CÂU 8: HỎI
1-
Người Phật tử có nên xem bói toán không?
2- Người Phật tử có nên nhương sao giải hạng trong những ngày đầu năm
không?
3- Người Phật tử có nên tin vào số mạng không?
4- Có người quan niệm rằng, đến chùa phải có nén hương, nải chuối, ngọn
đèn hoặc lễ vật gì, thì họ mới đến, nếu không có những thứ ấy họ không đến
chùa. Như vậy thì thế nào?
5- Có người ăn chay, nhưng ngày chay gặp đám giỗ kỵ cúng mặn. Vậy họ ăn
chay đổi sang ngày khác có được không?
ĐÁP
1-
Người Phật tử có nên xem bói toán không?
Người Phật tử không nên đi xem bói toán, tìm hiểu việc tốt xấu, những điều
này cần phải hoàn toàn bài trừ. Vì lẽ gì phải bài trừ? Vì chúng ta tu theo đạo
Phật thì hiểu được thuyết nghiệp báo, nhân quả luân hồi, nghĩa là làm lành, ắt
được quả lành, làm xấu ắt gặp quả xấu, siêng năng khó nhọc làm việc thì khỏi
túng thiếu, làm biếng nhút nhát thì thiếu trước hụt sau, đó là cái lẽ đương
nhiên. Thử hỏi cần phải tìm kiếm và cầu khẩn nơi ai nữa? Mà nếu ngồi không mà cầu
khẩn thì không ai thèm ngó nữa là nghe. Nếu tìm biết trước được việc xấu thì
tránh cũng không khỏi, cái gì nó đến là nó đến, không thể tránh hay ngăn nó được,
ví như trái cây đến thời nó chín thì nó lìa cành, ta không thể làm cho nó tươi
và ở mãi trên cành được. Nếu ta biết được việc xấu sẽ đến với ta, đương nhiên
là phải lo lắng buồn rầu, mất tinh thần, phân tâm làm tất cả những việc gì, vì
làm sợ cái xấu nó đến, vã lại không còn nghị lực để ưa thích công việc làm, đó
là cho ta thấy cái nguy hại. Đạo làm cho con người đừng ham vui quá mà quên tu,
đừng buồn quá mà trì trệ không hành, đó là hai lối cực đoan cần phải tránh. Còn
nói cái tốt sẽ đến, ta sinh ra tự hào, cho rằng không làm, việc tốt nó vẫn sẽ đến.
Ví như anh học trò gặp năm thi cử, anh bói thầy toán nói, năm này anh đậu, thì
anh cho rằng: Số mình đậu thì có đập đầu vô đá cũng đậu, nói thế rồi không cố gắng
học (không cố gắng học thì bài vở ở đâu mà thi để đậu?). Còn nếu thầy bói nói rớt,
anh cũng lại tin vào số rớt, rồi cũng không thèm cố gắng học, và cho rằng dù cố
gắng cũng rớt. Cuối cùng cả hai đều là tình trạng của sự không làm mà tin vào sự
bói toán để chờ sự kết quả thật là quá viễn vông.
Thử hỏi bói toán, ngồi không, không làm thì của cải vật chất có đến đầy
nhà cho anh không, sao ta không tin vào thực lực của ta? Còn nói cứ khẩn vái
vang cho việc xấu qua việc tốt đến thì ai là ông Thần làm việc đó. Đạo Phật dạy
hãy tin vào sự tu hành, không có một ông Thần nào trên cõi đời này cầm quyền
thưởng phạt ai cả, chỉ có cái nghiệp báo của ta thưởng phạt ta thôi. Sự bói
toán đưa con người đến chỗ mê tín, không tin nơi tự lực của mình. Ta cần phải
biết rằng, chỉ cần tu hành đúng theo lời Phật dạy, bố thí làm lành thì phước
nào không đến hoạ nào không tiêu? Mà nếu ta cố gắng làm lành lánh dữ đúng theo
pháp tu hành mà việc xấu nó cứ đến, thì ta nên vui vẻ mà chấp nhận không oán
trách không than phiền bởi ai, và hiểu rằng đó là những nghiệp xấu ta đã gây từ
bao kiếp trước nay phải trả, trả xong ta được yên lành.
2- Người Phật tử có nên nhương sao nhương hạng trong những này đầu năm
không?
Người Phật tử có không nên nhương sao nhương hạng trong những này đầu
năm. Vì ta đã biết làm tốt gặp tốt, làm xấu gặp xấu, dù có nhương hay không
nhương cũng vậy thôi, sao ta không tin chắc vào sự tu hành? Sự tu hành sẽ giúp
ta diệt cái xấu, thì nghiệp chướng tiêu, làm lành thì tăng phước thọ còn có gì
đâu nữa mà cần phải này nọ.
3- Phật tử có nên tin vào số mạng không?
Phật tử có không nên tin vào số mạng. Vì sao? Số mạng là cái từ của Nho
giáo gọi. Nho giáo đưa ra thuyết số mạng có ý là cái việc gì đó đã vậy thì vậy
chứ không thay đổi được. Ví như số ông A bốn mươi tuổi chết là chết chứ không
thể sống thêm được nữa. Số ông C nghèo là nghèo chứ không thể giàu được. Ta nên
biết thuyết số mạng rất trái ngược và không phù hợp với Phật giáo, thuyết số mạng
theo đạo Phật gọi là “Đoạn kiến”, còn đạo Phật gọi là “Nghiệp”, nghiệp của đạo
Phật cho rằng nghiệp xấu có thể đổi thành nghiệp tốt, nếu biết ăn năn hối cải
cái việc làm của mình từ xưa đến nay đã làm xấu, thì nay hối cải ăn năn làm tốt
làm thiện thì cái hậu quả xấu trước kia sẽ giảm dần và đi đến chỗ trong sạch.
Thí dụ như anh A từ xưa là tên ăn trộm khét tiếng, ai cũng tởm, ai cũng nguyền
rủa, ai cũng trông chờ cơ hội để ám hại anh, ai cũng né tránh anh. Nhưng nay ăn
năng hối cải không trộm cắp mà còn mà còn đem bố thí và tin theo sự tu hành,
thì anh không còn ai mong chờ ám hại, không ai gắt gỏng nguyền rủa anh nữa và
anh được mọi người thân cận. Đó cho ta thấy nghiệp báo dù có nặng nhưng biết tu
hành thì có thể nặng làm cho nhẹ được. Còn theo thuyết số mạng thì khư khư
không thay đổi được, mà nếu khư khư không thay đổi thì tu chi cho mệt xác,
Chúng sanh vẫn là chúng sanh không thể thành Phật được. Đạo Phật ly khai hai
thuyết: 1- Đoạn kiến, 2- Thường kiến. Đoạn kiến cho rằng chết rồi mất, hồn cũng
không, xác mất. Còn Thường kiến thì chết rồi linh hồn còn mãi. Nhưng đạo Phật lại
cho rằng con người chết rồi thì nghiệp thức (linh hồn) tuỳ theo nghiệp thiện hoặc
ác mà thọ báo. Ví như nghiệp quá ác thì khi chết thần thức đoạ vào đại ngục để
chịu khổ, khi hết thọ khổ đoạ vào súc sanh. Còn nghiệp thiện thì trở lại làm
người hoặc làm người ở cõi trời. Cũng một linh hồn mà không biết bao nhiêu là
hình thức, tuỳ theo nghiệp mà chịu quả báo. Ta tu theo Phật, thực hành lời Phật
dạy, sao ta tin cái số mạng thật là quái gở và sai lầm ta cần phải biết.
Tóm lại, ta không nên tin vào thuyết số mạng mà hãy tin vào thuyết nghiệp
báo của Phật.
4- Có người quan niệm rằng, đến chùa phải có nén hương, nải chuối, ngọn
đèn hoặc lễ vật gì, thì họ mới đến, nếu không có những thứ ấy họ không đến
chùa. Những người như vậy thì không được, quan niệm như vậy thì sai lầm. Vì đạo
Phật khác với chỗ quan quyền có lễ vật mới giải quyết công việc cho, nếu như thế
thì người quá nghèo làm sao tu, sao được gọi là bình đẵng?, sao được gọi là độ
hết chúng sanh? Đạo Phật không dành riêng cho người giàu mà bỏ bê người nghèo.
Đạo Phật bao gồm tất cả, đạo Phật đặt trên niềm tin của con người, phát lòng
lành, quyết chí tu hành là được. Cho nên ta phải biết tâm thành hơn là vật
thành. Vả lại ta phân định sự cúng dường. Cúng dường bằng sự vật chất và cúng
dường bằng tinh thần. Vật chất sẽ tiêu hoại theo thời gian, tinh thần thì còn
mãi với thời gian, sao ta lại đòi có vật chất làm lễ vật mới đến chùa. Nếu có
thì càng tốt, không có cũng chẵng sao. Ta xem xét lại xem từ xưa đến nay có ai
đến chùa mà không có lễ vật thì bị loại ra khỏi chùa đâu? Chắc là không bao giờ
có. Nếu mà có quan niệm ấy thì ta đã vô tình thêm chuyện cho đạo ta, làm cản trở
cho những người nghèo, không dám mở mắt mà nhìn đạo. Lòng từ của Phật vô bờ bến,
sao ta từ chối? Ta hãy mạnh dạn lên, không một chút e dè ngần ngại. Còn nếu đợi
cho có lễ vật thì khi nào cho có, bỏ dở thời gian vô ích, để đời trôi qua một
cách oan uổng mà không thẳng tiến lên ư? Cuộc sống ngắn ngủi, đừng đợi chờ mà hết
thời gian, sau hối tiếc là chuyện đã qua rồi.
5- Có người ăn chay, nhưng ngày chay gặp đám giỗ kỵ cúng mặn, họ ăn chay
đổi sang ngày khác. Làm như vậy không được. Không có tinh thần thật sự ăn chay.
Ta nên biết cái tinh thần ăn của đạo Phật là: Ăn để sống chứ không phải sống để
ăn. Ăn không cần ngon hoặc dở, đã nói đi vào con đường tu là phải chịu khó, nhẫn
nhục tối đa, mỗi lần ta ăn được một ngày chay là phải mừng thầm rằng ta khỏi mắc
nợ thịt và tánh mạng của chúng sanh, ta khỏi bị đòi nợ. Nghĩ như vậy được thì
ta vui. Nghiệp chướng nặng nề, vô minh dày đặc, chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau mà
sống, thường tình nên không thấy được tội lỗi bởi do ăn mà ra. Ta tu hành sợ tội
lỗi sao lại thèm thịt chúng sanh ư? Lại bỏ mất ngày chay. Thật đáng buồn thương
cho những người ăn chay mà chưa hiểu nghĩa của ăn chay.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét