Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

CHÁNH HẠNH XƯNG DANH

 

CHÁNH HẠNH XƯNG DANH

Người tu Tịnh Độ tông thì  chẳng nên cầu nhiều, cầu rộng, cầu lớn, mà chỉ cầu chuyên, cầu tinh, cầu thâm,  một lòng chân thành, thâm nhập, hướng về bản nguyện Phật A Di Đà mà cầu vãng sanh. Các Kinh giáo khác cũng có thể đọc tụng, nhưng phải quy hướng về Tịnh Độ cầu vãng sanh.

Chuyên quán, chuyên lễ, chuyên tụng. Quán vô thường, quán bất tịnh, quán quả báo v.v.. để nhàm chán Ta bà ưa thích Tịnh Độ, chán khổ chọn vui, gọi là chánh hạnh  quán. Chuyên lễ Phật A Di Đà, gọi là chánh hạnh lễ. Chuyên tụng đọc ba Kinh Tịnh Độ gọi là chánh hạnh tụng. Chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà gọi là chánh hạnh xưng danh. Nếu cảm thấy niệm danh hiệu Phật Di Đà không đủ, còn phải niệm thêm  danh hiệu Phật khác, chư Bồ tát khác, đây gọi là tạp hạnh xưng danh.

Vì vậy, pháp môn Tịnh Độ gọi “Nhất Phật, nhất pháp, nhất Tịnh Độ”. Nhất tâm xưng danh đức Phật A Di Đà đây là chánh hạnh vãng sanh.

Năm loại chánh hạnh tông Tịnh Độ:

1- Chánh hạnh đọc tụng: Chuyên đọc tụng ba Kinh, Vô Lượng Thọ, Quán Kinh và Kinh A Di Đà.

2- Chánh hạnh quán sát: Chuyên quán sát sự trang nghiêm ở cõi Cực lạc, để hâm mộ Cực lạc.

3-Chánh hạnh lễ bái: chuyên lễ lạy Phật A Di Đà.

4- Chánh hạnh xưng danh: chuyên xưng niệm danh hiệu Phật A Di Đà.

5-Chánh hạnh tán thán: chuyên cần tán thán, cúng dường đức Phật A Di Đà.

Quán Kinh sớ nói: “Chúng sanh tu hành, miệng thường xưng danh hiệu Phật, Phật liền nghe, thân thường kính lễ Phật, Phật liền thấy;  Tâm thường niệm Phật, Phật liền biết. Chúng sanh nhớ nghĩ đến Phật, Phật cũng nhớ nghĩ đến chúng sanh, ba nghiệp của Phật cũng nhớ nghĩ đến chúng sanh, ba nghiệp của Phật và chúng sanh chẳng xa lìa nhau. Giữa người niệm Phật và đức Phật A Di Đà, tâm tâm tương ấn,  thời thời tương quan.

Nếu tu tạp hạnh thì không như vậy, miệng không xưng danh hiệu Phật, Phật không nghe; thân không lạy Phật, Phật không thấy; Tâm không nghĩ Phật, thì Phật không biết. Như vậy ba nghiệp của ta và đức Phật xa lìa nhau. Tâm ta và tâm Phật có khoản cách có ngăn ngại.  Người tu tạp hạnh không thuận theo bản nguyện của Phật A Di Đà, tâm họ cùng với Phật có khoản cách, chẳng cảm đến được lòng từ ái của Phật.

Vì sao khó vãng sanh ? Vì do tạp duyên như sau:

1-Vì do tạp duyên làm loạn động, mất chánh niệm.

2-Vì không phù hợp với bản nguyện của Phật A Di Đà.

3-Vì không thuận theo lời Phật.

4-Vì không hệ niệm liên tục.

5-Vì ức tưởng gián đoạn

6-Vì hồi hướng, phát nguyện chẳng ân cần, chân thật,

7-Vì các phiền não, tham, sân, tà kiến làm gián đoạn,

8-Vì Không có tâm hổ thẹn sám hối,

9-Vì tâm sanh khinh mạn, tuy tu các hạnh nghiệp, nhưng thường chỉ phù hợp với danh lợi.

10- Vì không liên tục nghĩ nhớ báo ân Phật

11-Vì chấp ngã, chấp nhân, nên chẳng đồng hành với thiện tri thức.

12- Vì ưa tạp duyên, tự làm chướng ngại mình và chướng ngại chánh hạnh vãng sanh người khác.

Tạp duyên, tạp hạnh, tạp giáo, tạp nhân, tạp xứ, các loại tạp này thay nhau làm cho động loạn, khiến cho tâm người tu không thể chuyên nhất được, mất chánh niệm. Làm mất chánh nhân thì quả hạnh cũng mất việc lợi ích của vãng sanh, cũng mất theo.

- Tạp tu, tạp hạnh không phù hợp với bản nguyện Phật A Di Đà, nên không tiếp nhận được ánh sáng của Phật nhiếp thủ.

- Trái với lời Phật dạy: Người không chịu nghe theo lời Phật dạy, muốn đi theo con đường tạp hạnh, tạp tu, hiểm trở thì việc vãng sanh tự nhiên gặp nhiều khó khăn.

- Vì không thuận theo lời Phật nên sáu phương chư Phật, đều không chứng thành hộ niệm cho, chư Phật không công nhận, không chứng thành, nên bị trở ngại trong việc vãng sanh.

- Không hệ niệm tương tục: Tâm không chịu cột vào đức Phật A Di Đà, thì việc vãng sanh làm sao có thể đạt được. Vì tạp niệm tương tục nên không kết nối với Phật A Di Đà, nên việc vãng sanh không chắc chắn.

Người chuyên tu niệm Phật, suốt đời đều buộc niệm vào Phật hiệu, dù khoảnh khắc lúc sắp mạng chung cũng không buông câu Phật hiệu, thì chắc chắn họ vãng sanh, vì người này một đời hệ niệm tương tục.

Tương tục có hai loại, một là tâm tương tục và hạnh tương tục. Tâm tương tục cũng chính là quy mạng về đức Phật A Di  Đà, trọn một đời không thối chuyển, nên gọi là tương tục. Ví dụ gia công niệm một ngàn biến rồi nghĩ năm, ba bửa lại niệm, hoặc sáng niệm chiều nghĩ, thì cũng không gọi tương tục được.

Tâm tương tục, tự nhiên sẽ phát khởi ra hạnh tương tục, khi đối duyên xúc cảnh đều không rời câu Phật hiệu. Dù bận rộn hay nhàn hạ, chẳng lìa danh hiệu A Di Đà Phật. Thuận cảnh, nghịch cảnh chẳng quên vãng sanh Tây phương.

Tóm lại chúng ta chỉ cần giữ tâm chân thành, chuyên tu niệm Phật, thì tự nhiên tương tục. Quán Kinh nói, muốn vãng sanh phải đầy đủ ba tâm: Chí thành tâm, thâm tâm và hồi hướng tâm. Ba tâm nầy nếu thiếu một tâm thì không thể vãng sanh.

Người tu tạp hạnh, đương nhiên cũng muốn vãng sanh, nhưng tâm lại không tha thiết, không chân thật, không chí thành. Thiếu những tâm này thì tâm phát nguyện hồi hướng cũng không thể thành tựu. Như vậy, ba tâm đều thiếu thì người này đương nhiên không thể vãng sanh.

Người tu tạp hạnh, tuy có phát nguyện vãng sanh hồi hướng, nhưng thiếu ân cần, chân thật. Tâm và hạnh không thống nhất nhau, nên việc vãng sanh khó thành tựu.

Người chuyên tu, thì Tâm và Hạnh đều đặt vào Tịnh Độ Phật A Di Đà. Tâm và hạnh thuận nhau nên việc vãng sanh không trở ngại.  Người nào tu còn bị các pháp khác làm rối loạn, chẳng hạn như chia thời gian ra tu hành. Khi tu pháp này, khi tu pháp khác, chỉ giành chút ít thời gian cho việc niệm Phật. Người có tâm như thế là không tha thiết, không có tâm tha thiết thì việc vãng sanh không chắc.

Nếu tự mình tu hành, rồi dựa vào phước thiện đó để hồi hướng vãng sanh, ắt sẽ bị lửa sân thiêu cháy, nước ái nhận chìm. Một niệm sân tâm khởi, lửa thiêu rừng công đức. Vì làm công đức với tâm không thành kính, không chân thật, nên bị lửa sân thiêu đốt. Còn nếu công đức chân thật thì lửa không thể đốt được.

Công đức của tạp hạnh giống như đóm lửa nhỏ, thường bị dòng nước tham sân si, thân kiến, biên kiến, tà kiến, dập tắt. Còn công đức niệm Phật như đóm lửa lớn, tất cả phiền não tham sân si, tà kiến không thể thiêu được.

  Trong Vãng sanh chú có nói hai loại công đức: Công đức chân thật và công đức không chân thật.  Công đức chân thật là Bồ tát chứng ngộ thật tướng các pháp, công đức được thành tựu từ tâm thanh tịnh, mà khởi nghiệp thanh tịnh, nên gọi là công đức chân thật.

Công đức không chân thật là: Vì phàm phu đem tâm hữu lậu tu các hạnh thiện thuộc về nhân, thiên. Phàm phu không chứng đắc thật tướng của các pháp, nên những việc chúng ta làm đều mang tính hư nguỵ, điên đảo, thay đổi, không chân thật.

Vì sao người tu tạp hạnh khó vãng sanh?  Vì hạnh họ mang ra hồi hướng là  “hạnh thiện tạp độc” còn xen tạp, độc tố tham sân si. Tuy là thiện pháp nhưng không phải là thuần thiện. Đem hạnh tạp độc mà muốn đến cảnh giới thanh tịnh, vô lậu vô nhiễm của Phật A Di Đà không khả dĩ, vì nhân quả không khớp nhau.

Công đức chuyên tu niệm Phật, chính là công đức chân thật, chân thật thì trùng hợp với nhân quả, và bản nguyện của Phật A Di Đà. Người tu tạp hạnh,  thường tương ưng với danh lợi, khiến cho đạo tâm Phật tính bị tâm lý nhân ngã, thị phi che khuất. Họ đem việc liễu sanh thoát tử, việc lớn quyết chí vãng sanh bỏ qua một bên. Như vậy, trong lòng nhân ngã thị phi che khuất, thì từ trường năng lượng để vãng sanh không có, nên việc vãng sanh không thể có được.

Người chuyên tu niệm Phật, tuy cũng thấy người, thấy ta thấy cảnh. Nhưng họ không bị ngăn che chướng ngại việc cầu vãng sanh. Vì họ chuyên tâm niệm Phật, nên không dính mắc vào nhân ngã thị phi. Gọi là người niệm Phật chân thật, vì thế chuyện vãng sanh đều được pháp hỷ sung mãn.

Người chuyên tu niệm Phật, nên xa lánh những tạp duyên, chẳng ưa chỗ náo nhiệt, vì tâm phàm phu rất dễ bị dao động. Tiếp xúc với những tạp duyên thì những quan điểm tư tưởng khác làm lung lay là điều khó tránh khỏi. Vì thế, không nên thân cận gần gủi những tạp duyên, không theo tạp duyên thì được chánh niệm. Ưa gần tạp duyên thì tự chướng ngại mình và chướng ngại người khác.                                                                            

Tuy  có tu các hạnh lành, nhưng thường phù hợp với danh lợi, rốt cuộc chẳng được lợi ích gì, đối với đạo giải thoát. Muốn được vãng sanh phải buông tự ngã xuống, đem tâm khiêm cung mà thỉnh vấn các bậc thiện tri thức chuyên tu niệm Phật. Người đã tu theo tạp hạnh thì bị nhân ngã che phủ, chẳng thích thân cận cùng thầy bạn tốt chuyên tu niệm Phật. Trái lại còn ưa gần gũi tạp duyên, đến nỗi tự làm chướng mình và chướng ngại chánh hạnh vãng sanh của người khác. Khi đã rơi vào tạp hạnh, thì hy vọng được vãng sanh rất mong manh.

Ngài Thiện Đạo nói: “Nếu người chuyên tâm nhất ý thì mười người được vãng sanh cả mười người, còn ai tạp tu chẳng chí tâm thì trong một nghìn người không được một người”.

Bất luận thế nào, thì con đường “tạp” là con đường không những mạo hiểm mà còn quá liều lĩnh. Trong một nghìn người, không thành tựu được một người. Còn chuyên tu thì an toàn tuyệt đối, vạn người chẳng rơi rụng một người, tuyệt đối không có bất cứ nguy hiểm nào.

Nhất tâm chính là chuyên tâm, là cần phải chuyên chí, điều này bất cứ ai cũng có thể đều làm được. Nhất tâm cũng chính là toàn tâm toàn ý, hoàn toàn tín thuận, không mảy may hoài nghi, lưỡng lự nào đối với sự cứu độ của Phật A Di Đà. Nhất tâm nhất ý nương tựa vào Ngài. Nhất tâm chính là chuyên tâm, chuyên lại càng chuyên, niệm niệm không quên. Đi, đứng, nằm, ngồi, bất kể trong tình huống nào, dù bận rộn hay rảnh rang, dù động hay tịnh. Từ sáng đến tối, ở trong nhà hay ra bên ngoài, cũng đều có thể niệm Phật, đều nên chuyên chẳng tạp.

Chánh định nghiệp. Khi ta khởi niệm Nam mô A Di Đà Phật là ta đang kết nối, tiếp nhận  đại nguyện, đại nghiệp, đại lực của đức Phật A Di Đà. Chúng ta đương nhờ vào đại nguyện, đại nghiệp, đại lực của Phật A Di Đà, vì thế dựa vào sức của Phật A Di Đà chắc chắn vãng sanh. Nếu chỉ dựa vào sức của bản thân mình thì không chắc.

Niệm Phật quá đơn giản, chỉ niệm Nam mô A Di Đà Phật là được vãng sanh, vì quá đơn giản nên khó tin, so với các pháp môn khác. Tu pháp tụng Kinh, thì phải có Kinh mới đọc được, biết chữ mới đọc được, có chỗ thích nghi mới đọc được… Lễ Phật phải có sức khoẻ mới lạy được, có chỗ thích nghi mới lạy được…Như vậy, nói sơ pháp tụng Kinh và lễ Phật phải đòi hỏi có đủ điều kiện mới thực hiện được. Trái lại pháp niệm danh hiệu Phật thì quá đơn giản, không cần phải có đủ điều kiện như các pháp kia mới tu được. Mà đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật được, có sức khoẻ, không sức khoẻ vẫn niệm Phật được, vắng người đông người vẫn niệm Phật được .v..v…quá đơn giản, quá tiện nên rất ít người tin là vậy.

Đối với pháp môn Tịnh độ, cõi Cực lạc Tây phương, chỉ dùng niềm tin mới có thể vào, vượt qua cảnh giới nghĩ bàn của chúng ta. Cảnh giới của Phật chỉ có chư Phật mới có thể biết rõ, còn phàm phu chúng ta chỉ dùng niềm tin mà thôi.

Niệm Nam mô A Di Đà Phật, là đã tụng trọn ba bộ Kinh Tịnh độ rồi. Vì ý chính của Kinh A Di Đà là muốn chúng ta niệm Phật, Quán Kinh cũng dạy như thế, Vô Lượng Thọ cũng dạy như thế. Việc tụng Kinh giống như ta xem toa thuốc, văn Kinh giống như phương thuốc, sáu chữ Hồng danh ví như viên thuốc. Như vậy, tụng Kinh hiểu nghĩa lý của Kinh, cốt để ứng dụng cho việc tu tập. Ví như xem toa thuốc, và phương thuốc, cốt để biết cách xử dụng thuốc. Cuối cùng sáu chữ Di Đà là viên thuốc.

Như vậy, chúng ta chỉ cần niệm sáu chữ hồng danh, không đọc Kinh, không xem Kinh cũng đủ rồi, vì sáu chữ hồng danh đã có văn Kinh trong đó rồi. Cũng như toa thuốc, phương thức xử dụng thuốc, công năng trị liệu của thuốc, đã có trong viên thuốc rồi. Nên khi bịnh thì việc uống thuốc cần thiết hơn là đọc toa thuốc. Cũng vậy, việc cần cầu vãng sanh, niệm danh hiệu Phật là cần thiết hơn đọc tụng Kinh văn.

Từ xưa đến nay, có rất nhiều bà cụ không biết chữ, hay những người mù, khiếm thị chuyên niệm sáu chữ danh hiệu Phật đều được vãng sanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng không nên bài xích việc tụng đọc, có tụng đọc giúp chúng ta trí mở tâm khai, trợ giúp cho việc niệm Phật thêm pháp hỷ sung mãn, thêm phần phấn tấn trong việc tu tập. Như vậy chúng ta thường tụng đọc Kinh điển cũng chẳng hề gì, đây gọi là tịnh nghiệp tụng đọc.

Công đức nghe danh hiệu Phật:  Những người câm ngọng, không thể niệm danh hiệu Phật được, nhưng họ nghe người khác niệm danh hiệu Phật, lòng họ khởi lên tâm hoan hỷ, ý muốn cầu vãng sanh. Người đó không niệm mà chỉ nghe người khác niệm danh hiệu Phật, mà khởi tâm cầu vãng sanh, họ cũng được vãng sanh.

“Chỉ cần thấy dạng nghe danh, cùng bao loài khác thoát vòng khổ đau”. Năng lực nghe nhìn hình ảnh Phật và danh hiệu Phật cũng thoát được những nỗi khổ niềm đau, huống nữa có tâm cầu vãng sanh, ắt được vãng sanh. Đây là pháp đặc biệt trong các pháp.

Vì năng lực của bản nguyện Phật A Di Đà tiếp độ chúng sanh bằng ánh sáng và danh hiệu. Danh hiệu Phật tự niệm hay nghe người khác niệm, công năng tiếp nhận từ lực của Phật như nhau. Như vậy mới gọi là pháp dễ tu, là pháp bình đẳng không bỏ sót một chúng sanh nào đau khổ.

{]{

CHÁNH HẠNH XƯNG DANH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét