CÁC PHÁP KHÁC KHÓ HÀNH KHÓ THÀNH CÔNG
So với các pháp môn khác khó hành, khó thành công. Phật Thánh quá xa, thời
chánh pháp khép lại, tà pháp hưng thịnh, căn cơ yếu kém, chúng ta không thể
kham nổi, thoát không khỏi đường tà lối mê. Vì thế, chỉ có môn Tịnh độ mới là
con đường thuận lợi.
Mạt pháp là do căn cơ chứ không do thời đại. Căn cơ không phù hợp, dù có
đức Phật còn tại thế người ta cũng không thể chứng quả được. Chỉ cần căn cơ phù
hợp tương xứng thì dù thời đại mạt pháp vẫn chứng quả như thường. Vì thế, học Phật cũng như ăn cơm, uống nước,
mặc áo, làm sao cho phù hợp với bốn mùa nóng lạnh, gọi là “Hạ cát đông cừu”.
Mùa hạ nóng bức, thì bận áo nhẹ mỏng, mùa đông lạnh rét thì bận áo dày lông cừu,
để giữ ấm cho cơ thể.
Thời kỳ chánh pháp, chúng sanh căn cơ bậc thượng, tu giới, tu định, tu huệ
dễ dàng thành tựu. Còn thời kỳ mạt pháp chúng sanh căn cơ yếu kém, không thể tu
giới, định, tuệ, lục độ vạn hạnh được. Chúng sanh ở thời mạt pháp tâm sinh lý yếu
hèn, hoàn cảnh khó khăn. Vì thế tu hành giải đãi, biếng nhác trễ lười, sáng nắng
chiều mưa, tâm lý luôn thay đổi. Không thể tu pháp môn tự lực được mà phải
nương pháp môn tha lực, chí thành khẩn thiết niệm danh hiệu Phật A Di Đà cầu sanh
Tịnh độ là phương pháp tối ưu, tối thắng không pháp nào hơn được.
Ở đời mọi việc thành công đều dựa vào ba yếu tố, “thiên thời, địa lợi,
nhân hoà”, chúng ta mới sống khoẻ mạnh bình yên được, thành công mọi việc được.
Nhưng chúng ta đang sống trong hoàn cảnh bất an, thiên thời không ổn, mưa gió,
bão lụt, động đất, sóng thần…Địa đã không lợi, thiên lại không hoà. Lòng người
luôn tranh chấp, luôn đấu tranh. Với ba yêu tố, thiên thời, địa lợi, nhân hoà,
thời nay ít có nơi hoàn mỹ. Không thiên
thời, thì địa lợi, không địa lợi thì nhân hoà luôn thay đổi, khiến cho cuộc sống
con người ngày càng bất an. Vậy muốn tu cũng rất khó.
Nhưng nương vào nguyện lực Phật Di
Đà, thì ba yếu tố khó khổ này, có thể chuyển được. Biến thử thách thành cơ hội,
biến khó thành dễ, chuyên tâm niệm Phật, chúng ta có thể đột phá ba chướng ngại
này. Bằng không chúng ta sẽ bị chướng ngại rất lớn. Ngài Đạo Xước nói: “Chỉ có
một môn Tịnh độ là đường thuận lợi nhất, đây là thông lộ duy nhất”.
Lời nguyện thứ 18 của Pháp Tạng rằng: “Nếu có chúng sanh nào cả đời làm
ác, khi mạng sắp chết, xưng danh hiệu tôi 10 lần, nếu người này không được vãng
sanh, thì tôi không thành chánh giác”. Chúng ta thấy lòng từ bi của Phật quá rộng
lớn, cả đời không tu, làm ác, mà cuối đời chỉ niệm 10 câu Phật hiệu, thì Ngài đến
rước. Quá dễ, vì thế nhiều người không thể tin nổi, không tin nên sinh tâm nghi
ngờ.
Ví dụ, có người đau bịnh nặng sắp
chết, hay bị trọng thương nguy hiểm cho tính mạng. Người này đem đến nhà thương
gặp bác sĩ, tất nhiên bác sĩ phải ưu tiên lo chữa trị người bệnh nặng sắp chết
trước. Cũng thế, với chúng sanh ác, chúng sanh yếu kém thì Phật ưu tiên cứu độ
không phân biệt. Tin vào lời nguyện của phật, cửa Tịnh độ đang rộng mở, chúng
sanh đừng tuyệt vọng, thối tâm. Như vậy, cửa Tịnh Độ rất rộng lớn, tiếp nhận tất
cả chúng sanh, không luận kẻ già người trẻ, lớn bé, khôn dại, trí ngu, không luận
công phu sâu hay cạn. Tất cả đều có thể niệm Phật vãng sanh Cực lạc thế giới.
Có người có ý như thế này, tôi dụng công như thế nầy, nếu không vãng sanh thì tối thiểu bảo đảm đời sau có thể
sanh lại làm thân người. Ý này chính là vãng sanh Tây phương so ra khó hơn là
được thân người trở lại. Vạn nhất không thể vãng sanh thì có thể được làm thân
người. Kẻ có nhận thức như vậy thật hết sức sai lầm. Đại sư Ấn Quang nói: So với vãng sanh Tây
phương thì được làm thân người khó hơn. Vãng sanh Tây phương so với được thân
người thì dễ dàng hơn. Vì sao? Vì một bên dựa vào sức mình, một bên nương vào sức
Phật. Tự mình tu được thân người thì cần phải giữ đủ năm giới, nếu không thì
không có phần. Thoạt nhìn thì không khó, xét kỷ không có mấy ai làm được.
Đứng về giới sát sanh, thì có người làm nông nghiệp, ngư nghiệp, đồ tể,
chăn nuôi thuỷ sản, Kinh doanh ăn uống v.v..ở đời có ai tránh được các nghề nầy
đâu? Không thể, vì vậy toàn nhân loại đều phạm vào nghiệp sát cả. Nhà nhà ăn mặn,
nhà nhà sát sanh, trực tiếp, gián tiếp sát. Vì thế không ai giữ trọn giới sát.
Ngay cả ăn chay cũng không tránh khỏi giới sát. Chúng ta ăn cơm, rau quả đều từ
nhà nông làm. Nhà nông phải, phun thuốc trừ sâu, phải phát cỏ dọn bờ, phải tháo
nước, phải ngăn trừ chim chuột, v.v…tất nhiên nhà nông phải trừ diệt để bảo vệ
hoa màu. Như vậy ăn chay cũng không tránh khỏi sát sanh, còn lại bốn giới kia
cũng vậy, khó giữ cho chu toàn.
Vì thế, tu pháp Đại thừa chứng được chân như tự tánh rất khó, tu pháp Tiểu
thừa chứng bốn quả thanh văn lại càng khó, một quả đầu chưa ai chứng được huống
nữa bốn quả. Dù có chứng được bốn quả cũng rất khó đối với chúng sanh yếu
kém. Như vậy Đại thừa, Tiểu thừa, Thiên
thừa, Nhân thừa đều khó tu khó thành, khó giải thoát, so với pháp tu Tịnh độ một
đời sẽ xong.
Đại thừa khó tu, Tiểu thừa không dễ, cho đến Thiên thừa, nhân thừa ít người
làm được. Trăm, ngàn người may ra có một vài người là cùng. So ra pháp tu Tịnh
độ, pháp nương tựa tha lực, trăm người tu, ngàn người tu, không ai không thành.
Có người nói rằng, không có thời gian để niệm Phật. Nhưng phải xem ti vi
một chút, đọc báo một chút, nghe nhạc một chút, rồi tiếp khách, ăn cơm v,v…nhiều
việc như vậy mà họ đều có thời gian. Tai sao lại không có thời gian để niệm Phật?
Vì bạn không có tâm, mỗi ngày chỉ để ra 10 phút hay 15 phút hay nhiều hơn nữa,
niệm Phật cầu sanh Tịnh độ. Buộc ý chuyên tinh, thường niệm, lúc bận rộn hay rảnh
rang cũng đều niệm một câu Phật hiệu, thì ai không làm được, sao lại nói không
có thời gian.
Người hay có sự hiểu lầm, cần phải có một khoản thời gian cố định hoàn chỉnh
để niệm Phật. Thật ra có một nữa thời gian một giờ cũng tốt rồi. Tại vì bạn
không quyết tâm, bận hay không bận có thể niệm Phật được.
Trúc dày không ngăn được dòng nước
Núi cao không chướng ngại áng mây bay.
Bụi trúc dày không thể ngăn được dòng nước chảy, ngọn núi cao không thể
ngăn ngại đám mây bay. Dù công việc nhiều, ta vẫn niệm Phật được. Đi, đứng, nằm,
ngồi đều niệm Phật được. Đông người ít người đều niệm Phật được, rảnh rang hay
rộn ràng vẫn niệm Phật được. Đâu có chướng ngại gì, mà nói không có thời gian.
Nếu có tâm thì dù bận rộn cũng có thời gian để niệm Phật, chỉ e bạn không thật
tâm, không quyết tâm vậy thôi. Tất cả chướng ngại từ bạn đặt ra, nếu bạn có
tâm, quyết tâm, những thứ chướng ngại tự sẽ được tiêu trừ. Nhất định vãng sanh,
nếu chuyên tâm niệm Phật, quyết định vãng sanh. Không có bất cứ chướng ngại
nào, sao không chịu suy nghĩ, sao chưa chịu niệm phật, cầu sanh Tây phương?
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét