CÁC KINH ĐỀU NÊU NHỮNG CHƯỚNG NẠN
CỦA CHÚNG SANH
Kinh Địa Tạng nói: “Chúng sanh trong cõi Nam diêm phù đề, khởi tâm động
niệm, không có gì không phải là nghiệp, không có gì không phải là tội.”
Kinh Vô Lượng Thọ nói: “Chúng ta là những chúng sanh ở trong đời ngũ ác,
ngũ thống, ngũ thiêu. Tâm thường nghĩ ác, miệng thường nói lời ác, thân thường
hành việc ác”.
Kinh A Di Đà nói: “Chúng ta là chúng sanh ác trong đời ác năm trược, phiền
não ác, tà ác tràn đầy”.
Quán Kinh nói: “ Chúng ta là chúng sanh “trược ác, bất thiện, năm khổ bức
bách, bị giặc phiền não làm hại”.
Các Kinh đều nói chúng sanh đang ở trong cảnh khổ. Vì thế các tổ sư đều
đánh giá chúng ta và chúng sanh rằng.
Nhất định tin chắc rằng, mình hiện
đang là một phàm phu sanh tử tội ác, từ muôn kiếp đến nay, thường trầm luân
trong khổ thú, thường lưu chuyển, không có cơ hội thoát ra. Vì không có cơ hội
để thoát ra, nên cần phải nương vào đại nguyện lực của Phật A Di Đà. Một phen mất
thân người, muôn kiếp khó gặp lại, vì thế nên cơ hội để cầu thoát khỏi. Cơ hội
chỉ có một, không hai, nên cần phải gấp tín và niệm Phật cầu vãng sanh.
Chúng sanh đời ác trược, làm thiện thì ít, làm ác lại nhiều, làm thiện
thì lười biếng, không siêng năng, mới đầu mạnh mẻ sau thối tâm dần dần. Còn làm
ác thì tâm thần dũng mãnh, ưa thích, ưa làm luôn luôn không dừng nghĩ. Ác nghiệp
bao giờ cũng lấn thiện nghiệp. Vì thế, làm sao để tu tập, để thoát, cho nên nói
khó trong cái khó là vậy.
Đại sư Đàm Loan nói rằng:
Ta từ vô thuỷ theo ba cõi
Vì bị chuyển xoay theo hư vọng
Mỗi thời, mỗi khắc đều tạo nghiệp
Lục đạo trói chân, vướng tam đồ.
Chúng sanh từ vô thỉ kiếp đến nay, bị trôi lăn xoay vần tới lui trong tam
giới, chưa từng vượt qua, chưa từng ra khỏi, việc gì cũng hành xử theo vọng
tâm, tạo tác theo vọng nghiệp, tất cả đều hư vọng, không có một chút chân thật.
Vì thế thường hay xoay vần trong biển khổ, không thể thoát ra được.
Một ngày có tám vạn bốn ngàn niệm,
niệm nầy khởi niệm kia diệt, không dừng, mỗi phút giây đều tạo nghiệp, đủ
đưa chúng ta cầm tù trong lục đạo, nhận chìm trong ba đường ác. Một niệm như vậy,
huống chi niệm niệm, chúng ta làm cách nào để thoát ra được. Nếu nói tự dựa vào sức mình, thì sức gì? Chỉ
toàn là sức tạo nghiệp. Sức nghiệp đã huân tập từ vô thỉ kiếp, nên nó rất mạnh,
nó đưa người vào địa ngục nhanh như tên bắn.
Những lời ở trên là những lời khuyên nhắc từ tận tâm cang của chư tổ sư,
hy vọng chúng ta mau thức tỉnh, nương nhờ vào Phật lực mà cầu thoát khổ.
Bồ tát Long Thọ nói rằng: “Đạo khó hành, sở dĩ khó vì hoàn toàn dựa vào sức
mình; đạo dễ hành, sở dĩ dễ, vì hoàn toàn nương vào sức Phật. Ngài khuyên chúng
ta nên tin vào đại nguyện lực của Phật A Di Đà. “ Kẻ hậu học nghe tha lực có thể
nương nhờ thì phải nên sinh tín tâm”. Đây là lời kết luận của đại sư Đàm Loan.
Mỗi người chúng ta, nếu không niệm Phật, chẳng chịu tu hành, thì liền thuận theo bản tánh, tham, sân, si của mình,
thuận theo ác duyên, của thân, khẩu, ý đã tạo tác, xu hướng tất nhiên phải đi
trong lục đạo luân hồi. Đây là nghiệp lực dẫn dắt, nghiệp lực do chính mình tạo,
tự nhiên dẫn dắt chúng ta, đi trong sáu nẻo luân hồi.
Nếu chúng ta tin vào tha lực của Phật A Di Đà, chúng ta thay đổi nghiệp lực
tạo tác qua nguyện lực của Phật A Di Đà, thì chúng ta sẽ được vãng sanh. Cũng
như người lái tàu, quay đầu tàu hướng về Nam thì sẽ đến Sài gòn, bằng không thì
tàu cứ đi mãi về hướng Bắc, tàu sẽ không bao giờ đi về hướng Nam được. Cũng vậy,
chúng sanh không biết quay đầu về hướng giải thoát, thì không bao giờ ra khỏi
khổ luân hồi sanh tử.
Ví như đêm tối mênh mông chúng ta thắp một ngọn nén, ánh sáng ngọn nén chỉ
chiếu sáng trong phạm vi ba mét, những khoản tối cách xa 100 mét, ánh sáng ngọn
đèn khó chiếu tới để trừ bóng đêm âm u thì không thể được. Thế nhưng, một khi mặt
trời xuất hiện, thì bao nhiêu bóng tối đều tiêu tan hết. Ánh sáng ngọn nén dụ
cho tự lực, ánh sáng mặt trời dụ cho tha lực, đêm tối mênh mông dụ cho sanh tử
lưu chuyển. Một ngọn nén nhỏ dụ cho sự tu hành ít ỏi, yếu ớt của chúng ta.
Chúng ta ỷ sức tu hành của mình, muốn phá màng đêm vô minh, phá trừ sự lưu chuyển
sanh tử của mình, hẳn nhiên là rất khó, gian nan. Nếu như, niệm Phật để cầu
thoát khổ sanh tử thì danh hiệu Nam mô A Di Đà Phật, tựa như vầng thái dương,
ánh sáng chiếu xuống sẽ xua tan đi những tăm tối, khi đêm đen không còn, tự
nhiên bừng sáng. Người ngu si không cần lo lắng, sự cứu độ của Phật A Di Đà,
cũng vô cùng dễ dàng như vậy.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét