CỰC LẠC DỄ ĐẾN KHÔNG CHƯỚNG NGẠI (2)
Kinh Vô Lượng Thọ nói:
“Cực
lạc tối thượng nhất
Dễ
đến, nhưng không người
Cõi
đó chẳng chướng ngại
Tự
nhiên được dẫn về.”
Cực lạc là tối thượng nhất, là cảnh
giới Niết bàn, bất sanh bất diệt, cảnh giới không bờ mé, là cảnh giới cùng tột.
Dễ đến nhưng không người, rất dễ vãng sanh nhưng không người, “không có người”,
ở đây không phải nói hoàn toàn không có người nào cả, mà ý nói rất ít người. Vì
sao thế, vì người ta không chịu tin, tuy dễ dàng vãng sanh, nhưng kết quả ít
người đã được. Vì họ còn vướng mắc sự tạo tác hữu vi của mình, như vậy, trái với
thệ nguyện của đức Phật A Di Đà, cho nên rất ít người được vãng sanh.
“Cõi đó chẳng chướng ngại”, không hề có sự chướng ngại nào. “Tự nhiên được
dẫn về”. Đại nguyện của Phật A Di Đà, vốn tự nhiên dắt dẫn chúng ta vãng sanh về
thế giới Cực Lạc. Bạn chỉ cần niệm Phật A Di Đà, nguyện lực của Ngài tự nhiên dẫn
dắt chúng ta vãng sanh Tịnh Độ.
Cũng vậy, bạn cứ bước chân lên thuyên, lên tàu là tự nhiên thuyền và tàu
sẽ đưa bạn đến chỗ. Đại nguyện của Phật cũng như thế. Xe, tàu, thuyền chuyên chở
con người, không phân biệt kẻ lớn người nhỏ, kẻ hèn người tốt, kẻ trí người ngu.v..v…
đều được thuyền tàu đưa chúng ta đến nơi đến chốn. Đại thệ nguyện của Phật cũng
như thế. Nên ta tin không cần phải so đo tính toàn mà mất cơ hội vãng sanh.
Ví như gian phòng chúng ta tối đen, ta thắp lên một ngọn đèn, thì liền thấy
ánh sáng ngọn đèn. Thế nhưng, một khi mở
hết cửa ra, ánh sáng mặt trời chiếu vào, thì không còn thấy ánh sáng của ngọn
đèn nữa, đã bị ánh sáng mặt trời át đi rồi, chỉ còn thấy ánh sáng mặt trời.
Tâm của chúng ta, công đức của
chúng ta cũng như ánh sáng ngọn đèn trong phòng tối vậy. Nếu tâm của ta được Phật
quang minh soi sáng, thì chút xíu ánh sáng kia của bản thân, sẽ không còn nữa.
Thế nên, đây là pháp môn chí diệu, đem bản thân ta hoà nhập vào trong thệ
nguyện của Phật A Di Đà, không cần đến công đức, phước báo của ta nữa, sẽ được
vãng sanh.
Hiện đời, người nào niệm Phật, là phúc duyên rất tốt, có thể tiêu tai, giải
nạn, thân tâm an lạc. Trong tâm có định hướng, có chỗ quy về. Cuộc sống trong
hiện tại được an bình, khi mạng chung thì vãng sanh Cực lạc quốc, lợi ích cả
đôi đường. Chiếc thuyền đại nguyện của
Phật A Di Đà, bạn chịu bước lên sớm chừng nào thì càng được bảo đảm chừng ấy, được
nhiếp thủ trong quang minh của Phật A Di Đà, lục thân quyến thuộc, lịch đại tổ
tiên, tất cả đều được ân huệ.
“Trên suốt một đời, dưới đến mười niệm”. Đơn giản như vậy, dễ dàng như vậy,
vạn căn cơ đều không sót một ai. Vì nhờ nguyện lực của Phật A Di Đà, thì không
ai mà chẳng được vãng sanh. Ví dụ người
tự bơi qua sông, cậy vào sức mình, bản lĩnh giỏi, thì có thể bơi qua, nhưng giữa
dòng không khỏi vùi thây vào bụng cá. Như thế không bảo đảm qua được bờ bên
kia. Còn nếu yên vị ngồi trên thuyền, thì ai cũng qua được hết. Cho nên nói ai
cũng đều được vãng sanh, thì phải hoàn toàn dựa vào sức Phật. Cho nên nói pháp
môn Tịnh Độ, vạn người tu vạn người được vãng sanh, không ai là không được vãng
sanh. Tất cả đều nhờ vào nguyện lực của Phật, không phải dựa vào sức tu hành của
phàm phu.
Đại sư Ấn Quang nói vô cùng khẩn thiết rằng: “Nếu thật sự tin, tha thiết nguyện, niệm Phật
cầu sanh về Tây phương, thì không luận là công phu sâu hay cạn, công đức dày
hay mỏng, đều có thể nương vào từ lực của đức Phật mà vãng sanh Tây phương. Giống
như ngồi trên thuyền để vượt biển, đã chịu lên thuyền thì sẽ đến được bờ bên
kia, đó là sức của thuyền, không phải việc của mình. Tín nguyện niệm Phật cầu
sanh Tây phương cũng vậy, hoàn toàn do sức của Phật, không phải đạo lực của mình”.
Cho nên gọi là dễ. Vì vậy, pháp môn niệm Phật được gọi là đạo dễ hành. Tại
sao dễ như vậy? Vì nhờ nguyện lực của Phật. Tuy chúng ta thấy dễ, nhưng cần phải
biết rằng, để có được cái dễ đó, thật sự chẳng phải dễ dàng chi. Vì Tỳ Kheo
Pháp Tạng phải trải qua nhiều kiếp tư duy, trải qua triệu năm vĩnh kiếp tu hành
mới thành tựu danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật. Quả giác danh hiệu của Ngài toàn
thể đều trao cho chúng sanh trược ác. Tuy chúng ta dễ dàng đạt được, nhưng phải
biết rằng, đức Phật A Di Đà có được quả ấy, thật sự không dễ chút nào. Vì vậy,
mọi người hãy giữ tâm trong lành, tâm niệm tri ân, tâm niệm khó gặp, đem câu
danh hiệu thọ trì thật tốt, đừng khởi tâm xem thường.
Sức nguyện của Phật A Di Đà hình thành nên phải trải qua nhiều đời nhiều
kiếp khó khổ tu hành mới thành tựu được. Cũng như vậy, để tạo nên một con tàu chở người, người ta phải
trải qua bao nhiêu thời gian, công sức, trí tuệ khó nhọc mới tạo nên con tàu.
Hôm nay ta được đi, là do thời gian, công sức, trí tuệ của nhiều người mới thành nên con tàu, để hôm nay chúng ta dễ đi
dễ đến vậy.
Pháp Tạng Tỳ kheo dùng thệ nguyện siêu thế, tu hành siêu thế, đắc quả
siêu thế, vì Ngài muốn cứu độ vô lượng vô biên những người thiện căn cạn mỏng,
nghiệp chướng nặng nề, phiền não sâu dày, tạo nhiều tội ác, thiếu sức tu hành,
ác nghiệp dẫy đầy. Nếu như Ngài không trải qua lịch kiếp tu hành, tích công bồi
đức, thì không thể cứu khắp mười phương chúng sanh.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét