Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2016

CĂN TÁNH VÀ PHÁP TU

CĂN TÁNH VÀ PHÁP TU

Căn tánh chúng ta nhỏ hẹp mà tu pháp Đại Thừa nếu không đủ phước thì dễ gãy gánh giữa đường. Hằng ngày chúng ta gom tất cả nghiệp chúng sanh sẽ biến thành nghiệp của mình. Tiếp xúc với Phật tử họ đem những việc gia đình để san sẻ với người tu, nhất là khi có người thân qua đời với đủ cách chết, đó là sự mất mát đau khổ mà người ta thường đem san sẻ với chùa. Nếu người tu không đủ nghị lực sẽ biến nghiệp của họ thành nghiệp của mình. Nghe nhiều tâm chúng ta dễ xúc động, nghe việc thương tâm thường hay lạc lòng và đến khi tĩnh tâm những hình ảnh khổ đau ấy lại tự động hiện ra trong tâm thức của mình, khiến mình mất chánh niệm.
Phiền não là Phân - Nghiệp là Nước - chúng sanh là Đất, Tâm Bồ Đề là hạt giống - có đủ ba thứ đất nước phân hạt giống mới mọc và phát triển.
Có người chân tu không thuyết pháp mà độ được nhiều người, vì tâm họ thanh tịnh không có phiền não. Có người thuyết pháp rất hay nhưng tâm còn phiền não nên người nghe xong tâm họ càng rối thêm, vì cái hay của ngôn ngữ xuất phát từ phiền não trí, suy luận phải trái hơn thua, không làm cho người an vui được.
Mã Thắng Tỳ Kheo độ được Xá Lợi Phất một cách dễ dàng nhẹ nhàng, đã nói lên sự tác động mãnh liệt của tâm thanh tịnh. Xá Lợi Phất nổi danh là nhà hùng biện bậc nhất ở Ma Kiệt Đà là Đại Luận Sư đã từng bẻ gãy các luận thuyết đương thời, nhưng lòng ngài bất an vì phải bảo vệ cái danh số một của mình. Đức Phật đã bảo Mã Thắng là người ít nói nhất đến độ Xá Lợi Phất không nói không khởi vọng niệm, chỉ duy nhất giữ tâm thanh tịnh, mà Mã Thắng đã cảm hóa được nhà hùng biện Xá Lợi Phất một cách dễ dàng - hình ảnh giải thoát của Mã Thắng và đức Phật đã nhẹ nhàng đã khiến cho Xá Lợi Phất  thức tỉnh và phát tâm theo Phật, buông bỏ mọi hơn thua phải trái trên cuộc đời, tâm thanh tịnh liền chứng quả A La Hán.
     Học Phật với tâm thanh tịnh, làm việc với tâm thanh tịnh thì phước đức rất cao. Còn làm việc với tâm phiền não thì phước giảm mà phiền não lại tăng - làm việc với tinh thần từ bi trong sự thông cảm, thì thành quả sẽ đến. Sự tu học là làm cho mình được thanh tịnh và hướng dẫn mọi người đến với chánh pháp./.
¯

THIỀN

Như Lai thiền: là phương pháp thiền như quán hơi thở, tứ niệm xứ, thiền na Ba La Mật..v.v. Tu các phương pháp thiền này được chứng nhập từng tự theo thứ bậc, tùy theo trình độ và thời gian hành trì của hành giả.
Tổ Sư Thiền bắt đầu từ Phật Thích Ca truyền lại cho ngài Ca Diếp đến ngài A Nan rồi đến Tổ thứ 28 là Bồ Đề Đạt Ma. Sau Bồ Đề Đạt Ma truyền sang Trung Quốc, Bồ Đề Đạt Ma tôn làm Sơ Tổ Thiền Tông Trung Hoa truyền cho nhị Tổ Huệ Khả, Tam Tổ Tăng....Tứ Tổ Đạo Tín ngũ Tổ Hoằng Nhẫn và Lục Tổ Huệ Năng. Sau đó chia thành năm phái: Lâm tế, Tào Động, Pháp nhãn, Quy Ngưỡng, Vân môn. Mỗi phái đều có phương tiện cơ xảo riêng để khế hợp với từng cơ duyên của đệ tử. Tùy mỗi đương cơ mà chư Tổ hoặc nói, hoặc nín, hoặc dùng gậy đánh hay dùng tiếng la, tiếng hét v.v...Các phương tiện cơ xảo ấy giống như chuyện vô lý nhưng lại có tác dụng làm ngưng suối nguồn ý thức của người đệ tử lúc bấy giờ. Mục đích là để đệ tử ngay sát na đó khai ngộ. Các ngài không muốn để đệ tử sa lầy trong văn tự chữ nghĩa, chỉ cần ngưng dòng tâm ý thức để trực thấy bản tâm, bản tánh của mình. Do đó một người khi nhập môn dòng thiền Lâm Tế liền bị tiếng la hét hay khi nhập môn dòng thiền Đức Sơn liền bị đánh v.v.. là vậy. Người tham thiền thời đó cảm thấy thích hợp với cơ xảo nào thì đến phái đó theo học. Tuy khác nhau ở cơ xảo nhưng sự ngộ chẳng khác.
Nói đến Tổ Sư Thiền người ta liền nghĩ đến việc tham công án và nghĩ rằng tham công án cũng tương tự như khán thoại đầu. Thật ra Công Án và Thoại đầu có khác nhau mặc dầu mục đích không khác nhau. Đa số các Công Án có chuyện tích phức tạp, ví dụ như Công án Vô của Thiền Sư Triệu Châu: một vị Tăng hỏi Hòa Thượng Triệu Châu: “con chó có Phật tánh không?”. Sư đáp “không”. Vị khác hỏi “con chó có Phật tánh không?”. Sư đáp “có “. Tại sao Triệu Châu nói “không” cho người này lại nói “có” với kia? Tại sao các loại hữu tình chúng sinh đều có Phật tánh mà Hòa Thượng Triệu Châu lại nói không, rồi sau lại nói có. Ngài có nói sai không? Nếu không thì ý ngài ở đâu? Thắc mắc không biết v.v...Còn khán thoại đầu đơn giản hơn, không có chuyện tích phức tạp, như thế mà chỉ là câu hỏi. Ví dụ như câu “niệm Phật là ai?” hay “trước khi cha mẹ chưa sanh, mặt mũi bổn lai ta ra sao?”.
Mục đích của tu Tổ Sư Thiền là làm ngưng lại dòng tâm ý thức (thường lưu) trôi chảy liên tục trong tâm con người từ vô thủy. Chư Tổ dùng cơ xảo để làm cho đương cơ bật ngược lại, vượt qua bức màn vô minh từ thời vô thỉ, vượt qua luôn bờ bên kia của vô thỉ vô minh, hoàn toàn giác ngộ, như vàng đã tôi luyện, loại bỏ hết tạp chất.
Bản thể chân tâm của ta vốn thanh tịnh, nhưng vì một niệm bất giác, tức nhất niệm vô minh sanh khởi, nên sinh ra ý thức phân biệt, gây thành có ta, có cái không phải ta, sinh ra đối đãi, từ đó dòng tâm ý thức tham, sân, si khởi dậy, ngày càng dày đặc, càng trôi lăn trong vòng sanh tử luân hồi tạo nghiệp và trả quả, vay trả không ngừng. Nay muốn trở về cội nguồn thì phải dừng được dòng tâm ý thức, nghĩa là dừng lại những tạo tác của ý thức thường nghiệm, luồng tư tưởng, những ý niệm và nhận thức.
Lúc đầu, chưa có công án, mà chỉ là cơ xão của chư Tổ, tùy theo căn cơ của người đối diện mà tháo gỡ vướng mắc đã khiến họ kẹt cứng, không hội nhập lại bản thể được, thí dụ như Lục Tổ hỏi Thượng Tọa Minh “không nghĩ thiện, không nghĩ ác, cái gì là bản lai diện mục của Thượng Tọa Minh?”. Nghe câu đó Thượng Tọa Minh ngơ ngác, trong một sát na dòng tâm thức bị khựng lại, bản thể hiển lộ lập tức. Trong 1.700 công án đều là những câu vấn đáp của Chư Tổ, chính là để đương cơ, “khựng ngay dòng ý thức lại” Mỗi vị đều có những câu khác nhau, tùy theo nhận xét của thầy mà đưa ra câu hỏi cho trò.
Người sau thấy những câu hỏi đáp đó đã giúp khai ngộ cho đệ tử, bèn thu thập lại, rồi đề ra cho người tới xin tu, cho họ một câu, gọi là “một tắc công án” để họ tự hỏi hoài, thành ra một nỗi thắc mắc nhân tạo, coi như dụng cụ để giúp cho người tu thiền có thể ngưng đọng tâm tư, tạo được khối nghi, chờ một ngày kia có trợ duyên, khối nghi bùng vỡ là ngộ.
Càng về sau, tâm tư con người càng phức tạp, biện luận càng nhiều, người tu dùng công án để tạo thắc mắc, nghi tình thì ít, đem công án ra để bình giản thì nhiều, công án nhà thiền biến thành công cụ để bình luận văn thơ, đã không giúp cho dòng ý thức ngưng lại, còn khai triển ra đủ loại tư tưởng đối nghịch, biến thành trò chơi chữ nghĩa. Trong trường hợp đó, công án không còn phục vụ sứ mạng tạo nghi tình, lại lấp bít con đường đi tới giác ngộ chân chính, và cũng do Cảnh Đức Truyền Đăng lục ra đời thời điểm này, ghi chép tất cả các thủ đoạn, công án của Chư Tổ khiến người tham thiền biết hết kỹ thuật của Tổ nên không phát khởi được nghi tình, do đó, Chư Tổ mới bất đắc dĩ chế ra pháp “chiếu cố Thoại Đầu” hay gọi là “Khán thoại đầu” có từ đó.
Như vậy chiếu cố thoại đầu là gì? Thoại là lời nói, và Đầu là đầu tiên. “Thoại đầu” là phía trước, trước khi có câu nói. Nếu đã nói ra, dù là một chữ  thì hết là “đầu” mà chỉ còn là “thoại vĩ” là “câu nói” mất rồi. Cho nên không có “câu thoại đầu” mà chỉ có “phía đầu của câu thoại” cho nên phải có chữ “chiếu cố”, chiếu cố thoại đầu, tức là “quán chiếu về phía trước của câu nói”.
Trước câu nói là gì? Dĩ nhiên câu nói (thoại) phải là hậu quả của một dòng ý thức trước khi tuôn ra thành lời. Nhưng dòng ý thức trước khi thành lời ở đâu? Là cái gì? Sự thắc mắc ấy chính là nghi tình. Nghi tình này không có đáp án. Không thể dùng tâm ý thức giải đáp huyên thuyên, dù có muốn, vì nó không có câu chuyện có đầu có đuôi như công án. Miên mật trong khối nghi này tức là hành giả đã vượt qua nhất niệm vô minh, đang ở trong vô thủy vô minh, tức là đang trên “đầu sào trăm thước”. Sau đó bước thêm một bước là nghi tình bùng vỡ, là bước vào mà chư Tổ gọi là “đất điền địa kia”(gọi là đất, là bước, chỉ là hình thức hóa cho dễ hiểu trong ngôn từ, thật ra thì tất cả chỉ là chuyển hóa tâm thức, không có cụ thể thành vật chất được, nói ra đã là dùng tương đối, cách xa mất rồi). Bước này mau chậm là tùy căn cơ, có người ôm khối nghi nhiều năm, có người ngắn hơn. Cơ duyên khiến cho nghi tình bùng vỡ, là  “bước thêm một bước” có thể là tiếng viên sỏi chạm vào cây tre, hoặc là tiếng vỡ của cái chén rơi, tiếng chuông chùa, tiếng nói vô nghĩa v.v...
Pháp chiếu cố thoại đầu bắt đầu từ đời nhà Tống bên Trung Hoa, không rõ truyền vào Việt Nam từ năm nào nhưng sau 1975 có Hòa Thượng Duy Lực người Việt gốc Hoa truyền giảng pháp môn này ở tại Việt Nrồi sau truyền qua Úc, Canada, Hoa Kỳ./.
¯

THIỀN

Cái gốc của thiền đã có từ loài người hiện hữu và biết suy nghĩ. Thiền chính là sự văn minh của tư tưởng nhân loại, tức tập trung tư tưởng, suy nghĩ những điều cao siêu, những suy nghĩ của con người về các dữ kiện bên ngoài được gọi là tri thức thông thường. Nhưng những suy nghĩ trong tỉnh thức, không có đối tượng hữu hình, mà tập trung suy nghĩ những gì diễn tiến trong vô hình, trong Phật giáo thường gọi là thật tướng các pháp đó là thiền.
Trước khi Đức Phật ra đời, ở Ấn Độ đã có pháp tu thiền yoga, theo đó người ta luyện tập cơ thể khỏe mạnh và luyện tập sự tập trung tinh thần. Đức Phật đi tu lúc đầu cũng tập tu thiền theo những phái này, nhưng Đức Phật không thỏa mãn với những cách tu này. Vì thế Đức Phật tự tu theo cách của mình. Và Đức Phật đã thành công sau 49 ngày đêm thiền định dưới gốc cây Tất Bát La.
Sau khi Đức Phật nhập diệt, hàng đệ tử của Phật, mỗi người có cách suy nghĩ và thực tập riêng biệt và cũng đạt được những kết quả khác nhau. Vì thế mới nảy sinh ra nhiều dòng thiền khác nhau được phát triển  ở Tây Tạng, Trung Hoa, Việt Nam v.v..
Thiền theo Nam truyền Phật Giáo sử dụng pháp quán tứ niệm xứ làm đối tượng tu tập. Hành giả quán sát cuộc đời của con người trên thế gian này là vô thường để sanh tâm nhàm chán và mang ý niệm thoát ly.
Nhưng thiền ở theo Phật giáo Tây Tạng thì nổ lực phát huy năng lực con người để đạt được lực siêu tự nhiên làm được những việc bình thường không làm nổi. Đó là tinh thần thiền mang tính cách thần bí, hay Mật Tông của các hành giả Tây Tạng luyện tập để thâm nhập thế giới thần bí mà ngoài họ ra không ai biết được.
Đến Nhật Bản, người Nhật đã khai thác triệt để tinh ba của Thiền vào thực tế cuộc sống, bằng cách phát triển thiền trong lĩnh vực nghệ thuật nhiều hơn. Vì thế, người Nhật sử dụng Thiền để vẽ tranh cắm hoa, uống trà v.v..và sau đó, sự ứng dụng Thiền được người Nhật nâng lên một bậc, tiếp tục đóng vai trò chủ chốt trong lĩnh vực võ thuật, mới phát sinh ra võ sĩ đạo.
Có thể thấy rõ Thiền bây giờ mang tính cách tập trung tư tưởng để quan sát một việc gì đó và làm một vệc nào đó để đạt được năng sức cao tối đa.
Ngày nay trên thế giới, người ta biết nhiều về Thiền qua triết học Zen, theo đó thiền được đưa vào các sinh hoạt của mọi ngành nghề. Mọi thành phần trong xã hội đều có thể áp dụng tinh thần Thiền để lành mạnh hóa và tư tưởng và làm việc tốt hơn. Hiện nay, nhười Châu Âu rất quan tâm và ưa thích sự luyện tập Thiền trong đời sống hằng ngày, vì giúp họ giải tỏa những căng thẳng trong cuộc sống tất bật, không có ngừng nghỉ của xã hội công nghiệp hóa và giúp cho họ quay về với nếp sống nội tâm tĩnh lặng, làm chủ được thân tâm, được bình an không bị khổ đau vì nô lệ hóa bởi đời sống vật chất. Thành quả của Thiền mà người Phương Tây gặt hái được bắt nguồn từ sự truyền bá của Thiền Sư Suzuki trong những thập niên trước (trước 1960).
Riêng Việt Nam là một nước nhỏ bên cạnh nước Trung Quốc to lớn, với truyền thống của dân tộc Việt Nam thể hiện mạnh mẽ tinh thần độc lập, chủ quyền. Trong bối cảnh lịch sử như vậy, các Thiền Sư ở đất nước Việt Nam đã ứng dụng tinh ba của Thiền thích hợp với hoàn cảnh xã hội và đặc biệt là đã phát huy Thiền lên đến mức cao độ trong việc trị nước an dân và chống giặc ngoại xâm, giữ vững được sự vẹn toàn cho lãnh thổ.
Thật vậy, sử sách còn ghi đậm dấu ấn son sắc của Thiền Sư, nổi tiếng nhất là Thiền Sư Vạn Hạnh có tầm nhìn sáng suốt tuyệt vời. Ngài khẳng định với vua Lê Đại Hành rằng ông không cần xuất binh mà vẫn thắng, chỉ vòng hai mốt ngày giặc Tống phải tự rút lui.
Đời nhà Lý vua Lý Thánh Tông cũng là Thiền Sư thuộc phái Thảo Đường đã khuyên Ỷ Lan thứ phi thay ông nhiếp chính phải thực tập thiền quán để thấy rõ việc đáng làm, điều nên nói để bảo đảm vấn đề thịnh trị cho đất nước.
Về sau, đến đời nhà Trần, sau khi đánh thắng giặc Nguyên khét tiếng, vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng, ung dung tự tại lên núi Yên Tử thực hiện đời sống tâm linh trầm mặc ở cái tuổi 41 tràn đầy sinh lực. Và chính từ trí tuệ tuyệt vời của vua Trần Nhân Tông mới hình thành dòng thiền Trúc Lâm tiêu biểu cho dòng Thiền nhập thế tích cực, vừa làm vua, vừa làm nhà sư.
Câu nói bất hủ của Phù Vân quốc sư đã khuyên vua Trần Thái Tông rằng trong núi không có Phật, Phật ở trong tâm. Nếu bệ hạ làm vua mà nghĩ đến Phật, trí tuệ sáng suốt và làm được việc tốt cho trăm họ thì đó là Phật.
Tóm lại tinh thần Thiền học thể hiện tâm an định và trí tuệ sáng suốt, giải quyết được mọi vấn đề nan giả ở mọi lĩnh vực. Nếu áp dụng thiền một cách đúng đắn, thì Thiền là một phương pháp thực tập mãi mãi và là chất liệu cần thiết và quý báu cho mọi người ở mọi thời đại. Nhất là đối với cộng đồng thế giới văn minh tiến bộ ngày nay đang đối đầu với nhiều cuộc khủng hoảng, đang bị sôi sục vì nhiều cuộc chiến tranh thảm khốc, thì trí sáng suốt rất cần thiết cho mọi quyết định đúng đắn và tâm định tĩnh không bị sự kỳ thị về sắc tộc, về tôn giáo, về quyền lợi chi phối. Với sự sáng suốt và định tĩnh theo thiền tất yếu sẽ đem lại lợi ích lớn lao vô cùng cho bản thân, cho gia đình, đoàn thể, cho cộng đồng xã hội và cộng đồng quốc tế ở mọi lĩnh vực./.

*****

CĂN TÁNH VÀ PHÁP TU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét