Thứ Năm, 27 tháng 10, 2016

Bài 2: LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA

Bài 2: LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA

   I. Dàn bài:
A- Từ Đản sanh đến xuất gia.
   1. Quê hương và dòng dõi của đức Phật Thích Ca.
   2. Tài năng và đức hạnh của Thái tử.
   3. Những ràng buộc của Vua Tịnh Phạn ngăn chí xuất gia của Ngài.
B- Từ xuất gia đến thành đạo
             1. Nhận rõ các tướng khổ ở đời
             2. Thái tử rời cung vàng điện ngọc
             3. Thái tử tìm đạo
             4. Thái tử đắc đạo
C- Từ thành đạo đến nhập diệt
             1. Sự hoá độ của đức Phật
             2. Đức Phật nhập diệt.
Bài giảng:
A. Từ đản sanh đến xuất gia.
             1. Quê hương và dòng dõi của Thái tử.
Phật Thích Ca tên thật là Tất Đạt Đa, họ ngài là Gô-Ta-Ma, thuộc dòng Thích Ca. Ngài sinh trước Tây lịch 544 năm, ở phía bắc Ấn Độ, bây giờ là nước Nepal. Ngài là dòng dõi vua chúa, ở nuớc Ca Tỳ La Vệ. Một nước ở dưới chân Hy Mã Lạp Sơn thuộc đông bắc Ấn Độ. Phụ thân là vua Tịnh Phạn trị vì dân tộc Sakya, chính là phần đất của nước Nepal ngày nay. Mẹ ngài là Hoàng hậu Ma gia. Ngài đản sanh tại vườn  Lâm Tỳ Ni, dưới gốc cây Vô Ưu, cách thành Ca Tỳ La Vệ 15 cây số trong lúc Hoàng hậu Ma-Gia đang dạo chơi ngắm cảnh vào buổi bình minh trăng tròn Ấn Độ (Tức là 15-4 âm lịch).
Thái tử sinh ra được đạo sỹ A Tư Đà đang tu trên Hy Mã Lạp Sơn đến xem tướng cho Thái tử nói rằng: Thái tử lớn lên nếu làm vua thì sẽ là vị vua thống trị cả thiên hạ nhưng cái tướng chữ vạn nổi trên ngực e sợ Thái tử bỏ hoàng cung mà xuất gia. Nếu xuất gia, Thái tử sẽ thành Phật.
          Sau khi Thái tử sanh được bảy ngày thì mẹ Ngài qua đời. Ngài được Di mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng.
          2. Tài năng và đức hạnh của Thái tử
      Thái tử là một đứa trẻ cực kỳ thông minh và xuất chúng. Ngài có tính trầm ngâm thích sống một mình nơi cô tịch. Có một điều mà làm cho tất cả mọi người trong hoàng cung kính mến Ngài là đức hạnh của Ngài. Ngài rất thương mến mọi loài, mặc dầu Ngài có tài năng và quyền thế, song Ngài rất lễ phép với mọi người.
          3. Những ràng buộc của vua Tịnh Phạn.
          Theo lời tiên đoán của đạo sĩ A Tư Đà, vua sợ Ngài bỏ ngôi báu đi tu. Nên vua cha tạo ra cảnh vui thích hợp với 4 mùa để cho Thái tử quyến luyến cuộc đời trần tục mà xao lãng chí xuất gia tìm đạo. Vua cha cho tạo ra đủ mọi thú vui để vừa lòng Thái tử và lại bắt Ngài phải thành hôn với công chúa Gia Du Đà La con vua Thiện Giác.
B. Từ xuất gia đến thành đạo
1. Nhận rõ các tướng khổ ở đời.
Mặc dù sống trong cung vàng điện ngọc  nào vợ đẹp, cung phi mỹ nữ với đời sống cực kỳ sang trọng nhưng Thái tử vẫn thấy lòng mình nặng trĩu bao nỗi băn khoăn thắc mắc về kiếp sống của con người, cho nên Ngài không bao giờ cảm thấy mình được vui. Để giải khuây nỗi buồn, Ngài xin vua cha ra dạo chơi bốn cửa thành. Đầu tiên Ngài ra cửa Đông gặp một người già. Ra cửa  Nam gặp một người bệnh đang rên xiết quằn quại. Ra cửa Tây gặp một thây chết sình thối. Ra cửa Bắc gặp một vị tu hành diện mạo uy nghi, dáng điệu thanh thoát. So với 3 cảnh già, đau, chết kia thì Ngài thấy cảnh tu hành nên theo hơn.
2. Thái tử rời cung vàng điện ngọc đi xuất gia.
Sau khi nhận thấy các tướng già, đau, chết. Ngài quyết chí xuất gia tìm đạo để cứu mình, cứu người, nhưng vua cha ngăn cản không cho. Thế nhưng, một khi lòng Ngài đã quyết thì không có gì ngăn cản nổi. Nên vào một đêm khuya, tất cả mọi người trong thành ngủ yên, Ngài lặng lẽ từ giã cung vàng điện ngọc. Ngài  đánh  thức Xa Nặc dắt ngựa ra, cùng Ngài lên yên ngựa trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ nhằm ngày mùng 8-2 và Ngài đã được 19 tuổi.
          3. Thái tử tìm đạo  
          Ở Ấn Độ thời xưa vẫn tin rằng không một ai có thể tự mình tìm được chân lý mà phải cầu chân sư hướng dẫn. Bởi vậy, sau khi từ giã cuộc sống vương giả, Thái tử vào rừng sâu tìm đạo theo truyền thống. Đầu tiên Ngài đến học đạo với hai anh em vị đạo sư có tên tuổi là AlaraKalama và Roudraka. Đối với hai bậc đạo sư trên đây, Thái tử rất chăm học. Nhưng rồi, Thái tử nhận thấy phương pháp tu hành và mục đích của hai vị này không làm thoả mãn được chí lớn của mình, Ngài lại ra đi. Sau cùng, Ngài tự tìm lấy phương pháp tu hành. Ngài nghĩ rằng, mỗi người đều có thể tự tu, tự độ, tự ngộ. Rồi một mình trong cô tịch, Ngài nghiền ngẫm các cảnh vô thường của vạn vật, sự đau khổ của loài người, bám theo giả ảnh của sự vật không thực có và sự đau khổ của họ trước cảnh già đau, bệnh, chết.
4. Thái tử đắc đạo
             Ngài đến ngồi dưới cội cây Bồ đề và thề rằng "Dù thịt nát xương tan nếu ta không thành đạo, ta không rời khỏi chỗ này" . Ngài ngồi như vậy suốt 49 ngày đêm. Trong thời gian ấy, Ngài đã chiến đấu với các giặc tham, sân, si, mạn, nghi v.v.. Sau khi đã chiến đấu cả giặc nội tâm và ngoại cảnh, tâm trí Ngài được khai thông, hốt nhiên Ngài chứng đạo. Bao nhiêu sự u tối che lấp chân tâm đã ra đi, một trạng thái biến chuyển cực kỳ nhanh chóng của thế giới vô thường chứng cho Ngài cái cảnh vi diệu của Niết Bàn. Ngài đã thành đạo trong đêm 49 ấy. Tất Đạt Đa hốt nhiên thành Phật. Bấy giờ nhằm ngày 8.2 Âm lịch khi sao mai vừa mọc, khi ấy Ngài được 30 tuổi.
          C. Từ thành đạo cho đến nhập Niết Bàn
          1. Sự hoá độ của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni.
          Sau khi đắc đạo, Thái tử Tất Đạt Đa trở thành Phật hiệu là Thích Ca Mâu Ni. Và Ngài liền nghĩ đến chuyện đi hoá độ, song Ngài thấy căn cơ chúng sanh còn thấp kém mà đạo của Ngài thì cao siêu. Qua bao nhiêu lần suy nghĩ, rồi Ngài quyết đi hoá độ chúng sanh. Đầu tiên, Ngài đến vườn Lộc Uyển nói pháp Tứ Diệu Đế cho 5 người bạn đồng tu với Ngài trước kia là: Kiều Trần Như, Ác Bệ, Thập Lực Ca Diếp, Ma Ha Nam và Bạc Đề. Rồi Ngài rời vườn Lộc Uyển xuống phía nam hoá độ cho vị Tổ Sư của đạo thờ Thần Lửa là ông Ma Ha Ca Diếp và số đông đệ tử của ông. Rồi Ngài đến độ cho vua Tần-Bà-Ta-La và Ngài dừng chân tại Tịnh xá Trúc Lâm để thuyết pháp độ sanh. Sau đó, trở về độ cho dòng họ Thích Ca  rồi đến thành Xá Vệ độ cho Xa Nặc.
    2- Đức Phật nhập Niết Bàn.
       Đến đây Đức Phật nhận thấy công cuộc giáo hoá đã xong. Ngài báo tin cho A Nan thị giả của Ngài biết, Ngài sẽ nhập Niết Bàn sau ba tháng nữa. Một hôm, sau khi dùng bữa ăn cuối cùng của nhà ông Thuần Đà, Ngài đi đến rừng Ta La. Ngài cảm thấy mệt nên truyền cho A Nan treo võng trên hai cây Ta la để Ngài nằm nghĩ, và Ngài đã nhập Niết Bàn tại đó. Sau khi đã dặn dò cặn kẽ với các đệ tử của Ngài, lúc  bấy giờ Ngài được 80 tuổi nhằm ngày 15-2- âm lịch.
 Bài học: Đức Phật tên thật là Tất Đạt Đa. Họ Ngài là Go-Ta-Ma, thuộc dòng Thích Ca, một dòng vua chúa lớn ở nước Ca Tỳ La Vệ. Thân sinh là vua Tịnh Phạn, mẹ Ngài là Hoàng Hậu Ma Gia. Ngài đản sanh tại vườn Lâm Tỳ Ni vào một buổi sáng mai trời đẹp, trong lúc Hoàng Hậu Ma Gia đang ngoạn cảnh. Ngài đản sanh vào ngày rằm tháng 4 (âm lịch) trước Thiên Chúa giáng sanh 544 năm.
          Sau khi sanh Thái tử 7 ngày thì Hoàng hậu Ma Da qua đời. Vua Tịnh Phạn giao Ngài cho dì mẫu Ma Ha Ba Xà Ba Đề nuôi dưỡng. Thái tử từ nhỏ tỏ ra rất thông minh. Mọi người trong hoàng cung rất kính trọng Ngài, vì đức hạnh của Ngài không ai sánh kịp. Vua Tịnh Phạn lo lắng sợ Ngài bỏ ngôi báu đi xuất gia nên bày ra đủ mọi thứ vui để cho Ngài vui mà xao lãng chí xuất gia và bắt Ngài kết hôn với công chúa Gia Du Đà La con của vua Thiện Giác. Nhưng những thứ vui ấy không làm Ngài say đắm mà còn là các nguyên nhân thúc giục Ngài xuất gia tìm đạo cứu đời.
          Thái tử mặc dầu sống trong cung vui, nhưng không bao giờ thấy mình được vui. Để khuây khoả nỗi buồn đang dày vò tâm hồn, Ngài xin vua cha ra dạo chơi bốn cửa thành, nhìn thấy sanh già đau chết và sau cùng Ngài gặp một vị đạo sĩ dáng điệu giải thoát. Khi về cung, Ngài so sánh ba cảnh già, đau, chết và tu hành giải thoát là hợp với ý muốn của Ngài khiến Ngài phải gấp thực hiện. Vì thế, Ngài quyết định xin vua cha cho mình được xuất gia tìm đạo để cứu mình và cứu đời. Vua cha không bằng lòng, chí Ngài đã quyết, Ngài không thể lùi được. Nên một đêm khuya, Ngài từ giã cung vàng điện ngọc, cha già, vợ con, cùng Xa Nặc lên ngựa trốn ra khỏi thành. Lúc bấy giờ, Ngài được 19 tuổi. Ngài vào rừng sâu học đạo, tìm đạo với các nhà tu hành danh tiếng, nhưng không thoả mãn chí nguyện của Ngài. Rồi Ngài tự tìm lấy phương pháp tu hành. Ngài đến nhập định dưới cội cây Bồ Đề suốt 49 ngày đêm và Ngài đã thành đạo. Lúc bấy giờ, Ngài được 30 tuổi. Ngài thành Phật hiệu Thích Ca Mâu Ni.
          Sau khi thành đạo, đầu tiên Ngài đến độ cho 5 anh em Kiều Trần Như, độ cho vị tổ thờ Thần lửa là ông Ma Ha Ca Diếp. Độ cho vua Tần Bà Ta La, rồi Ngài dừng chân thuyết pháp tại Tịnh xá Trúc Lâm, trở về độ cho dòng họ Thích Ca và vua Ba Tư Nặc.
Đến đây, Ngài nhận thấy sự giáo hoá độ sanh đã xong. Đức Phật báo cho A Nan biết trong ba tháng nữa Ngài sẽ nhập Niết Bàn. Một hôm, sau khi dùng bữa cơm cuối cùng của ông Thuần Đà dâng cúng, Ngài đến rừng Ta La cảm thấy mệt, sai A Nan treo võng trên hai cây Ta La để Ngài nằm nghĩ và Ngài đã nhập diệt ở đây. Sau khi Ngài đã dạy bảo cho các đệ tử đầy đủ những phương pháp tu hành để đạt đến giảI thoát. Lúc bấy giờ, Ngài 80 tuổi nhằm 15/2 âm lịch.

********

Bài 2: LƯỢC SỬ ĐỨC PHẬT THÍCH CA Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét