CƠ VÀ PHÁP
Cơ là căn cơ, pháp là giáo pháp của Phật. Theo Tịnh Độ tông, cơ là chúng
sanh, pháp là chỉ cho sự cứu độ của Phật A Di Đà. Chúng sanh hợp cơ, hợp pháp
thì tu mới có thành công, có kết quả. Cơ có nhiều cơ, pháp cũng có nhiều pháp.
Chung quy có một mục đích là làm cho chúng sanh hết khổ. Cũng vậy, ở bệnh viện
có quầy thuốc, có rất nhiều loại thuốc. Bác sĩ căn cứ vào bệnh lý của mỗi người
bệnh để chọn thuốc cho thích hợp của mỗi con bệnh. Uống thuốc đúng bệnh thì thuốc
mới hiệu nghiệm. Vì thế, người tu học cũng vậy, tin sâu vào cơ và pháp, tức
chúng ta tin vào căn cơ yếu kém của ta đang trong thời mạt pháp, và tin pháp
môn Tịnh độ, để nương vào bản nguyện Phật A Di Đà, niệm Phật cầu vãng sanh là
phương pháp duy nhất.
Điều quan trọng ở đây là tự biết mình, tự lượng được căn cơ của bản thân
mình. Khi đã nhận biết căn cơ của mình không đủ thì phải nương nhờ tha lực, tức
nương nhờ bản nguyện Phật A Di Đà. Biết ta đang là phàm phu, không phải là
Thánh, không phải thiện, chưa giải thoát, tất nhiên phải nương nhờ tha lực.
Thiền tông rất hiếm khi nói “Ta là phàm phu”, mà thường cổ vũ chúng ta “xưa
nay là Phật, Phật là phật đã thành, ta là Phật sẽ thành, phải có khí khái của bậc
trượng phu, chẳng nên tự khinh mình”. Tịnh
Độ tông và Thiền tông đứng trên hai góc độ khác nhau. Như vậy, các pháp môn tu
hành khác cũng đều đứng trên cảnh giới lý tưởng. Chúng ta xưa nay là Phật, từ bổn
địa giác tánh mà hạ thủ công phu, chúng ta được gán cho cái “mác” cao vót như vậy,
nhưng rót cuộc vẫn là một phàm phu.
Pháp môn Tịnh độ đổi góc độ, đổi phương hướng, đứng trên lập trường, hiện
tại ta là phàm phu, để khế nhập tu theo pháp môn Tịnh độ không hạn cuộc theo
khuôn khổ xưa nay, không hạn cuộc quan điểm của Thiền tông, Mật tông, Luật tông
.v..v…
Đại sư Ấn Quang nói: “Pháp môn tu hành có hai loại khác nhau. Nếu dựa vào
sức mình tu giới, định, huệ để đoạn hoặc chứng chơn, liễu sanh thoát tử, thì gọi
là pháp môn thông đồ (pháp môn phổ thông, đường lối của Thánh đạo môn). Nếu đầy
đủ lòng tin chân thật, tha thiết mong mỏi, trì niệm danh hiệu Phật, nương vào sức
từ bi của Phật được vãng sanh Tây phương thì gọi là pháp môn đặc biệt. Pháp môn
“thông đồ” là pháp môn mang tính cách phổ thông. Pháp môn “đặc biệt” là pháp
môn rất đặc biệt, chẳng giống các pháp môn khác.
Đại sư Ấn Quang nói “Phật pháp có vô lượng pháp môn, tất cả các pháp môn
dù là Đại thừa hay Tiểu thừa, Quyền giáo
hay Thật giáo, đều phải tu giới, định, tuệ, đoạn trừ tham sân si, phải dẹp sạch
trơn, chẳng còn chút nào, thì mới có khả dĩ được liễu sanh thoát tử. Điều này
khó tựa hồ như đi lên trời, chẳng phải là chỗ cho hạng phàm phu đầy trói buộc
như chúng ta có thể mơ ước.”
Đại sư Ấn Quang ngài than: “Thật đau lòng, từ xưa đến nay, nhiều người tự
nhận là đang hoằng dương Phật pháp, cho là đang hoằng dương pháp môn Tịnh độ,
nhưng họ lại đem quan điểm của pháp môn thông đồ để giảng pháp môn Tịnh độ. Tự
cho là hoằng pháp lợi sanh, nhưng thực chất là đang làm hại chúng sanh, làm chướng
ngại Phật pháp, mà tự mình cũng chẳng biết”.
Tu pháp môn Tịnh độ, không nói xưa nay ta là Phật, mà nói chúng ta đang
là phàm phu. Tự nhận là phàm phu điên đảo, tội chướng, khổ não, đầy dẫy tạp niệm,
là tội ác, sẽ đi vào con đường hiểm sanh tử. Có quan niệm như vậy, mới có tâm
mong cầu thoát khỏi, có tâm mong cầu nương tựa Phật, mong cầu vãng sanh.
Chúng ta là phàm phu trong biển sanh tử tội lỗi đau khổ như vậy, tự mình
không thể bơi vào bờ được, biển khổ mênh mông không bờ bến, chúng ta không biết
phương hướng nào để vào bờ. Trong lúc ấy có chiếc thuyền mời gọi đưa chúng ta
vào bờ, nếu chúng ta không chịu nương thuyền vào bờ, thì không biết chừng nào
chúng ta thấy được bờ, huống nữa được vào bờ. Biển khổ mênh mông như vậy, với sức
tự lực của chúng ta không thể nào ra khỏi bể khổ được, vì thế phải nương vào
tha lực.
Thân người rất khó được mà lại dễ mất, còn chúng sanh trong ba đường, địa
ngục, ngạ quỷ, súc sanh, pháp duyên rất khó gặp, nếu có gặp cũng không thể
nghe, không thể hiểu được Phật pháp. Chúng ta được thân người là cơ duyên rất tốt,
để học để tu so với chúng sanh trong ba đường kia. Thời gian sống làm thân người
rất ngắn, không quá bảy tám mươi năm, khó sanh lại dễ mất. Còn chúng sanh trong
ba đường ác, dễ vào mà khó ra, thời gian cả vạn muôn năm chưa chắc ra khỏi. Bởi
thế tu pháp môn Tịnh độ một đời ra khỏi sanh tử, là điều đặc biệt trên các điều
đặc biệt. Chúng ta đang có cơ hội để thoát mà không chịu hồi đầu, ngoài ra chẳng
có cơ hội nào để được thoát, chẳng có hy vọng nào.
Đức Phật A Di Đà vì chúng sanh phát 48 nguyện, vì chúng sanh mà kiến lập
cõi Tịnh độ, kêu gọi chúng sanh quay về quê hương Cực lạc. Vậy chúng ta quyết định tin sâu vào bản nguyện của Phật A Di Đà. Nhất
hướng chuyên niệm A Di Đà. Ngài vì chúng ta mà phát 48 nguyện như vậy để làm
gì? Là để nhiếp thọ chúng sanh, để cứu độ
chúng sanh. Vì thế chúng ta vô nghi, vô lự, là chẳng nghi ngờ chẳng lo lắng.
Chúng sanh mê muội, nghiệp chướng dẫy đầy, con đường đại lộ không chịu
đi, lại chọn con đường nhỏ hẹp khúc khuỷu quanh con, đầy nguy hiểm, lại chen lấn
nhau, thật quá đáng thương!
“Thiên đường hữu lộ vô nhân đáo
Địa ngục vô môn hữu khách tầm”.
Con đường dẫn đến thiên đường thì không ai đến. Địa ngục không cửa mà nhiều
người tìm. Cũng vậy, nơi tu tập thanh vắng, không ai đến, còn những chỗ vui
chơi, giải trí, ăn nhậu thì lượng người đông nghịt. Nơi thanh vắng là nơi thiên
đường, nơi đông người là chỗ địa ngục. Vì nơi đó đáp ứng đầy đủ nhu cầu cho ngũ
dục, là nơi sát sanh, tạo nghiệp.
Pháp khó và pháp dễ: Như việc xây
nhà, tu các pháp môn khác như việc xây nhà, là pháp tu thông thường. Khi làm
nhà người ta phải chủng bị vật liệu, nhân công và đào móng. Mới tiến hành từng
bước, cuối cùng mới hoàn thành ngôi nhà để ở. Còn tu pháp môn Tịnh độ thì không
như vậy, là pháp dễ tu, pháp nương tha lực. Đức Phật A Di Đà xây dựng hoàn tất
ngôi nhà rồi, chỉ mời chúng ta vào ở. Chúng ta như một đứa con nghèo thiếu, Phật
như cha mẹ giàu có, nên việc xây dựng sẳn nhà cho con ở là việc bình thường. Đứa vào nhà ở không đòi hỏi một điều kiện nào. Phật
thương chúng sanh đau khổ còn hơn cha mẹ thương con là vậy. Cha mẹ thương con chỉ
một đời, còn Phật thương chúng sanh nhiều đời. Vì thế chúng ta không nghi ngờ,
không lo lắng việc vãng sanh.
Dựa vào tự lực, cũng như việc xây nhà thì rất khó, rất khổ, rất lâu. Có
người nói rằng, tôi không còn phiền não, không còn vọng tưởng, tâm phải thanh tịnh,
mới được vãng sanh, tôi phải có trí tuệ, có công đức mới được vãng sanh. Những
suy nghĩ như thế đều là sai lầm, niền tin không thật, so với bản thệ nguyện của
Phật A Di Đà, chẳng phù hợp. Mà phải tin tôi là phàm phu, là nghiệp chướng tội
lỗi, tôi tin vào bản nguyện Phật A Di Đà, sẽ nhiếp thọ tôi, vì thế tôi cầu vãng
sanh Tịnh độ.
Hãy tin vào nguyện lực từ bi của Phật sẽ giúp cho chúng sanh phàm phu tự
hoá giải hết vọng tưởng nghiệp chướng phiền não, để thể nhập vào thế giới Cực lạc.
Ví như ly nước đục, dùng cái lọc, lọc thế nào cũng không hết đục. Nhưng chỉ cần
một cục phèn chua bỏ vào ly nước đục, để yên thì nước đục lắng xuống, nước
trong hiện lên. Không phải nhọc công tốn sức mà có nước trong. Năng lực nhiếp
thọ của Phật cũng vậy, chúng ta không cần lo lắng hết vọng tưởng hay còn vọng
tướng mới được vãng sanh. Niệm Phật không cần khai ngộ, không cần tâm thanh tịnh, không cần hết vọng
tưởng, mà vẫn được vãng sanh. Tin chắc như thế, phải có tư tưởng như thế, thì
chắc chắn sẽ vãng sanh, chắc Phật A Di Đà sẽ tiếp thọ ta không chút nghi ngờ.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét