Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

TIẾP ĐỘ CHÚNG SANH BẰNG ÁNH SÁNG VÀ DANH HIỆU

 

TIẾP ĐỘ CHÚNG SANH BẰNG ÁNH SÁNG

VÀ DANH HIỆU

Trong Kinh Vô Lượng Thọ nói: Đức Phật A Di Đà dùng ánh sáng và danh hiệu của Ngài để nhiếp hoá chúng sanh. Dùng quang minh danh hiệu nhiếp hoá mười phương chúng sanh. Ngài dùng danh hiệu của mình để nhiếp thọ, dẫn dắt mười phương chúng sanh. Đây chính là nguyện thứ 18, “Mười phương chúng sanh, xưng niệm danh hiệu của Tôi để vãng sanh”.

Đức Phật A Di Đà có ánh sáng vô lượng, chiếu khắp mười phương các cõi nước, không hề chướng ngại, cho nên hiệu là A Di Đà. Danh hiệu và ánh sáng của Phật là nhất thể, danh và thể không hai. Danh hiệu của Ngài cũng chính là quang minh của Ngài. Chúng ta niệm Phật trên thân có Phật quang, chúng ta niệm Phật liền được nhiếp thủ trong quang minh của Phật. Vì danh hiệu và quang minh của Ngài không hề tách biệt, cho nên gọi là quang minh danh hiệu. Nhiếp hoá mười phương nghĩa là nhiếp thọ và giáo hoá chúng sanh khắp mười phương, chỉ cần chúng ta xưng niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà, Ngài liền nhiếp thủ chúng ta. Nhiếp thủ chính là ý nghĩa cứu độ.

Chúng ta  “chỉ cần tín tâm cầu niệm” rất đơn giản, chỉ cần làm như vậy. Tín tâm tin theo không chút nghi ngờ. “Cầu” là  cầu nguyện vãng sanh; “niệm” là niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Thông thường hay nói “Tín, nguyện, hạnh” đó chính là “tín tâm cầu nguyện”. Một ngày niệm nhiều hay niệm ít tuỳ theo căn cơ, như ăn cơm tuỳ bụng mà ăn, không gấp không hoãn, chẳng nhiều, chẳng nhiều chẳng ít.

Tuy nhiên, vì phàm phu quen theo thói lười biếng, nên cần phải có kỷ cương. Vì thế có hai cách niệm Phật. Tuỳ duyên niệm Phật và định kỳ niệm Phật, tức đi, đứng, nằm, ngồi đều niệm Phật, bất luận ở đâu và lúc nào cũng có thể niệm được. Thứ hai là định kỳ niệm Phật, tức trong 24 giờ mỗi ngày, chúng ta quy định một hay hai lần, ngồi lại một chỗ niệm Phật, tốt nhất là trước bàn Phật. Ngày ngày, đêm đêm đều như thế không lui không sụt. Thì sự niệm Phật của chúng ta mới có năng lượng và có sự kết nối với từ lực và nguyện lực của Phật A Di Đà. Chúng ta xưng niệm Nam môA Di Đà Phật, thì trong tâm chúng ta, đã kết cái quả vãng sanh rồi, đã ở trong tâm bồ đề, chính là kết nối với thế giới Cực Lạc, thì sao chúng ta lại không được vãng sanh. Nhất định vãng sanh.

Niệm Phật có năng lượng thuần thục rồi, như cá cắn câu sớm muộn gì cũng được vớt ra khỏi nước. Niệm Phật vãng sanh cũng vậy, sớm muộn gì cũng ra khỏi Ta bà. Chúng ta chính là cá, còn nước tượng trưng cho biển sanh tử. Đức Phật A Di Đà muốn vớt chúng ta ra khỏi biển sanh tử, đưa lên bờ Niết bàn, Ngài thả lưỡi câu xuống để kéo chúng ta lên, lưỡi câu này chính là sáu chữ hồng danh Nam mô A Di Đà Phật.

Có người nói, tôi còn khoẻ còn trẻ mới ba mươi tuổi, tôi không thích vãng sanh. Nếu có người nói như thế, thì bạn khuyên họ niệm Phật A Di Đà, họ sẽ được bình an, mạnh khoẻ, hết bịnh, phát tài phát lộc v.v.. nghe nói  niệm Phật có lợi như thế là họ tin, tha thiết niệm Phật. Niệm Nam mô A Di Đà Phật, như vậy cá đã cắn câu rồi đấy, chẳng bao lâu họ sẽ được vãng sanh.  Vì thế người nào chưa tin niệm Phật cầu vãng sanh, thì ta khuyên họ niệm Phật cầu tài, cầu lộc, cầu mau mắn, cầu hết bịnh.v..v… Họ niệm đến lúc nào đó năng lực của câu Phật hiệu sẽ chuyển tâm ý họ hướng về cầu vãng sanh. Vì đức Phật A Di Đà đã phát lời thệ nguyện sâu rộng: “Khi Tôi thành Phật mười phương chư Phật đều khen ngợi danh hiệu Tôi”. Khiến mỗi chúng sanh đều nghe được danh hiệu của Tôi. Chỉ nghe danh hiệu còn có công đức, huống nữa là niệm danh hiệu, lại không có công đức sao? (nhiều người nghe danh hiệu Phật mà ngủ ngon giấc, hết buồn lo,  an tâm v.v…) vì năng lượng công đức danh hiệu mà có sự mầu nhiệm như thế.

Trong một bữa cơm, người mẹ hỏi các đứa con rằng: Cơm này từ đâu đến, các con lần lược trả lời: Từ nồi cơm đến, từ bát đến, từ ngoài chợ đem về…không câu nào trả lời đúng cho câu hỏi của người mẹ. Người mẹ mới nói các con trả lời chưa đúng, cơm này có ra  từ những người nông dân, chân lấm tay bùn, khó khổ với sức người sức trâu cày kéo mới có hạt cơm nầy, mới có ra hạt cơm cho chúng ta ăn ngày hôm nay vậy. Cũng thế, câu danh hiệu Phật  Nam mô A Di Đà Phật, có từ sự huân tu vô lượng kiếp của ngài Pháp Tạng Tỳ kheo, nhiều kiếp tu hành khó khổ mà nên. Cũng như lời dạy của đức Phật Thích Ca Mâu Ni mà chúng ta hôm nay, được nghe được học tập, có từ sự rời bỏ hoàng cung của Thái tử Tất Đạt Đa, để đi tầm đạo.  Sáu năm khổ hạnh ở rừng già, bốn chín ngày đêm  tham thiền nhập định chứng thành đạo quả, để hôm nay chúng ta mới có pháp học  pháp tu ra khỏi con đường khổ đau sanh tử. Biết vậy, chúng ta phải siêng năng tinh tấn và trân quý lời dạy của Phật, tu hành không lơ là, cho qua ngày đoạn tháng.

Đức Phật Thích Ca dùng âm thanh, lời nói để hoá độ chúng sanh, còn Phật Di Đà dùng ánh sáng và danh hiệu của mình để nhiếp hoá chúng sanh.  Quán Kinh nói, đức Phật A Di Đà có tám vạn bốn ngàn tướng, mỗi tướng có tám vạn bốn ngàn hảo,  mỗi một hảo tướng có tám vạn bốn ngàn tia sáng. Ánh sáng nhiều như vậy là để nhiếp thủ chúng sanh, không bỏ sót một chúng sanh nào, xưng danh hiệu của Ngài.  Như vậy chúng sanh nào niệm danh hiệu của Ngài, Nam mô A Di Đà Phật tức liền nhiếp vào ánh sáng của Phật. Khi đã nhiếp thủ vào trong ánh sáng thì chúng sanh ấy trước sau gì cũng được vãng sanh, nên nói niệm Phật chắc chắn được vãng sanh.

{]{

TIẾP ĐỘ CHÚNG SANH BẰNG ÁNH SÁNG VÀ DANH HIỆU Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét