:
     Người muốn trở thành Phật tử thì phải qua ngưỡng cửa quy y. Mới thành đệ tử của Phật. Người quy y phải đối trước Tam Bảo, quỳ trước chánh điện có một vị Tăng hay nhiều vị. Đọc lên ba lần phát nguyện “Đệ tử.... nguyện suốt đời quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng”
Sự quy y này phát từ đáy lòng của mình không do ai xúi giục hay ép buộc. Như vậy mới đúng ý nghĩa quy y.
Ba lần phát nguyện nói lên như vậy là đã gieo hạt giống lành vào sâu trong tàng thức khiến đời đời không quên. Đây là tinh thần tự giác tự nguyện hình thức nghi lễ quy y là giúp thân ấn tượng quan trọng cho giờ phát nguyện ấy. Khi chúng ta phát nguyện quy y là chúng ta nương theo con đường tỉnh giác, theo Tam bảo thì đời ta được nhiều lợi ích. Nếu trên đường tu tập có lúc bị vô minh che đậy, không phát huy được nội lực Tam Bảo, không nhớ Tam Bảo, thì chúng ta tự chịu thiệt thòi.
Đạo Phật là đạo tự nguyện không ép buộc ai phải theo hoặc phải bỏ, quy y Phật theo sự dụ dỗ, ép buộc, bắt chước. v.v... Thì không phải là tinh thần quy y. Không phù hợp với tinh thần giác ngộ.
*KHẲNG ĐỊNH LẬP TRƯỜNG QUY Y:
Sau khi quy y Tam Bảo người Phật tử phải khẳn định rõ lập trường của mình đã chọn.
* Quy y Phật rồi không quy y thiên thần quỷ vật. Đã nhận Phật làm thầy không nương theo các đấng thiên thần khác. Phật là đấng giác ngộ còn các vị kia chưa giác ngộ còn trong vòng sinh tử.
* Quy y Pháp rồi, người Phật tử không quy y theo ngoại đạo tà giáo. Chánh Pháp của Phật là chân lí giúp chúng sanh ra khỏi bể khổ đường mê. Còn các giáo pháp của ngoại đạo không thể giúp ta ra khỏi biển khổ sinh tử nên chúng ta không tin theo.
* Quy y Tăng rồi không theo thầy tà bạn ác. Khi đã quy y Tăng rồi, chúng ta nương theo những vị Tăng tu hành hiền đức, những vị không ham cầu danh lợi, địa vị, ngũ dục thế gian, gọi là hiền Tăng. Còn những vị đi trái với lời Phật dạy, trái với giáo Pháp gọi là thầy tà bạn ác. Ngoài ra, còn có các bạn ác như hướng dẫn chúng ta đi vào con đường mê tin tà đạo nữa.
Kết luận:
Tam Bảo là nền tảng cho sự giác ngộ là nấc thang đầu của cây thang bước lên tòa giải thoát, là bước đầu tiên hướng về cố hương vô sanh. Muốn tòa nhà giác ngộ được vững chắc cần phải có lòng tin kiên cố. Thích trở về cố hương vô sanh, những bước đi đầu tiên phải đi cho đúng cho vững.
Vì thế tầm quy y Tam Bảo quan trọng vô cùng. Mỗi người muốn đến đạo Phật phải từ ngưỡng cửa quy y mà vào, không như thế thì  học Phật mất căn bản. Bởi nó đóng vai trò quan trọng, nên người Phật tử phải học tập trong việc quy y. đừng vì quy y cho có phước cho hết bệnh,cho Phật gia hộ.v.v...
Đều là quy y do mê tín trái với tinh thần tự giác, tự nguyện của đạo Phật.

˜]

QUY Y TAM BẢO Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét