Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

KINH VÔ LƯỢNG THỌ

PHẬT THUYẾT ĐẠI THỪA,VÔ LƯỢNG THỌ TRANG       NGHIÊM THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH.
Phật gọi tắt  chữ Phạn “ Phật Đà ” nghĩa là “ Người giác ngộ ”. Giác là đối với mê mà nói. Mê là chúng sanh. Ba điều giác ngộ trọn vẹn gọi là Phật. Ba điều là tự giác, giác tha và giác mãn. Ba giác viên mãn gọi là Phật đà. Vì vậy Phật là chúng sanh viên mãn cả ba giác, chúng sanh là Phật chưa giác ngộ.
          Thuyết là duyệt ( vui vẻ ), đẹp lòng mong mỏi, vui lòng người nghe “Phật thuyết ” chỉ rỏ kinh này được chính kim khẩu của Phật nói, chẳng phải do kẻ khác nói.
           “ Đại thừa ” là dụ, thừa có nghĩa là chuyên chở, được kẻ lớn sử  dụng, hoặc pháp được sử dụng là lớn lao thì gọi là Đại thừa, khác hẳn với Thanh văn, Duyên giác. Đại thừa chỉ có chư Phật , Bồ Tát mới có thể thực hiện ( thừa ) nổi, nên nói : “ Được kẻ lớn sử dụng ”. Hơn nữa, đạo được vận dụng là sở hạnh của chư Phật Như Lai nên pháp được sử dụng là lớn lao. Vì vậy, gọi là Đại thừa.
          Hơn nữa, cái “ Đại ” này ngay do thể thành tên, Đại có nghĩa là thường trọn khắp.
          Thể không bờ bến, dứt bặt các đối đãi, ngang thì khắp trùm 10 phương, dọc thì thông suốt ba đời. Quá khứ vô thỉ, vị lai vô chung, chẳng có pháp nào trước, chỉ có cái này có trước hết thảy các pháp, nên cưỡng gọi là Đại.
          “ Vô lượng Thọ ” tiếng Phạn gọi là A Mi Ta, là A Di Đà , tức thánh hiệu của đấng giáo chủ thế giới Cực Lạc được nói trong kinh này. Ba chữ A Di Đà là mật ngữ hàm chứa vô biên mật nghĩa. Nếu dịch thánh hiệu ấy từ Phạn ngữ sang Hán ngữ để tỏ rỏ yếu chỉ bí mật bằng ngôn từ thông thường, ta có thể dịch tên Ngài thành vô biên đức hiệu. Kinh này dịch tên Ngài thành Vô Lượng Thọ là chỉ trích lấy một nghĩa trọng yếu nhất mà thôi.
          Mười hai thánh hiệu như Vô Lượng Quang, Vô Biên Quang . . . nói trong kinh cũng chính là đức hiệu của Phật A Di Đà. Bản dịch tên Ngài thành Vô Lượng Thanh Tịnh Phật, Vô Lượng Giác, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng giác ( chữ Giác ở đây đồng nghĩa với chữ Phật).
          Ba thánh hiệu vừa nêu đều có chữ vô lượng, là chỉ cho công đức, trí tuệ, thần thông, đạo lực của Phật, sự trang nghiêm của y báo, chánh báo, thuyết pháp, hoá độ , mỗi thứ đều vô lượng. Do Đức Thế Tôn diệu đức vô lượng nên đức hiệu của Ngài cũng vô lượng. Trong mỗi danh hiệu lại hàm chứa vô lượng đức, nên trì danh Ngài sẽ chiêu cảm được vô lượng đức.
          Ba chữ đầu tiên trong danh hiệu bản kinh này là Vô Lượng Thọ, dùng ba chữ ấy để thống nhiếp những điều được giảng trong kinh. Vì Vô Lượng Thọ là thể của Pháp thân thường trụ.
          Thọ là thể của trí Như Như. Quang là tướng của trí Như Như. Vì vậy, dẫu tên kinh chỉ nói về thọ đức, nhưng cũng ám chỉ quang đức.
          Hết thảy ba thứ trang nghiêm của Cực Lạc Tịnh độ ( Phật, Bồ Tát, quốc độ trang nghiêm ) đều quy về thọ mạng. Lại nói ba thứ trang nghiêm của y báo chánh báo nơi cõi Cực Lạc nằm gọn trong một pháp cú Vô lượng thọ vậy.
          Vì vậy, đức hiệu Vô Lượng Thọ được nêu trong tựa đề kinh này gồm cả nguyện hạnh của Ngài Pháp Tạng khi còn tu nhân lẫn quả địa Phật đức. Y chánh, chủ bạn của Cực Lạc, yếu chỉ của kinh không một điều nào chẳng được thâu tóm trọn vẹn trong tựa đề bản kinh này.
          Kinh có bốn nghĩa : Xuyên suốt, thâu tóm, thường hằng, Pháp. Xuyên suốt là lý xuyên suốt tất cả những điều được nói. Thâu tóm là thâu giữ chúng sanh được hoá độ. Thường là xưa nay chẳng đổi. Pháp là xa, gần cũng tuân theo. Dùng cả bốn chữ vừa nêu trên đây mới nói hết được ý nghĩa chữ kinh.
          Tên bản kinh này, đủ ba loại: Là nhân, pháp và dụ. Cộng chung thành 7 loại : 1/Đơn nhân : Kinh A Di Đà 2/ Đơn Pháp : Đại Bát Nhã. 3/ Đơn dụ : Phạm võng kinh. 4/ Nhân pháp : Văn Thù Vấn Bát Nhã kinh. 5/ Pháp dụ : Diệu Pháp Liên Hoa kinh. 6/ Nhân dụ : Bồ Tát Anh Lạc kinh. 7/ Nhân Pháp dụ : Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm kinh: Phật là nhân, Đại phương quảng là pháp. Hoa nghiêm là dụ .
          Tựa đề bản kinh Vô Lượng Thọ đầy đủ nhân pháp dụ. Vô Lượng Thọ là người đắc quả. Bảy chữ trang nghiêm Thanh tịnh, Bình Đẳng Giác là pháp. Hai chữ Đại thừa là dụ.  Kinh nầy có thể chuyên chở Vô Lượng chúng sanh cùng đến chổ có của báu, giống như xe trâu trắng lớn trong kinh Pháp Hoa nên dùng Đại Thừa làm dụ.
          Các kinh đều đủ :  giáo-hạnh-lý. Xét về kinh này “ Phật thuyết Đại thừa ” là giáo, “ Trang nghiêm thanh Tịnh Bình đẳng giác ” là hạnh. “ Vô Lượng Thọ ” là lý.
          Vô Lượng Thọ hàm ý ba đời nhất như, bổn thể pháp thân thường trụ Niết bàn, cũng chính là Phật tánh sẳn đủ của chúng sanh, là bổn tâm “ Tâm này là Phật ”. Vì vậy,  phán định Vô Lượng Thọ thuộc về lý vì nó chính là Thật tế lý thể .
          “ Phật thuyết Đại thừa ”. là giáo, nghĩa là nương theo lý thể “ Vô Lượng Thọ ” để trực chỉ Đại thừa.
          Vô Lượng Thọ là dụ, vì Phật tuyên thuyết Đại kinh để nói về cái chúng sanh vốn sẳn có đủ. Lý do phán định chữ “ Phật thuyết Đại thừa ” là giáo đã rõ.
          Lại từ giáo khởi hạnh nên “ Trang nghiêm Thanh tịnh Bình Đẳng Giác ” chính là diệu hạnh được đức Phật giảng dạy. Một câu Di Đà dùng trang nghiêm tự tâm, thanh tịnh tự tâm, thì chính là “ y giáo tu hành ”, chẳng nhọc phương tiện, tự được tâm khai, hiển lộ trọn vẹn bình đẳng giác sẳn có. Ấy là dùng hạnh hiển lý.

          Hơn nữa, được vãng sanh thì ngộ vô sanh nhẫn, từ thể khởi dụng, lại dùng diệu pháp bình đẳng này bình đẳng phổ độ hết thảy chúng sanh vãng sanh tịnh độ, cùng chứng Đại giác. Đấy cũng chính là từ các hạnh hiển lý vậy./.

KINH VÔ LƯỢNG THỌ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét