NHAN THỊ LANG TRẢ LỜI THƯ VÂN HÀNH NHÂN
…. Nay xét suy kỹ, trộm nghĩ vẫn còn chỗ nghi
ngờ. Đối với đạo phương tiện của Như Lai, dường như vẫn còn chấp một bên, còn
có cái thấy nhân ngã, cho ta đúng, người sai, ở trong Phật pháp, đó là bệnh lớn.
Nhân ngã chưa trừ, thì vọng bàn hơn kém chỉ là hý luận. Tranh đấu không dứt, lại
thành ra huỷ báng pháp. Chưa được diệu quả, đã chuốc lấy ác báo, phải dè chừng
mới được. Chỉ cần chọn lấy một cửa phương tiện của Phật, tinh tấn tu hành, công
hạnh viên mãn, thì tự nhiên siêu thoát, chẳng cần phải chấp ta đúng, người sai
nữa.
Tu hành Tịnh độ, chư Phật và Bồ tát đều khen
ngợi, người tại gia và xuất gia vãng sanh về cõi kia đâu chỉ một người. Huống
là hiện nay đang thời mạt pháp, tu pháp môn này có thể gọi là đi đường tắt,
song ở trong kia cũng phải gọt sạch căn trần, dẹp trừ ngã mạn, đối với các pháp
môn khác, dẫu chẳng phải là đường lối tu hành chính, nhưng cũng phải tuỳ sức tuỳ
phần kính tin, há có thể vọng bàn hơn kém, tự chia cao thấp? Tổ Đạt Ma từ tây
sang, chẳng lập văn tự, truyền thẳng tâm ấn. Một hoa năm cánh, từ Tào Khê đến.
Người ngộ pháp này nhiều như cỏ, lúa, tre, gai. Từ đời Lý Đường, đã được vua
chúa tôn sùng như tôn thờ bậc sư trưởng, cho đến ngày nay, vẫn còn truyền trao
chẳng dứt, nên khó mà đem ra bàn về hơn kém được. Nếu cứ muốn trích dẫn giáo
nghĩa để xác định mức tu chứng, như nói rằng
tu như thế mới vào địa đó, thực hành như thế mới bước lên quả vị đó, thì
thực đáng gọi là vẽ hoa trong hư không, chỉ tự lao nhọc. Cho nên kinh nói: “Như
người đếm của báu cho kẻ khác, bản thân không có nửa xu tiền”. Đối với pháp chẳng
chịu tu hành, chỉ chuộng học rộng cũng như thế. Mong Thầy hãy dẹp bỏ tri kiến,
chớ bàn việc khác, chỉ gắng sức lo tu Tịnh độ.
Mỗi khi cùng Thầy bàn luận, thấy Thầy hay bài
xích thuyết “chẳng lập văn tự”. Giả sử thuyết này không tốt, thì tổ Đạt Ma chẳng
phải nhọc công từ Tây sang, Nhị tổ chắc
chắn chẳng chịu chặt tay để cầu thuyết đó. Nay văn tự nhà Thiền truyền bá khắp
thiên hạ, đó gọi là đã đến phần ngọn nên tự như thế, có gì lạ đâu! Chúng sanh ở
thế giới Ta bà tri kiến khác nhau, chẳng thể chỉ dựa vào một pháp mà được ra khỏi.
Cho nên, Phật dùng phương tiện lập ra vô số pháp môn, để cho Đông, Tây, Nam, Bắc,
ngang, dọc, lớn, nhỏ đều được tu hành, đều có thể chứng nhập.
Trên hội Hoa Nghiêm Bồ tát Văn Thù sư lợi từng
hỏi Bồ tát Giác Thủ rằng: “Tâm tánh vốn là một, vì sao lại thấy có các thứ sai
biệt?”. Hỏi Bồ tát Đức Thủ rằng: “Chỗ ngộ của Như Lai chỉ là một pháp, sao lại
nói là vô lượng các pháp”. Hỏi Bồ tát Trí Thủ rằng: “Ở trong Phật pháp, trí tuệ
là trên hết, cớ sao Như Lai ca ngợi bố thí, trì giới, kham nhẫn, cho đến khen
ngợi từ bi hỷ xả, rốt cuộc không hề có chuyện chỉ nhờ một pháp mà được giải
thoát?”. Đối với mỗi vấn đề này, đều có
tụng đáp, đó là những bài mà Thầy vẫn sớm hôm đọc tụng, lý này ắt phải biết rõ.
Lại nữa, mắc bệnh đã khác, thì phương thuốc
cũng phải khác. Như có người bị bệnh tay chân uống loại thuốc nào đó đã khỏi,
đi trách người có bệnh dạ dày sao không dùng thuốc chữa bệnh tay chân mà lại
dùng thuốc chữa dạ dày? Như vậy có nên chăng? Trên hội Lăng Nghiêm, trong hai
mươi lăm hạnh chỉ suy tôn riêng Bồ tát Quán Âm, nhưng cũng đâu có thể coi Bồ
tát Quán Âm là hơn, còn các vị Bố tát khác là kém được. Trong pháp của ta, thần
tiên ngoại đạo thuộc về tà kiến, nhưng tri thức trong kinh Hoa Nghiêm hoặc là
ngoại đạo, hoặc là vua chúa, hoặc là dâm nữ đều dẫn đạo chúng sanh. Nếu bảo người
tu hành chân chính mới là đúng, thì các vị
như Bà la môn Thắng Nhiệt, người nữ Bà tu mật đa, vua Vô Yểm Túc …mà Đồng
Tử Thiện Tài đến tham học đều có thể coi là sai cả. Ngàn kinh muôn luận chỉ cốt
để trừ bệnh cho chúng sanh, bệnh đã khỏi rồi thì thuốc cũng bỏ. Đã không có bệnh,
lại tự châm cứu làm gì nữa. Do tâm nay cấu bẩn, nên mới tu nhân tịnh. Tịnh cấu
đã trừ rồi thì tu chứng cái gì? Ba cõi không trụ, chỗ nào cầu tâm ? Bốn đại vốn
không, Phật ở chỗ nào? Trong vạt áo có viên ngọc quý, chỉ vì bị vạt áo che lấp.
Nếu vạt áo bị rách, thì ngọc quý tự hiện ra.
Tôi tạm trình bày chút ý kiến thô thiển để trả
lời thư gởi đến. Nếu có điều gì muốn chỉ giáo, thì hãy cho thêm một lời. Được
như vậy, quá là may mắn lắm. Nhưng xin chớ đừng chi ly rờm rà mà thành ra hý luận.
Gần đây thên thể có được nhẹ nhàng chăng?
Nỗi khổ vì ăn không được, nay đã dỡ chưa? Tôi tuỳ duyên qua ngày, chỉ cầu
vô sự mà chưa được nhàn. Hãy gắng bảo trọng.
Trích tập Truy Môn Cảnh Huấn
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét