Bài 15: BA ĐỨC
A. Bi:
Bi là Từ bi, là cứu khổ, ban vui diệt trừ những nỗi thống khổ chúng sanh, đem
hạnh phúc đến cho muôn loài.
Vì lòng Từ bi khi thấy chúng sanh
đau khổ, Phật tử phải tìm cách cứu giúp, khiến họ được hưởng kiếp sống an lành.
Vì lòng Từ bi Phật tử phải thường mang lại những niềm vui tươi cho hết thảy,
không được làm đau khổ cho một ai dù là đối với súc sanh. Vì lòng Từ bi, Phật
tử không được thản nhiên hay mỉm cười trước cảnh đau khổ của kẻ khác mà phải xả
thân cứu người ra khỏi bể khổ. Vì lòng Từ bi, Phật tử phải thường đem cái vui
sướng của mình mà ban bố cho hết thảy người vui.
Ta
đừng hiểu lầm rằng, Từ bi là hiền lành nhu nhược, ươn hèn, trơ như gỗ đá, ai
bảo hay cũng ừ, bảo trái cũng gật, mà từ bi phải có trí xét đoán, việc gì nên
làm hay nên bỏ. Từ bi là sức sống vô tận, là nguồn hoạt động vô biên của loài
người. Vậy Từ bi là lòng thương không bờ bến đối với muôn loài chúng sanh. Từ
bi là đạo đức then chốt của người theo Đạo Phật. Người có lòng Từ bi thì quỷ
thần phải kính trọng, thú dữ phải quy hàng.
Người
tu hạnh Từ bi thường xem hạnh phúc và đau khổ của người cũng như của mình
thường ban vui cứu khổ cho người mà không cầu báo, sống rộng rãi để nhịp nhàng
với bản thể vô biên của vũ trụ và hết thảy chúng sanh.
B-
Trí:
Trí là Trí Tuệ, là hiểu biết sáng suốt, nhận thức đúng đắn mọi sự mọi vật. Phật
tử phải thường tinh tấn học hỏi, trau dồi sự hiểu biết cho mình và cho người những điều gì chưa biết. Phật tử
phải cố gắng tìm hiểu cho đến nguồn gốc đành rằng điều hay nên học hiểu nhưng
điều dỡ cũng phải hiểu biết hơn. Điều hay ta theo, điều dỡ ta tránh. Có trí tuệ
sâu rộng mới hướng dẫn mình và người không bị lầm đường lạc lối. Người có trí
tuệ mới biết tùy thời tùy cơ không bị mờ ám rối trí trước nghịch cảnh, không bị
dục vọng thấp hèn lôi cuốn, mới biết mưu sự lợi ích cho hết thảy chúng sanh.
-
Chư Phật là những người có đại trí tuệ, hiểu biết cùng khắp. Vậy: "Trí
tuệ là thanh gươm sắc bén, chặt tan rừng vô minh, phiền não, là chìa khoá để mở
tung những ổ khoá bí mật huyền bí của vũ trụ và nhân sinh".
C.
Dũng:
Dũng là dũng tiến, là mạnh bạo, bền chí cố gắng không ngừng. Phật tử thường
mạnh tiến hy sinh tính mệnh mình, mưu hạnh phúc cho mọi người. Phật tử không
bao giờ sờn lòng thoái chí cho mục đích cao đẹp của mình đã quyết định. Phật tử
thường oai hùng quả cảm, quyết tiến không sợ sệt trước một sức mạnh nào. Phật
tử hùng dũng vượt qua mọi thử thách gian lao, mĩm cười trước nguy hiểm, tự tại trước thất bại, vững chí tinh tấn trên con đường
chính nghĩa.
Dũng
tiến không phải là hăng hái nhất thời, ngày nay làm cố hết, ngày mai nghỉ. Bởi
hiểu lầm như thế nên nhiều người làm quá sức mình sinh ra mệt nhọc. Trước tinh
tấn bao nhiêu thì sau lại lười biếng bấy nhiêu. Vậy, dũng tiến là làm việc phải
có chừng mực, bền chí nhưng hùng dũng cương quyết, tùy sức mạnh yếu của mình,
không được thoái hoá hay bất cập.
Ba
đức Bi - Trí - Dũng phải nhịp nhàng với nhau. Nếu có Bi mà không Trí xét đoán
thì Bi ấy dễ bị sai lầm. Nếu có Trí mà không có Bi thì Trí ấy dễ bị viễn vông,
mơ hồ, lý thuyết suông. Bi -Trí có mà thiếu Dũng thì Bi -Trí không thể thực
hiện được. Có Dũng mà không Bi -Trí thì Dũng ấy thành bất nhân, độc ác và sẽ
rơi vào con đường mê lầm trụy lạc.
Vậy, Bi
- Trí - Dũng là tôn chỉ cơ bản của đạo
Phật. Nếu thiếu một trong ba đức tính ấy thì không thể được.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét