LÀM NGƯỜI KHÓ
LÀM THẦY KHÔNG DỄ
Làm người khó, mà làm thầy của người cũng chẳng
dễ. Khó là sao? Là phải có thiên tư, học vấn, kiến thức, khí độ. Nếu không có
thiên tư, không có học vấn, không có kiến thức, không có khí độ mà được nên người,
thì không có lẽ đó. Có thiên tư rồi mới có học vấn, có học vấn rồi mới có kiến
thức, có kiến thức rồi mới có khí độ, mà vẫn chưa nên người được, là vì sao? Là
vì thiên tư không cao, học vấn không rộng, kiến thức không rõ, khí độ không
nhã. Không cao thì thường, không rộng
thì tắc, không rõ thì tối, không nhã thì tục. Nếu đã cao mà lại trí, đã rộng mà
lại đạt, đã rõ mà lại chánh, đã nhã mà lại văn, có đủ bốn điều này thì có thể
nên người vậy.
Tuy nhiên, nếu muốn làm thầy của người, mà chỉ
có như thế thì vẫn chưa đủ. Vì sao chẳng dễ? Là vì phải có tông chỉ, giáo
nghĩa, pháp tướng. Nếu chưa được tông chỉ, chưa rõ giáo nghĩa, chưa thông pháp
tướng, thì cũng chưa thể làm thầy của người được. Phải biết nêu cao tông chỉ,
giải rõ giáo nghĩa, phân tích pháp tướng. Nhưng không có thầy truyền, không rõ
cảnh quán, mà muốn làm thầy của người cũng không thể được. Đã có thầy truyền thọ,
lại rõ pháp quán, mà không siêu ngộ triệt để ý của Phật cũng không thể được. Có
người đã siêu ngộ triệt để rồi, mà chưa quên cảnh quán, dứt tri kiến, lìa pháp
ái, mà làm bậc đạo sư, cũng chưa có lẽ đó bao giờ. Đã đủ ba điều này, mà không
biết tiến thoái được mất, thì cũng không thể được. Nên nói làm người khó, mà
làm thấy của người cũng chẳng dễ.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét