NIỆM PHẬT BAO QUÁT VẠN HẠNH
Trong Kinh Phật thuyết A Di Đà căn bản bí mật thần chú có một đoạn như
sau: “ Danh hiệu của đức Phật A Di Đà đầy đủ vô lượng vô biên, bất khả tư nghị,
thậm thâm bí mật, thù thắng vi diệu, công đức vô thượng. Vì sao vậy? Trong ba
chữ A Di Đà có mười phương ba đời tất cả chư Phật, tất cả chư Bồ tát, thanh
văn, a La hán, cho nên danh hiệu của đức Phật A Di Đà chính là pháp Đại thừa vô
thượng chân thật chí cực; chính là danh hiệu vô thượng thù thắng thanh tịnh liễu
nghĩa, chính là đà la ni vô thượng tối thắng vi diệu.”
Rồi nói kệ rằng:
Chữ “A”, mười phương tam thế Phật
Chữ “Di”, tất cả chư bồ tát,
Chữ “Đà”, tám vạn các thánh giáo
Thảy đều có đủ trong ba chữ.
Y báo, chánh báo cõi Phật A Di Đà đều nằm trong sáu chữ Hồng danh. Công đức
của Phật rộng như biển lớn, rộng không
thấy bờ, sâu không thấy đáy. Công đức như vậy ta làm sao đạt được? Oai thần
công đức của Phật vô lượng vô biên, đem tâm trí suy tư của phàm phu không thể
nghĩ bàn. Chỉ có lòng tin và niệm Phật thì mới cảm nhận được.
Danh hiệu Di Đà vạn đức
Không nguyện nào chẳng rộng sâu
Không hạnh nào chẳng đầy đủ
Không Phật nào chẳng quán triệt.
Niệm sáu chữ hồng danh cũng tức niệm 48 nguyện. Bốn mươi tám nguyện nằm
trong sáu chữ hồng danh. Cho nên nói không hạnh nào chẳng đầy đủ, không nguyện
nào chẳng sâu, nguyện nào cũng thành tựu cả.
Không Phật nào chẳng quán triệt, chúng ta xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật
thì đã niệm tất cả chư Phật rồi, nên nói quán triệt. Công đức của tất cả Phật cũng đều dung nhiếp trong sáu chữ danh hiệu.
Trong Pháp sự tán, đại sư Thiện Đạo có một bài kệ:
Như Lai xuất hiện đời ngũ trược
Tuỳ nghi phương tiện dạy quần sanh
Hoặc thuyết đa văn để hoá độ
Hoặc thuyết thiểu giải chứng tam minh
Hoặc dạy phước huệ để trừ chướng
Hoặc dạy thiền quán, toạ tư lương
Cả thảy pháp môn đều giải thoát
Chẳng bằng niệm Phật vãng Tây phương
Trên suốt một đời, dưới mười niệm
Ba niệm, năm niệm, Phật lai nghinh
Vì Di Đà hoằng thệ lớn
Cho dẫu phàm phu niệm liền sanh
Các pháp Đa văn, thiểu giải, phước huệ, thiền quán, tất cả các pháp môn,
tu trì đúng pháp thì được giải thoát sanh tử luân hồi. Nhưng những pháp này đều
là “phương tiện tuỳ nghi” của đức Thế Tôn, đều sánh không kịp với niệm Phật
vãng sanh, nên nói là “chẳng bằng niệm Phật vãng Tây phương” không pháp môn nào
có thể vượt hơn việc niệm Phật vãng Tây
phương. Vì sao nói niệm Phật hơn các pháp kia, vì các pháp kia nếu không phải
thượng căn lợi trí thì không thể tu nỗi.
Người có duyên gặp pháp môn sớm, thì niệm suốt một đời, người thiếu duyên
lúc gần mạng chung mới gặp, chỉ niệm ba niệm, năm niệm, mười niệm cũng được
vãng sanh. Tại sao pháp môn niệm Phật quá đơn giản vậy? chỉ cần niệm ba câu,
năm câu là Phật đến rước?. “Vì Phật Di Đà hoằng thệ lớn”. Chính vì thệ nguyện lớn
của Phật A Di Đà, sâu nặng, không hư giả. Khi niệm Phật, Phật có ngay chẳng cần
đợi giờ sau, ngày mai hay tháng sau, năm sau. Ngay trong một niệm Phật, lập tức nguyện, hạnh đầy đủ, lập tức thiện
căn đầy đủ, chắc chắn vãng sanh.
Có người nói: “Người thiện niệm Phật mới có thể vãng sanh, người ác niệm
Phật, e không thể vãng sanh”, cách nghĩ như vậy là pháp đối đãi. Nói theo tương
đối thì người thiện mới có thể được vãng sanh, người ác thì vô phần. Thế nhưng,
đối với pháp niệm Phật, sáu chữ danh hiệu chẳng phân biệt thiện ác, người thiện
hay người ác niệm Phật đều được vãng sanh, nên gọi “dứt tuyệt đối đãi”. Pháp
môn niệm Phật dứt bặt đối đãi, cho nên nói là “cứu cánh như hư không, rộng lớn
không ngằn mé, tuyệt đối viên dung, pháp môn chẳng phân biệt đối đãi, như vậy mới
gọi là pháp viên dung vô ngại.
Một niệm Di Đà, không niệm khác
Chỉ trong khoảnh khắc đến Tây phương
Chẳng cần tam kỳ tu phước huệ
Chỉ cần sáu chữ thoát luân hồi
Lạ thay! Một niệm siêu thập địa
Nào ngờ sáu chữ nhiếp tam thừa
Nếu ai hay niệm A Di Đà
Đây là thiền thâm diệu vô thượng.
Những văn Kinh pháp ngữ ở trên, toàn bộ đều nói: Niệm Phật tốc siêu tốc
chứng. Danh hiệu là thật tướng, là công
đức chân thật, nên ai tin nhận, xưng danh thì cũng đạt được công đức chân thật.
Đã được công đức chân thật thì quyết định được vãng sanh.
Dù thân phận phàm phu, dù tu đủ các pháp vi diệu, nhưng vì tác dụng của
ngã chấp nên đều trở thành pháp hữu vi hữu lậu. Tụng Kinh Kim Cang, mà chẳng thể
phá được bốn tướng ngã, nhân, chúng sanh, thọ mạng; học Kinh Pháp Hoa, mà chẳng
thể ngộ được thật tướng của các pháp; học Kinh Hoa Nghiêm cũng thể chứng nhập
pháp giới quán. Những thứ này đối với chúng ta đều không thể gọi là như thật tu
hành, chẳng phải là hạnh thật tướng. Còn xưng niệm Nam mô A Di Đà Phật thì
không giống như vậy, đều được gọi là hạnh thật tướng, chỉ nằm trên một phương
diện, đó là: Một hạnh xưng danh siêu việt vạn hạnh.
Tu pháp niệm Phật, vạn người tu vạn người được vãng sanh. Tu hành các
pháp khác, chẳng thể vạn người vạn người thành tựu, thậm chí trong số vạn người
cũng khó được một hai người. Đây là chỗ siêu việt thù thắng của niệm Phật.
Đại sư Thiện Đạo nói: Nếu chuyên
tâm nhất ý niệm Phật thì mười người được vãng sanh mười người; còn tạp tu, chẳng
chí tâm thì trong một nghìn người không có được một người vãng sanh. Vì vậy, chuyên tu niệm Phật vượt hơn tạp hạnh
tạp tu.
Đại sư Thiện Đạo nói ba bài kệ:
(1)-Nếu người nào được nghe
Danh hiệu Phật A Di Đà
Hoan hỷ trong một niệm
Đều được sanh về Cực Lạc
(2)- Dẫu lửa đốt đại thiên
Vừa nghe danh hiệu Phật
Nghe rồi hoan hỷ khen
Đều được sanh Cực Lạc.
(3)- Tam bảo diệt vạn năm
Kinh này trụ trăm năm
Khi ấy nghe một niệm
Đều được sanh Cực Lạc.
Thời đại pháp diệt, chúng sanh niệm Phật còn được vãng sanh, huống gì
trong thời hiện tại? Vì vậy, chẳng có ai là không được vãng sanh. Pháp môn niệm
Phật chân chính là vạn người tu vạn người vãng sanh, vạn căn cơ chẳng bỏ sót một
ai, bất kỳ thời đại nào, bất kỳ trình độ nào cũng không bị rơi rớt lại.
Thiền sư Vĩnh Minh có bốn bài kệ trứ danh là Tứ liệu giản, trong đó có
nói:
Không thiền, có Tịnh Độ
Vạn tu, vạn người đắc
Đã thấy Phật Di Đà
Lo gì chẳng khai ngộ
Tuy tham thiền không khai ngộ, nhưng nếu niệm Phật nguyện sanh Tịnh Độ,
thì vạn người tu, vạn người được vãng sanh. Chỉ cần diện kiến Phật A Di Đà, còn
lo gì chẳng được khai ngộ?
Có thiền không Tịnh Độ
Mười người, chín sai lộ
Khi ấm cảnh hiện tiền
Lập tức chạy theo nó.
Dù tham thiền được đại triệt đại ngộ, nhưng không niệm Phật cầu sanh Tịnh
Độ, thì một khi mạng này chấm dứt, ấm cảnh hiện ra trước mắt, trong khoản chớp
mắt không thể làm chủ, thì liền theo nghiệp lực, bị cuốn trở lại vào luân hồi lục
đạo.
Chỉ cần niệm Phật, Niệm Phật cũng chẳng khó, chỉ mở miệng là “Nam mô A Di
Đà Phật”. Không tin, không nguyện, không
niệm Phật, như vậy thì không thể vãng sanh. Chỉ cần tin tưởng, chỉ cần phát
nguyện, chỉ cần niệm Phật, thì ai ai cũng đều được vãng sanh, nên gọi là “vạn
người tu, vạn người đắc”.
Những pháp ngữ trên đây, giúp
chúng ta nảy sinh được tâm tin sâu, nguyện vãng sanh, nguyện niệm Phật.
Đại sư Thiện Đạo trong bài kệ tán có nói:
Sáu phương Như Lai hiện lưỡi chứng
Chuyên xưng danh hiệu, đến Tây phương
Đến nơi, hoa nở, nghe diệu pháp
Nguyện, hạnh Thập địa tự nhiên thành.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét