Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

Ý NGHĨA CỦA SỰ HÒA BÌNH

Ý NGHĨA CỦA SỰ HÒA BÌNH

Hòa bình vốn là nhu cầu chung cho nhân loại, khi đất nước bị chiến tranh, chém giết lẫn nhau, thì nhu cầu hòa bình lại càng cấp thiết hơn. Nhưng ở đây chúng ta cần phải có một vấn đề để thảo luận, từ cổ chí kim, nhân loại luôn luôn khát vọng hòa bình, yêu cầu hòa bình, nhưng tại sao hòa bình không đến với chúng ta. Từ xừ xưa đến nay toàn thể trên thế giới, không nước nào là không có chiến tranh, chiến tranh luôn luôn tiếp diễn ở mọi nơi mọi lúc. Có lẽ đó chính là lý do tại sao con người mong cầu sự hòa bình. Muốn có hòa bình cần phải tìm hiểu điều kiện nào dẫn đến sự hòa bình, không thể có sự hòa bình trong sự hận thù, chỉ có hòa bình trong sự thương yêu và hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Những tín đồ theo đạo Phật đối với việc hòa bình có nhu cầu lớn hơn so với các tín đồ các tôn giáo khác. Là người Phật tử chúng ta nên hiểu rõ lời giảng dạy của đức phật, để thấy được ý nghĩa chơn chính của sự hòa bình chính là lòng từ bi của đạo Phật, xuất phát từ tinh thần đó, chúng ta mới có thể nỗ lực thực hiện sự hòa bình trong cuộc sống.
Nhân loại có nhu cầu bình an và hạnh phúc, đó là ý muốn chung của mọi người, do vậy chúng ta phải cùng nhau sống trong tinh thần hòa bình, nhưng hòa bình không thể có, khi con người chỉ dựa vào một ý niệm suông. Hòa bình không thể xây dựng trên sự thiếu hiểu biết mà phải được xây dựng trên lý trí. Thông thường chúng ta có suy nghĩ về hòa bình chỉ là mong muốn chấm dứt chiến tranh, đôi khi mang ý nghĩa không đúng. Ví như A và B đánh nhau, A thắng B thất bại, B phải bồi thường hiến đất, thậm chí phải chịu sự chinh phục, hoặc phải bị nô dịch v.v  Đây không phải là sự hòa bình mà đây là hành vi của kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu, cưỡng bức đối phương phải chấp nhận hòa bình, nếu không phải chịu hậu quả khốc liệt của chiến tranh. Vì để đáp ứng nhu cầu và tư lợi của mình, bằng mọi cách làm cho đối phương không còn ý chí chiến đấu, hoặc không còn khả năng chiến đấu, hoặc ngụy trang dưới chiêu bài hòa bình, thông qua con đường ngoại giao thỏa hiệp, nhưng chính mình lại bí mật dùng các thủ đoạn để được chiến thắng. Hình thức ngoại giao này có phải chăng là điều kiện dẫn đến sự hòa bình hay là yếu tố dẫn đến chiến tranh ?  Đây có thể gọi là sự lường gạt hòa bình, là mầm mống của chiến tranh. Nếu chúng ta hoàn toàn tin vào những khẩu hiệu này, có thể nói đó là sự nguy hiểm, là con đường tự chuốc lấy thất bại. Đây chẳng phải là yếu tố của hòa bình mà là sự bi kịch của hòa bình. Ngược lại hoặc phát xuất từ thái độ cục bộ và cực đoan, không có yếu tố của hòa bình làm cho cục diện càng ngày càng nghiêm trọng hơn, bất cứ lý do gì cũng không chịu thương thảo, quyết lấy chiến tranh, dẫn đến sự hy sinh tang tóc. Cho rằng làm như vậy, để đổi lấy sự hòa bình hay duy trì hòa bình, ngược lại đó là ý thức nuôi dưỡng chiến tranh không phải hòa bình.
Chúng ta là người học Phật đương nhiên mong chuộng cuộc sống hòa bình. Là người Phật tử chân chính quyết không thể làm những gì mang tính lường gạt, ngụy trang dưới hình thức hòa bình để trục lợi cá nhân mình. Là người con Phật chúng ta không nên ca tụng chiến tranh đặc biệt là loại chiến tranh phi nghĩa.
Mặt trái của hòa bình là không hài hòa không bình đẳng. Sự bất hòa là nguồn gốc của ân oán, thù hận, xung đột, đấu tranh, không hợp tác. Không bình đẳng là ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ đông hiếp kẻ cô thế, như vậy là không bình đẳng. Chân chánh của sự hòa bình chắc chắn không phải đến từ sự thù hận, xung đột, đấu tranh, cũng không thể xây dựng trên tinh thần bất bình đẳng. Sự hòa hợp và bình đẳng luôn luôn có mối quan hệ mật thiết, nếu thiếu một trong hai yếu tố này thì ý nghĩa bình đẳng không còn. Là người Phật tử, chúng ta không thể tán đồng sự ngụy trang hòa bình, chúng ta cũng không chấp nhận bất cứ nhân tố bất bình đẳng nào tồn tại trong đời sống chúng ta.
II- NGUYÊN NHÂN CỦA SỰ BẤT HÒA
Mọi người đều mong muốn đời sống hòa bình, nhưng hòa bình không thể thực hiện. Theo Phật pháp cho rằng, nguyên nhân của nó chính là ở trong tâm của chúng ta không hòa, cho nên mới biểu hiện hình thức bên ngoài, tâm và hình thức có mối liên quan mật thiết với nhau, vì có gió mới có sóng, tạo thành yếu tố khó có thể đạt đến sự hòa bình.
Khái niệm “ bất hòa  ” trong kinh điển nhà phật gọi là “ trang giành  ”. Thái độ “ tranh giành ” này được thể hiện trên ngôn ngữ và hành động, nhưng thật ra động cơ sâu xa của nó vốn từ trong tâm của chúng ta. Có hai loại cạnh tranh. 1- Kiến tranh. 2- Ái tranh. Nguồn gốc của hai loại cạnh tranh này phát xuất từ nơi “ thọ ” và “tưởng  ”, cho nên gọi thọ và tưởng là hai nguồn gốc của sự tranh giành. Kiến là kiến giải, nhưng kiến ở đây muốn nói đến những thái độ mang tính chủ quan của thành kiến, biên kiến, điên đảo, tà kiến. Khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng nào, nhìn và hiểu sự vật thường mang tính chủ quan và phiến diện. Khi chúng ta tiếp xúc với đối tượng, tìm hiểu và so sánh sự vật này với sự vật nọ, vay mượn khái niệm để nhận thức về nó, tạo thành một chuỗi khái niệm quan điểm và tư tưởng cũng được tạo thành từ đó. Đây là quá trình của sự nhận thức của chúng sanh. Loại nhận thức này là sự nhận thức có giới hạn, mang tính phiến diện, là sự tưởng tượng vay mượn của tâm thức, bóp méo sự thật, khiến cho sự nhận thức không toàn diện, khó tránh khỏi sự nhận thức sai lầm và  mâu thuẫn, Từ đó hình thành quan điểm tư tưởng sai lầm, đúng cho là sai, sai cho là đúng. Trong “ kinh Kim Cang ” gọi sự nhận thức này là điên đảo mộng tưởng. Do đó, thế gian hình thành sự tranh cải kiến chấp. “ Kinh Chúng Nghĩa ” cho rằng “ Mỗi việc đều y nơi kiến giải của mình, đây là sự cạnh tranh hơn thua vô cớ; Biết như vậy là chân trí, biết khác là tà trí… Do vì căn cứ vào sự kiến giải sai lầm của mình, cho nên nó là nguyên nhân sanh ra các loại hý luận, nếu được trí tuệ suy xét thì phiền não không sanh ”. Thật đúng như vậy, ở trên đời này ai lại không cho kiến giải của mình là đúng, ai lại không bảo vệ kiến giải của mình, phản bác ý kiến của người khác. Nếu như lấy thành kiến, biên kiến cho là chánh trí chánh kiến, thì bất cứ ý kiến nào cũng đều đúng là chân lý cả. Xuất phát từ loại nhận thức thiếu chánh kiến này, cho nên khi nhận thức bất cứ việc gì sẽ không rõ ràng, cho nên dẫn đến hổn loạn chánh pháp, việc đúng cho là sai, việc sai cho là đúng. Nếu là người xuất gia  thì kẻ ấy sống trong tăng chúng tạo sự bất hòa, thường hay cùng mọi người tranh cãi; Nếu như là người tại gia thì cũng lại như thế, hay cùng người tại gia tranh luận hơn thua. Đức Phật rất rõ việc này và khuyên chúng ta không nên vấp phải sai lầm đó, bằng cách nhìn sự vật bằng cặp mắt khách quan và như thật.
 Ái là tham dục. Những loại như quyền lực, danh dự, giàu sang là những thứ con người tham đắm; Con người lấy việc ăn mặc ở và ngay cả vấn đề quan hệ tình dục của nam nữ làm đối tượng sống. Khi chúng ta tiếp xúc đối tượng, trong tâm sanh khởi tâm niệm “ lãnh thọ ”. Tâm niệm “ lãnh thọ ” này luôn luôn lúc nào cũng đi kèm với tâm, nếu không có tâm thì không có sự lãnh thọ. Đối tượng nếu là cái đẹp thích thú thì tâm sanh “ lạc thọ ”, luyến ái đắm trước đối tượng, tâm tham sanh khởi, muốn chiếm đoạt. Nếu đối tượng đó chưa có tâm luôn luôn truy cầu, nếu đã được rồi thì tâm lại muốn nhiều hơn nữa tốt hơn nữa, lòng ham muốn vô hạn. Phàm cái gì là sự vật thì cái ấy không thuộc quyền sở hữu vĩnh viễn của bất cứ ai, vì bản chất của nó là vô thường, nhưng thói quen của lòng ái, lại muốn sự vật đó thuộc về của mình, không chấp nhận sự biến đổi của luật vô thường, đây là ý niệm vô cùng sai lầm. Lòng ái dục là bản chất của chúng sanh, nó đã thúc đẩy tạo thành đời sống của con người luôn luôn có thái độ chiếm hữu, tôi mong cầu cái này hay cái kia thuộc về của mình, nhưng trong xã hội này không những chỉ có tôi mà còn nhiều người nữa, do vậy người khác cũng mong muốn cái này hay cái kia cũng thuộc về mình, từ đó xuất hiện sự xung đột và cuối cùng là đấu tranh. Liên quan đến vấn đề này, đức phật đã từng nói rõ. “ Con người lấy dục làm gốc cho nên mẹ và con tranh cãi với nhau, cha con, anh em, chủng tộc…đấu tranh với nhau, vì lấy lòng dục làm căn bản, cho nên vua với vua tranh giành với nhau, dân với dân, nước với nước cùng nhau cạnh tranh, tương tàn tương sát, hoặc dùng tay chân, gậy gộc, đất đá, gươm đao chém giết lẫn nhau ”. Từ xưa đến nay những loại đấu tranh giữa gia đình với gia đình, giữa quốc gia với quốc gia không có gì lạ, chẳng qua hình thức đấu tranh khác nhau mà thôi, ngày xưa thì dùng gươm đao, gậy kiếm, bây giờ sử dụng vũ khí tối tân hơn, như là máy bay, hạm đội, súng đạn, các loại như bom nhiệt, bom nguyên tử, hóa học, giết hại hàng loạt.
Nói tóm lại, mỗi người chúng ta đều có nhận thức riêng của mình, chẳng qua không hoàn bị, không triệt để, trong đó không ngoài ý niệm muốn người khác phục vụ làm theo ý kiến của mình, chúng ta có nhu cầu về vật chất, người khác cũng chẳng khác, nhưng mình lại muốn chỉ có mình thành tựu, người khác lại không, từ đó phát sanh mọi vấn đề. Tà kiến và ngã ái là hai loại nhu cầu sinh hoạt về  vật chất và tinh thần của con người, là động cơ thúc đẩy sự xung đột, đấu tranh của con người, hai loại này bắt nguồn từ thọ và tưởng. Trong năm uẩn, thọ uẩn và tưởng uẩn là nguồn gốc của sự cạnh tranh về kiến và ái.
Những hoạt động của nội tâm không luận là loại cảm tình hay ý chí, tri thức. Bất cứ một loại ý niệm gì xuất hiện không chính đáng đều là nguyên nhân của sự đấu tranh, động cơ phát sanh phiền não. Do đó cho nên nói rằng: “ Tất cả mọi phiền não đều từ cạnh tranh đấu tranh mà có ” nhất là khi chúng ta quá vui, quá giận, quá mơ tưởng, quá thất vọng, quá khổ đau…Nội tâm của chúng ta lúc ấy cũng giống như đám cháy ác liệt trong rừng, giống như sự mạnh bạo tàn phá của trận cuồng phong, giống như sự hung dữ của sóng thần, giống như sự cuồng nộ của sấm sét. Tất cả các loại phiền não này đều bắt nguồn từ ái, kiến, mạn và vô minh. Ái bao gồm ái tự thân và ái cảnh giới. Kiến bao gồm ngã kiến và ngã sở kiến ( thường kiến và đoạn kiến ). Mạn là ngã mạn, tính tình này đặc biệt cao ngạo. Mỗi một sanh mạng của một chúng sanh là sự tương tục, sự tồn tại của nó là nương tựa lẫn nhau, hình thành sự tồn tại của một hợp thể, trong đó bao gồm nhiều đơn vị, nhiều yếu tố tồn tại, thậm chí sự tồn tại của nó còn có liên quan đến thế giới chung quanh của nó. Thế nhưng, sự nhận thức của con người lại rơi vào sự sai lầm, cho rằng sự tồn tại của mình là độc lập, không liên hệ với những cái khác, từ đó hình thành khái niệm chấp ngã, nảy sanh ý niệm đối lập, đấu tranh và phát sinh lòng tự tôn và cao ngạo, Một cách tế nhị, nếu chúng ta phân tích lòng tự tôn và cao ngạo này, nó là nhân tố để hình thành quan điểm quyền lực muốn khống chế người khác. Nhưng từ ý muốn đến thực tế là hai vấn đề khác nhau, đôi khi lực bất tòng tâm, do vậy hình thành sự sân hận, thù địch, nói xấu lẫn nhau, tàn sát lẫn nhau, thậm chí thấy sự thành công của người khác, mặc dù việc đó cùng với mình không có quan hệ, nhưng cũng sanh lòng ganh ghét, lo âu buồn rầu. Sự kiện này so với kiến chấp và vật dục càng nghiêm trọng. Tà kiến từ sự phân biệt sai lầm mà có, ái từ tình cảm quá độ mà sanh, cao ngạo từ ý chí cá nhân mà có.  Ba ý niệm này đều phát xuất từ những tâm lý không chính đáng, nó có liên hệ với vô minh. Nói một cách khác, vì vô minh cho nên con người không nhận thức được chân tướng của vạn pháp, đặc biệt là không nhận thức được tự thân của chính mình là giả hợp. Vô minh hoặc còn gọi là ngu si, là sự nhận thức sai lầm biểu hiện thành ba mặt tình cảm, ý chí và tri thức đều sai lầm. Do đó, nguyên nhân sâu xa của lòng đấu tranh thù hận là vô minh. Đây là nguyên nhân tại sao mọi người sống trong cùng một xã hội nhưng không bình đẳng, con người sống chung với nhau không hòa bình, cũng là lý do tại sao con người không được giác ngộ và giải thoát.

                                                      ---------]---------

Ý NGHĨA CỦA SỰ HÒA BÌNH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét