Thứ Tư, 9 tháng 11, 2016

48 LỜI NGUYỆN

48 LỜI NGUYỆN

A-                       Vào đề:Trong kinh đức Phật nói có vô lượng thế giới. Như kinh A Di Đà đức Phật nêu ra 10 phương đều có hằng ha sa thế giới, có những thế giới thanh tịnh trang nghiêm là các thế giới của chư Phật và Bồ tát. Lại cũng có hằng sa thế giới ô trược đau khổ ràng buộc. Trong hằng sa thế giới thanh tịnh, Phật nêu ra một thế giới thanh tịnh an lạc cực kỳ trang nghiêm và thù thắng. Đó là thế giới Cực Lạc ở phương Tây, giáo chủ cõi nước ấy là Phật A Di Đà, cách cõi Ta Bà mười muôn vạn ức cõi Phật. Thế giới đó hình thành cách đây vô lượng kiếp. Thế giới này và vị giáo chủ là thật có chứ không phải là thế giới giả tưởng hay giả thuyết. Ngày nay khoa học có những máy móc tinh vi thiện xảo, nhìn ra ngoài trái đất chúng ta ở có hằng hà sa các hành tinh, chứ không riêng gì một hành tinh trái đất của chúng ta đang ở. Lời Phật dạy ngày xưa nay hợp với sự khám phá của khoa học. Khoa học đã chứng minh lời Phật dạy là sự thật chứ không phải mơ hồ viễn tưởng.
  Trong vũ trụ rộng lớn vô biên vô tận có hằng hà sa thế giới, có những thế giới ô trược, đau khổ ràng buộc, lại có những thế giới thanh tịnh trang nghiệm, an lạc giải thoát. Có thế giới mới hình thành, có thế giới sắp diệt. Có thế giới thiên về vật chất, có thế giới trọng về tinh thần.
   Theo lời dạy đức Phật Thích Ca, trong vô lượng thế giới ấy, chỉ có thế giới Cực Lạc hay Tịnh độ của đức Phật A Di Đà là an vui hơn cả, thù thắng hơn cả.
B-                        Chánh đề:  Danh hiệu và cảnh trí cõi Cực Lạc.
Một hôm Ngài A Nan nhìn thấy dung mạo khác lạ, vô cùng hoan hỷ của Phật Thích Ca. Ngài A Nan mới hỏi Phật rằng, hôm nay có nhân duyên gì thù thắng mà dung mạo đức Thế Tôn khác lạ hơn ngày thường ? Phật trả lời rằng: Ta cảm nhớ đức phật A Di Đà ở phương Tây Cực Lạc thế giới, muốn nhắc đến nhân địa của Ngài, để chỉ dạy cho chúng sanh pháp môn tu tịnh độ.
  Đức Phật dạy rằng: Từ cõi Ta Bà này hướng về phía Tây, hơn 10 muôn ức cõi, có một thế giới gọi là Cực Lạc. Ở nước đó có đức Phật hiệu là A Di Đà, Ngài thường thuyết pháp. Cảnh giới ở nước thanh tịnh ấy, vô cùng đẹp đẽ trang nghiêm sáng lạng vui tươi, phong cảnh như một vườn hoa vĩ đại, với những hàng cây ngay thẳng, những tường hoa, những dây leo rũ xuống như màu gấm, như lụa là. Có những hồ nước chứa đầy những thứ nước có tám thứ công đức. Đáy hồ bằng cát vàng. Trong hồ có những hoa sen lớn bằng bánh xe, đủ màu sắc, hương tỏa thơm ngát, và có hào quang đẹp đẽ, hễ hoa màu xanh thì phát ra  ánh sáng xanh, hoa màu trắng thì phát ra ánh sáng trắng, hoa màu hồng thì phát ra ánh sáng màu hồng v.v. Đường sá cầu cống đèn đài, điện các ở cõi Tịnh độ đều làm bằng ngọc, vàng châu báu, vô cùng quý giá.
   Chim chóc ở đây là những thứ chim báu, như bạch hạc, khổng tước, anh võ, xá lợi, ca lăng tầng già v.v  những thứ chim này ngày đêm sáu thời, hót ra những tiếng pháp vi diệu, hòa lẫn trong những điệu nhạc trời, làm cho ai nghe đến cũng đều phát tâm vui mừng niệm Phật, niệm pháp, niệm tăng.  Các loài chim nầy do đức Phật A Di Đà biến hóa ra để thuyết pháp cho chúng sanh nghe, chẳng những chim biết nói pháp mà cho đến nước chảy, gió thổi, cây reo đều phát ra những lời pháp vi diệu, ai nghe rồi cũng đều phát tâm niệm Phật niệm Pháp niệm Tăng. Ở đây không bao giờ có bóng tối, vì nhờ hào quang của Phật phát ra, sáng chói luôn luôn. Cảnh giới trang nghiêm huy hoàng, xinh đẹp như thế là do sức đại nguyện của Phật A Di Đà, cùng các bậc Bồ tát và thánh chúng, toàn là những bậc thượng thiện nhơn tạo nên.
  Trong hoàn cảnh thuận tiện vui tươi như thế nên mọi người ai cũng tinh tấn tu hành và dễ thành đạo nghiệp.
 II- NHỮNG ĐIỀU KIỆN ĐỂ ĐƯỢC VÃNG SANH VỀ CÕI TỊNH ĐỘ
     Muốn được vãng sanh về cõi Tịnh độ, trước tiên cần phải đủ ba điều kiện.
1- Đức tin chắc chắn: 
  a/ Tin lời Phật Thích Ca nói không sai, tin Phật A Di Đà và cõi Cực Lạc có thật
   b/ Tin mình có thể thực hành pháp môn này.
  c/ Tin niệm Phật sẽ được vãng sanh về Tịnh độ (tin nhân quả )
2/ Lập nguyện vãng sanh ( bền lâu ).
  Lập nguyện là sự ước muốn sự mong đợi, thiết tha chí thành, lập chí nguyện không thối chuyển, quyết cầu sanh về Cực Lạc, dù có gặp trở ngại gian nan khổ sở, phải có tấm lòng tha thiết, không giờ phút nào xao lãng ý muốn cầu vãng sanh. Như con đi xa tha thiết về nhà gặp mẹ cha.
3/ Thực hành đúng ý nguyện (chí nguyện )
 Đã có chí nguyện rồi phải thực hành đúng theo chí nguyện đó. Thực hành ở đây là luôn luôn trì niệm danh hiệu Phật A Di Đà, niệm trong 4 oai nghi đi, đứng, nằm, ngồi cho đến nhất tâm bất loạn.
   Tóm lại điều kiện tiên quyết để vãng sanh về thế giới Cực Lạc của Phật A Di Đà không có gì khó khăn lắm, cũng không có gì bó buộc, mà trái lại bất cứ hạng người nào cũng có thể thực hành được. Sang hèn, giàu nghèo, thông minh hay ngu độn, khỏe mạnh hay bịnh tật, già trẻ, lớn nhỏ, xuất gia hay tại tục, rãnh rang hay bận rộn v.v đều có thể thực hành tu tập được. Có đức tin, có lập nguyện, có thực hành đúng chí nguyện, đủ ba yếu tố Tín, Nguyện, Hạnh thì đủ tiêu chuẩn vãng sanh về Cực Lạc.
    Đức Phạt A Di Đà cùng Thánh chúng ở cõi Cực Lạc lúc nào cũng sẳn sàng chờ đợi đón tiếp chúng ta, như mẹ chờ con ở xa về.
   Phật và chúng sanh như mẹ với con. Nếu con nhớ mẹ, mẹ nhớ con dù xa mấy cũng có ngày gặp nhau. Nhưng mẹ nhớ con mà con không nhớ mẹ, dù có ở gần cũng không gặp nhau. Mẹ ở hướng Tây mà con quay lưng về hướng Đông thì hai mẹ con dù có nhớ nhau cũng khó gặp.
   Tin có Phật A Di Đà ta quyết tâm thực hiện chí nguyện ấy, thì dù cõi Cực Lạc có cách xa 10 muôn ức cõi, khi lâm chung ta cũng được Phật A Di Đà và thánh chúng hiện ra để tiếp độ ta về cõi ấy.
I-   PHƯƠNG PHÁP TU TẬP
    Phương pháp tu tập có nhiều cách, nhưng không ngoài bốn pháp niệm Phật như sau:
1/ Trì danh niệm Phật: Trì danh niệm Phật tức là một lòng nhớ nghĩ danh hiệu phật, là niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Đi đứng, nằm, ngồi, nói năng, nín nghĩ v.v  đều niệm Phật. Từ buổi mai thức dậy cho đến tối đi ngủ, không cho xen hở. Có hai cách, định thời khóa niệm và tùy duyên niệm. Tức trong một ngày 24 giờ, ta quy định một hay hai thời niệm Phật, dài ngắn tùy theo mình quyết định, ngồi tỉnh tâm niệm Phật và phát nguyện vãng sanh. Ngồi đối trước bàn Phật càng tốt, hoặc nơi nào vắng vẻ nhiếp tâm mà niệm Phật. Tốt hơn và tiện nhất là thời điểm trước khi đi ngủ và sau khi thức dậy. Còn tùy duyên niệm là bất cứ đi đâu, ở đâu đang làm gì, nhớ thì niệm, quên thì thôi. Mỗi lần nhớ thì niệm, mỗi ngày phải phát nguyện hồi hướng vãng sanh Tây phương. Nguyện đem công đức niệm Phật hồi hướng cho, cho tội chướng báo chướng nhiều đời cũng như đời nay tiêu trừ, nguyện cho oan gia trái chủ nhiều đời cũng như đời nay nhờ Phật lực mà vãng sanh, cầu nguyện cho ông bà cha mẹ, cữu huyền thất tổ siêu sanh tịnh độ và nguyện khi con lâm chung được chánh niệm phân minh không có chướng ngại, được Phật và Thánh chúng tiếp dẫn con về Cực Lạc.
2/ Tham cứu niệm Phật.  Khi niệm có tiếng thì xét tiếng ấy từ đâu mà sanh ra. Đến khi hết niệm không nghe nữa, thì xét tiếng ấy nó đi vào chổ nào ? Xét cho biết chổ sanh ra, chổ trở về là được một phần công đức, cứ như thế mà niệm đừng cho tán loạn, thì chắc có ngày mình minh tâm kiến tánh.
3/ Quán tưởng niệm Phật. Là quán tưởng hình dung đức Phật ở trước mắt ta, mình cao một trượng sáu đứng trên tòa sen, và quán thân ta cũng ngồi trên tòa hoa sen, chấp tay hầu Phật, Phật thấy ta, ta thấy Phật. Quán như thế lâu ngày, đi đứng nằm ngồi, nhắm mắt mở mắt đều thấy Phật, tức là pháp quán đã thành thục.
4/ Thật tướng niệm Phật. Thật tướng niệm Phật là niệm Phật hợp với chân tâm, vì tất cả các pháp đều do tâm biến hiện, bởi tâm biến hiện nên tướng nó đều là hư vọng (phàm sở hữu tướng, giai thị hư vọng ) duy chỉ có chân tâm là chân thật, không sanh không diệt, không khứ không lai, xưa nay thanh tịnh bình đẳng như như. Không hư vọng, không biến diệt cho nên mới gọi là thật tướng.
 Ba pháp niệm Phật trước thuộc về sự, có tính cách tiệm tu và tiệm quán. Đến pháp thứ tư này, là thuộc về lý tánh, cao siêu hơn cả. Niệm Phật đến đây mới hoàn toàn rốt ráo, mới ngộ tánh mình
Là Phật Di Đà, tâm mình là cảnh Tịnh độ.
   Nhưng chúng ta nên nhớ rằng, nhờ có sự mới có lý, trước hết có trì danh niệm phật, quán tưởng niệm Phật v.v như lối dụng công tu ba pháp trước, đến lúc thuần thục không còn thấy có mình là người niệm Phật và Phật là một vị mình niệm. Chỉ còn có một chơn tánh vừa yên lặng vừa chiếu soi, không năng không sở, không bỉ không thử, không hữu không vô. Chổ này chính như trong kinh Tứ Thập Nhị Chương Phật nói: “ niệm đến chổ vô niệm ” hay trong kinh A Di Đà nói “ được nhất tâm bất loạn”
VI-  SỰ QUAN HỆ CỦA PHÁP NIỆM PHẬT TRONG LÚC LÂM CHUNG.
   a/ Đối với người thân quyến trong gia đình.
   Khi ông bà cha mẹ chết thì con cháu không nên khóc than kể lể, nếu khóc than kể lể làm cho người lâm chung rối loạn tâm thần không siêu thoát được. Giờ phút quan trọng ấy cần để cho người sắp lâm chung được yên tĩnh, đừng làm dao động tâm họ, cảm xúc quá khó mà lìa cõi trần gian. Nếu không xả bỏ được họ sẽ trở lại sa đọa làm súc sanh trong nhà, hoặc làm con làm cháu trong gia tộc. Tốt hơn hết là mọi người cùng nhau niệm Phật cho người lâm chung, để họ thanh thảng ra đi không bị sa đọa.
   Đừng theo quan niệm sai lầm của thế gian, khi người thân mất phải khóc mới gọi là báo hiếu, điều này trong đạo Phật gọi là bất hiếu chứ không phải báo hiếu.
b/ Đối với bản thân người sắp lâm chung. Người lâm chung phải nhận thức rằng, con người sinh ra rồi ai cũng phải chết, chết là lẽ tất nhiên, ai ai rồi sẽ phải chết không trước thì sau., nên không sợ chết. Mà phải buông bỏ hết những gì ở trên trần gian này. Trước hết là buông bỏ thân, thân này sanh, già, bệnh,chết, như chiếc xe cũ nát cần phải bỏ để nhận lãnh cái xe mới hơn, hoàn hảo hơn nơi cõi Phật. Thứ đến là buông bỏ thân quyến, vợ con bạn bè v.v Những người này còn duyên thì cùng chung ở, hết duyên thì phải chia tay, không có cuộc hội họp nào mà không giải tán. Sự chung sống trong gia đình cũng như một cuộc hội họp mà thôi, có tụ thì có tan là lẽ tất nhiên.
c/ Thứ ba là tài sản của cải, khi chết đừng có tâm tham lam luyến tiếc của cải tiền bạc, địa vị mà mình đang có, nay đã chết rồi thân không còn thì không thể xài được, nên luyến tiếc là một gánh nặng cho mình không siêu sanh thoát tử được. Thân này, của cải này thuộc về vật chất đều phải chịu luật vô thường, khi chết ta không đem theo được nên không luyến tiếc làm chi. Cho nên cần phải buông bỏ, như ghe thuyền qua sông cần phải bỏ những thứ nặng nề để cho nhẹ ghe thuyền đi thong thả, mới yên ổn đi nhanh đi xa được.
  Cần phải nhớ rằng, trong các nghiệp nhân, cận tử nghiệp lúc lâm chung có một sức mạnh rất lớn trong việc đi đầu thai. Nếu lúc gần chết còn tâm tham luyến, sân hận khởi lên thì sẽ bị sa đọa không siêu thoát. Có thể sẽ đọa làm súc sanh như chó mèo heo gà, hay làm con cháu trong gia đình để trở lại gìn giữ của cải mình đã tạo ra chưa dùng hết, thật là nguy hiểm cho tâm lý tham luyến lúc cận tử này.
    Vậy giờ phút lâm chung, người sắp chết phải có tâm hồn thanh thoát, không lo không buồn không luyến tiếc, mà trái lại phải nhất tâm niệm Phật tha thiết cầu sanh Tây phương Tịnh độ. Còn những người thân quyến tránh không khóc lóc kể lể níu kéo người sắp chết, mà phải thành tâm niệm Phật, cầu Phật gia hộ cho họ được siêu thoát, hộ niệm cho họ, để tâm hồn người chết ra đi nhẹ nhàng siêu thoát.
II-   PHÁP MÔN NIỆM PHẬT DỄ TU CHẮC CHẮN CÓ KẾT QUẢ.
Trong các pháp môn tu chỉ có pháp môn niệm phật là dễ tu hơn cả. Dụng công ít mà kết quả thì nhiều. Một đời sẽ xong, không phải trãi qua nhiều đời nhiều kiếp nhiều năm. Ví như con kiến ở trong ống tre, nó chỉ cần đục một lỗ ngang thân cây tre là nó ra được bên ngoài, không như các pháp môn khác, con kiến phải từ mắt tre  gốc đến ngọn mới ra được.
  Pháp môn tịnh độ không những mau kết quả mà lại an toàn không bị sa lạc. Vì có sự phát nguyện bảo hộ của Phật Di Đà và thánh chúng như Quan Âm Bồ tát, Đại Thế Chí Bồ tát sẽ chỉ lối đưa đường cho hành giả đi đến nơi mà không bị sự cố gì. Quan Âm, Thế Chí dẫn đường, Phật Di Đà tiếp rước thì 100 người tu, 100 người thành tựu. Vì pháp tu niệm Phật nương vào tha lực của Phật, nương vào đại nguyện lực của Phật nên không sai đường lạc lối.
  V - BỒ TÁT CÒN TU PHÁP NÀY
   Pháp môn niệm Phật không những dành cho hàng chúng sanh còn mê muội trầm luân, mà chư Bồ tát thượng thủ cũng cầu sanh Tây phương. Như Bồ tát Văn Thù, trong bài kệ phát nguyện có nói: “ Nguyện ngã lâm dục mạng chung thời, tận trừ nhất thiết chư chướng ngại, diện kiến bỉ Phật A Di Đà, tức đắc vãng sanh An lạc quốc. ”.
   Các Ngài Phổ Hiền Bồ Tát, Ngài Mã Minh, Long Thọ, Vô Trước, Thế Thân, Trí Giả, Hiền Thủ cùng nhiều các vị tổ sư khác cũng chuyên niệm Phật cầu vãng sanh Cực Lạc.
   Pháp môn niệm Phật rất mầu nhiệm, có nhiều người cảm ứng thấy Phật A Di Đà và thánh chúng. Biết trước ngày giờ chết,lâm chung tự tại không đau đớn thân thể. Sau khi chết thân thể mềm mại, sắc diện tươi vui, hồng hào, không biến sắc.
 VII- LỢI ÍCH CỦA NIỆM PHẬT.
Niệm Phật có rất nhiều lợi ích lúc còn sống và sau khi chết. Người niệm Phật hiện tại có cuộc sống an tịnh, mọi sự an lạc về cả tâm lẫn thân, sau khi chết được vãng sanh, không còn sanh tử luân hồi nữa.
Niệm Phật có 2 loại vãng sanh: a/ Hiện tiền vãng sanh b/ Lâm chung vãng sanh. Hiện tiền vãng sanh có ba giai đoạn: 1. / Chuyển hóa vãng sanh; Tức người niệm Phật có công phu miên mật thì có năng lượng chuyển hóa từ khổ đau qua an lạc, từ bịnh tật qua khỏe mạnh, từ thiếu thốn qua đầy đủ v.v. 2/ Tỉnh thức vãng sanh: Khi chưa tu tâm lý ham muốn đủ điều, nhưng khi đã tu tập thuần thục rồi những tâm lý đó không còn sai sử hành giả nữa, cho nên tâm thường an lạc, sáng suốt.
3/ Buông xả vãng sanh: Khi chưa tu ta chấp trước đủ điều, hơn thua tranh cạnh, khi đã tu rồi mọi việc lớn nhỏ được mất, phải trái hơn thua không còn bận tâm đến nữa.
  b/ Lâm chung vãng sanh: Khi còn sống tu đạt được hiện tiền vãng sanh, thì lúc lâm chung nắm chắc sự vãng sanh một cách thự tại. Người ấy không bịnh tật, biết trước giờ chết và ra đi một cách nhẹ nhàng. Tự thân không đau đớn buồn lo, những người thân cũng không khổ vì người lâm chung.
 1/  Cái thiết thực khi ta niệm danh hiệu Phật, thì tâm ta không còn nhớ nghĩ những điều xấu ác nữa, nên một giờ niệm Phật, tâm ta thanh tịnh được một giờ, cho đến một ngày, một tháng, một năm tâm ta thanh tịnh không có phiền não khởi lên. Tâm không phiễn não khởi lên thì không tạo ác nghiệp về thân khẩu ý. Ta tránh được điều dữ và thực hành được điều lành.
2/  Khi niệm Phật tâm được thanh tịnh thì trừ được sự buồn phiền nóng giận. Một niệm Phật đổi được niệm phiền não. Niệm Phật tăng thì phiền não giảm, cho nên cổ nhân nói: “ Một câu niệm Phật hóa giải được oan khiên ”.
C-                        KẾT LUẬN. Pháp môn niệm Phật là pháp môn dễ tu dễ thành. Niệm Phật không tốn công nhọc sức, không có gì khó khăn. Bất luận là hạng người nào, già cả, trai gái, trí thức hay bình dân, bận rộn hay rãnh rang, mạnh khỏe hay đau yếu tất cả đều có thể tu được. Pháp môn niệm Phật đã dễ tu mà lại có kết quả chắc thật viên mãn cho cuộc sống hiện tại và mai sau sẽ vãng sanh về Tây phương Cực Lạc chấm dứt sanh tử luân hồi.
  Song muốn có kết quả, điều kiện tiên quyết là phải có Tín, Nguyện và Hạnh đầy đủ, phải có sự lý viên dung. Phải niệm Phật cho được nhất tâm. Mọi sự tu tập và công đức đều hồi hướng vãng sanh.
   Vậy chúng ta phải sớm cầu sanh Tây phương, để sớm được giải thoát, cổ nhân nói rằng: “  Mạc đãi lão lai phương niệm Phật- Cô phần đa thị thiếu niên nhân ”  ( Đừng đợi đến già mới niệm Phật- Ngoài nghĩa địa kia phần nhiều những người chết là tuổi thiếu niên ). Vì vậy lúc còn mạnh khỏe, chúng ta phải sớm chuyên cần niệm Phật, kẻo vô thường đến ta có niệm cũng không kịp./

---------]---------

48 LỜI NGUYỆN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét