RĂN VỀ SỰ NHÀN
RỖI
Người đời ai cũng mong được nhàn rỗi, cho nhàn
rỗi là vui. Hỏi nguyên do thì họ nói:
Khi xưa, vì vinh nhục, phải quấy mà suốt ngày
vất vả làm việc, việc này chưa qua, việc khác đã tới, khiến cho tâm trí mệt mỏi,
thân thể lao nhọc, đến ngay cả trong giấc mơ cũng suy nghĩ về nó. Ngẫm lại, cuộc
đời đâu có được bao lâu? Tìm một ngày an ổn cũng không có, thì dẫu giàu sang đầy
nhà há có lợi ích gì? Do đó, mới buông bỏ tất cả, y muốn vừa đi vừa ca hát, ngồi
lặng lẽ quên hết mọi việc, ngắm trời xanh mây trắng, tiêu sái vượt ngoài sự vật.
Hoặc có kẻ muốn né tránh sự dạy bảo của cha mẹ, của thầy, chán ghét cõi trần
lao, sợ phải mưu sinh, nên tìm cách trốn tục quên đời cho thoả chí.
Bận rộn khiến cho cả thân và tâm đều mệt mỏi,
lời ấy quả không sai! Nhưng cứ nhàn rổi, ngồi không cho qua ngày tháng, thì có ích lợi gì cho lẽ sống? Cả hai trường
hợp ấy đều chưa vượt ra khỏi vọng tình của sự ưa và ghét. Xưa bậc Thánh nhân có
nói: “Hai tướng động và tỉnh rõ ràng chẳng sanh, chính là bảo chúng ta không
nên chối bỏ sự bận rộn mà ưa thanh nhàn rỗi”.
Ngoài thế gian, kẻ muốn học đạo nhập thế, nếu
không cần cù chịu khó thì chẳng kể việc lớn việc nhỏ đều không thể thành tựu được.
Cũng vậy, nếu ngộ cuộc đời là giả tạm và muốn nghiên cứu cho tỏ tường đạo xuất
thế của Thánh hiền, mà không chịu quên ăn, bỏ ngủ, thì dẫu căn cơ bén nhạy mấy
cũng không có kết quả gì, huống là trì độn ư?
Xưa kia Đại sĩ Tuyết sơn đã từng xả bỏ thân mạng
vô số vi trần, phụng sự thiện tri thức như cát sông Hằng, từ vô số kiếp đến nay
trải qua biết bao nhiêu thử thách và chướng nạn, ấy cũng chỉ vì muốn cho người
đời sau biết rằng đạo không phải dễ dàng mà được nghe! Cho nên, đạo nhập thế lập
ra trung với vua, hiếu với cha mẹ, muốn thông suốt nghĩa này không thể vội
vàng. Còn đạo xuất thế thì phải lựa thầy chọn bạn, sớm chiều thưa hỏi mới mong
có ngày ngộ được bản tâm, lại càng không nên vội vàng. Đã có được nghĩa trung
hiếu, lại còn sáng tỏ bản tâm, thì sẽ thấy thân thể vững vàng như núi Thái, tâm
vô vi như thái hư, khi ấy há có thể đem một chữ nhàn này ra so sánh được? Nếu học
đạo nhập thế chưa rõ nghĩa trung hiếu, học đạo xuất thế chưa sáng tỏ bản tâm,
mà chỉ khư khư ôm giữ nhàn rỗi, vô ưu vô lự, không chịu nổi một chút lao nhọc,
thì kẻ ấy bị bậc Thánh quở trách là người không biết xấu hổ. Đã là người không
biết xấu hổ, sao lại ưa sự nhàn rỗi để rồi phải cõng lên mình mấy chữ không biết
xấu hổ ấy ư?
Vì thế, ta viết ra đây mấy dòng, để răn nhắc mọi
người chớ có nên nhàn rỗi./.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét