PHẦN PHỤ
Có một số nghi vấn trong việc niệm Phật cầu vãng sanh như sau:
1/ Tại sao người cầu vãng sanh nhiều, mà người được vãng sanh thì ít? Việc
vãng sanh thế giới Cực Lạc dễ, sao không bao nhiêu người vãng sanh?
Đáp: Đại sư Thiện Đạo nói: Do tu tạp hạnh tạp tu, không chuyên tu niệm Phật,
nên mười người tu, không được vãng sanh
cả mười.
2/ Vì sao đức Thế Tôn phải nói ra nhiều pháp môn như thế?
Đáp: Vì chúng sanh căn cơ bất đồng, có thượng căn, trung căn hạ căn, người
trí người ngu. Vì thế Phật nói ra nhiều pháp môn để thích ứng cho từng căn cơ
là vậy. Ví như con người có nhiều bệnh, y tế
phải có nhiều thứ thuốc để điều trị cho từng con bệnh.
3/ Người niệm Phật có cần thâm nhập Kinh tạng không?
Đáp: Việc này tuỳ căn cơ. Đối với
người già, người trí nhớ kém thì không cần thâm nhập Kinh tạng, chỉ chuyên chấp
trì danh hiệu để cầu vãng sanh là được. Nếu người còn trẻ, muốn hoằng pháp lợi
sanh, cần phải học hỏi, thông đạt giáo nghĩa các Kinh điển, nhất là giáo nghĩa
Tịnh Độ, thì cần phải thông đạt Kinh điển.
4/ Cầu tiêu trừ nghiệp, có cần phải niệm danh hay Bồ tát khác hay trì Kinh
trì chú nữa không?
Đáp: Đối với người chuyên tu niệm Phật thì không cần phải tu thêm, niệm
thêm. Chỉ chuyên niệm câu Nam mô A Di Đà Phật, tất cả Kinh chú đều nằm trong
đó.
Vì câu danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật
vốn đã đầy đủ công đức, vô lượng công đức, đủ để tiêu trừ nghiệp chướng, nghiệp
tội, khai tâm mở trí. Vì A Di Đà là Vô Lượng Quang, Vô Lượng Thọ, Vô Lượng công
đức.
Vô Lượng Quang có khả năng mở trí khai tâm. Vô Lượng công đức, phước đức
đầy đủ, chuyển nghèo khổ thành sung túc. Vô Lượng Thọ, chuyển bệnh tật thành
khoẻ mạnh, sống lâu.
5/ Đã phát nguyện tu pháp khác, nay chuyển qua tu Tịnh Độ như vậy có giả
dối không?
Đáp: Đã từng tu các pháp khác, nay cảm thấy pháp môn Tịnh Độ thích hợp với
căn cơ, chuyển sang tu Tịnh Độ, đây là điều thích hợp chứ không phải là điều
sai trái và giả dối. Không mang tội lỗi mà có phước duyên tăng trưởng, hợp với
bản nguyện của Phật, Bồ tát, không xem là dối. Thấy khó bỏ khó chọn dễ là việc
bình thường.
6/ Niệm sáu chữ và bốn chữ có khác nhau không
Đáp: Đứng trên phương diện vãng sanh thì không có gì khác nhau, niệm sáu
chữ hay bốn chữ đều được vãng sanh. Đứng trên phương diện hình thức thì sáu chữ
so với bốn chữ sẽ hoàn chỉnh hơn, còn bốn chữ là giản lược. Cho nên các sinh hoạt
thông thường đều hằng ngày đều xướng sáu chữ, niệm sáu chữ. Nếu lúc lâm chung,
sức lực không đủ niệm sáu chữ, có thể đổi niệm bốn chữ, thì tiện hơn cho người
lúc lâm chung.
7/ Niệm Phật theo phương pháp nào mới tốt. Xướng niệm, xưng niệm, niệm lớn tiếng, nhỏ tiếng,
niệm thầm, niệm ký số, theo cách nào tốt nhất.
Đáp: Cách nào cũng tốt, tuỳ theo mỗi
đạo tràng, tuỳ theo hoàn cảnh, tuỳ theo sức khoẻ mà niệm. Niệm to, niệm nhỏ, niệm
thầm đều được cả, tuỳ thời tuỳ sức của mình mà niệm, không nhất thiết cái nào tốt,
hay không tốt.
8/ Niệm Phật có cần ký số hay không?
Đáp: Thông thường, đối với người tu sơ cơ, cần ký số để dễ chuyên tâm, có
ký số mới dễ hoàn thành thời khoá, tâm sẽ niệm niệm tương tục. Nhờ có ký số tâm
dễ buộc vào câu Phật hiệu. Ký số bao nhiêu tuỳ theo mỗi người quy định với tình
hình thực tế, phù hợp với bản thân thì được. Cũng đừng đặt mục tiêu cao quá,
khiến cho tâm bứt rứt. Khi nào niệm Phật đã trở thành thói quen, lúc nào cũng đề
khởi câu Phật hiệu, thì không cần phải ký số.
Khi tĩnh toạ niệm Phật, thì không cần lần chuỗi, có thể tính bằng thời
gian, nữa giờ hay một giờ, hay đốt cháy
một cây hương .v..v… Khi tĩnh toạ niệm Phật, thì toàn thân đều thả lỏng, không
đeo những thứ không cần thiết nơi cổ, nơi tay đều bỏ xuống, vững vàng bình thản
ngồi niệm Phật.
9/ Niệm Phật có nên ngồi tĩnh toạ hay không?
Đáp: Bạn có thể ngồi tĩnh toạ mà
niệm, thì ngồi tĩnh toạ mà niệm. Còn nếu không ngồi tình toạ thì ngồi trên ghế
thả thõng chân mà niệm; ngồi mệt thì nằm
niệm. Đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm được hết. Thuận tiện thế nào, thoả mái như
thế, an lạc như thế mà niệm Phật. Đừng quá chú trọng đến hình thức bên ngoài mà
làm trong lòng bất an, bực bội, khiến cho việc niệm Phật không duy trì được
lâu, vô tình hình thức phá hoại nội dung.
10/ Người chuyên tu niệm Phật, phải thiết lập bàn thờ Phật như thế nào?
Đáp: Chuyên tu niệm Phật thì đừng thờ phức tạp, tốt nhất chỉ thờ một tượng
Phật A Di Đà, nhiều thì thờ Tây phương tam thánh. Vì tâm phàm phu khi đối cảnh
dễ sanh phân biệt, cảnh đơn độc, tâm cũng đơn độc theo.
Một tượng Phật, hai đèn hoa sen, một lư hương, hai ly nước, một bình
bông, là được rồi. Nhà nào không có điều
kiện, không thể thiết lập bàn thờ, thì thờ trong tâm cũng tốt rồi. Người niệm
Phật, quý ở “tâm hương nhất biện hiến Phật tiền” (thắp nén tâm hương trước Phật
đài), muốn bỏ ác, làm lành, giữ tâm thanh tịnh, muốn sanh Tịnh Độ. Đem tâm
thanh tịnh của ta kiến tạo thành một Phật đường sáng rỡ. Chuyên niệm Nam mô A
Di Đà Phật. Thường niệm danh hiệu Phật thì hương công đức của Phật sẽ cảm ứng đến
ta. Phật đường trong tâm không tốn, không phiền, không vướng bận ai, đi đâu
cũng có Phật bên mình.
Nếu có điều kiện thiết lập bàn Phật ở tại nhà, thì càng tốt cho con cháu,
quang minh Phật đường sẽ bảo hộ mọi người trong nhà, con cháu trong nhà sẽ vun
trồng thiện căn, còn khi chúng ta đối duyên xúc cảnh thường đề khởi chánh niệm.
11/Thời khoá sớm tối tiến hành như thế nào?
Trong một ngày đêm 24 tiếng đồng
hồ, trừ những giờ giấc ngủ nghĩ ra. Chúng ta chia thời gian tu tập, thời gian
niệm Phật chia thành hai, tuỳ duyên niệm Phật và định kỳ niệm Phật. Tuỳ duyên tức
đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật. Nhớ lúc nào niệm lúc đó. Vừa làm công việc vừa
niệm Phật. Còn định kỳ niệm Phật, là chúng ta thiết lập thời khoá sớm tối tương
đối cố định. Một thời gian nhất định để ngồi tại một chỗ niệm Phật. Chỗ niệm Phật
tiện nhất là trước bàn thờ Phật để niệm Phật, lạy Phật. Có thể chia làm hai thời
tối trước khi đi ngủ và sáng sau khi thức dậy. Tạo nên một thời khoá nhất định
sẽ thành hình thành thói quen tốt. Cho dù cả ngày có bận rộn thì chỉ ít sớm tối
cũng có niệm Phật tu trì.
Buổi sáng thức dậy niệm Phật, bắt đầu đón nhận một ngày mới đầy ánh sáng
hạnh phúc; buổi tối niệm Phật, quét sạch một ngày lo âu bận rộn, khiến tâm lao
xao bận rộn cả ngày trở về an tĩnh. Tuy vậy, không chỉ sớm tối niệm Phật, nhưng
tác dụng ý nghĩa của nó không hạn cuộc ở sớm tối, mà là từ sáng xuyên suốt đến
buổi tối, tác dụng suốt cả ngày.
Tuỳ duyên niệm Phật thì không nhất thiết phải hồi hướng. Khi niệm Phật định
kỳ theo thời khoá thì phát nguyện và hồi hướng, và sám hối nghiệp chướng nhiều
đời của mình. Mỗi ngày hai lần, không cần phải luôn sám hối hồi hướng nhiều lần
làm mất thời gian niệm Phật. Và niệm Phật cũng là sám hối, trong niệm hồi hướng
đã có hồi hướng cho những oan gia báo chướng rồi. Vì niệm Phật làm tiêu trừ tội
chướng, niệm Phật cũng chính là sám hối.
12/ Việc chướng ngại pháp môn Tịnh
Độ là gì?
Chướng
ngại thứ nhất là nghi ngờ không tin.
Và huý kị thứ hai là tạp tu chẳng chuyên. Đại sư Thiện Đạo nói: “Nhất tâm
tin ưa, cầu nguyện vãng sanh, trên suốt một đời, dưới đến mười niệm, nương vào
nguyện lực Phật, không ai chẳng được vãng sanh”. Vì thế, nghi ngờ và tạp tu khó được vãng
sanh.
13/ Khi lâm chung lâm chung thân đau khổ, không thể niệm Phật được, có được
vãng sanh không?
Đáp: Ngày thường chuyên tu niệm Phật, lúc lâm chung đau đớn cơ thể khổ sở,
không niệm nổi câu Phật hiệu, cũng quyết định vãng sanh, đừng nghi ngờ. Thống khổ quá không niệm nổi
câu Phật hiệu cũng không hề gì, có thể nghe người khác niệm, tâm hết sức bình
an đợi đức Phật A Di Đà đến tiếp dẫn, tâm đã buông xuống rồi, tuy thân thể đau
đớn nhưng nội tâm không sợ hãi. Đức Phật Di Đà sẽ đến tiếp dẫn, không có vấn đề
chi cả.
14/ Khi lâm chung thần trí không tỉnh táo, cũng không có ai hộ niệm, có
được vãng sanh không?
Nếu lúc bình thường tín nguyện bất định, niệm Phật không chuyên, thì
trong tình huống này rất nguy hiểm; Nếu lúc bình thường tín nguyện chuyên tu,
thì gặp tình huống này cũng không chướng ngại việc vãng sanh. Tuy bề ngoài nhìn
thần trí người này không tỉnh táo, nhưng thật ra, khi đức Phật A Di Đà đến tiếp
dẫn họ thì họ nhìn thấy rõ ràng. Ngay cả khi não bộ và các bộ phận trong cơ thể
đều suy kiệt, ý thức không còn tác dụng nhưng thần thức vẫn không suy kiệt, vẫn
sáng tỏ rõ ràng.
Bình thường chuyên tu niệm Phật, việc vãng sanh đã nắm chắc, cho nên nói
là “bình sanh nghiệp thành”(nghiệp vãng sanh đã được thành tựu ngay khi còn sống).
Khi lâm chung, bất luận chết kiểu nào, đức Phật A Di Đà nhất định hiện đến tiếp
dẫn, người lâm chung nhất định nhìn thấy Ngài hết sức rõ ràng, dù có người trợ
niệm hay không hộ niệm cũng đều vãng sanh.
Đặc biệt thiết lập việc lâm chung cần trợ niệm, là vì lúc bình thường người
này chẳng niệm Phật. Khi còn sống, họ chẳng hiểu Phật là gì, bây giờ sắp chết,
nếu vẫn chưa hiểu được niệm Phật ắt sẽ đoạ lạc, cho nên khi họ sắp chết, chúng
ta phải trợ niệm cho họ, hướng dẫn họ niệm Phật; chứ không phải khăng khăng cho
rằng người bình thường chuyên tu niệm Phật, vẫn phải dựa vào việc trợ niệm lúc
lâm chung.
15/ Niệm Phật, nhưng oán thân trái chủ vẫn không chịu buông tha thì phải
làm sao?
Phải làm sao? Cứ nhất tâm niệm Phật
cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, chân thành tha thiết sám hối, dốc lòng
ghi nhớ thế gian khổ, nghĩ đến luân hồi
khổ, đừng hao tốn tâm tư, đặt nặng vào thân này, nếu không như vậy thì tâm
chúng ta sẽ dao động, chao đảo không ngừng.
Cần chú ý, nhất tâm cầu sanh thế giới Tây phương Cực Lạc, phải kiên định:
“Bạn có hại tôi chết thì tôi cũng vãng sanh Tây phương Cực Lạc!” Cứ như vậy một thời gian sau, vấn đề này tự
nhiên sẽ được giải quyết.
Nếu không có quyết tâm kiên định, dũng mãnh như vậy, mà cứ vấn vương
không dứt, dùng dằng khi nắm khi buông thì rất khó thoát ra.
16/ Đức Phật đến tiếp dẫn là thật hay
giả?
Bình thường chuyên tu niệm Phật, lâm chung thấy Phật đến đón, đó là cảm ứng
của hành giả chánh tu nhân quả, cũng là công năng từ bản nguyện từ bi của đức
Phật A Di Đà, đương nhiên là Phật thật. Người niệm Phật, bình thường luôn sống
trong ánh từ bi của đức Phật A Di Đà, huống gì khi lâm chung, đức Phật đích
thân hiện đến tiếp dẫn, không thể có ma đến làm chướng ngại, giống như ánh sáng
mặt trời chiếu xuống, bóng tối không thể tồn tại, mọi người hãy yên lòng.
17/ Đốt tiền vàng mả để trả nợ có được không?
Nợ nghiệp của chúng sanh, chỉ có đem công đức niệm Phật để hồi hướng cho
họ mới giải quyết được vấn đề. Bạn nợ tiền, nợ mạng người khác, đốt cho họ mấy
tờ giấy bạc làm sao có thể giải quyết được vấn đề. Nên không thể có được đâu!
18/ Phóng sanh thế nào cho hiệu quả nhất?
Thời hiện tại, nghiệp sát rất nặng
nề, nên khắp nơi đều đề xướng giới sát, ăn chay, phóng sanh.
Muốn phóng sanh đúng cách, đạt được hiệu quả lý tưởng không phải dễ.
Phóng sanh thiết thực nhất, và hiệu quả, chi bằng đề xướng ăn chay, đó là cách
phóng sanh căn bản. Thiên hạ một ngày
không sát sanh, không dùng những đồ làm bằng da, đó là đoạn tuyệt sát
sanh nơi ngọn nguồn. Không tốn tiền, không nảy sinh vấn đề gì.
Hơn nữa mua những con vật để phóng sanh là tiểu phóng sanh, niệm Phật
vãng sanh là đại phóng sanh. Khuyên mọi người ăn chay, niệm Phật đó là phóng
sanh thiết thực.
(Trích: Tư tưởng Tịnh Độ của
Đại sư Thiện Đạo- Nguyên tác Pháp Sư Tịnh Không)
Soạn xong ngày 8 tháng 10 năm
2024 – Giáp Thìn
0 nhận xét:
Đăng nhận xét