Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG, TỨC CHÍN PHÁP GIỚI CHÚNG SANH

 

CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG,

TỨC CHÍN PHÁP GIỚI CHÚNG SANH

Các pháp môn khác phải là hạng thượng căn lợi trí mới có thể tu học được, còn hạng hạ căn liệt trí sẽ học không nổi, sẽ bị rớt ở lại. Nhưng pháp môn niệm Phật, thì thâu nhiếp cả ba căn, chẳng có người nào là không thể tu, chẳng có người nào là không thích hợp để tu.

Mười phương chúng sanh, không giới hạn chỉ ở thế giới Ta bà, mà mười phương hư không, pháp giới chúng sanh trong tất cả quốc độ. Từ các cõi Bồ tát, Đẳng giác, dưới đến chúng sanh trong địa ngục A Tỳ, tất cả đều bao quát trong đó.  Có thể nói, trừ hạng người phạm tội ngũ nghịch không được sanh, lại có chỗ cho rằng là để răn dè, cảnh tỉnh chúng sanh không nên phạm vào những trọng tội này, còn nếu lỡ phạm, cũng vẫn được cứu. Kinh Vô Lượng Thọ nói, chúng sanh trong ba đường ác vẫn được cứu độ.

Kinh Đại A Di Đà nói: “Từ trời, người cho đến các loài bò bay máy cựa, nghe danh hiệu Tôi. Không loài nào mà Tôi chẳng dùng từ tâm, khiến cho chúng được vui mừng, hớn hở, đều khiến cho chúng được sanh về cõi nước Tôi”.

Những loài bò bay máy cựa, là thứ chúng sanh ngu si nhất hạng, trăm kiếp ngàn kiếp cũng không mong gì được thoát ly, thế mà chúng sanh này vẫn được Phật cứu độ vãng sanh về Cực Lạc. “Đều khiến cho chúng được sanh về nước của Tôi”.

Đại sư Pháp Chiếu với bài kệ biến ngói thành vàng.

Phật kia, nhân địa lập thệ rộng

Nghe danh, xưng niệm, Tôi đến đón

Chẳng lựa nghèo hèn, hay phú quý

Chẳng lựa ngu si hay trí tuệ

Chẳng lựa đa văn khéo trì giới

Chẳng lựa phá giới, nghiệp tội sâu

Chỉ cần hồi tâm niệm Phật nhiều

Đều khiến gạch ngói hoá vàng ròng.

Đây là đại sư Pháp Chiếu dẫn dụng bài kệ, để giải thích hàm nghĩa của nguyện thứ 18 trong Kinh Vô Lượng Thọ. Ý nghĩa của bài kệ trên, đức Phật Di Đà, không chọn lựa, không phân biệt, lòng đại từ của Ngài bình đẳng. Cũng như ánh sáng mặt trời, chiếu khắp người thiện người ác, ánh sáng từ bi của đức Phật A Di Đà bình đẳng thương xót, cứu tất cả người niệm Phật. Người giàu có triệu phú mà không niệm Phật, thì không thể vãng sanh. Kẻ ăn mày, chẳng có đồng xu dính túi, mà chuyên tu niệm Phật, đều được vãng sanh Cực Lạc thế giới.

Chỉ cần hồi tâm niệm Phật thật nhiều. “Giàu sang khó học đạo”, người có tiện nghi, có địa vị, rất khó học Phật. Một phần do vì họ có tâm kiêu mạn, cảm thấy bản thân cao quý, vượt trội hơn người khác, một phần không gặp được thiện tri thức, họ thường kết giao với những người không phải vì đạo. Hơn nữa giàu sang xa hoa, đắm chìm trong hưởng thụ nên rất khó học đạo. Người giàu có tâm niệm rằng,  tôi đã bố thí chừng ấy, được nhiều công đức nên tôi có phần ở Cực Lạc. Cách nghĩ như vậy, thì sai lầm. Dù có tạo công đức nơi cửa Phật, nhưng vẫn là công đức hữu vi, hữu lậu, chẳng thể so bì với công đức niệm danh hiệu sáu chữ hông danh. Vì vậy, người giàu sang đem tâm ỷ lại vào chính mình mà buông xuống, khiêm nhường, hồi tâm thật thà niệm Phật.

Còn người hạ trí thì thường mang mặc cảm tự ti “ngu dốt, không trí tuệ” làm sao có thể vãng sanh. Vì thế chuyển đổi tâm lý, rằng Phật không phân biệt trí ngu, giàu nghèo, tất cả đều được cứu độ.  Trong Pháp sự tán nói: “Chẳng bàn tội phước nhiều hay ít, tâm tâm niệm Phật chớ sanh nghi. Quan niệm thông thường đều cho rằng, cần phải tu phước trí nhiều, thì niệm Phật mới có thể vãng sanh. Người tạo tội niệm Phật e không thể vãng sanh. Đây là rơi vào trường hợp luận tội phước. Đại sư Thiện Đạo bảo chúng ta, không bàn đến những việc này, chỉ lo tâm tâm niệm niệm, niệm A Di Đà Phật, chớ nghi ngờ. Điều này giúp chúng ta vượt qua quan niệm thiện ác, đúng sai, trực tiếp hướng về niệm Phật. Đây là nhất hướng chuyên niệm. Luận về tội phước, tâm rơi vào hai bên, chẳng phải là nhất hướng. Tội cũng niệm Phật, phước cũng niệm Phật, đã niệm Phật thì đều vãng sanh.

{]{

CHÚNG SANH TRONG MƯỜI PHƯƠNG, TỨC CHÍN PHÁP GIỚI CHÚNG SANH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét