Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2016

LÀM NGƯỜI PHẬT TỬ GƯƠNG MẪU

LÀM NGƯỜI PHẬT TỬ GƯƠNG MẪU

  Muốn thành người Phật tử chúng ta phải quy y Tam bảo và thọ trì 5 giới. Ngoài việc thọ trì năm giới ta còn phải siêng năng lui tới đạo tràng để tu tập. Thứ đến phải thường đọc tụng kinh điển và làm các việc phước thiện và luôn thực hành giáo lý để cuộc sống chúng ta có nhiều an lạc hạnh phúc.
          Quy y Tam Bảo: Bước đầu tiên đến với đạo Phật là quy y Tam Bảo, là sự khởi đầu cho lộ trình tu học và tiếp nhận khả năng chuyển hóa vận mạng của cả đời người. Vì khi quy y Tam Bảo người cư sĩ có nhiều cơ hội thực hành phương pháp tu dưỡng có hiệu quả. Từ đó họ cảm nhận được sự an lạc và sự lợi ích lớn trong đời sống bản thân. Nương tựa Phật pháp tăng là thừa hưởng sức mạnh đạo đức của đại chúng và vận dụng được kinh nghiệm quý báu trong việc tu học. Người cư sĩ đã quy y Tam bảo thực sự là con của Phật, là thành viên trong căn nhà Phật pháp. Do vậy người đã quy y thường có cái tên mới đặt gọi là pháp danh. Lâu nay sống ở nhà cha mẹ đặt cho ta một cái tên Xoài tên Mít ..., nay về với đạo, vị thầy hướng dẫn đặt cho pháp danh, pháp danh là tên của đạo pháp khi đã được thọ giới pháp. Pháp danh là cái tên gọi từ khi sinh ra trong giáo pháp của Phật, làm mới đời sống của mình bằng cách thực tập theo lời Phật dạy.
      Thành tựu giới: Giới kinh nói muốn qua bể khổ phải nương vào giới pháp, muốn thoát sông mê phải quy kính Tam bảo. Người cư sĩ phải thành tựu về giới, tức thọ trì 5 giới nghiêm túc. Ai không như pháp thọ trì 5 giới thì bị chướng ngại kết quả trên đường tu học. Thọ giới, giữ giới và đắc giới là diễn tiến quá trình tu học tích cực. Giới là khuôn vàng thước ngọc để chúng ta rèn luyện đạo đức cá nhân, gia đình và xã hội. Ai giữ giới trong sạch thì có đời sống lành mạnh và trí tuệ sáng suốt, mạng chung tâm không sợ hải, sanh vào cõi lành. Thành tựu giới là để thành tựu định và tuệ giải thoát.
       Thành tựu chánh tín: Một yếu tố quan trọng trong việc phụng sự Tam Bảo của người cư sĩ Phật tử là niềm tin. Niềm tin là sự tịnh tín với Phật pháp tăng. Niềm tin phát khởi thì có sự tu học tinh tấn. Phật tử luôn tư duy ân đức của Tam bảo mà khởi tâm gìn giữ căn nhà Phật pháp, vì lý do nào đó mà có người làm tổn hại đến Tam bảo, người cư sĩ tịnh tín cảm nhận được sự đau xót giống như trăm ngàn mũi kim đâm vào thân mình. Đó là nổi đau của người biết tôn trọng chân lý và lợi ích đời sống tha nhân. Phát huy đạo Phật cần có những người Phật tử tịnh tín như vậy. Đạo Phật từ bao đời nay tồn tại và phát triển tốt đẹp trong xã hội là nhờ lòng tịnh tín của người cư sĩ Phật tử.
     Thực hành bố thí: Bố thí có nghĩa là cho ra bằng tình thương, bằng trí tuệ. Bố thí không những dựa trên giá trị vật chất mà còn nhiều giá trị khác. Tục ngữ có câu “của cho không bằng cách cho”. Người cho với tấm lòng vui vẻ, dù là của ít nhưng người nhận cảm thấy an lạc. Kinh Phật dạy bố thí có ba phương diện là tài thí, pháp thí và vô úy thí. Khi bố thí quan trọng với tấm lòng rộng mở, không bị trói buộc, không dùng tiền của bố thí mà sanh lòng tự cao, ỷ lại hay khoe khoang theo thói hư danh. Dù tài vật nhiều hay ít nhưng cho ra với cái tâm giải thoát, tâm rộng mở là để trang nghiêm tâm. Do bố thí như vậy, thân hoại mạng chung được sanh cộng trú với chư thiên ở cõi trời Phạm chúng, khi nghiệp lực đoạn tận, vị ấy trở thành vị bất lui, không trở lại trạng thái này nữa. Bố thí để trang nghiêm tâm, dù người nghèo hay giàu bố thí với tấm lòng vô ngã vị tha thì có phước báo to lớn.
Bổn phận và trách nhiệm người cư sĩ trong việc tu học và truyền bá chánh pháp trong đời sống nhân gian, là mọi người đón nhận và thực hành đúng theo tôn chỉ của Phật dạy thì đạo Phật sẽ phát triển mạnh mẽ trong mọi hoàn cảnh, mọi xứ mọi nơi và cùng đem đến hạnh phúc an lạc cho tất cả mọi người ./.

¯

LÀM NGƯỜI PHẬT TỬ GƯƠNG MẪU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét