SƯ MINH TUỆ CÓ
THẬT SỰ CHÍNH THỨC
LÀ TU SĨ PHẬT GIÁO KHÔNG
Nhiều
người thắc mắc phân vân sư Minh Tuệ có phải là một tu sĩ Phật giáo hay không?
Vì sư tu không thầy, không bạn, không học
qua trường lớp, không thọ giới, không vào trong giáo hội, ngay cả giấy tờ tuỳ
thân CMND cũng không, vậy sư Minh Tuệ có chính thức là một tu sĩ Phật giáo Việt
Nam hay không?
Nói sư Minh Tuệ không phải là tu sĩ Phật giáo
Việt Nam cũng đúng , vì không có các tiêu chuẩn trên. Và nói sư Minh Tuệ đúng là tu sĩ Phật giáo Việt
Nam thì cũng không sao.
Vì theo Phật giáo tu có hai phần Tướng và
Tánh. Đứng về Tướng của thế gian, xã hội quy định thì sư Minh Tuệ không phải là
tu sĩ, còn đứng về Tánh thì sư Minh Tuệ thực thụ là một tu sĩ chân thật. Đứng về
Tướng là phần bên ngoài, sư Minh Tuệ không có Thầy, bạn, thọ giới, học vị, chứng
nhận của giáo hội, sư Minh Tuệ không có hội đủ, nên xét về Tướng của thế gian, sư
Minh Tuệ chưa phải là tu sĩ. Còn đứng về Tánh, tức bên trong sư Minh Tuệ có hội đủ Giới, Định, Tuệ. Nên sư
Minh Tuệ chính thức là một tu sĩ Phật giáo. Vì sư Minh Tuệ thực hành đúng với hạnh
vị tha vô ngã, sống đời sống tam thường bất túc, đó là nét cơ bản của tu sĩ Phật
giáo.
Ngàn người tu theo Tướng không bằng một người
tu theo Tánh. Người tu theo Tướng ai tu cũng được, còn tu theo Tánh khó có ai
tu được. Khi đã thâm nhập vào Tự Tánh rồi, người đó không còn quan tâm bên
ngoài, được mất, hơn thua, khen chê, phải trái, cho đến nóng lạnh .v..v... Vì
thế, họ không nói mà mọi người nghe, mọi người tin, không kêu gọi mà mọi người
hưởng ứng, mọi người cảm thông. Ngay đến
các loài cầm thú cũng làm bạn với họ. Các vị Tổ sư các vị tu chứng đã chứng
minh điều này, họ ở trong hang cọp, ở cùng với cọp mà không sợ bị hại, huống nữa
là con người. Vì thế đối với họ các tướng bên ngoài không quan trọng, mà còn là
sự trở ngại cho việc tiến tu đạo nghiệp nữa.
Xưa ngài Lục tổ Huệ Năng, là một cư sĩ ở chùa
làm công quả chẻ củi, giã gạo, gánh nước, không học, không đọc, không tụng,
chưa thọ giới. Mà đã ngộ được Tự Tánh được Ngũ Tổ truyền cho y bát làm kế tổ,
sau đó đi ẩn tu mười lăm năm sau mới xuống tóc thọ giới Tỳ Kheo với một vị thầy.
Sau vị thầy truyền giới cho Tổ lại tôn Lục Tổ làm thầy, vì chưa ngộ được Tự
tánh nên phải tôn Lục tổ đã đắc pháp làm thầy.
Ở Việt Nam ngài Tuệ Trung thượng sĩ là một cư
sĩ đắc pháp, lại làm thầy cho vua Trần Nhân Tông, sau vua Trần Nhân Tông nhường
ngôi lại cho con, đi tu cũng tôn Tuệ Trung làm thầy. Như vậy xưa cũng vậy nay
cũng vậy phần tu Tánh là phần cơ bản cốt lõi của đạo Phật không thể xem thường
được. Đạo Phật có còn lưu truyền mãi mãi hay không đều do những vị tu Tánh đắc
pháp, chứ không phải là những vị tu về Tướng.
Phật giáo đối với người mê thì dùng Tướng để độ,
để họ tu, còn đối với người ngộ thì dùng Tánh để hướng dẫn tu tập. Người đã đắc
pháp rồi thì họ không dùng Tướng để tu mà dùng Tánh để tu, nên họ không quan
tâm đến thế giới bên ngoài. Nên khen chê, phải trái, khuôn khổ, nội quy v.v…đối
với họ không cần thiết. Không như thế mà họ vẫn nghiêm túc trên giới luật và
oai nghi, ngay cả pháp luật thế gian họ cũng không trái phạm.
Vì thế khi đã hiểu được Tánh và Tướng trong
giáo pháp của Phật thì có thể dung hoà được những mâu thuẩn, thắc mắc nghi ngờ
nữa. Chúng ta khẳn định sư Minh Tuệ tu theo Tự Tánh nên sư thực sự là một tu sĩ
Phật giáo, chính thức theo lời Phật dạy, là một tu sĩ chân chính chứ không phải
là tu sĩ giả mạo.
Phần bình
thêm: Sự tu tập của
sư Minh Tuệ xét ra rất hay, rất tốt nhưng tỏ ra hoài cổ, lấy cách sinh hoạt từ
thời Phật tại thế áp dụng cho cuộc sống và xã hội thời nay, thì không mấy ai
làm được.
Chỉ thấy ngưỡng mộ nhưng không ai làm được, nếu
có làm được thì đối với nam giới, chứ nữ giới không thể thích nghi thực tập được.
Nên nói hay nhưng lại không hay mấy, nếu tu hết như sư Minh Tuệ, thì sẽ không
có chùa, không có viện, không có kinh điển, không có người thuyết giảng, không
có người truyền thọ .v..v… thì Phật pháp sẽ đi vào lãng quên, trở lại thời đại
chưa có chữ viết, chưa có kinh điển. Chính vì chưa có chữ viết lưu lại, nên
truyền miệng trở thành tam sao thất bổn. Vì thế cũng không nên đề cao hạnh tu của sư
Minh Tuệ lên đỉnh cao mà đưa đến nhiều tranh cải đúng sai, khiến cho đạo tâm của
mỗi người trở nên hồ nghi thiếu sự tinh tấn…
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét