Thứ Hai, 20 tháng 8, 2018

Ý NGHĨA HAI THỜI CÔNG PHU ( Mai – Chiều)





Ý NGHĨA
HAI THỜI CÔNG PHU
( Mai – Chiều)

Đánh tan tục lụy hồi chuông sớm
Gõ nát trần tâm tiếng mõ chiều

Hạ 2001- PL: 2545
Đạo tràng an cư chùa tịnh Độ
Biên soạn: ĐĐ. Thích Thiện Phương

CHÙA TAM BẢO
An Sơn - Tam Kỳ - Quảng Nam
In ấn PL 2562 - DL 2018



MỤC LỤC

LỜI NÓI ĐẦU

    Giáo pháp của Như Lai nói ra phân làm hai loại: Hiển giáo và Mật giáo. Hai thời công phu Mai - Chiều đều gồm thâu trong đó. Tụng kinh niệm Phật thuộc về “Hiển”. Trì chú thuộc về “Mật”. Vả lại trên đường tu học hành giả phải thực hành hai pháp tu song hành đó là “ Chánh tu” và “ Trợ tu”. Thế nào là Chánh tu và Trợ tu? Chánh là lấy một pháp môn làm chánh, còn trợ là lấy các pháp môn khác làm phụ. Ví dụ như chiếc Thuyền đi trên nước có sự chèo chống của sức người, còn phụ thêm sức gió và nước xuôi nữa thì thuyền mau đến đích và bảo đảm an toàn. Bởi thế, chư tổ đã quán thấy căn cơ của chúng sanh thời mạt pháp khó tu khó chứng, khó gặp thầy hay bạn tốt, nên mới phương tiện gồm thâu những ý những lời Phật dạy trong tam tạng kinh điển kết thành hai thời công phu để làm tiêu chuẩn, làm tư lương cho người đi đường xa vượt đèo sanh tử đến cửa thành vô dư Niết bàn. Vì thế hai thời công phu được mệnh danh là “Thiền Môn Nhựt Tụng” là cửa ngỏ vào rừng thiền mà hằng ngày người tu ai cũng lấy đó làm việc không dừng nghĩ, dù là người mới nhập môn hay là vị trưởng lão thâm niên cũng phải thực hành như nhau. Mỗi khi viễn lộ. Niết bàn chưa đến thì không thể rời bỏ công phu này. Ví như kẻ sắp chết đuối, muốn vào bờ, chưa đến được bờ thì không thể bỏ cái phao nổi, công phu Mai – Chiều cũng vậy, là chiếc phao để người tu lội qua bờ sanh tử đến cửa thành Niết Bàn giải thoát.
          Vì thế công phu Mai - Chiều này không những dành riêng cho những người tu pháp môn Tịnh Độ, mà nó cũng ứng dụng cho người tu Thiền, tu Mật nửa. Thỉnh thoảng có những phái tu ra đời được nhiều người hâm mộ, họ tưởng lối tu của mình là chánh, là đúng lời Phật dạy, rồi trở lại kích bác pháp môn niệm Phật và trì chú. Họ cho pháp môn niệm Phật là pháp phương tiện cho người yếu hèn, không có tâm cầu tiến, không có trí để xét. Pháp môn niệm Phật là do những vị luận sư Phật giáo sáng lập ra để đối trị lại pháp ngoại đạo thờ thần lửa ở Ấn Độ và trì chú và trì chú là loại lai căn của các phái ngoại đạo, do đó họ cật lực lên án pháp niệm Phật và trì chú. Làm cho một số người tu không biết đâu là hướng đi đúng, họ hoang mang trước ngã tư đường. Vậy hai thời công phu này là cái la bàn định hướng cho những ai biết tin pháp tu mình đã chọn và phải giữ lập trường đã định. Chúng ta biết rằng Phật nói pháp ra có 8 vạn 4 ngàn pháp môn. Vậy niệm Phật và trì chú là một, hai trong vô lượng pháp môn Phật đã thuyết. Hơn nữa pháp môn niệm Phật bắt nguồn từ sự việc “Nghịch tử A Xà Thế” giết cha nhốt mẹ là vua Tần Bà Ta La và Mẩu hậu Vi Đề Hi. Từ nguyên nhân đó theo sự chán chường thế thái nhân tình ở cõi đời năm trược của thế giới Ta bà, mà bà Vi Để Hi mong Phật chỉ dạy cho pháp môn tu. Pháp môn niệm Phật bắt nguồn từ đó, cho nên những ai hủy báng pháp môn niệm Phật là hủy bán Phật. Còn về Mật chú Lăng Nghiêm cũng phát xuất từ câu chuyện A Nan bị nạn Ma Đăng Già, Phật dùng chú Lăng Nghiêm sai ngài Văn Thù đi cứu mà có ra. Còn thí thực cũng phát xuất từ câu chuyện A Nan và quỷ Diệm Khẩu như sau “ Một đêm nọ A Nan ngồi định tâm tại chỗ vắng, thấy một quỷ đói rất xấu xí, cổ gầy, miệng phun lửa, tên là Diệm Khẩu tới bảo ngài rằng: “Ba ngày nữa mày sẽ chết rồi sẽ thành quỷ đói” A Nan lo sợ bèn hỏi quỷ, có cách gì tránh khỏi chết không? Diệm Khẩu trả lời: “Ngày mai nếu mày cấp cho chúng tao, trăm nghìn quỷ đói mỗi người một hộc lương, thì mày sẽ được thọ thêm còn tao sẽ được lên trời”. A Nan kể lại câu chuyện ấy với Phật. Phật bày cho câu chú Đà La Ni, khiến A Nan cấp ăn đủ cho chúng quỷ đói. Như vậy cho chúng ta thấy: Niệm Phật trì chú Lăng Nghiêm cúng Mông Sơn thí thực đều có nguồn gốc và chứng cớ rõ ràng, mà có một số người tu không đồng tình với pháp môn Tịnh độ và Mật chú họ cho rằng niệm Phật và trí chú là tà ngụy họ đưa ra những luận điệu không xác đáng và minh bạch.
          Vậy hai thời công phu thật là một cái la bàn cho kẻ lạc lối, là phao nổi cho kẻ vượt qua sông sanh tử. vậy các vị tu theo pháp môn tịnh độ hãy vững bước trên con đường mình đã định và kiên trì thực hành, thì hiện tại và mai sau ta có dự phần chứ không phải chuyện tầm thường.
          Vì thế mục đích hai thời công phu, nó trở thành một cái tôn chỉ để tu hành học hỏi. Không những thành một cái tôn mà còn đặc biệt hơn nữa, vì nó thiết thực và có hệ thống xuyên suốt từ chí nguyện đến viên mãn trí Bồ đề. Hệ thống này có tính cách bao quát chứ không chỉ có một vài sở trường. Sau hết hai thời công phu nó trở thành cái tôn mà nó có tính chất tha thiết và tưởng lệ cho những người xuất gia.
          Cho nên tụng năm đệ Lăng Nghiêm thì dục vọng gì cũng thôi dứt. Tụng thập chú thì quả tu có thể mưu cầu. Tụng kinh A Di Đà là chí cầu vãng sanh được trọn vẹn. Lạy hồng danh thì nghiệp chướng tiêu trừ. Tụng Mông Sơn Thí Thực là để cúng tế cô hồn. Tụng kinh Bát Nhã là để phá tướng giải không cho tình thức.
          Kể cả các văn khóa tụng ấy cũng đều hồi hướng về Tịnh độ là làm chỗ để đi chốn về đến nơi. Thế cũng đủ thấy rằng, dầu tìm phương chi để thoát tục đi nữa cũng không đâu bằng hai thời khóa tụng nầy vậy.
          Phật pháp sở dĩ hằng còn mãi ở thế gian là nhờ sự hằng truyền sâu rộng trong quần chúng, thiếu sự hoằng truyền Phật pháp phải bị lu mờ trong lãng quên rồi đưa đến chỗ tiêu diệt. Trong công việc hoằng truyền ấy, phiên dịch, giảng giải, sao chép, trước tác là một phần rất quan trọng không thể thiếu. Phần nhiều kinh điển còn ẩn nấp trong các từ Hán văn, Phạn văn, người đọc và người học không thể hiểu hết, cho nên cần phải đọc, phải học cho nhiều lần mới thấm nhuần được. Ngày nay phương tiện tu học có nhiều, nào là in ấn, phôtô rất cập nhật. Băng đĩa, sách báo hằng ngày luôn luôn phát hành nhưng nếu không phải là người có căn duyên, có lòng tin thì không dễ gì lãnh hội được thâm nghĩa của kinh điển được đâu.
          Mùa hạ năm nay, chúng tôi được ban lãnh chúng đạo tràng an cư tại tổ đình chùa Tịnh Độ, Tam Kỳ, Quảng nam, PL 2545 (2001), giao cho nhiệm vụ hướng dẫn chúng Sa Di và Điệu, nhưng chương trình tại trường đã dạy hết rồi, khó tìm môn học nào hướng dẫn hơi khác một chút để dễ nghe, dễ học. Nhìn lại ở trường chưa dạy hai thời công phu, vậy chúng tôi chọn đề tài dạy cho mùa hạ năm nay là: “Ý nghĩa của hai thời công phu”. Đề tài này tuy rất gần giũ nhưng nó lại xa lạ và thiết thực. Vì sao xa lạ? Nói thật với bản thân chúng tôi, từ khi hành điệu đến nay cũng chưa được học kĩ lần nào, cảm thấy thẹn và xấu hổ, nhưng không học lấy đâu để hướng dẫn vì thế chúng tôi phải tham khảo các tài liệu có liên quan đến hai thời công phu mà soạn ra để hướng dẫn và gom góp các tài liệu khác để hổ trợ cho bài học thêm hàm súc. Phật là một chuyện không dễ, làm công việc “rung cây dọa khỉ” thật khó với phước bạc tài sơ, lời quê thói tục, ý muốn nhưng lòng chẳng có bao nhiêu lấy gì nói đây. Hơn nữa với thâm ý của thánh hiền ẩn chứa trong nghĩa kinh làm sao nói cho đúng. Mượn lời gợi ý mong rằng các học viên thông cảm, kính mong quý huynh đệ hoan hỉ cho những chỗ còn bất cập và góp ý cùng nhau xây dựng tăng đoàn hòa hợp, thanh tịnh càng ngày càng lớn mạnh hơn./.
Giảng viên trường hạ
Đại Đức Thích Phương
Mùa hạ Phật lịch 2545
18/05/ năm Tân tỵ ( 08/7/2001)


SỰ PHÁT TRIỂN KINH VÀ CHÚ LĂNG NGHIÊM


Kinh Lăng Nghiêm là một bộ kinh thuộc hệ thống kinh tạng Đại Thừa là một bộ kinh hay nhất, mà cũng vừa quý nhất, người tu học hiểu được kinh Lăng Nghiêm, giống như người bộ hành có bản đồ, kẻ thủy thủ có la bàn, người thợ có dây mực cây thước. Kẻ chiến sĩ có binh thư đồ trận.
          Do đó kinh Lăng Nghiêm nó quý giá như thế, nên thuở xưa các vua Ấn Độ cho là một quốc bảo giữ gìn nghiêm ngặt không cho truyền bá ra ngoài. Trong lúc ấy bên Tàu có ngài Thiên Thai Trí giả Đại sư được nghe kinh báu như vậy, nên mỗi ngày hai lần sớm chiều quay mặt về hướng tây quỳ lạy cầu khẩn cho kinh Lăng Nghiêm sớm truyền qua Tàu để lợi ích quần sanh.
          Cách một năm sau, có ngài Bát Thích Mật Đế người Ấn Độ đã nhiều lần tìm cách đem kinh Lăng Nghiêm đến truyền bá tại Trung Hoa nhưng không kết quả, vì luật nước quá nghiêm cấm, kiểm soát chặt chẽ không qua được.
          Đến lần cuối cùng Ngài nghĩ ra một kế, Ngài viết kinh trong miếng vải lụa mỏng rồi cuốn lại xẻ thịt bắp tay nhét vào, băng lại như người có ghẻ, mới đem ra khỏi nước được.
          Chúng ta cũng nên tưởng nhớ lại kì công “ Vì pháp quên thân” của Ngài Bát Thích Mật Đế. Trải qua bao nhiêu ngày từ Ấn Độ sang Trung Hoa, nếu không may tiết lộ thì bị tử hình. Như thế chúng ta thấy sự quý báu của kinh Lăng nghiêm nó khó khổ đến mức nào! Tâm vì đạo quên mình của ngài Bác Thích Mật Đế đáng cho chúng ta trọn đời bái phục.
          Ngài Bát Thích Mật Đế đem kinh Lăng Nghiêm qua Tàu, đến đất Nam Thiên gặp quan Thừa Tướng tên là Phòng Dung, là bậc bác học uyên thâm, lại có lòng mộ đạo Phật, nên Ngài trình bày với Thừa tướng về giá trị của kinh Lăng Nghiêm mà Ngài đã hy sinh mang đến.
          Thừa Tướng Phòng Dung nghe nói hết sức mừng rỡ, cho là đặng một vật báu chưa từng có. Nhưng khi đem cuốn lụa ra thị bị máu mủ bám vào lâu ngày nên mất cả chữ nghĩa.
          Một bà có công lớn trong việc này là phu nhân của Thừa tướng Phòng Dung. Bà đem cuốn lụa ấy nấu với một chất hóa học thì máu mủ đều theo nước mà tan đi, chỉ lưu lại các vết mực, nên còn thấy để phiên dịch.
          Quan Thừa Tướng thỉnh ngài Bát Thích Mật Đế dịch chữ Phạn sang chữ Tàu. Ngài Di Già Thích Ca dịch từ ngữ, còn quan thừa tướng nhuận sắc. Bởi thế nên kinh Lăng Nghiêm không những hay về nghĩa lí sâu xa mà văn chương lại tuyệt diệu. Cho nên các học giả từ trong đạo Phật, mà cả đạo nho, các nhà đại văn chương một lần xem đến kinh Lăng Nghiêm cũng đều bái phục vô cùng khen ngợi các nghĩa lí cao siêu nhiệm màu, văn chương lại tuyệt diệu.
*********************

1. NGUYÊN NHÂN PHẬT NÓI KINH LĂNG NGHIÊM

          Theo lệ thường mỗi năm đến rằm tháng bảy là ngày mãn hạ, chư tăng cùng nhau Tự Tứ để rửa sạch những hành vi lỗi lầm và những tư tưởng không tốt cho giới thể được thanh tịnh. Vì trong ba tháng kiết hạ an cư chư tăng đều thúc liễm thân tâm, trau dồi giới hạnh, tích công lũy đức, nên đến ngày mãn hạ các hàng phật tử cư sĩ đều đua nhau sắm đủ các món trai diên, thỉnh chư tăng đến cúng dường, để gieo trồng cội phước.
          Hôm ấy nhằm ngày húy nhựt của Tiên Hoàng của vua Ba Tư Nặc, nên vua cho sắm đủ các món trân tu mĩ vị rất linh đình, rồi chính vua thân hành đến trước Phật và chư tăng để cúng dường.
          Cùng hôm ấy, các hàng trưởng giả cư sĩ đều sắm đủ thức cơm chay, cung thỉnh chư tăng đến cúng dường Phật bảo. Ngài Văn Thù chia ban để đi đến từng nhà thọ cúng.
          Trong lúc ấy, Ngài A Nan vì đã nhận chịu người thỉnh riêng trước, nên trở về không kịp để dự vào chúng tăng thọ cúng.
          Ông mang bình bát một mình đi vào thành, oai nghi tề chỉnh, điệu bộ chậm rải, qua từng nhà một để khất thực, với tâm bình đẳng, không phân biệt giàu nghèo, ông muốn làm phước đến cho tất cả mọi người, không phân biệt quý phái hay bình dân. Ông chỉ mong gặp những người chưa biết làm phước, hôm nay phát tâm cúng dường, để họ được ươm trồng hạt giống lành đặng ngày sau hưởng quả.
          Vì lòng từ bi bình đẳng không lựa chọn, nên ngài tuần tự trải qua các xóm làng, không may ngài gặp phải nhà tín nữ ngoại đạo tên là Ma Đăng Già dùng huyễn thuật là thần chú của Ta Tỳ Ca La Tiên Phạm Thiên, bắt vào phòng dùng đủ lời dịu ngọt, vuốt ve mơn trớn, ép uổng về tình duyên.
          A Nan bị nạn hết sức buồn rầu! Ông chấp tay niệm Phật, hướng về Đức Thế Tôn cầu cứu. Phật biết A Nan bị nạn, nên khi thọ trai xong không kịp thuyết pháp. Ngài liền về Tịnh xá ngồi kiết già nhập định trên đỉnh phóng Hào Quang trăm báu, trong hào quang ấy có hoa sen ngàn cánh, trên hoa sen có đức Phật ngồi kiết già nói thần chú Lăng Nghiêm, Phật bảo ngài Văn Thù đem thần chú ấy đến chỗ nàng Ma Đăng Già để phá trừ tà chú cứu nạn cho A Nan.
          Tương truyền trước đó, A Nan có lần đi đường khát nước thấy nàng Ma Đăng Già nầy đang múc nước về nhà, A Nan hỏi xin nước uống. Nhưng nàng Ma Đăng Già e thẹn, tủi hộ vì thân phận nữ nhi và giai cấp hạ tiện nên nàng từ thác không cho và không dám đến. Ngài A Nan biết vậy mới phân trần cái ý muốn xin nước của mình đứng trên sự bình đẳng. Ngài nói: “Tôi xin nước nơi cô chứ tôi không xin giai cấp, mọi người sinh ra vốn không có giai cấp, Khi nước mắt cùng mặn máu cùng đỏ. Cô cứ cho nước tôi đi, tôi không có phân biệt giai cấp sang giàu nghèo khổ”. Nàng Ma Đăng Già nghe được lời nói thấm tình đạo vị dịu ngọt chưa từng có phát xuất từ miệng của những người từ trên giai cấp Bà La Môn và Sát Đế Lợi (Tu sĩ và vua quan). Với tướng hảo quang minh, oai nghi đáng kính, lời lẽ dịu ngọt thấm đượm tình người. Nàng Ma Đăng Già nghe như say như tỉnh ngây ngất và sung sướng chưa từng gặp bao giờ, làm nàng quên đi các tục lệ khắt khe ngăn che của giai cấp thống trị đã bao đời áp đặt cho con người từ xưa đến nay. Nàng mạnh dạn đến gần và rót nước cho A Nan. Câu chuyện xin nước trong tâm ngài A Nan qua đi như bóng in trong nước. Ngược lại nàng Ma Đăng Già, sau khi cho nước lòng nàng khởi dậy bao nổi nhớ thương về lời lẽ cộng tướng hảo uy nghi của ngài A Nan. Nhưng quy luật Giai cấp của xã hội thời ấy không dễ gì thổ lộ được tình yêu mình mong muốn. Vì thế nàng ôm trong lòng nỗi niềm thương nhớ không nguôi, không thể thổ lộ cùng ai, tình trạng tương tư vô điều kiện làm nàng héo mòn theo năm tháng. Từ một cô gái xinh đẹp đẩy đà trở thành người bệnh hoạn xanh xao, biếng ăn, nhác nói, thở ra thắc thỏm trông chờ. Mẹ nàng Ma Đăng thấy con mình thay đổi đột ngột, tìm thầy tìm thuốc chạy chữa cũng không xong cuối cùng bà nói nhỏ với con, và nàng Ma Đăng nói ra sự thật, bà vừa mừng mà lại nghe như sét đánh ngang tai, mừng vì tìm ra lối nguy, tìm ra nguyên nhân căn bệnh. Nhưng làm sao hai giai cấp xích lại gần là cái chuyện một trời một vực, vì thế bà tìm cách, đi tìm chú thuật của Ta Tỳ Ca La Tiên Phạm Thiên, dùng chú thuật này chờ đợi, bà gặp Ngài A Nan đi qua là dùng chú thuật để bắt vào và cuối cùng sự mong muốn của hai mẹ con nàng Ma Đăng toại nguyện.
          Nhưng tà chú của ngoại đạo không qua được thần chú Lăng Nghiêm của Phật. Với câu chuyện này và chú Lăng Nghiêm này Phật không những cứu nạn cho ngài A Nan thoát, mà cũng là bài học rất giá trị, một pháp tu tuyệt vời cho những ai muốn đi nốt trên con đường đạo không bị chông gai trở ngại. Ngài A Nan thể hiện mắc nạn để làm nhân duyên cho Phật thuyết kinh Lăng Nghiêm để chúng sanh đời sau nương theo đó mà tu tập không bị sai lạc và cũng nơi kinh này Phật độ cho nàng Ma Đăng từ con người hạ tiện, đa tình, đầy dục vọng cũng xuất gia đầu Phật rồi chứng quả Thánh trước A Nan. Đây là một pháp tu không phân biệt kẻ thông minh, nhẹ nghiệp mà nó bao gồm những kẻ thiểu trí hạ căn, nghiệp chướng nặng nề cũng có phần tu được, mong những người tu học để ý đừng xem thường kinh chú Lăng Nghiêm mà phụ ân Phật Tổ.
          Người tu học trước phải học cho thông suốt cả chữ lẫn nghĩa của trọn thời khóa tụng, để tiện khi đọc thuộc lòng, vừa xét hiểu ý nghĩa lại trước luyện cái tâm định được thuần thục, không thì đối với cảnh lộn xộn, tâm phải rối ren, pháp quán tưởng khó thành được! Nên với giờ buổi sáng muôn cảnh chưa động đạt, tâm ta còn yên lặng, liền thức dậy rửa mặt, súc miệng, thay quần áo, đi niệm chú “ Phật Đảnh Lăng Nghiêm Tâm” là để sớm trị bệnh ngũ dục chưa móng khởi, chóng kì cho được tâm hồn phẳng suốt, rỏ bày các tính màu chơn của Như Lai tạng, đó là chỗ gọi rằng “Phẳng lẳng chẳng động” hể có cảm đến đâu liền suốt thấu đến đó.
          Thứ đến trì đọc chú “Đại Bi” “Như ý bảo Luân Vương” là để rửa sạch những bụi phiền não trong tâm ta, hể bụi lòng đã sạch thì tỏ được lòng Đại Bi đồng thể, chuyển đặng xe pháp luân như ý. Tụng chú “Tiêu tai cát tường”là để tiêu mất tai ương, nghiệp chướng, đưa đến sự bình yên thong thả, tụng chú “Công đức bảo sơn” thì điều lành đã hiện nơi tâm, ở núi pháp tánh, đặng ngọc báu bằng công đức trì chú “Chuẩn đề” là còn e pháp tánh khó tỏ bày, khiến cho tan sạch lý chướng đi, thì mới khiến cho pháp tánh được quả toại viên thành. Tụng chú “Quyết định Quang Minh Vương”, thì sự đắc quả đã toại rồi liền phải cầu cái trí sống lâu của đức Quang Minh Vương Như Lai. Tụng chú “Dược Sư Quán Đảnh”, là trí sống lâu đã phát triển, trí ấy như mặt trăng trong bình lưu ly làm tan nó, tia nắng đó rọi ngay vào đảnh đầu nên gọi là Quán Đảnh. Chú “Quan Âm Linh Cảm” thì được họp sâu vào lỗ tai viên thông cả pháp giới của đức Quán Thế Âm, sự linh cảm hay vô cùng, tỷ như trăng vắng mà soi. Chú “Thất Phật Diệt Tội” là diệt trừ căn nghiệp từ vô thỷ nên gọi là diệt  tội. Chú “Vãng Sanh”là mong cầu đức A Di Đà rưới gội vào đảnh đầu như chứng cảnh Tịnh Độ. Chú “ Thiện Thiên Nữ”là gom góp quán màu nhiệm trên để cọng thành diệu dụng của pháp tánh, thì những phổ nguyện đều được kết quả toại lòng. Tụng chú “Bát nhã tâm kinh”là chỉ ngay cái tâm thể nó vẫn  không chẳng có cái cảnh trí khá đặng, vì tâm là cái “không”mà “tưởng”của không ấy vẫn không luôn, thế nên: “trí cảnh rõ ràng phi đồng, phi dị, hai bên tuyệt vời”.
          Cả mười hai bài mật chú và một bài Tâm kinh, ý nghĩa nó vẫn gồm thâu lẫn nhau. Người tu lấy khóa tụng làm công tác hành trì, đem công tác hành trì hồi hướng lên Tam bảo chứng minh để nguyện và đáp Bát bộ Thiên Long, hộ pháp với tất cả bốn ân, ba cõi, tám nạn, ba đường đều nhờ ơn khỏi khổ. Nước trị an dân đàn việt tín đồ, phước huệ tăng thêm. Tăng chúng trong chùa đều thanh tịnh để tiến vào ba cửa giải thoát, mười địa được siêu, là nguyện cho tất cả chúng sanh đều được lên bực địa Bồ Tát.
          Đề kinh Lăng Nghiêm nói cho đủ gồm mười chín chữ: “Kinh Đại Phật Đảnh Như Lai Mật Nhơn, Tu Chứng Liễu Nghĩa, Chư Bồ Tát Vạn Hạnh, Thủ Lăng Nghiêm” .
          Kinh Thủ Lăng Nghiêm là bộ kinh nói về chơn tâm, đề kinh có ý nghĩa như sau:
       a) Kinh này quý báu khó gặp, hàng Thanh văn, quyền thừa Bồ Tát không thấu hiểu được, dụ như tướng “Vô kiến Đảnh” phàm phu nhị thừa không thấy được.
        b) Mười phương chư Phật theo kinh này làm nhơn địa tu hành mà chứng đạo quả nên gọi là Như Lai Mật Nhơn.
        c) Y theo kinh này mà tu và chứng thì lối tu ấy mới được rốt ráo, nên gọi là tu chứng liễu nghĩa .
        d) Các Bồ Tát tu pháp Lục Độ Vạn Hạnh đều y theo kinh này nên gọi “ Chư Bồ Tát Vạn Hạnh”.
          Cho nên ngài Lục Tổ Huệ Năng nói: Không ngờ tâm mình vốn sẵn thanh tịnh, không ngờ tâm mình vốn không sanh diệt, không ngờ tâm mình đủ các pháp, không ngờ tâm mình vốn không lay động, không ngờ tâm mình vốn sanh các pháp.
          Nam mô Lăng Nghiêm Hội Thượng Phật Bồ Tát. Kinh lạy Phật Bồ Tát trên hội thủ Lăng Nghiêm tức kinh lạy ba ngôi Tam Bảo. Phật là ngôi Phật bảo, Pháp là Kinh Lăng Nghiêm, Tăng là Chư Bồ Tát.
          Nội dung kinh Lăng Nghiêm là Phật dạy cho chúng sanh ngộ được chơn tâm. Thủ Lăng Nghiêm là cái định rốt ráo bền chắc sẵn có của thân mình.
          Diệu Trạm, Tổng trì Bất Động Tôn là ca ngợi tán thán ba thân Phật: Là Hóa thân, Ứng thân và Pháp thân.
          Diệu trạm: Trí thanh tịnh viên mãn sẵn có của mọi người, thể nó vắng lặng, dụng thì không ngần ngại, đây là tán thán về báo thân Phật.
          Tổng trì: Là tánh Như Lai Tạng nó tùy theo duyên nhiễm hay tịnh của thức biến, để phổ ứng ra thất bại, lợi ích không bỏ sót một vật nào. Đó là tán thán về nghĩa “ Ứng Hóa Thân Phật”.
          Bất động: Tâm tánh nó thường vắng lặng, vì vô thủy vô chung, đó là khen ngợi nghĩa “ Pháp Thân Phật”.
          Lại cả 3 đều Diệu Trạm (mầu trong) vì 3 tức là 1; cả 3 đều tổng trì (gom giữ) vì 1 tức 3, cả 3 thân đều bất động (chẳng động) vì 3 là 1 chẳng phải 2.
          Diệu trạm là nghĩa tùy duyên mà thường chẳng biến. Tổng trì nghĩa là chẳng biến mà thường tùy duyên. Bất động nghĩa là theo duyên mà chẳng đổi, bất biến tùy duyên vì không hai thể.
        Tôn: Cao nhất giữa bốn bậc Thánh, vì cả 3 thân đều là Vô Thượng Tôn cực.
        Thủ Lăng Nghiêm Vương tên chung của pháp đại định, vì định này gồm thấu hết các pháp tam muội (Định) khác, lại tên là Vương Tam Muội.
         Kinh Phật dạy là Chư Bồ Tát trên Hội Thủ Lăng Nghiêm.
                   Diệu trạm tổng trì đấng bất động
                   Thủ Lăng Nghiêm thế gian hiếm có
                   Tiêu điên đảo tưởng từ ức kiếp
                   Khiến tu hành mau chứng Pháp thân
                   Nguyện con sớm đắc quả Bảo Vương
                   Như Phật tế độ hằng sa chúng
                   Lại thỉnh Thế Tôn vì chứng minh
                   Ngũ trược ác thế thề vào trước
                   Còn một chúng sanh chưa thành Phật
                   Thì con còn chưa hưởng Niết Bàn
                   Đại hùng Đại lực Đại từ bi
                   Vì con thẩm trừ vi tế hoặc
                   Khiến con sớm lên vô thượng giác
                   Ngồi đạo tràng ở khắp mười phương
                   Hư không có thể tiêu vong
                   Tâm kim cương chẳng bao giờ chuyển.
           Chứng ngôi Vô Thượng là thầy chín cõi là “Đại Hùng”. Cái trí tuệ phá tan nghiệp chướng nơi ta và chúng sanh gọi là “Đại Lực” cứu hết khổ sanh tử ở chín cõi cho chúng sanh được vui Niết bàn cõi Phật nên gọi là “Đại từ bi”.
          Đức “Diệu trạm tổng trì bất động tôn” pháp Thủ Lăng Nghiêm lớn nhất vì thế gian ít có, dứt tưởng điên đảo từ vạn kiếp, chẳng trải nhiều kiếp chứng pháp thân, nguyện đắc ngay quả Diệu giác liền thành ngôi Bảo vương vô thượng giữa mười phương, trở lại đây để độ chúng sanh số hằng sa trong chín cõi, đem cái tâm nguyện “cầu Phật quả độ chúng sanh” đây nhờ chư phật trong cõi số vi trần, được thế mới là đền ơn sâu của Phật độ tôi. Lại cầu Đức Thế Tôn chứng minh cho lời nguyện của tôi, với đời dữ ngũ trược thề vào trước, để độ tận chúng sanh can cường khó dạy, như một chúng sanh nào chưa thành Phật, vẫn không bỏ nó vội thành Phật riêng để diệt độ mình. Đức Đại Hùng Đại Lực Đại Từ Bi, mong xem xét dứt lầm nhỏ nhít, khiến tôi sớm lên Phật quả không trên, với mười phương cõi ngồi đạo tràng, tánh Thuấn Nhã Đa có thể mất, Tâm Thước Ca La không hề nao động.
          Lúc bấy giờ, từ trong tướng nhục kế nơi đảnh của Thế Tôn, phóng ra trăm thứ hào quang báu, trong hào quang hiện ra một hóa sen báu hàng ngàn cánh, có Đức Hóa Phật ngồi trong hóa sen ấy. Trên đảnh Hóa Phật phóng ra mười đạo hào quang bách bảo, trong mỗi đạo hào quang đều hiện ra mười vị thần Kim Cang Mật Tích, số lượng bằng mười số cát sông hằng, ông thì bưng núi, ông thì cầm xử,v.v… khắp cõi hư không. Đại chúng đều ngửa mặt trông nhìn, đem lòng vừa kính sợ vừa mến yêu, cầu Phật thương xót che chở, nên đều chăm lòng lắng nghe Phật dạy. Đức Hóa Phật trong hào quang nơi tướng vô kiến đảnh phóng ra đó tuyên nói thần chú.

2. MỤC ĐÍCH CÔNG PHU BUỔI SÁNG

          Ý nghĩa của buổi công phu buổi sáng là ôn lại cái chí nguyện của người xuất gia, và trì chú để mong tránh những chướng ngại trong ngày khi thi hành chí nguyện ấy. Chí nguyện đó được nói lên trong tựa đề kinh Lăng Nghiêm. Tựa kinh Lăng Nghiêm gồm có 18 câu. Nhưng có bốn câu sau đây là tiêu biểu nói lên cái chí nguyện của người xuất gia:
          “ Nguyện kim đắc quả thành Bảo vương
             Hoàn độ như thị hằng sa chúng
             Tương thử thâm tâm phụng trần sát
             Thị tắc danh vi báo Phật ân”
          Tựa đề kinh: Nam mô Lăng Nghiêm hội Thượng Phật bồ tát, nghĩa là kính lạy Phật, chư bồ tát ở hải hội lăng nghiêm, câu này là nói lòng quy kính chí thành ngôi Tam bảo (phật, pháp, tăng), Phật là phật bảo, Pháp là kinh lăng nghiêm, Tăng là chư bồ tát.
          Kế đến câu 1: Diệu trạm, Tổng trì, Bất động tôn, là xưng dương tán thán ba thân của Phật ( Pháp thân, Hóa thân và Ứng thân).
Câu thứ hai: nói lên cái Pháp hiếm có khó gặp (của kinh Lăng nghiêm) trong thế gian, thế gian gồm các cõi, Trời, người, A tu la, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, đều không thể gặp được. Duy chỉ cõi người hy hữu mới có, nhưng không phải ai cũng gặp được đâu, chỉ có con người nào có đủ phước đức và duyên lành mới gặp được thôi.
Câu thứ 3 là nói công năng hiệu dụng nhiệm màu của pháp kinh Lăng Nghiêm, đối với những ai tu trì pháp này có hiệu quả: là trừ được hết vọng tưởng điên đảo nghiệp chướng từ vô lượng kiếp từ trước trở về đây. Giống như căn nhà tối trăm năm chỉ cần một ngọn đèn thắp lên thì cái tối trăm năm trở về trước không còn nữa.
Câu thứ tư là nói cái diệu quả của sự hành trì kinh Lăng nghiêm đưa đến kết quả là mau chứng Pháp thân (Thân Phật) tu pháp này có công năng vượt thời gian không gian không cần phải khổ sở trải qua ba a tăng kì kiếp mới thành, chỉ cần trong hiện kiếp này là có thể xong việc giống như khoa học ngày nay, một quả núi to người ta muốn san bằng thành bình địa phải tốn nhiều người trong thời gian nhiều năm mới làm xong. Nhưng khoa học có thể làm trong nháy mắt là nó xong liền tức là chỉ đặt quả bom nguyên tử vào trong lòng núi chỉ cần bấm nút là xong. Bởi vậy pháp Phật nhiệm màu và diệu dụng, con người khó tin và khó hiểu, ai có tin có hiểu người đó có phước lành và quả báo tốt.
Câu 5,6,7,8 nói lên cái chí nguyện của người xuất gia, là một lời thệ nguyện cao cả vĩ đại nhất quan trọng nhất trong mỗi người tu, lời phát nguyện này gọi là tâm Bồ Đề. Tâm bồ đề là tâm cầu thành Phật, tâm mong độ chúng sanh. Tâm bồ đề là tâm căn bản cho mọi Phật sự làm mọi Phật sự mà không phát tâm Bồ đề, đều là làm việc cho ma vương, cho nên người tu học phải liên tục nuôi dưỡng tâm bồ đề từ giờ phút này, ngày đêm năm tháng liên tục không thôi. Tâm niệm trước nối tâm niệm sau không gián đoạn. Còn lại, các câu sau là khẳng định các lời phát nguyện của mình không bao giờ lui sụt. Hư không có thể tan hoại, có thể do lường những lời thệ nguyện của con không thể thay đổi lui sụt. Thuấn Nhã Đa tánh là tánh hư không. Thước Ca Ra Tâm là tâm không thối chuyển. Tâm này đồng như tâm kim cương, sự rắn chắc của kim cương có thể nghiền nát, cắt đứt tất cả mọi vật cứng, nhưng không có vật gì cắt đứt kim cương, cho nên dụ tâm không thối chuyển này như tâm kim cương. Đem cái thâm tâm này cầu Phật chứng minh cho lòng con và cầu mong Phật gia hộ cho con hoàn thành chí nguyện, và mong Phật tha thứ che chở thầm giúp bỏ qua những lỗi vi tế còn tồn đọng trong con được tiêu trừ để con làm tròn sứ mệnh độ sanh không bao giờ tránh nặng tìm nhẹ, nguyện vào những chỗ nguy hiểm để độ chúng sanh, bao giờ chúng sanh an vui vĩnh viễn không còn một chúng sanh đau khổ lúc đó con mới an lòng nghỉ ngơi.
Lời thệ nguyện là lời phát xuất từ tâm Bồ đề, tâm này chứa đựng và phát sinh vô lượng công đức phước lành, từ bi hỷ xả, tinh tấn Thiền Định. Bi, Trí, Dũng v.v…đều phát xuất từ tâm bồ đề mà ra. Trái với lời thệ nguyện là lời thề nguyện của con người phàm tục, người ta vì một sự oan ức mà người ta thề thốt để rửa oan để chạy tội, để tránh né, lời thệ có lợi khí của lòng tham sân khác hẳn với lời thề nguyện. Cho nên người tu chỉ có thệ nguyện chứ không có thề thốt, thề nguyện đồng nghĩa với nguyền rủa. Đem cái độc ác, cái nguy hiểm ra để so sánh đọ sức. Kết quả chỉ mang ác nghiệp ác báo chứ không có quả lành, dù nói chơi cũng không nên nói huống nữa là nói thật, người tu nên để ý điểm này.
Kế đến con kính lạy mười phương thường trụ Phật, kính lạy mười phường thường trụ Pháp, kính lạy mười phương thường trụ Tăng. Kính lạy Phật Thích Ca Mâu Ni.
         Kính lạy Phật đảnh thủ Lăng Nghiêm, kính lạy Đức Quán Thế Âm Bồ Tát.
Kính lạy chư vị Thần Kim Cang Tạng Bồ Tát
Bài tựa kể là diễn tả khung cảnh lúc Phật phóng quang thuyết thần chú Lăng Nghiêm vô cùng diệu nghiệm, mọi người nhìn xem trong lòng phát sinh ra tâm niệm vừa lo sợ vừa vui mừng, vừa kính ngưỡng mong chờ Phật che chở bảo hộ cho. Là một sự kiện vui là chưa từng thấy, nay được trông thấy.
Nói về chú có hai loại: Tùy tâm chú và Đảnh chú. Chú Lăng Nghiêm thuộc về Đảnh chú. Vì sao gọi là Đảnh chú? Vì chú được nói ra từ trên Đảnh tướng của Phật chứ không phải nói bằng miệng. Tất cả chúng sanh, ngoại đạo đều có thần chú nhưng chỉ là tâm chú chứ không có được Đảnh chú, chỉ có Phật mới có Đảnh chú.
Câu Đảnh chú Lăng Nghiêm là câu: “ Án, a na lệ, tỳ xá đề, bệ ra bạt xà ra đà rị, bàn đà bàn đà nễ, bạt xà ra bang ni phấn. Hỗ hồng đô lô ung phấn ta bà ha
Kế đến chú đại bi, Thập chú và bát nhã, hết bát nhã là đến tán Phật và hồi hướng.
          Từ trên hiện tiền thanh tịnh chúng
          Phúng tụng Lăng Nghiêm các kinh chú
          Hồi hướng tam bảo chúng long thiên
          Thủ hộ già lam các Thánh chúng
          Ba đường tám nạn đồng lìa khổ
          Bốn ân ba cõi cộng triêm ân
          Quốc giới an ninh binh lửa tan
          Mưa hòa gió thuận dân vui vẻ
          Đại chúng huân tu mong thắng tấn
          Thập địa sớm siêu không chướng ngại
          Ba môn thanh tịnh chẳng còn si
                   Đàn  tín Quy y tăng phước huệ
          Nam mô Ta Bà Thế giới, Tam Giới Đạo sư tứ sanh từ phụ, nhân thiên giáo chủ, thiên bá ức hóa thân, Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
          Nam mô Thích Ca Mâu Ni, Nam mô Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, Nam mô Đại Hạnh Phổ Hiền Bồ Tát. Nam mô Hộ Pháp Chư Tôn Bồ Tát. Nam mô đạo tràng Hội Thượng Phật Bồ Tát.
                                                TÁN PHẬT
                             Trên trời dưới đất ai bằng Phật
                             Mười phương thế giới ai sánh tày
                             Ta thấy tận cùng khắp thế gian
                             Hết thảy không ai như đức Phật
                             Sát trần tâm niệm đếm biết được
                             Nước trong biển lớn uống hết được
                             Lường được hư không, đo được gió
                             Không thể nói hết công đức Phật
ĐẢNH LỄ PHẬT & PHÁT PHẬT
Đệ tử chúng con tùy thuận tu tập, Phổ Hiền bồ tát, mười chủng đại nguyện.
                             Một là lễ kính chư Phật
                             Hai là xưng tán Như Lai
                             Ba là rộng tu cúng dường
                             Bốn là sám hối nghiệp chướng
                             Năm là tùy hỷ công đức
                             Sáu là Thỉnh Chuyển Pháp Luân
                             Bảy là Thỉnh Phật trụ thế
                             Tám là thường theo Phật học
                             Chín là tùy thuận chúng sanh
                             Mười là khắp đều hồi hướng
                   TÁN LỄ THÍCH TÔN
                   Năng lực nhân từ trên vạn Thánh
                   Nhân tu nhiều kiếp đã lâu xa
                   Đâu suất giáng thần
                   Vĩnh từ ngôi báu bỏ kim xa
                   Ngồi tòa giác tỉnh, phá quân ma
                   Sao mai vừa mọc
                   Lấp lánh trên trời, sang chói lòa
                    Thành đạo giảng Pháp như mưa sa
                   Tam thừa thánh chúng quy Tâm
                   Vô sanh đã chứng
                   Hiện tiền chúng con quy Tâm
                   Vô sanh sớm chứng
                   Bốn loài chín cõi đều lên cữu huyền Hoa Tạng
                   Tám nạn ba đường chung vào bể Tánh Tỳ Lô
PHÂN ĐOẠN:
                   Công phu buổi sáng chia làm bốn đoạn:
          Đoạn 1/ Lời phát nguyện
                   2/ Trì chú Lăng nghiêm và mười chú
                   3/ Niệm Phật
4/ Hồi hướng
          Tuy chia làm bốn đoạn nhưng ý chính của buổi công phu là mượn bài kệ trước chú Lăng Nghiêm, lập lại chí nguyện cầu trí giác là để chí nguyện căn bản của người xuất gia, nên đoạn này tự nó thành một đoạn là đoạn cốt yếu nhất.
          Ý của đoạn văn nói về cầu trí giác Bồ đề gồm có các ý sau:
          Tám nạn: 1/ đui; 2/ điếc; 3/ câm; 4/ ngọng; 5/ sanh trước Phật; 6/ sanh sau Phật; 7/ sanh ở biên địa; 8/ thế trí biện thông.
          a/ Thượng cầu; b/ hạ hóa; c/ Tăng thượng; d/ báo Phật ân; e/ tối kiên cố
          Người xuất gia phải phát tâm trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh, muốn hoàn thành tâm nguyện Thượng cầu hạ hóa hành giả tu học phải dứt trừ mọi thứ mê hoặc, mê hoặc từ thô đến vi tế cũng trừ sạch, mong sự gia trì mật hộ của trí Đại hùng lực và Đại từ của Phật. Đem các thâm tâm sâu xa thượng cầu hạ hóa để mà đáp đền Hồng ân của chư Phật. Cái thâm tâm ấy đủ cho hư không là thứ vô hình có thể tan hoại đi nữa nhưng với cái chí nguyện này không bao giờ xao động trước bất cứ cảnh ngộ nào.

3. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC TRÌ CHÚ TRONG CÔNG PHU MAI

          Cái chí nguyện của người xuất gia là cầu trí giác bồ đề, nhưng trong công việc thực hiện chí nguyện ấy là thực hiện mọi hoạt động của mọi Phật sự trên tinh thần tự giác giác tha. Nhưng mọi hoạt động ấy thường hay bị trở ngại bởi những chướng duyên nên người xuất gia khó mà hoàn thành, vì thế nên cần phải trì chú để được sự mật thùy gia hộ, hầu khắc phục mọi sự chướng ngại ấy.
          Trong mọi sự chướng ngại khiến cho người thực hiện chí nguyện Bồ đề bị thối chuyển, các chướng ngại trước hết và căn bản là dục vọng của chính mình. Muốn khắc phục dục vọng phải trì chú Lăng Nghiêm. Khi dục vọng bị khắc phục hay tối thiểu cũng bị hạn chế, đề phòng thì bao nhiêu chướng ngại cũng không còn là vấn đề nặng nề nữa. Tuy nhiên, những chướng ngại không phải là ít nên cần phải trì Thập chú, trước Thập chú có chú Đại bi, sau Thập chú có kinh Bát Nhã cũng đều tăng cường cho công phu ấy.
          Người trì chú phải tin tưởng nơi chú, chú là tiếng nói của chân tâm, có công phu và năng lực vô tận. Điều kiện thọ trì có hiệu quả là không hồ nghi và nhất tâm chí thành.

4. MỤC ĐÍCH CỦA VIỆC NIỆM PHẬT

          Mục đích niệm Phật cũng là để hàn phục các thứ chướng ngại đối với chí nguyện Bồ Đề mà thôi. Cho nên muốn hoạt động tự giác giác tha theo chí nguyện Bồ Đề, người xuất gia phải chí thành trì niệm hồng danh của Phật và Bồ Tát cầu được một sự từ bi gia hộ tuyệt đối để tăng phước đức trí tuệ và trừ diệt hết nghiệp chướng từ thô đến vi tế (tội xa tội gần, tội lớn tội nhỏ) trước niệm Phật và đảnh lễ lại có đoạn văn cũng nói lên cái ý phát nguyện và hồi hướng. Thật ra đây cũng chỉ là một hình thức lập lại cái chí nguyện cầu trí giác Bồ Đề, mặc dầu kém cao sâu nhưng được cái thiết thực, khi đó:
                             Quốc giới an ninh binh cách tiêu
                             Phong điều võ thuận dân an lạc
                             Tam môn thanh tịnh tuyệt phi ngu
                             Đàn tín quy y tăng phước huệ

5.  Ý NGHĨA ĐOẠN VĂN HỒI HƯỚNG

          Đoạn văn này đọc sau niệm Phật và đảnh lễ ta thường gọi là Sám. Nội dung ý chính là lặp lại chí nguyện mà đã phát ra trong đoạn văn đầu tiên. Bộc bạch lòng mình với sự chứng minh của Phật, hầu để kiên định thêm cho chí nguyện ấy. Quan trọng nhất trong đoạn văn này, gồm những câu nói lên cái dũng khí của người xuất gia, là lời thề nguyện về sự tu hành căn bản tức là sự chấp hành việc nghiêm trì cấm giới:
                   Bất nhiễm thế duyên – Thường tu phạm hạnh
                   Chấp trì cấm giới – Trần nghiệp bất xâm
          Đây là cái dũng khí của mỗi người xuất gia cần phải có với cái tinh thần trách nhiệm tuyệt đối về bản thân cũng như về tập thể giáo đoàn.
          Khi đã thực hiện hoàn thành và nghiêm túc như trên thì người tu học  mới có khả năng:
                   Hàng phục chúng ma – Thiệu long Tam Bảo
                   Dẫn hựu lợi ích – Vô bất hưng sung
          Đây là nói lên cái tinh thần hoạt dộng tích cực không mệt mỏi để thực hiện cái chí nguyện cầu trí giác Bồ đề.
          Cũng chính hai câu này khiến người xuất gia phải nhận thấy nay đã phát nguyện cầu trí giác Bồ đề rồi thì bất cứ là việc gì, hễ có tính cách tự giác giác tha (Đãn hữu lợi ích) dầu rằng gặp phải cảnh ngộ nào đi nữa, hay trái với quyền lợi, danh dự bản thân mình cũng vẫn không từ thác.
Phần bổ sung: Sau là bài “ TÁN LỄ THÍCH TÔN” bằng văn xuôi để học viên dễ học và dễ nhớ:
                   Xưng tán đức Thế Tôn
                   Đấng vô thượng năng nhân
                   Từng trải vô lượng kiếp
                   Tu nhân lành giải thoát
                   Từ đâu xuất gián trần
                   Giả từ ngôi quốc Vương
                   Ngồi gốc Đại Bồ Đề
                   Phá hết chúng ma quân
                   Một sáng sao mai hiện
                   Chứng nên đạo Bồ Đề
                   Liền chuyển bánh xa Pháp
                   Độ muôn loài chúng sanh
                   Hàng tam thừa quy ngưỡng
                   Đạo vô sanh dễ thành
                   Bốn loài chín cõi đồng về
                   Mười phương cõi Phật bốn bề trang nghiêm
                   Ba đường tám nạn đảo điên
                   Nương vào biển tuệ vô biên sáng ngời.
------------&&&&-----------


MỤC ĐÍCH CÔNG PHU BUỔI CHIỀU

          Mục đích công phu buổi chiều là hồi hướng cái chí nguyện của công phu ban mai để cầu vãng sanh Cực Lạc. Vì nơi thế giới Cực Lạc là nơi thuận tiện nhất để tôi luyện cái chí nguyện Bồ Đề. Là nơi không làm cho tâm Bồ Đề thối chuyển mai mọt, khi tâm Bồ Đề đã thuần thục kiên cố rồi trở lại hóa độ chúng sanh. Nói cách khác công phu buổi chiều là để hoàn thành cái chí nguyện mà buổi sáng đã phát ra. Cho nên trong bài hồi hướng có câu: “ Vì trí giác Bồ Đề mà cầu sanh Tịnh Độ. Sanh Tịnh Độ rồi thì hoa nở thấy Phật, liền nghe được Phật thừa và đốn khai được Phật huệ rồi trở lại rộng độ chúng sanh để viên mãn cái chí nguyện cầu trí giác Bồ Đề.

1. LẶP LẠI MỤC ĐÍCH VÀ PHÂN ĐOẠN

          Công phu buổi sáng là phát nguyện cầu trí giác Bồ Đề  và trì chú niệm Phật để tiêu trừ các thứ chướng ngại trong khi hoạt động mọi Phật sự tự giác giác tha theo chí nguyện ấy. Còn công phu buổi chiều là đem chí nguyện hoạt động này hồi hướng cầu sanh Cực Lạc. Sanh Cực lạc để làm gì? Vì chí nguyện cầu trí giác Bồ Đề nếu ở mãi trong ngũ trược ác thế thì nội chướng dục vọng và ngoại chướng là kẻ nghịch cảnh sẽ làm cho thối chuyển, không có ngày viên mãn để thành quả vị Phật Đà chúng ta cần phải cầu sanh Cực Lạc. Ở đây nội chướng và ngoại chướng không còn nữa, trí giác Bồ Đề được viên mãn, không còn tính cách thối chuyển, sau đó trở lại hóa độ chúng sanh làm cho trí giác Bồ Đề được viên mãn mà thành quả vị Phật thì hoàn thành chí nguyện đã lập ra trong công phu buổi sáng.
          Toàn văn công phu chiều chia là sáu đoạn:
- Tụng kinh A Di Đà - Lạy Sám hối theo nghi thức hồng danh - Niệm Phật - Hồi Hướng - Cảnh sách - Thí thực. Thí thực là một hạnh như hạnh bố thí lợi tha.

2. Ý NGHĨA TỤNG KINH A DI ĐÀ

Mục đích tụng kinh A Di Đà là để cầu sanh Cực Lạc, vì sao vậy? Ta nghe Phật chỉ dạy trong bản kinh tuy vắn tắc nhưng lại quan trọng và thiết tha.
Phật dạy: “ Ở thế giới cực lạc không có mọi sự phiền não “ sanh lên cực lạc rồi thì trí giác bồ đề sẽ không bao giờ thối chuyển. Vì  ở thế giới cực lạc ngày đêm sáu thời gió thổi, chim kêu từ những hàng cây báu phát ra âm thanh vi diệu như trăm ngàn tiếng nhạc hòa tấu đồng một lúc, nghe âm thanh ấy thì ai ai cũng khởi tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và đặc biệt nhất là được cùng các vị thượng thiện nhân cùng ở chung một chỗ.
         Nhưng làm thế nào để được sanh về cực lạc? Phật dạy: “ Nếu ai nghe ta nói đến đức Phật A Di Đà rồi đem lòng tưởng ngài, phát tâm chấp trì danh hiệu của Ngài, hoặc từ một ngày, hai ngày, ba ngày, bốn, năm, sáu cho đến bảy ngày mà nhất tâm không loạn, thì người ấy khi mạng chung được Đức Phật A Di Đà và các vị Bồ Tát hiện ra trước mặt họ và khi ấy tâm không loạn động, ý không điên đảo tức khắc sanh về thế giới Cực Lạc của thế giới A Di Đà.
Nhưng thế nào gọi là nhất tâm bất loạn? Nhất tâm bất loạn có hai trạng thái sau đây: Trước hết chuyên nhất tâm trí lại nói danh hiệu của Phật mà trì niệm danh hiệu ấy, chứ không xao động theo những tư tưởng gì khác nữa, gọi là nhất tâm bất loạn.
         Khi Tâm của người niệm Phật đã được nhất tâm bất loạn như trên thì dầu quả báo ở cảnh giới Ta bà chưa hết, mà trạng thái Cực Lạc cũng đã hiện tiền.Vì lẽ cảnh giới Ta bà không còn tác động làm cho họ tán loạn được nữa. Đến khi mạng chung thì sanh Cực Lạc.
         Thế nào là sanh Cực Lạc? Ví như đem một cái bánh bằng sáp rồi ấn lên đó chữ Ta bà thì chữ Ta bà ấy nổi lên rõ ràng, rồi cũng trên cái bánh đó ta dùng ấn lên chữ Cực Lạc cũng rõ ràng như vậy. Cho nên có câu: “ Ta bà ấn hoại, Tinh Độ vạn thành” câu này nói lên rõ ý nghĩa xả bỏ Ta bà ly sanh Cực Lạc.
         Trước hết ta phải hiểu Ta Bà và Cực Lạc đều là hiện tượng của Tâm, cũng như cả hai chữ ấy đều là những đường lối của bánh Pháp mà thôi nên tâm mà bất tịnh là quả báo ta bà phát sanh, còn tâm thanh tịnh thì quả báo Cực Lạc thay thế vào đó. Hiểu được cái ý nghĩa đơn giản này thì tức khắc phân biệt sanh ly Cực Lạc. Như câu “ Tự tánh Di Đà, Duy Tâm Tịnh Độ” cũng không còn bị hiểu ra rằng có một Đức Phật và một thế giới trong cái tâm ở trong thân (thực sự tâm ấy không gọi là tâm được mà chỉ là những tác dụng tư duy của tâm mà thôi) với Đức Phật và thế giới cách Ta bà mười vạn Phật độ khác.
Vậy mới biết Thập phương thế giới đồng nhất chơn Tâm bị hoặc nghiệp khổ bất Tịnh bao phủ thì quả báo Ta bà hiện thành, mà chơn Tâm được danh hiệu của Phật làm cho thanh tịnh thì sanh Cực Lạc. Nên bản kinh A Di Đà thật là quan trọng, chính Đức Phật khi kết thúc bản kinh bằng những lời sau đây: “Này các ngươi phải biết rằng trong thế giới Ta Bà đủ vởi ngũ trược này ta đã làm một việc hết sức khó làm là chứng được trí giác vô thượng bồ đề, nhưng vì tất cả thế gian mà nói kinh này lại càng khó hơn”.

3. ĐẠI Ý KINH DI ĐÀ

          Nguyên văn kinh này là “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm” và lại có tên nữa là “ Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức” Nghĩa là xưng tán công đức y báo chánh báo không thể nghĩ bàn ở cõi Cực Lạc. Nhưng y báo và chánh báo thật là không thể nghĩ lường tức là tán dương đức Phật  A Di Đà. Phần sau của phần y báo và chánh báo là phần cắt nghĩa giải thích mà cũng là phần kích lệ phổ khuyến về pháp môn Tịnh Độ. Nói rằng “ Nếu ai nghe và thọ trì kinh này thì người ấy được chư Phật hộ niệm và không thối chuyển đối với tri giác vô thượng Bồ Đề”.
          Ở đây cho ta thấy cái lợi của sự trì kinh này là hiện tại ta trì kinh, nghe kinh này thì được chư Phật trong mười phương “Hộ niệm” tức luôn được chư phật quan tâm chú ý mật thùy gia hộ cho ta đang thực hiện chí nguyện từ nay cho đến ta thành đạt viên mãn trí nguyện bồ Đề không để cho ta sai đường lạc hướng rơi vào ác đạo. Cái lợi thứ hai cuối cùng ta cũng được mục đích chứ không thối chuyển, Phật sẽ giúp ta đi đến nơi về đến chốn, không gãy gánh giữa đường. Dựa vào công đức không thể nghĩ bàn của Phật về y báo và chánh báo khi dịch kinh này Ngài La Thập dịch, đổi tên là A Di Đà kinh, là dựa theo cái nghĩa xưng tán bất khả tư nghì công đức của Phật A Di Đà, nhưng rất phù hợp với hy vọng của đức Phật trong những lời nguyện của Ngài dạy sau đây: “Nếu ai nghe ta tán dương đức Phật A Di Đà mà chấp trì danh hiệu của Ngài cho được nhất tâm bất loạn, thì người ấy khi lâm chung, đức Phật a Di Đà và các vị Bồ Tát hiện ra ở trước mặt họ”.
        Nội dung kinh A Di Đà rất đơn giản, tư tưởng quán xuyến văn từ thẩm mĩ, kinh ấy chỉ có hai đoạn tán dương y báo và chánh báo của Phật A Di Đà để chứng minh cho ta thấy, nếu sanh về thế giới Cực Lạc của Ngài thì đối với trí giác Bồ Đề được cái tính cách không thối chuyển, và muốn sanh về thế giới Cực lạc thì chỉ theo một phương pháp đơn giản là chấp trì danh hiệu của Phật A Di Đà cho được nhất Tâm bất loạn.
Nhất tâm bất loạn có nghĩa là chuyên nhất tâm trí lại nơi danh hiệu của đức A Di Đà mà không theo đuổi tư tưởng nào khác nữa, kế đó nhất Tâm bất loạn là đồng nhất tâm tánh của mình với tâm tánh của Phật, tức là theo đúng với vô lượng phước đức và vô lượng trí tuệ của Phật mà không cho hoặc nghiệp chúng sanh xen vào tâm trí của mình, nhất tâm bất loạn như vậy là cái nhân sanh thế giới Cực Lạc nhưng muốn được nhất tâm bất loạn, dầu nhất tâm bất loạn theo trạng thái nào, cũng phải “Chấp trì danh hiệu” của đức Phật A Di Đà, chấp trì danh hiệu có nghĩa là đem cả tâm trí của mình ra nắm lấy, giữ lấy danh hiệu của Phật, không có khác nào, không một tư tưởng nào để cho danh hiệu ấy rời bỏ tâm trí của mình và chen vào đó những ý niệm vốn là hiện hành của phiền não, nhờ công phu chấp trì danh hiệu như vậy, nên Tâm mới được chuyên nhất và đồng nhất, được nhất tâm bất loạn và sanh vào thế giới Cực Lạc.
Tại sao phải cầu sanh về Cực Lạc? Bởi vì cái chí nguyện cầu trí giác Bồ Đề sẽ được cái tính cách không thối chuyển, vì thế giới Cực Lạc có được cái đặc biệt ấy. Bởi vì Chánh báo là đức phật A Di Đà, “hào quang vô lượng, chiếu cả mười phương, thọ mạng vô biên, trải vô số kiếp” người sanh thế giới ấy đều là các vị thượng thiện nhân vì đã được địa vị bất thối, có rất nhiều người chỉ còn một đời nữa là sẽ thành Phật. Còn về y báo thì từ tiếng chim kêu, gió thổi, hàng cây,v.v... thảy đều diễn Pháp âm Bồ Đề, tuyên dương Phật Pháp làm cho người nghe ai cũng sinh tâm vui lòng cảm niệm đến Phật, Pháp, Tăng.
           Trên đây là nội dung cơ bản của kinh A Di Đà một nội dung với sự trình bày theo lời vô vấn tự thuyết, có nghĩa là Pháp này tự Phật nói ra mà không một ai biết để thưa hỏi riêng những lời vô vấn tự thuyết trong kinh này lại có hết thảy chư Phật trong sáu phương đem hết cái đức thành thật ra tán dương. Đã như thế cuối kinh Phật còn dặn rằng: “ Các ngươi nên tin thọ những lời của ta và chư Phật đã nói, nếu ai đã, đang và sẽ phát nguyện sanh về thế giới Cực Lạc, thì những người ấy sẽ được không thối chuyển đối với trí giác bồ đề và đã hoặc đang hoặc sẽ sanh thế giới ấy.
]

ĐẠI Ý NGHI THỨC SÁM HỐI

           Phàm là người sanh trong cõi dục này, trừ các bực hoàn toàn giác ngộ, thì không có một ai tránh khỏi lỗi lầm, bởi ba nghiệp gây nên. Cái tội lỗi đã từ ba nghiệp phát ra, nên người muốn dứt trừ hết tội lỗi, tất nhiên phải đem ba nghiệp ấy sám hối, thì tội lỗi mới được thanh tịnh.
        Phật dạy: “Nếu không có phương pháp sám hối thì tất cả Phật tử không một ai mà được giải thoát”.
Vì thế pháp sám hối là một phương pháp có hiệu lực mạnh mẽ làm cho người có tội lỗi được tiêu trừ, phước lành tăng trưởng.
·        Thế nào gọi là sám hối?
Kinh dạy: Sám giả sám kì tiền khiên. Hối giả hối kì hậu quá. Sám là ăn năn các việc ác đã làm thề xin chừa bỏ không dám tái phạm. Hối là hối cải nhưng điều ác chưa làm, sau này xin thề nguyện không bao giờ làm nữa. Bao nhiêu điều thiện xin làm hết.
          Chữ Phạn gọi là Sám Ma. Tàu dịch là Hối Quá, ghép cả hai chữ lại mà đọc là Sám Hối. Sám hối lại có sự sám và lí sám.
          Sự Sám: tức là thiết lập đàn tràng, trang nghiêm Phật tượng, cúng dường hương hoa, ân cần Đảnh lễ, thành khẩn nguyện cầu tam nghiệp như nhất, tỏ bày tội lỗi, cầu xin chư Phật chư Đại Bồ Tát phóng hào quang dùng thần lực gia hộ cho kẻ tu hành mau tiêu trừ nghiệp chướng, chóng thoát oan khiên, sạch hết tội lỗi.
          Lý Sám: là sám hối tự tâm “Tội thành là do tâm tạo, tội diệt là Tâm sám, Tâm không thì tội cũng không, tội diệt thì Tâm cũng diệt”.
          Tội không, Tâm diệt thì không còn gì nữa mà sám hối. Như vậy mới là chân sám hối.
          Mỗi khi lạy một lạy tụng một câu, người tu hành nên xét lại tự tâm, diệt sạch vọng tưởng, quán lý vô sanh phải biết tội do nhân duyên mà thành thì tội cũng do nhân duyên mà diệt, nhân duyên là những điều kiện tạo nên tội và phương pháp sám hối.
          Tội vốn không thật có. Vì  không thật có nên chúng ta có thể chuyển tội thành phước, chuyển khổ thành vui, chuyển mê thành ngộ khi xướng một danh hiệu Phật, chúng ta cần phải hiểu nghĩa lí danh hiệu ấy. Hiểu về tụ tập để làm theo những đức tánh cao đẹp của chư Phật.
Ví như xướng câu Nam Mô Phổ Quang Phật, thì ít ra chúng ta cần phải hiểu sơ như thế này: chúng con xin Đảnh lễ (Nam mô) Đấng giác ngộ hoàn toàn (Phật) đầy đủ đức Tánh cao rộng đẹp đẽ (Phổ) sáng suốt vô biên (Quang). Ngoài ra chúng ta cũng cần tìm hiểu thêm bản Tâm của chúng ta. Tâm chúng ta cũng có những đức tánh cao rộng đẹp đẽ như thế.
         Tâm ta cũng có những khả năng giác ngộ, những đức tánh như Phật. Vậy từ nay trở đi ta phải noi gương Phật sống một cách sáng suốt, đầy đủ đức hạnh như Phật không tạo tội nữa.
         Đại khái như thế, cứ theo từng danh hiệu một mà quán sát tự Tâm để sám hối. Lần lần những khả năng tốt đẹp trong tâm ta do sự sám hối sẽ lưu lộ ra, nào là từ, bỉ, hỷ, xả, trí tuệ, phước đức, hạnh phúc dồi dào tuôn ra như nước, mặc sức ta thọ dụng.
Người hiểu được và làm được như thế là người có chánh kiến không còn bôn ba chạy theo ngoại cảnh, không tà kiến, quy y theo quỷ mị tà thần.
Người có chánh tín chỉ biết quy y, lễ bái tôn thờ đức Phật ở tự tâm nghe tiếng nói ở cõi lòng.
Lễ một đức phật tức là lễ hết thảy mười phương chư Phật, đem Tâm từ bi bình đẳng, sự lí viên dung trùng trùng vô ngại mà sám hối thì lo gì tội không tiêu diệt phước nào không sanh.
Nếu người không thông lí cứ y nơi sự mà tu hành chí tâm bái sám thì cũng nhờ được thần lực của tam bảo gia hộ mà tiêu trừ nghiệp chướng.
Phật dạy: “Có hai hạng người mạnh nhất, một là không tạo tội, hai là tạo tội mà biết ăn năn”.
Vì thế: Nhờ pháp sám hối nên vua A Xà Thế phạm tội ngủ nghịch được giải thoát. Ông Trương Thiện Hòa sát sanh vô số kể, cũng không đọa địa ngục vì biết hối hận.
Điều quan trọng nhất cần phải chú ý là thân nghiệp và khẩu nghiệp thô tháo bên ngoài dễ trừ. Duy có ý nghiệp, vi tế bên trong rất khó diệt. Đến quả vị Phật mới hết tham, sân, si. Do đó, người sám hối phải phát đại Tâm y cứ vào sám Pháp đại thừa mới mong trừ diệt được ba độc.
Ngài Phổ Hiền bồ tát là trưởng tử của Phật trên hội Hoa Nghiêm, còn phải phát đại nguyện. Ngài nguyện sám hối mãi cho đến cùng tận đời vị lai nếu phiền não và nghiệp chướng của chúng sanh không cùng tận thì sám hối của Ngài cũng không bao giờ cùng tận.
        Trong kinh Bảo Tích, Phật dạy: Hằng ngày nên đảnh lễ danh hiệu 53 vị Phật (trong kinh Hồng Danh nhật tụng) của kinh ấy mà sám hối nghiệp chướng.
       Trong luật thì Pháp Sám hối là một vấn đề tối quan trọng không thể bỏ qua.
       Trong luận thì pháp sám hối được giải thích rõ ràng và quyết định Sám hối là một việc cần phải có của người chơn tu, không thể thiếu sót.
        Không sám hối rất có hại: Nghiệp chướng không tiêu trừ, tội lỗi còn mãi, oan khiên nhiều kiếp theo hoài. Ngài Ngộ Đạt Quốc Sư mười đời làm cao tăng mà Triệu Thố vẫn còn theo báo mãi.
        Như thế dù cầu hạnh phúc thế gian hay xuất thế gian, việc đời việc đạo đều bị trở ngại, tu chứng bất thành (vì không sám hối).
        Kinh sách dùng để sám hối có rất nhiều: Như Bộ Vạn Phật, Tam Thiên Phật, Thủy Sám, Lương Hoàn Sám, Hồng Danh, Chuẩn Đề Sám, Dược Sư Sám, Mục Liên Sám, Ngũ Bách Danh Sám,v.v...
         Những người tu học khi đọc đến văn của các Sám như Lương Hoàng, Thủy Sám, Mục Liên… Dù không muốn phát đại tâm cũng phải phát, dù không tin địa ngục ngạ quỷ cũng phải sợ tam đồ. Người tu theo Tịnh Độ phát tâm Bồ Đề nên tu theo các pháp sám, để mau về Cực lạc.
         Năng lực của Pháp sám hối phước sanh tội diệt không thể nghĩ bàn. Sám hối lợi cho mình, lợi cho người, cho tất cả tam đồ lục đạo chúng sanh, công đức sám hối nói không hết, nghĩ cũng không hết. Cho nên người tu không thể bỏ qua và đừng cho đây là công việc nhọc nhằn và khó khăn mà bỏ qua mất cả lợi lớn.
         Nói đến nghi thức sám hối Hồng Danh là một nghi thức dùng để lạy chứ không phải dùng để tụng đọc cho nên phần đông người tu thiếu sự tinh tấn chỉ tụng đọc không lạy, đây là một sự thiếu sót và sai lầm không ít, vì sao chính mới bắt đầu vào nghi thức Hồng Danh, bằng bốn câu mở đầu sau, không những dạy rằng Phật vô lượng Tâm từ, tâm bi, tâm hỷ, tâm xả. Nên đảnh lễ Phật thì tội chướng tất tiêu trừ, chứng tỏ cho ta thấy rằng nghi thức này để lạy chứ không phải trì tụng không mà thôi.
Đại từ Đại bi mẫn chúng sanh.
Đại hỷ Đại xả tế hàm thức.
Tướng hảo quang minh dĩ Tự Nghiêm.
Chúng đẳng chí tâm quy mạng lễ.
       Kế đến trước khi đảnh lễ Phật để sám hối, thì chí nguyện cầu trí giác Bồ Đề trong công phu buổi sáng lại được thiết tha nên trở lại một lần nữa với nguyên văn như sau: “ Con nay phát tâm không phải vì mình mà cầu phước báu trong cõi người và cõi trời, quả vị Thanh văn duyên giác và Bồ Tát cũng không cầu. Con chỉ y theo tối thượng thừa mà phát Bồ Đề Tâm. Nguyện cùng pháp giới chúng sanh nhất thời đồng được trí giác vô thượng Bồ đề mà thôi”. Chí nguyện ấy lại được lặp lại trong hai đoạn Hồng Danh bằng cách tán rộng ta theo hạnh nguyện của Ngài Phổ Hiền.
]

ĐẠI Ý NGHI THỨC HỒNG DANH

          Nghi thức này để sám hối tội nghiệp bằng cách đảnh lễ Hồng Danh của Phật. Những tội nghiệp gồm có ba thứ tự mình làm, sai người khác làm, hoặc thấy người khác làm mà vui theo. Riêng thứ tội kiến tác tùy hỷ, thường cho ta thứ tội nhẹ hơn hai thứ tội đầu, vì thấy người khác làm ác mà mình tán đồng thì có gì đâu. Nhưng thật ra sự tán đồng ấy rất mới nặng nề, vì nó xuất phát từ thân tâm con người mà ra, không như tự tác hay giáo  tha tác có khi chỉ vì vô tình hay bộc phát mà thôi.
        Tuy nhiên “tội từ Tâm khởi có thể đem Tâm mà sám hối” vì lẽ không tội lỗi gì có tính cách cố định. Vậy nên nếu có chí thành Đảnh lễ chư Phật, để bỏ lỗi cũ nguyện không gây tội mới, thì tội sẽ tiêu diệt.
        Nhưng muốn được như vậy với điều kiện căn bản là phải phát Bồ Đề Tâm như nguyên văn sau đây: “Con nay phát tâm không phải vì mình mà cầu phước báo nhân thiên của vị Thanh Văn, Duyên Giác hay Bồ Tát mà chỉ cầu theo tối thượng thừa phát Bồ Đề Tâm, nguyện cùng các pháp giới chúng sanh đồng Nhất thời cũng được vô thượng Bồ Đề. Bồ đề tâm như vậy được cụ thể hóa ra thành mười hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền như sau:
              Một là lễ kính chư Phật
              Hai là xưng tán Như Lai
              Ba là rộng tu cúng dường
              Bốn là sám hối nghiệp chướng
              Năm là tùy hỷ công đức
              Sáu là thỉnh chuyển Pháp Luân
              Bảy là thỉnh Phật trụ thế
              Tám là thường tùy Phật học
              Chín là hoằng thuận chúng sanh
              Mười là phổ giai hồi hướng.
       Ta hãy nghe chính Ngài Phổ Hiền nói về yếu nghĩa của những hạnh nguyện ấy: “ Đối với hết thảy chúng sanh đều tùy thuận và giáo hóa, kính như kính cha mẹ, thờ như thờ Như Lai, với người bệnh tật thì làm thầy thuốc hay, với kẻ lầm đường thì hướng dẫn đường chánh, trong đêm trường hắc ám thì làm ánh sáng chói lọi, với kẻ bần cùng khốn khổ thì làm sao được kho tàn của cải. Bồ Tát phải như vậy mà bình đẳng lợi ích hết thảy chúng sanh. Tại sao? Vì Bồ Tát tùy thuận chúng sanh được tuệ là tùy thuận chư Phật. Kính trọng và phụng sự chúng sanh thì đều kính trọng và phụng sự Phật, làm cho chúng sanh hoan hỉ, tức là làm cho chư Phật hoan hỉ. Tại sao thế? Vì bản thể chư Phật là tâm đại bi: vì chúng sanh mà phát khởi tâm đại bi. Do tâm đại bi mà sanh tâm bồ đề, nhờ tâm Bồ Đề mà được trí giác vô thượng. Ví như trong cánh đồng hoang có một cây đại thọ nếu có đủ nước thì đại thọ ấy cho ra hoa trái tốt tươi, sum  suê làm bóng mát cho bao kẻ lữ hành trong những cơn nắng hạn. Cây Bồ Đề trong đồng hoang sanh tử cũng vậy, chúng sanh là gốc rễ chư Phật và Bồ tát là hoa trái, nếu không có nước đại bi để tưới chúng sanh thì hoa trái và trí tuệ của Phật và Bồ Tát không thể kết để thành tựu được.
        Đoạn văn trên đây là dịch tắt một đoạn trong lời nguyện hoằng thuận chúng sanh, nhưng có thể chứng minh toàn diện cho Bồ Đề tâm bao quát tất cả hạnh nguyện Bồ Tát mà mười hạnh nguyện của ngài Phổ Hiền là đại biểu. Tất cả các hạnh nguyện này cụ thể của tâm Bồ Đề, phải được sám hối phát tâm thực hành thì tội chướng mới tiêu diệt, bởi vì Sám hối là gì? Nếu không phải là một sự tự giác nơi tâm trí, đem hạnh nguyện Bồ Đề thay thế cho tội chướng phiền não.
       Sau hết, điều cần chú ý là nghi thức sám hối theo Hồng Danh vốn chỉ là một nghi thức mà thôi, nhưng thực là một nghi thức hiếm có, vì nội dung kết hợp rất hay nguyên văn từ các kinh đại thừa mà thành.
]

CÁC CÁCH SÁM HỐI

Có ba cách sám hối: a/ Sám hối theo thế gian b/ Sám hối theo ngoại đạo  c/ Sám hối trong đạo Phật.
Sám hối theo ngoài đời: Người thế gian có lỗi với nhau, với ông bà làng xám họ dùng các phẩm vật để tạ tội và làm những công việc đặc biệt để chuộc tội của mình
Sám hối theo ngoại đạo: Trong các ngoại đạo người ta dùng máu thú vật, hoặc tự mình ép xác chịu khổ để tạ tội.
Sám hối trong đạo Phật: Theo tinh thần Phật giáo thì các hình thức sám hối ngoài thế gian cũng như ngoại đạo có nhiều khiếm khuyết sai lầm. Vì tội lỗi do tâm phát sanh do đó tội lỗi có tính cách nhỏ nhặt sâu xa không thể thấy một cách rõ ràng. Tội lỗi từ tâm khởi ra, vậy phải từ tâm mà sám hối.
Công năng sám hối của đạo Phật làm cho người tu học phát triển được hạnh lành và tiêu trừ được tội lỗi cũ. Vì thế muốn sám hối cho có hiệu quả ta phải thành khẩn chừa bỏ những tội lỗi đã làm và nguyện thực hành những điều thiện. Muốn cho tiêu trừ dục vọng, si mê, tiêu trừ nghiệp chướng cũ thì phải cố gắng phát triển những hạnh lành, nghĩa là tạo điều kiện cho hạt giống từ bi hỷ xả, bố thí, trì giới, tinh tấn, nhẫn nhục phát sanh làm cho tánh xấu ác mỗi ngày mất dần. Nếu chúng ta thực hành đúng pháp sám hối của đạo Phật, sẽ giúp cho ta hấp thụ được những đức tính trong sạch cao thượng, nhẹ hết lỗi lầm và nuôi dưỡng một tinh thần hướng thượng quý báu do sự phát triển những hạnh lành cao cả nhờ vậy đời sống cá nhân, gia đình tập thể, xã hội được bình yên tốt đẹp.
**Bài Đọc thêm:
Sám hối: Đã là phàm phu, không ai là không tránh khỏi tội lỗi, về đại thừa giới nếu chưa đến Phật quả, không thể tuyệt đối không phạm vào tội lỗi, không thể tuyệt đối thanh tịnh. Tiểu thừa giới chưa đến quả A La Hán không thể tuyệt đối thanh tịnh, vì thế phàm là Phật giới trừ trọng tội ra đều có phương pháp hối tội. Đây là phương tiện từ bi của Phật. Nếu như tất cả giới chỉ có pháp phạm mà không có pháp hối thì không có một chúng sanh nào có khả năng học Phật thành Phật.
       + Hai chữ sám hối có nghĩa là:  sám hối là trình bày các tội ác đã làm. Hối là sửa đổi lỗi trước, từ nay về sau không dám làm nữa.
        Hai chữ sám hối là hợp dịch âm và nghĩa của Phạn ngữ, dịch âm là sám ma, dịch nghĩa là hối quá hợp thành sám hối, đã giữ âm lại thêm vào nghĩa.
       Lại có chỗ nói , âm phạm ngữ là sám ma. Trung hoa dịch là hối quá. Lại nói sám hối là tiếng Trung hoa. Sám là nói tắt của sám ma tiếng Ấn độ.
       Sám ma trung hoa định nghĩa là: “ Xin tha thứ, xin cho sửa lỗi, đối diện xin lỗi, nếu lỡ xúc phạm người hiện diện, muốn người hoan hỷ đều nói sám. Bất luận lớn hay nhỏ đều nói như thế.”
        Trong phật giáo có các loại sám hối như: Tác pháp sám hối, thủ tưởng sám hối, vô sanh sám hối được gọi là ba thứ hối pháp, còn gọi là ba thứ sám pháp.
        Pháp sám tội trên thực tế cũng là một thứ pháp yết ma. Địa phận thiết yếu không ra ngoài hai loại lớn là hành thiện và khử ác.
     -Tác pháp sám
                                   ] Sự sám   
Ba loại      -Thủ tướng sám                          Hai loại
                                   ] Lý sám   
     -Vô sanh sám
        Tác pháp sám hối diệt được giới tội mà không diệt được phiền não tánh tội.
        Thủ tướng sám hối diệt được phiền não tánh tội nhưng không diệt được vô minh chướng ngại trung đạo quán.
          Vô sanh sám thì diệt được vô thủy vô minh.
          Tác pháp sám là pháp hối tội của tỳ kheo và tỳ kheo ni, là tác pháp y theo sự quy định mà thuyết tội, hối tội.
          Thủ tướng pháp tức là như trong Phạm Võng Bồ Tát giới Bổn nói: “Phải lạy sám hối trước hình tượng Phật và Bồ tát ngày đêm sáu thời, tụng 10 giới trọng, 48 giới khinh, khẩn thiết lễ Tam thế Phật, được thấy hảo tướng (hảo tướng là thấy Phật xoa đầu, thấy ánh sáng, thấy hương hoa, thấy tướng lạ) liền được diệt tội”
          Hai pháp sám này đều dùng sự thông đạt thành mục đích hối tội, vì thế gọi là sự sám.
          Vô sanh sám: là chánh tâm ngồi thẳng thầm quán vạn pháp “ không” “như” mà lại tiếp tục, trung đạo hiện tiền mở Phật nhãn, phá vô minh. Một sám pháp này nếu tu hành tối thiểu là từ cảnh giới Sơ địa trở lên. Vì thế thủ tướng sám đã khó quán thành công, vô sanh càng khó quán thành công hơn nữa.
]

Ý NGHĨA ĐOẠN VĂN THÍ THỰC

          Đoạn văn này nói lên phương thức bố thí thức ăn cho cô hồn. Như ở phần đề tựa giải thích về chú Lăng Nghiêm đã có nói nguyên nhân Mật chú xuất phát là câu chuyện Ngài A Nan thị hiện mắc nạn Ma Đăng Già. Về phần thí thực cô hồn cũng xuất phát từ Ngài A Nan mà ra, lần này không phải Ngài thị hiện, nhưng do đạo nhãn huân tu của Ngài mà thấy được cảnh giới cô hồn. Cô hồn ít ai thấy được chỉ có người có duyên mới thấy được, hoặc phải là người có tu chứng có con mắt pháp nhãn mới thấy được, người tầm thường phàm tu khó thấy. Vì thế cô hồn là một vấn đề được nhiều người tranh cải, nhất là phái duy vật quan niệm chết rồi hết không còn thần thức nào nữa sau khi mất nên họ quan niệm không có cô hồn, còn hạng người thứ hai quan niệm cũng có thể có cũng có thể không. Quan niệm này chưa dứt khoát, cũng tin và cũng không tin, còn một hạng người nữa tin chắc có.
          Vậy ở đây theo quan niệm của người tin Phật như thế nào, trong ba trường hợp trên rơi vào trường hợp nào. Thực ra nó không rơi vào trường hợp đầu đã đành còn lại trường hợp sau tùy theo nghiệp thức của con người khi còn phiền não còn dục vọng, còn sự ham thích chính đó là cô hồn. Trước hết ta tạm hiểu thế nào là “cô hồn”. Cô hồn là cái hồn cô đơn không nơi nương tựa. Như thế không hẳn sau khi chết mới trở thành cô hồn mà hiện tại đây thân ta chưa chết ta cũng sẽ và đang là cô hồn. Nói lên tâm trạng con người đầy tham vọng với danh sắc, một tâm hồn đầy loạn động lo âu phiền não, nói tóm lại người sau khi chết trở thành cô hồn là do lúc sống luôn mang tâm trạng đầy dục vọng phiền não, không biết hướng thiện, chỉ có một con đường trụy lạc bê tha gian ác, sau khi chết phước đức không đủ để tái sanh nên phải bơ vơ lạc lỏng đầu gành mé biển đầu cây, ngọn cỏ để gá dựa thần thức, vì quá bỏn xẻn không biết làm phước nên không có phước để hưởng, luôn nghèo đói cả vật chất lẫn tinh thần. Tinh thần con người là nơi quyết định hạnh phúc và đau khổ, tinh thần con người có phần hướng thượng tức là làm những việc lành lợi cho ta và cho mọi người đó là con đường hạnh phúc. Còn tinh thần hướng hạ thì chỉ làm khổ cho mình và làm khổ cho kẻ khác là đi con đường đau khổ. Vậy cô hồn là một trạng thái của tâm trạng thiếu thốn lo âu và sợ hãi, đầy dục vọng và vọng tưởng.
          Đối với người tu theo Phật, đương nhiên phải tin lời Phật dạy, không thể không tin cô hồn, cho nên bố thí cho cô hồn cũng là một pháp tu tạo phước đức, muốn bố thí cho cô hồn nhận lãnh được thức ăn no đủ phải thực hành nghi thức cúng thí thực mà phật đã dạy ngài A Nan. Ở đây, chúng ta phải thấy cái lợi lớn của việc bố thí đem đến cả hai: Người thí và kẻ được thí. Người thí thì phước tăng tuổi thọ, không bị trở ngại trên đường đời và đạo, cô hồn được no đủ, được sanh thiên. Ta nghe lại lời đối đáp của quỷ Diệm khẩu với Ngài A Nan như sau: “ Quỷ Diệm Khẩu nói với Ngài A Nan rằng: “ Ba ngày nữa mày sẽ chết, rồi mày sẽ thành quỷ đói” A Nan sợ liền hỏi quỷ: “có cách gì làm cho khỏi chết và tránh khỏi làm kiếp ngọa quỷ không” Diệm Khẩu trả lời: “Ngày mai nếu mày cấp cho bọn chúng tao, trăm nghìn quỷ đói, mỗi người một hộc lương thì mày sẽ được thọ thêm và tao sẽ được sanh lên trời” và pháp bố thí này cũng không tự ngài A Nan làm được mà Phật bày cho ngài A Nan phương pháp bố thí được no đủ. Pháp bố thí của Phật cho ta thấy không những no đủ về vật chất mà cũng no đủ về tinh thần mà còn lại sanh lên được cõi trời. Như vậy cho chúng ta thấy pháp bố thí Mông Sơn Thí Thực nó cao quý đến chừng nào. Nó giúp cho con người khỏi tâm trạng đói nghèo cả tinh thần lẫn vật chất, vì thế pháp bố thí đứng hàng đầu trong lục đạo vạn hạnh.
          Trước hết ta hãy tưởng tượng trước mắt có các loại cô hồn, rồi duyệt lại đoạn văn ấy. Trước khi đi vào nghi thức cúng thí cô hồn bắt đầu bằng bài kệ của kinh Hoa Nghiêm để khai thị cho cái lí duy tâm như sau:
          “ Nhược nhân dục liễu tri  -  Tam thế nhất thiết Phật
          Ứng quán pháp giới tánh - Nhất thiết duy tâm tạo”
          Lí duy tâm này chứng minh mười phương pháp giới đều do chân tâm phát hiện để khai thị cho cô hồn biết rằng: Tam đồ ác đạo sở dĩ có ra là do hoặc nghiệp phiền não làm mê muội chân tâm mà ra, nếu chân tâm được hiển lộ thì địa ngục liền tiêu tan, ngạ quỷ cũng không còn nữa.
          Có người nói rằng cô hồn là lời bịa đặt để dọa người chứ làm gì có, nếu có sao không thấy? Ở đây ta có thể tạm ví dụ như sau: Ví như bụi (vi trần) bay trong hư không trước mắt ta dày đặt nhưng mắt chúng ta chưa hề thấy. Nhưng có lúc ta để ý là có thể thấy được liền. Buổi mai mặt trời lên chiếu qua kẽ phên ánh nắng dọi vào trong nhà giúp ta thấy vô số vi trần bay lơ lững trước mặt chúng ta mà nào ta đâu có thấy, bởi vì ta không định tâm nên không thể thấy được. Cũng vậy cô hồn sẽ hiện diện trong ta và chung quanh ta nào ta có biết vì dục vọng (thiếu ánh sáng) đang che chắn nên ta không thấy được, đến khi thấy được (hết dục vọng ) lúc đó ta mới không nghi ngờ.
          Tiếp đến dạy cho họ (cô hồn) tưởng niệm và quy y Tam bảo, rồi sám hối nghiệp chướng và phát lời hoằng thệ của chính Phật đã phát ra.
                   “ Tự thánh chúng sanh thệ nguyện độ
                   Tự tánh phiền não thệ nguyện đoạn
                   Tự tánh pháp môn thệ nguyện học
                   Tự tánh Phật đạo thệ nguyện thành”
          Qua đoạn này chúng ta thấy mục đích chính của thí thực cô hồn không phải cho ăn không (tài thí) mà cho cả pháp thí. Chính Pháp thí làm cơ bản hơn trong việc thí thực. Lúc đầu khai thị cô hồn bằng bốn câu kệ để họ thức tỉnh lại, xưa nay mê đường lạc lối nay nhờ Pháp Phật thấy rõ được đường đi. Kế đến dạy họ phát tâm quy y Phật và sám hối. Khi đã thức tỉnh, lại được quy y và sám hối thì bao nhiều phiền não nghiệp chướng liền tiêu cho nên nói: “Chân tâm hiển lộ địa ngục liền tiêu” . Ví dụ như một người lầm lỗi cứ che dấu mãi, thấy ai cũng sợ, gặp gì cũng ngại, sống trong tình trạng lo âu thấp thỏm, ăn không ngon, ngủ không yên. Nếu người ấy được một người khuyên nên đi xin lỗi ( khai thị) người ta rồi quay về đường thiện thì bao nhiêu lo âu phiền muộn đó sẽ giải tỏa và sống cuộc sống tự do.
          Chính cái ý niệm quay về nương tựa Phật pháp và sẵn lòng thổ lộ hết những uẩn khúc lòng mình ra để sám hối, kể lại phát tâm Bồ Đề thì tội nào không tiêu, phước nào không đến. Ở đây cho ta thấy mấy điểm quan trọng: 
          1/ Là tỉnh thức ( nhờ khai thị)
          2/ Là quy y Phật
          3/ Sám hối nghiệp chướng
          4 /Phát tâm.
          Rồi thứ đến dạy cho họ niệm phật qua danh hiệu của bảy đức Như Lai và kết thúc việc thí thực như sau:
                   “ Thần chú gia trì tịnh pháp thực
                   Phổ thí hà sa chúng Phật tử ( hữu tình cô hồn)
                   Nguyện giai bảo mản xả xan tham
                             Tốc thoát u minh sanh tịnh độ
                             Quy y Tam bảo phát Bồ Đề
                             Cứu cánh đắc thành vô thượng đạo”
          Trên đây là dựa theo văn hiển giáo mà nói lên ý nghĩa của sự lợi ích việc thí thực. Còn chân ngôn thì không giải thích được (thuật mật ngữ chỉ có Phật với Phật mới hiểu được)
          Ý văn trên như sau: Pháp lực gia trì của thần chú khiến cho thức ăn trở thành diệu dụng, có năng lực khắp thí hằng sa, các chúng sanh các Phật tử, gồm các loại hữu tình, ngạ quỷ đều được toại nguyện, đều no đủ, không ai thiếu, không ai bị mất phần dù ở xa hay ở gần cũng đều thọ hưởng như nhau. Khi đã thọ no đủ thỏa mãn rồi mong họ nên xả bỏ lòng bỏn xẻn, gian tham bấy lâu nay trong lòng để nhẹ gánh thoát khỏi cảnh u đồ mà sanh về cực lạc, và phát tâm quy y Tam bảo, phát tâm bồ đề thì chắc chắn họ không trở lại làm quỷ đói mà vĩnh viễn rồi sẽ thành Phật.
          Ở đây cho ta thấy việc bố thí của đạo phật không phải là việc giúp đỡ qua cơn ngặt trong một giai đoạn về vật chất, mà cả tinh thần về lâu về dài và dứt đoạn về mọi khổ đau sự thật, Không có một pháp bố thí nào của thế gian sánh bằng pháp bố thí. Thế gian chỉ giúp đỡ trong giai đoạn về vật chất, nhưng về tinh thần thì không giải quyết được dứt  điểm, mà có khi sự bố thí của thế gian không đem lại giảm thiểu dục vọng phiền não mà đôi lúc cũng làm tăng thêm dục vọng nữa khác, cho nên hình thức bố thí thế gian có thể cũng là sự trá hình của dục vọng vì thế nhà triết học Plato nói rằng: “Trong tình yêu bao giờ cũng chứa đựng mầm mống của sự yêu thích về tình dục, cho đến khi tình dục được thỏa mãn thì tình yêu sẽ trở thành bóng đêm”.
          Trở lại ý trên cho ta thấy sức diệu dụng của pháp bố thí vượt thời gian và không gian mà trong kinh nói: “Thần chú gia trì tịnh pháp thực- Phổ thí hà sa chúng Phật tử ( Hữu tình và ngạ quỷ) đều no đủ… ở đây do “pháp lực bất tư nghì- Từ bi vô chướng ngại, thất liệp biến thập phương, Phổ thí châu sa giới” (nghĩa là sức pháp không thể nghỉ bàn, lòng từ bi không chướng ngại, bảy hột biến khắp mười phương, cúng thí tất cả hằng sa giới). Ở đây công năng của thần lực của thần chú mà pháp thí trở nên hiệu dụng vô cùng, của ít biến thành nhiều, thông qua mọi trở ngại. Ngại ở đây là ngăn ngại, có 3 trường hợp ngăn ngại:
          a/- Trong ngăn tức là thức ăn đưa vào miệng nhưng không nuốt vào được vì cuống họng của ngạ quỷ quá nhỏ thức ăn không vào được.
          b/- Ngoài ngăn là thấy nước, thức ăn muốn đến uống, ăn nhưng lại biến thành máu huyết, thành lửa…
          c/- Không ngăn, tuy thấy đồ ăn uống không có sự cản trở, nhưng vật vừa ăn đều bị cháy rụi, biến thành tro tàn. Loài ngạ quỷ có cả 3 thứ ngăn như trên nên không thể tự tại như con người được, suốt đời mãn kiếp chịu sự đói khổ triền miên, duy chỉ có pháp thí của Phật mới mong no đủ.
          Khổ lớn như trên, do sức Từ bi mà đặng “không ngăn ngại” Vì không ngăn ngại mà hay dùng cơm 7 hột, hóa ít thành nhiều, khắp đều các cõi đều như cát, khiến các quỷ thần ngạ quỷ mỗi loài hết chướng ngại đặn thấm vị pháp mà đặn giải thoát vậy.
]

SỰ QUAN TRỌNG CỦA VIỆC NIỆM PHẬT TRONG CÔNG PHU CHIỀU

          Tuy niệm Phật trên hình thức văn tự không có rườm rà, nhưng rất cực kỳ quan trọng vì vậy chấp trì danh hiệu là để cầu cho được nhất tâm bất loạn, hầu sanh về thế giới Cực Lạc mà thôi. Đó là mục đích chính của buổi công phu chiều.
          Ý nghĩa đoạn văn hồi hướng
          Là cầu sanh Cực Lạc với mục đích vì chí nguyện Bồ đề. Trong đây có 2 bài đại biểu cho văn hồi hướng là bài “Thập phương”, “Mười đại nguyện của ngài Phổ Hiền Bồ Tát” như sau:
                   Mười phương chư Phật ba đời
                   Di Đà bực nhứt, chẳng rời quần sanh
                   Sen vàng chín phẩm sẵn dành
                   Oai linh đức cả đã đành vô biên
                   Nay con dựng tấm lòng thiền
                   Quy y với Phật, sám liền tội căn
                   Phước lành con có chi chăng?
                   Ít nhiều quyết cũng nguyện rằng về Tây
                   Nguyện cùng với bạn tu đây
                   Tùy thời cảm ứng hiện nay điềm lành
                   Biết giờ biết khắc rõ ràng
                   Lâm chung tận mặt cảnh lành Tây Phương
                   Kiến văn chánh niệm hơn thường
                   Vãng sanh Lạc Quốc đồng nương hoa vàng
                   Hoa nở thấy Phật rõ ràng
                   Thoát vòng sanh tử độ an muôn loài.
                   Phiền não vô biên thệ dứt trừ
                   Pháp môn tu học chẳng còn dư
                   Chúng sanh nguyện độ bờ kia đến
                   Phật đạo cùng nhau chứng Trí Như
                   Hư không cõi nọ dẫu cùng
                   Nguyện trên còn mãi chẳng cùng chẳng thiên
                   Không tình cùng có đồng quyền
                   Trí mầu của Phật đồng viên đồng thành
]
                   Nay con lại nguyện tu hành
                   Phổ Hiền nguyện lớn sẵn dành mười môn
                   Một là nguyện lạy Thế Tôn
                   Hiện thân trước Phật hết lòng kính tin
                   Hai khen Phật đức rộng thinh
                   Lời hay tiếng tốt tận tình ngợi ca
                   Ba thì sắm đủ hương hoa
                   Tràng Phan bảo cái dâng ra cúng dường
                   Bốn, vì mê chấp đường lành
                   Tham sân nghiệp chướng con thường sám luôn
                   Năm, suy công vạn muôn
                   Của phàm của Thánh con đồng vui ưa
                   Sáu, khi Phật chứng thượng thừa
                   Pháp mầu con thỉnh đã vừa truyền trao
                   Bảy, lòng chẳng chút lảng xao
                   Cầu xin chư Phật chớ vào vô hư
                   Tám, thường tu học Đại Thừa
                   Bao giờ bằng Phật mới vừa lòng con
                   Chín, thề chẳng dám mỏi mòn
                   Dắt dìu muôn loại đều tròn pháp thân
                   Mười, đem tất cả công huân
                   Mọi loài cùng hưởng khắp trần cùng vui
                   Phổ Hiền nguyện lớn nguyện rồi
                   Nguyện về Cực Lạc nguyện ngồi tòa sen
]
          Phàm khi tụng văn hồi hướng, điều cần nhất là người tụng phải hiểu rõ nghĩa lý trong văn. Vì có hiểu rõ nghĩa lý thời chỗ hồi hướng phát nguyện mới thiết thực. Tâm quán tưởng mới xác thực, công đức mới tăng trưởng. Nếu tụng mà không hiểu chi hết, thời hồi hướng đó là hồi hướng về đâu?  Phát nguyện đó là phát nguyện những gì và như thế nào? Thành ra chỉ có tụng theo lệ suông thôi, chắc khó thành tựu được công đức.
          Cho nên khi đã hiểu rõ cả chữ lẫn nghĩa rồi thì lúc tụng Tâm và lý tương ưng khế hợp, lâu lâu tinh thần, thiện căn công đức chắc chắn là vô cùng vô tận vậy.
          Trở lại ý trên của việc niệm Phật và hồi hướng trong nguyên văn như sau: “ Con nay chánh niệm, niệm hiệu Như Lai, vì trí giác Bồ Đề, vì cầu sanh Tịnh Độ. Con nguyện rằng nhờ việc niệm Phật mà được vào biển đại nguyện của Đức Như Lai. Do từ lực của Ngài khiến con tội nghiệp được tiêu trừ, thiện căn được tăng thượng, khi mạng chung chỉ trong khoảnh khắc là vãng sanh về thế giới Cực Lạc. Hoa nở thấy Phật, liền được nghe Phật thừa, đốn thừa, đốn khai Phật huệ rồi trở lại Ta Bà rộng độ chúng sanh để viên mãn trí giác Bồ Đề”
          Trên đây là nguyên văn bài hồi hướng dịch tắt và dịch ý của công phu buổi chiều. Sau hết “cầu rồi trở lại rộng độ chúng sanh để viên mãn trí giác Bồ đề” nguyên văn vốn được lặp đến hai lần, ý nói chứng tỏ nêu lên cái tính cách tầm quan trọng của nó
]

Ý ĐOẠN VĂN CẢNH SÁCH

          Thế nào là Cảnh sách? Cảnh là răn những người chưa ngộ. Sách là nhắc những người chưa siêng. Cảnh là cảnh giác, nhắc nhở. Sách là khuyên răn, nhắc nhở. Cảnh sách là lời nhắc nhở, hay nói cách khác là răn dạy như cha dạy con, thầy dạy trò, anh dạy em v.v… Đời đã thế “Đạo” cũng thế.
          Hai chữ Cảnh sách không ngoài mục đích ấy. Phật Tổ nhân thấy đời mạt pháp, người tu học phần nhiều trễ nãi và lười biếng. Vì muốn thức tỉnh răn dạy đoàn hậu tấn siêng tu siêng học để khỏi phụ chí xuất gia của mình, để đền ơn Phật Tổ, để trả nợ đàn na làm lợi ích cho quần sanh, cho nên đoạn văn Cảnh sách sau thật là đơn giản nhưng vô cùng thiết tha khích lệ.
                   “ Thị nhật dĩ quá
                   Mạng diệc tùy giảm
                   Như thiểu thủy ngư
                   Tư hửu hà lạc
                   Đại chúng đương cần tinh tấn
                   Như cứu đầu nhiên
                   Đản niệm vô thường
                   Thật vật phóng dật”.
          Nghĩa là: một ngày đã qua, mạng sống con người cũng theo đó mà giảm, như con cá bị cạn nước, nào có vui chi, Đại chúng (mọi người) nên  phải siêng năng (tu) gấp như cứu lửa cháy đầu, chỉ nhớ nghĩ vô thường đang đến, chớ có phóng dật buông lung.
          Đoạn văn tuy ngắn gọn nhưng nói hết được ý nghĩa. Sanh tử là việc lớn, mau chóng không thường, người học đạo chính trong mỗi giờ mỗi khắc, phải lấy đây làm mối suy nghĩ, bởi ngày tháng trôi qua mau, qua rồi không trở lại, sống không tu, chết đem theo được thứ gì, tham lam thói hèn thật là đáng hổ.
                   “ Ngày nay lại đã qua rồi
                   Mạng căn huyết mạch lần hồi khô khao
                   Dường như cá cạn ở ao
                   Khổ thân thì có chút nào vui đâu
                   Cần tu tợ lửa cháy đầu
                   Đừng cho phải ruỗi như chầu đế vương
                   Cái thân mõng mãnh vô thường
                   Sớm còn chiều mất lo thương cứu mình”.
          Trong kinh Pháp hoa Phật dạy: “Thân người khó được, khó hơn con Rùa mù gặp bộng cây dưới biển. Phật nói: Có một con Rùa cả hai mắt ở ngoài biển khơi, cứ một trăm năm Rùa nổi lên một lần. Mỗi lần như vậy, chỉ hi vọng được cọ cái đầu vào cái mãnh gỗ lênh đênh trôi dạt vô định bờ bến không biết đâu là đâu, cái hy vọng khó khăn như thế, Phật cho rằng còn dễ hơn nếu đem so với việc được làm thân con người, cái thân con người mặc dầu chẳng bền bỉ gì”. Nên chính Đức Phật đã dạy rằng: Thân người rất khó được, mà lại khó giữ. Vậy mà nay ta đã được làm thân người lại được nghe Phật pháp, nếu mỗi ngày đi qua ta không biết quán cái lẽ vô thường để tranh thủ thời gian mà hoạt động tự giác, giác tha theo cái nguyện cầu trí giác Bồ Đề, để cầu sanh Cực Lạc thì đời ta “ sẽ chỉ kết liểu trong ân hận và nuối tiếc mà thôi”.

NGHĨA VÀ PHÂN ĐOẠN HỒNG DANH BẢO SÁM

          Nam mô Như Lai, Ứng cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhơn Sư, Phật, Thế Tôn.
          Phật: Phạn ngữ học là Bouddha, gọi tắt là Bụt, hay Phật, đọc trọn là Phật Đà. Phật là âm tiếng Phạn dịch nghĩa là Giác giả (Người sáng suốt) Ấy là tiếng để xưng bực Viên giác (giác ngộ hoàn toàn), Phật là người đã tự giác, lại giác ngộ cho chúng sanh và hai cái hạnh tự giác giác tha ấy Ngài đã làm trọn vẹn rồi (Tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn). Phật là tiếng gọi chung cho chư Phật, trong kinh chữ Phật dùng chỉ cho Đức Thích Ca Mâu Ni nhiều hơn, vì ngài là Đức Phật hiện thời ở cõi nầy, người ta cử tên nên gọi là Phật. Khi Ngài đắc đạo ở cội Bồ Đề biết rằng mình đã sáng suốt hoàn toàn, biết rằng mình đã từng sanh ra mà cứu thế một cách đầy đủ rồi, Ngài bèn tự xưng là Phật.
          Theo các kinh điển nói, cả muôn triệu năm mới có một Đức phật ra đời mà dìu dắt chúng sanh. Hiện nay trong không gian, có vô số thế giới và vô số Đức Phật. Thích Ca Mâu Ni Phật là Phật trong thế giới Ta bà này. Có Phật quá khứ, Phật hiện tại và Phật vị lai. Song, Đức Phật Thích Ca là Phật hiện tại trong cõi tam thiên đại thiên này. Trong cái kiếp này gọi là Hiền kiếp, có một ngàn Đức Phật ra đời lần lượt mà đã ra đời được bốn Đức Phật rồi, kể cả luôn Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni.
          Những ai mới thọ giới tu tại gia hay xuất gia, đều nguyện ba câu quy y, mà câu quy y Phật đứng đầu, quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Những người tu theo đạo Phật, nên thường niệm danh hiệu Phật sẽ được các sự yên ổn và phước đức như niệm: Nam mô A Di Đà Phật, Nam Mô Bổn sư Thích Ca Mâu ni Phật v.v…
          Đức Thích Ca có dạy rằng: Bao giờ Phật cũng thường trụ ở thế, chớ nói Phật nhập Niết bàn là chẳng còn hỗ trợ đâu. Hễ người tu hành có lòng tin tưởng và tinh tấn thì được gần Phật luôn luôn được sức lành của Phật che chở, và được vào vòng hào quang của Phật.
          Theo thuyết Đại thừa, các chúng sanh vốn có cái tánh Phật, và nếu họ tinh tấn tu hành ắt sẽ thành Phật. Cho nên Đức Phật có giảng trong kinh Phạm võng rằng: “Nhữ thị đương Phật, Ngã thị dĩ thành Phật” (các người là Phật sẽ thành, còn ta đây là Phật đã thành).
          Đức Phật có ba thân:
1/Chơn thân hay Pháp thân tức là cái thể Như Lai trường tồn mà Phật đã có trước khi sanh ra làm thái tử.
2/Ứng thân hay hiện thân là cái thân hiện ra đời nầy từ lúc giáng sinh cho đến khi nhập Niết bàn.
3/Hóa thân hay Thần thông Biến hóa thân, tức là cái thân mà Đức Phật tùy tiện biến hóa ở chỗ nầy hoặc ở chỗ khác để độ đời.
          Bởi Phật là sáng suốt hoàn toàn, trí và lực đầy đủ, Ngài có muôn hạnh, nên Ngài được xưng tặng bằng 10 đức hiệu: 1/Như Lai, 2/Ứng cúng, 3/Chánh Biến Tri, 4/Thiện Thệ, 5/Minh Hạnh Túc, 6/Thế Gian Giải, 7/Vô Thượng Sĩ Điều Ngự Trượng Phu, 8/Thiên Nhơn Sư, 9/Phật, 10/Thế Tôn.
          Ngoài ra người ta còn xưng Phật bằng mấy hiệu nữa như: Vô Thượng Sư, Vô Thượng Thiền Sư, Đại Trượng Phu, Nhơn Trung Hương Tượng, Sư Tử, Long Vương, Điều Ngự Thị Đạo, Đại Thuyền Sư, Đại Y Sư, Đại Ngưu Vương, Nhơn Trung Vương,Tịnh Liên Hoa, Vô Sư Độc Giác, Đại Thí Chủ, Đại Bà La Môn, Thiên Tôn, Thiên Trung Thiên…
          1/ Như Lai: Nương theo cái thật tánh của chơn như mà đến, mà thành Chánh giác, thành đạo.
          Kinh Kim Cang nói rằng: Đức Phật vốn không do đâu lại mà cũng không đi đâu, nên gọi là Như Lai. Phật- Như Lai là Phật Thế Tôn.
          Như Lai là thường trụ, chẳng hề biến đổi. Như vậy, Như Lai thật chẳng có nhập Niết Bàn.
          Là bậc an nhiên tự tại hoàn toàn đắc quả chơn như. Như là như như hay chơn như là thể bất sanh bất diệt, không động gọi là “ NHƯ”. Tuy thể không sanh không diệt nhưng mà tùy lợi ích chúng sanh, các Ngài hằng tùy duyên ứng hiện giáo hóa chúng sanh nên gọi là Lai.
          2/ Ứng Cúng: Bậc đáng chịu sự cúng dường của trời và người. Vì đã dứt hết phiền não nên gọi là Ứng Cúng. Phạn đọc là A La Hán –Arahat- A la Hán
          3/ Chánh biến tri: Chánh là chơn chánh, biến là khắp hết, tri là hiểu biết. Hiểu biết đúng đắn mà trùm khắp chớ không phải chỉ giới hạn nào gọi là Chánh Biến Tri. Phạn gọi là Tam Miệu Tam Phật Đà. Samya Casambouddha, bực thấu rõ tất cả Pháp, bực có cái chánh tri biết hết tất cả.
          4/ Minh Hạnh Túc: Là bực có đủ trí tuệ và đức hạnh, là bực có hạnh Tam Minh đầy đủ:
a)     Là thiên nhãn minh.
b)    Là túc mạng minh
c)     Là lậu tận minh.
5/ Thiện thệ: Là Ngài khéo vượt qua các cõi ở thế giới và các cõi trời, nên gọi là Thiện Thệ. Thiện là khéo, Thệ là vượt qua. Là bực đã làm xong việc lành không trở ngại nữa.
          6/ Thế gian giải: Là bực hiểu rõ các lí và sự trong thế gian, là người hiểu thấu tất cả Pháp ở thế gian.
          7/ Vô thượng sĩ, Điều Ngự Thượng Phu: Ngài là Đấng Điều Ngự hay chinh phục được những kẻ trí thức, những người ngoại đạo trong hiện thời. Là bực cao hơn hết trong các hạn chúng sanh, thống trị lấy mình và chúng sanh, cũng như bực trượng phu cầm cương ngựa hầu có đi vào đường lành.
          8/ Thiên Nhơn Sư: Bực đạo sư của trời người dạy cho sự nào nên làm và sự nào chẳng nên làm.
          9/ Phật: là bậc giác ngộ hoàn toàn.
          10/ Thế Tôn: là bực cao hơn trong cõi thế, được tất cả cõi thế, tất cả chúng sanh tôn trọng.
          Trong kinh nói, mỗi Đức Phật phải có đủ ba điều kiện để thành Phật:
          1) Đoạn đức: Diệt hết những động lực tiềm tàng của tham, sân, si. Ba thứ độc ăn cản làm cho con người phải luân chuyển.
          2) Trí đức: Giác ngộ tận cùng tất cả hiện tượng riêng lẻ và các đặc tính tương quan của vạn hữu, không mặt nào không chướng ngộ, nghĩa là thể nghiệm được tính chất vạn hữu biết rõ biến thái của hiện tượng và hoạt động năng lực của các pháp.
          3) Ân đức: Tức cứu độ bình đẳng và cùng khắp tất cả chúng sanh nghĩa là làm cho chúng sanh chuyển mê thành ngộ bỏ ác làm lành, hết khổ được vui.
]

NỘI DUNG NGHI THỨC HỒNG DANH BỬU SÁM

         1/ Tán thán công đức của chư Phật

                             Đại Từ Đại Bi dẫn chúng sanh
                             Đại Hỷ Đại Xả cứu muôn loài
                             Tướng tốt chói sáng tự trang nghiêm
                             Đệ tử chúng con quy mạng lễ
          2/ Quy y Tam bảo
-         Nam mô quy y Kim Cang Thượng Sư. Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng.
          3/ Phát tâm tối thượng Thừa:
          Con nay phát tâm chẳng vì tự cầu Phước báo nhơn, Thiên cùng quả Thanh Văn, Duyên Giác, dẫn đến các quả vị Bồ Tát trong quyền thừa.
          Con chỉ y theo Tối thượng thừa phát lòng Bồ Đề nguyện cùng chúng sanh trong Pháp Giới chung một lúc đồng chúng đặng quả Vô Thượng chánh Đẳng Chánh Giác.
          4/ Quy y vô tận tam bảo:
          Nam mô quy y khắp mười phương cùng tận cõi hư không tất cả các đức Phật. Nam mô quy y các mười phương cùng tận hư không tất cả tôn Pháp. Nam mô quy y các mười phương cùng tận hư không tất cả hiền thánh Tăng.
          5/ Xưng dương mười đức hiệu của chư Phật:
          Nam mô Như Lai. Ứng cúng. Chánh Biến Tri…Phật, Thế Tôn.
          6/ Lễ tám chín hiệu Phật:
          Từ Phổ Quang Phật đến danh hiệu Phật Nhứt Thiết Pháp Tràng Mãn Vương Phật là vị Phật thứ năm mươi ba hiền kiếp lạy 53 vị Phật này tiêu biểu cho sám hối là tội ở quá khứ gọi là (Sám) còn lại từ vị Phật Thích Ca Mâu Ni đến vị Phật Bửu Liên Hoa Thiện Trụ Ta La Thọ Vương Phật là vị Phật thứ 53 thêm Pháp Giới Tạng Thân A Di Đà Phật, là tiêu biểu sám hối những tội sắp sẽ làm có nghĩa là (Hối). Vậy lạy 88 vị Phật chung gọi là Sám Hối nghĩa là “Sám kì Tiền khiên, Hồi kì hậu quá” tức ăn năn các việc ác đã làm, và hối cãi những điều ác chưa làm sẽ không dám làm
          7/ Sám hối tội lỗi:
          Các đức Phật Thế Tôn khắp trong tất cả thế giới như thế thường trụ tại trong đời, xin các đức Thế Tôn nên tự niệm cho con:
-         Hoặc đời này của con, hoặc đời trước của con, con từ vô thủy sanh tử nhẫn đến nay gây phạm các điều tội lỗi, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm hoặc thấy người làm mình vui mừng theo.
-         Năm tội vô gián, hoặc tự mình làm, hoặc bảo người làm, hoặc thấy người làm mình vui mừng theo.
-         Mười điều bất thiện, hoặc tự mình phạm, hoặc bảo người phạm, hoặc thấy người phạm mình vui mừng theo.
-         Bao nhiêu tội chướng của con gây tạo ra, hoặc có che giấu, hoặc không che giấu, đáng đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh cùng các loài thú khác, đọa vào chổ biên địa, hạn hạ tiện, kẻ ác kiến.
-         Những tội chướng đáng bị đọa vào các nơi khổ báo như thế, nay con đều sám hối.


8/ Hồi hướng căn lành:
-         Nay các đức Phật thế tôn nên chứng biết cho con, con lại đối trước đức Phật Thế Tôn bạch lời này:
- Hoặc đời này của con, hoặc đời này của con đã từng làm việc bố thí hay giữ gìn giới pháp trong sạch, nhẫn đến thí cho loài chim muôn một bát cơm.
- Hoặc đã từng tu hành thanh tịnh có bao nhiêu căn lành, thành tựu chúng sanh có bao nhiêu căn lành, tu hạnh Đạo Bồ Đề có bao nhiêu căn lành, cho đến đã từng phát tâm vô thượng. Phật trí có bao nhiêu căn lành. Hiệp nhóm so đếm tính lường tất cả căn lành thảy đều hồi hướng về đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Các đức Phật trong thuở quá khứ, vị lai và hiện tại cách thức hồi hướng  như thế nào con cũng hồi hướng như thế đó.
          9/ Tổng kết hai đoạn trước
                   Những tội lỗi con đều sám hối
                   Các phước lành con vội tùy hân
                   Với cùng thỉnh Phật công huân
                   Trí mầu vô thượng nguyện thuần nên ngay
                   Các đức Phật khứ, lai, hiện tại
                   Trong chúng sanh Thắng Đại Thánh Vương
                   Những khơi công đức không lường
                   Con nay quy mạng nguyện thường lễ tin
          10/ Lễ kính chư Phật:
                   Trong bao nhiêu mười phương cõi nước
                   Cả ba đời các đức pháp vương
                   Con dùng ba nghiệp thanh tịnh “của thân, ngữ, ý”
                   Khắp lễ tất cả mười phương vẹn toàn
                   Sức oai thần Phổ Hiền hạnh nguyện
                   Trước Như Lại khắp hiện tự thân
                   Mỗi thân lại hiện trần thần
                   Thân Thân lễ khắp sát trần Thế Tôn
          11/ XƯNG TÁN NHƯ LAI
                   Trong một tần có trần số Phật
                   Đều ở trong hội bậc thượng nhân
                   Khắp cùng pháp giới mãi trần
                   Sâu tin chư Phật đều thường đầy trong ( đủ)
                   Biển âm thành đều dùng trọn vẹn
                   Diệu ngôn từ vô tận khắp vang
                   Vị lai cả kiếp thải toàn
                   Ngợi khen Phật đức biển ngàn rất sâu
          12/QUẢNG TU CÚNG DƯỜNG
                   Tràng hoa đẹp rất xinh thơm ngát
                   Cùng hương hoa, kĩ nhạc lọng tàn
                    Như kia đồ tốt trong hàng
                   Cúng dường chư Phật con toàn kính dâng
                   Y tối thắng cùng hương tối thắng
                   Với đuốc đèn, hương phấn, hương xông
                   Đều nhiều như diệu cao phong ( núi Tu Di)
                   Cúng dường chư Phật con đồng dâng lên
                   Tâm thắng giải mông mênh con dụng
                   Phật ba đời thảy cũng tin kiên
                   Đều nương hạnh nguyện Phổ hiền
                   Cúng dường chư Phật khắp miền mười phương
          13/ SÁM HỐI NGHIỆP CHƯỚNG
                   Các tội ác xưa con lầm lỡ
                   Do tham sân muôn thuở xui nên
                   Từ thân ngữ ý mà sinh ra
                   Nay con cả thảy đều xin sám hối
          14/ TÙY HỶ CÔNG ĐỨC
                   Các chúng sanh khắp cả mười phương
                   Bực nhị thừa học cùng vô học
                   Như Lai Bồ Tát thảy toàn
                   Có bao công đức con đều vui ưa
          15/ THỈNH CHUYỂN PHÁP LUÂN
                   Thế gian Đăng trong mười phương nước
                   Lúc tối sơ thành được Bồ Đề
                   Nay con đều thỉnh một bề
                   Giảng truyền pháp dịu vỗ về quần sanh
          16/ THỈNH PHẬT TRỤ THẾ
                   Các đức phật muốn toan nhập diệt
                   Con chí thành mãi miết ân cần
                   Cúi mong ở mãi kiếp trần
                   Làm cho lợi lạc khắp quần sanh linh
          17/ PHỔ GIẢI HỒI HƯỚNG
Bao nhiêu phước cúng dường, lễ, tán
        Thỉnh ở đời cùng giảng pháp luân
        Vui theo sám hối thiện căng
        Hồi sanh hướng Phật, cao thăm Bồ Đề
          18/ QUY CHƠN THỪA VÀ TỔNG KẾT
                   Con nguyện đem đức dày thắng lợi
                   Hồi hướng chơn pháp giới tối cao
                   Tánh, tướng Tam Bảo thế nào
                   Hãi ấn tam muội dung vào tục chơn
                   Biển công đức không lường như thế
                   Nay con đều đem để hồi về
                   Dưới cho muôn loại nương kệ
                   Cùng con đồng chứng Bồ Đề đạo chơn
                   Bao nhiêu nghiệp chướng nơi thân, khẩu , ý
                   Lòng mê lầm móng nghĩ sân si
                   Chê bai chánh pháp Mâu Ni
                   Thân tâm phạm quấy kể gì phải chăng
                   Như trên nghiệp chướng tội thâm
                   Nguyện tiêu diệt hết ác tâm chẳng còn
                   Trí huệ khắp đầy tròn pháp giới
                   Độ chúng sanh chẳng ngại gian lao
                   Hư không thế giới dẫu hao
                   Chúng sanh phiền não với nào nghiệp chung
                   Nay con hồi hướng rộng luân
                   Cũng như bốn Pháp vô cùng vô biên.
                            
NAM MÔ ĐẠI HẠNH PHỔ HIỀN BỒ TÁT MA HA TÁT

Soạn xong ngày 18-5-Tân Tị(8-7-2001)
Vi tính xong 20-10- Tân Tị( 4-12-2001)
Giảng viên hướng dẫn
ĐĐ Thích Thiện Phương

Liên kết tải về: file .doc,    file pdf


Ý NGHĨA HAI THỜI CÔNG PHU ( Mai – Chiều) Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét