Thứ Sáu, 11 tháng 10, 2024

NHÂN VÀ DUYÊN CỦA SỰ NIỆM PHẬT

 

NHÂN VÀ DUYÊN CỦA SỰ NIỆM PHẬT

Nhân chia làm hai loại: Nhân thật và nhân giả

Duyên có hai loại:  Có mạnh, có yếu, và tạp duyên.

Nếu là nhân giả thì dù duyên có mạnh đến đâu, cũng không thể nào cảm được quả. Nếu như ý nguyện vãng sanh không chân thật, thì không thể cảm nhận được bản nguyện của Phật A Di Đà có từ bi đến đâu cũng không cứu độ được. Dù duyên rất mạnh đến đâu thì cũng không thể vãng sanh được. Vì vậy, nhân phải chân thật, chân thật nguyện sanh Tịnh Độ, chân thật mong muốn được vãng sanh, chân thật tin nhận, đây chính là tin chân thật, phát nguyện chân thật.

Có người trông bề ngoài họ rất xề xoà, nhưng thật ra trong lòng họ ý nguyện vãng sanh rất vững chắc như đinh đóng cột. Có người mỗi ngày niệm Phật ra rả, nhưng thật sự thì trong lòng còn đeo bám ngũ dục lục trần, còn vướng gia đình, đến khi muốn đi đâu thì buông chẳng nổi. Nếu chỉ căn cứ bên ngoài hình tướng để xét thì chẳng nhận ra được, nên chúng ta cần phải chân thật.

Duyên: Nhân đã có, bây giờ xét đến duyên. Nhân đã chân thật, lại gặp duyên mạnh mẽ, thì nhất định cảm được quả. Nếu nhân chân thật, nhưng gặp duyên yếu thì việc cảm quả không thể chắc chắn.

Có hai loại duyên: Nhược duyên và tạp duyên nên không chắc chắn được vãng sanh, rất nguy hiểm. Tạp duyên là dựa vào những thứ tạp hạnh, công đức hữu vi hữu lậu mà bản thân tu hành được, hồi hướng cầu nguyện vãng sanh. Duyên này rất yếu, đây gọi là nhược duyên, tạp duyên. Đại sư Thiện Đạo nói “Hồi hướng tạp thiện để nguyện vãng sanh e rằng lực rất yếu”.

Như vậy, có nhân chân thật, lại gặp duyên mạnh mẽ thì việc vãng sanh như trở bàn tay. Trong Pháp sự tán, Đại sư Thiện Đạo có bài kệ rằng:

Cực Lạc là vô vi, Niết bàn

Tuỳ duyên, tạp thiện khó vãng sanh,

Thế nên Như Lai chọn pháp yếu

Dạy niệm Di Đà chuyên càng chuyên.

Niệm Di Đà chuyên càng chuyên, chính là nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà làm duyên mạnh mẽ thì chắc chắn vãng sanh. Như vậy, vãng sanh Tịnh Độ là hoàn toàn nương vào sức của đức Phật, không phải dựa vào sức tu hành của phàm phu, vì bản thân của chúng ta chẳng có sức.

Chúng ta cứ nghĩ nghiệp tôi phải nhẹ, công đức phải nhiều mới có thể vãng sanh, đây là cách nghĩ không đúng. Bậc đại Bồ tát và hạng tiểu phàm phu, đều bình đẳng vãng sanh Cực Lạc như nhau, thảy đều nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà. Nên việc vãng sanh giữa thánh và phàm chẳng có gì khác nhau. Ví như đi xe, đi tàu, tất cả hành khách, mạnh hay yếu, già hay trẻ, xe tàu đều bình đẳng chở đi không phân biệt. Biển cả mênh mông, với bản thân chúng ta không thể bơi qua nổi, chỉ có nhờ sức con thuyền mà qua thôi. Muốn vượt biển sanh tử phải nương vào thuyền đại nguyện của Phật A Di Đà, chứ chẳng cần quan tâm đến những tạo tác hữu vi của phàm phu.

Đi đường xa, người cụt chân,  người mù mắt không thể đi đến được. Cũng vậy, chúng ta là phàm phu như kẻ mù, kẻ cụt chân kia, nếu không nương tha lực xe, tàu thì không thể đến nơi xa được.

Ví như có người rớt xuống nước, lúc này không phải lúc bạn nói cho họ nghe kỹ thuật bơi lội, mà là điều quan tâm nhất là phải làm cách nào để cứu họ lên.  Cũng vậy, muốn mong ra khỏi biển khổ, phải nương vào nguyện lực của Phật A Di Đà là cần thiết nhất, hơn là đi tìm học hỏi cách thức ra khỏi biển khổ, tìm chưa được ta đã bị chết chìm rồi.

Đại sư Ấn Quang có một ví dụ: “hạt cát tuy nhỏ nhưng nếu thả xuống nước thì nó chìm tận đáy. Tảng đá tuy nặng, nhưng nếu để trên thuyền thì chở được qua bên kia bờ”. Dù là hạt cát nhỏ hay tảng đá to, một khi đã thả xuống nước, thì nó sẽ chìm xuống tận đáy, sức nặng của chúng vốn chẳng liên quan gì. Không phải vì nhẹ mà nó có thể nổi lên,  cũng không phải vì nặng mà nhất định nó phải chìm xuống đáy. Mà xem thử chúng có được đặt lên thuyền hay không. Nếu đã đặt lên thuyền thì dù khối đá thật lớn hay hạt sạn nhỏ xíu, cả hai đều đến bờ bên kia như nhau.

Thí dụ này, trọng lượng của tảng đá hay hạt cát, dụ cho nghiệp nặng hay nhẹ, nếu được nương vào đại nguyện lực của Phật A Di Đà đều được vãng sanh như nhau, không chút nghi ngờ. Cho nên nói: “chẳng niệm phàm phu, chỉ luận Di Đà”.

Bản tánh phàm phu là đoạ lạc, muốn được quả báo nhân thiên cũng chẳng phải dễ. Đây chính là không luận phàm phu, chỉ luận Di Đà, mới mong thoát khỏi khổ.

{]{

NHÂN VÀ DUYÊN CỦA SỰ NIỆM PHẬT Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét