TỔNG KẾT CÁC Ý CHÍNH
Vã lại, nếu không có nghịch duyên, làm sao có thuận duyên. Nhân cảnh nghịch
duyên của Đề-bà-đạt-đa, phản Phật và xúi giục A- xà-thế nghe theo mà có thảm kịch
trong triều chính. Từ cơ duyên đó Phật giới thiệu cõi Cực lạc Tây phương của Phật
A Di Đà cho bà Vi-đề-hy xem và chọn pháp môn tu tập.
Sau đây các ý xưa nay nhiều người nghi ngờ niệm Phật rất khó vãng sanh,
nên cần phải hiểu thêm cho việc niệm Phật không bị phân tâm.
1-Trong Kinh A-Di-Đà nói niệm Phật phải được “Nhất tâm bất loạn” mới được
vãng sanh.
Việc niệm Phật cho được nhất tâm rất khó, ngàn người không có một. Vậy
pháp niệm Phật là pháp dễ hành trở thành pháp khó hành, hiểu như vậy trái với bản
nguyện của Phật A-di-đà. Nên phải hiểu từ “nhất
tâm” thành từ “chuyên tâm”, từ
“bất loạn” thành từ “không tạp”. Như vậy, người chuyên tâm niệm
Phật không tạp, thì ai cũng làm được. Vì thế việc vãng sanh không thấy khó.
Nhất tâm khó được, còn chuyên tâm
ai cũng làm được. Bất loạn khó làm, còn tạp hạnh dễ trừ. Vì thế niệm Phật cầu
vãng sanh ai cũng có phần, đừng e ngại mà thối thất mất phần, mất cơ hội vãng
sanh trong đời này.
2- Người niệm Phật cầu vãng sanh do sức của mình và sức của Phật.
Đây là quan điểm sai lầm. Người có
niệm Phật được cũng do lực của Phật mới niệm được, chứ không phải do mình. Nếu
phân làm hai lực để được vãng sanh, thì không còn ý nghĩa của tha lực. Ví như
chúng ta ngồi trên xe, trên tàu sức của xe tàu đưa ta đi, ta có dùng sức gì
cũng vô dụng.
3- Niệm Phật nếu không được vãng sanh, thì vạn nhứt cũng được sanh lại
làm thân người, khỏi đoạ vào ba đường ác, như thế cũng đủ rồi.
Quan niệm nầy lại sai lầm lớn nữa đấy!. Đem cái pháp tha lực chung với pháp tự lực,
đem cái dễ ghép vào cái khó. Xem việc vãng sanh khó hơn việc làm thân người. Kỳ
thật, làm lại được thân người khó hơn trăm ngàn lần việc được vãng sanh.
4- Quan niệm người quá nhiều tội chướng, phiền não, nghiệp báo sâu nặng không đủ tư cách để được vãng sanh.
Đây là tâm lý tự ty, mặc cảm với tội lỗi, xem mình là yếu kém không đủ
tiêu chuẩn để được vãng sanh. Nếu hiểu như vậy, thì chưa thông hết bản nguyện của
Phật Di-Đà. Bản nguyện của Phật Di Đà là nguyện độ tận chúng sanh không phân biệt,
chúng ta lại sanh tâm phân biệt, nên biến dễ thành khó.
Ví như bác sĩ ở bệnh viện, không phân biệt bệnh nặng hay bệnh nhẹ đều gia
tâm cứu chữa, hàng phàm phu còn thế, huống nữa tâm đại từ đại bi của Phật.
5- Sự tiếp độ của Phật A-Di-Đà bằng
danh hiệu và ánh sáng.
Vì thế chúng sanh không cần phải trang bị nhiều phước đức và trí tuệ,
công phu sâu hay cạn, đều được sự tiếp độ của Phật bằng ánh sáng và danh hiệu.
Nói như thế để chúng ta thấy sức từ bi của Phật rộng lớn, mà phấn tấn tu tập.
Chứ không phải thấy dễ mà lười, mà làm ác thì mất phần đấy.
6- Sáu chữ Hồng danh là một tài sản vô giá cho chúng sanh thời mạt pháp,
không có thứ tài sản nào trên đời nầy sánh bằng. Vì thế phải trân trọng đừng
xem thường bỏ mất.
7- Có quan niệm vừa tu thiền vừa tu niệm Phật, sẽ chắc chắn hơn, sẽ thành
công mau hơn.
Quan niệm này mới nghe thì hay, nhưng chưa đúng. Vì pháp tu niệm Phật đã
bao gồm các pháp tu khác, trong đó có tu thiền định, nên không cần phải vừa tu
thiền, vừa tu niệm Phật. Tu một lần hai pháp thành ra tạp tu chứ không phải
chuyên tu, Pháp niệm Phật gọi “nhất hướng chuyên niệm”, duy nhất chỉ một câu Phật
hiệu mà thôi. Pháp niệm Phật bao gồm tất cả pháp “Nhất pháp bao hàm nhất thiết
pháp”.
8- Dùng câu Phật hiệu, chuyên niệm để lấn áp vọng niệm, vọng niệm được khống
chế, tâm được thanh tịnh, tâm đã tịnh Tự tánh sẽ hiển bày.
Cách tu dùng danh hiệu Phật để khống chế vọng niệm, là cách tu của thiền,
cách tu chuyên về tự lực, cách tu để tịnh tâm tỏ tánh, chứ không phải cách tu cầu
vãng sanh. Nên cách tu nầy không phải thuộc về pháp tu Tịnh độ. Một bên cầu thấy
Tánh khác với một bên cầu vãng sanh. Bên thấy Tánh cần phải khởi tu nhiều đời
nhiều kiếp mới thoát khỏi sanh tử. Còn tu niệm Phật một đời vãng sanh, tức liền
ra khỏi sanh tử.
9- Vì sao, đức Phật Thích Ca nói pháp tu niệm Phật nói khó tin, khó nói?
Vì pháp tu niệm Phật cầu vãng sanh quá dễ không khó, một đời thành công.
Vì quá dễ quá mau so với các pháp khác, nên khiến cho chúng sanh khó tin, khó thực hành.
10- Cõi nước Cực lạc Tây phương quá xa, cách ta mười muôn vạn ức cõi Phật,
Đức Phật Di Đà thành Phật đến nay đã mười kiếp rồi. Với thời gian quá xa, không
gian quá dài. Phàm phu chúng sanh không thể tin nổi là thế.
11- Cả đời không tu, đến cuối đời lúc gần chết, nhất tâm tin tưởng niệm
danh hiệu Phật 10 niệm, cầu vãng sanh. Sẽ được Phật Di Đà tiếp độ. Cả đời không
tu đạo cuối đời niệm 10 niệm được vãng sanh quá dễ như vậy làm sao ai tin nổi?
Chúng ta đem tâm phàm phu hẹp hòi để so sánh với lòng từ bi vô lượng của
Phật thì chúng ta không thể tin nổi. Ví như người nghèo khó, cả đời không đủ
ăn, đủ mặc, đủ ở. Bất thình lình có người giàu lòng hảo tâm, kêu cho nhà cửa,
ruộng vườn xe cộ, người nghèo kia không thể tin nổi.
Vì thế sáu chữ hồng danh chính là tài sản vô giá cho những kẻ phàm phu tục
tử trong thời mạt pháp.
12- Phật nói ra nhiều pháp môn, pháp nào cũng diệu dụng, vã lại căn cơ
chúng sanh nhiều loại. Căn cơ sai khác, pháp tu đa dạng khiến cho trí huệ kém yếu
phàm phu khó phân biệt, khó lựa chọn. Vì thế khó tin khó tu. Cho nên những ai
có lòng tin nơi pháp niệm Phật, là hạng người có “Thiện căn phước đức” như
trong Kinh Di Đà đã nói.
13- Có hai quan điểm: Một chuyên niệm Phật cầu vãng sanh hai tu các pháp
khác rồi hồi hướng vãng sanh. Vậy quan điểm nào chính xác?
Có thể trả lời rằng cả hai đều đúng, đều là phương pháp thực hành thuộc về
Tịnh độ môn. Đối với các pháp tu khác, như tu thiền cảm thấy khó khai ngộ. Bạn
muốn vãng sanh, nhưng chưa thể hoàn toàn buông bỏ được thói quen tu thiền, bạn
có thể hồi hướng vãng sanh Cực lạc, như vậy vẫn thuận tiện bước vào cửa Tịnh độ.
14- Pháp môn niệm Phật dễ cầu vãng sanh, tại sao có người lại nói khó
vãng sanh là như thế nào?
Pháp môn niệm Phật lấy Tín làm trọng tâm, lấy tha lực làm tông chỉ, vì thế
đối với người này họ không đủ lòng tin, và tâm lý có hoài nghi nên họ nói niệm
Phật không dễ vãng sanh là vậy.
Muốn vãng sanh phải có đủ ba yếu tố: Tín, Nguyện, Hạnh, một trong ba yếu
tố này thiếu thì không thể vãng sanh là vậy.
15- Thế nào là định thiện và tán thiện? Định thiện và tán thiện có thể
vãng sanh không?
Định thiện và tán thiện đều được vãng sanh, và định thiện, tán thiện vãng
sanh phẩm vị có sai khác.
Định thiện là “bặt ý ngưng tâm” tức tâm không còn tán loạn. Định là thiền
định, vọng tưởng tạp niệm đã dừng lắng, tâm liền an định, giống như mặt nước đóng băng, không còn gợi sóng. Gọi là “bặt
ý ngưng tâm”, đây là pháp môn “định”.
Tán thiện: “tán” là tán loạn, ngay trong tâm tán loạn mà “bỏ ác tu thiện”
gọi là môn “tán thiện”. Trong Quán Kinh,
môn tán thiện chính là tam phước. Tam phước không đòi hỏi phải toạ thiền, ngưng
định tâm ý.
Trong Kinh nói, tất cả phàm phu thiện ác đều được vãng sanh, đều nương
nơi đại nguyện lực của Phật A Di Đà, để làm duyên tăng thượng. Tất cả phàm phu thiện ác, nếu căn cứ theo hoằng
nguyện, thì không hạn cuộc trong định thiện hay tán thiện dều được vãng sanh.
Hoằng nguyện bao quát cả phàm phu thiện ác và không thiện ác đều vãng sanh.
16- Chúng sanh, hoá sanh vào hoa sen gọi là vãng sanh. Hoa sen có chín phẩm
Thượng, Trung và Hạ, để tương ứng với ba căn cơ Thượng, trung và hạ, tức định
thiện, tán thiện và thành phần không định không tán.
17- Pháp môn Tịnh Độ có ba đặc điểm và năm thù thắng mà các pháp khác
không có đó là:
Ba đặc điểm:Dễ tu dễ thành; Bất thối
và đới nghiệp vãng sanh.
Năm thù thắng: Nhất thiết thời, nhất thiết xứ, nhất thiết nhơn, nhất thiết
pháp và nhất thiết nghi. Tức thời gian,
không gian, con người, các pháp và 4 nghi là đi, đứng, nằm, ngồi, đều tu được hết.
18- Người niệm Phật còn vọng tưởng, còn nhiều tham sân, nhưng với tâm
chuyên niệm danh hiệu Phật A Di Đà. Không vì thế mà không được vãng sanh. Đến
lúc lâm chung nương nhờ nguyện lực Phật Di Đà nhiếp thọ trong ánh hào quang,
người đó được vãng sanh, gọi là đới nghiệp vãng sanh hay tiêu nghiệp vãng sanh.
Pháp môn Tịnh độ thâu nhiếp từ thượng
căn cho đến hạ căn đều được vãng sanh. Ví như tảng đá lớn, viên sỏi nhỏ nếu thả
xuống nước đều chìm tận đáy. Nhưng được đặt trên thuyền thì đá lớn đá nhỏ có thể
qua bên kia bờ sông mà không bị chìm dưới nước.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét