Thứ Hai, 14 tháng 11, 2016

BỐN TRƯỜNG HỢP CỦA HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN

BỐN TRƯỜNG HỢP CỦA HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN

Một thời Thế Tôn trú tại Nalanda, có một vị trưởng thôn Bà la Môn đến gặp Thế Tôn, đảnh lễ Thế Tôn, rồi ngồi xuống một bên. Thôn trưởng Bà la môn bạch Thế Tôn:
Những người thờ lửa, khi một người đã chết, đã mệnh chung, họ nhấc bổng và mang vị ấy ra ngoài, kêu tên vị ấy lên, và dẫn vị ấy lên thiên giới. Còn Thế Tôn, Bạch Thế Tôn là bậc A La hán, Chánh Đẳng Giác, Thế Tôn có thể làm như thế nào cho toàn thể thế giới, sau khi thân hoại mạng chung, được sanh lên thiên giới cõi đời này.
Đức Thế Tôn nói: Nầy ông trưởng thôn, ông nghĩ thế nào ! Ở đây có một người sát sanh, lấy của  không cho, sống theo tà hạnh trong các dục, nói láo, nói lời hai chiều, nói lời thô ác, nói lời phù phiếm, tham lam, sân hận, theo tà kiến. Sau khi mạng chung, một số người đông đảo, tụ tập họp lại cầu nguyện, tán dương, chắp tay đi khắp và nói rằng: Mong người này, thân hoại mạng chung được sanh lên thiên giới. Ông nghĩ thế nào ! Này ông trưởng thôn, người ấy do lời cầu nguyện của quần chúng, do tán dương, do chắp tay đi khắp mà người mạng chung kia được sanh về thiên giới chăng ?
Ông trưởng thôn thưa, bạch Thế Tôn không.
Đức Thế Tôn lại nói tiếp,  Này ông trưởng thôn, Ví như có một tảng đá lớn, đem ném xuống hồ nước sâu. Rồi một số người đông đảo, tụ họp lại cùng cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp và nói rằng: Tảng đá hãy nổi lên ! hãy nổi lên ! hãy trôi vào bờ, này tảng đá lớn !  Ông nghĩ thế nào ? này ông trưởng thôn, tảng đá ấy do nhân  cầu khẩn của đại quần chúng, do tán dương, do  chắp tay đi cùng khắp mà tảng đá to ấy có thể nổi lên chăng ? hay trôi dạt vào bờ chăng?
Ông trưởng thôn, bạch Thế Tôn không thể nổi lên được.
Đức Thế Tôn lại nói tiếp,Nầy ông trưởng thôn.  Cũng vậy, như có người không sát sanh, không lấy của không cho, không tà hạnh trong các dục, không nói láo, không nói lưỡi hai chiều, không nói lời phù phiếm, không tham lam, sân hận, không tà kiến. Một số đông người tụ họp lại cùng nhau cầu khẩn, tán dương, và chắp tay đi cùng khắp và nói lời rằng, mong người này khi mạng chung sanh vào ác thú, đọa xứ, địa ngục, ngạ quỷ súc sanh, do vì lời cầu khẩn ấy, tán dương ấy, rao nói chấp tay ấy mà người kia đọa vào đường ác chăng ?
Ông trưởng thôn trả lời, Bạch Thế Tôn không.
Đức Thế Tôn lại nói tiếp, này ông trưởng thôn, ví như một ghè đựng đầy dầu, người ta đem ghè dầu ấy bỏ vào hồ nước, rồi đập vỡ ghè đó bể ra thành nhiều mãnh vụn chìm xuống nước. Còn dầu thì nổi lên. Rồi một số đông người tụ họp cùng nhau cầu khẩn, tán dương, chấp tay đi cùng khắp nói rằng: Nầy dầu ! hãy chìm sâu xuống tận đáy nước, Ông nghĩ như thế nào, dầu ấy do sự cầu khẩn, do tán dương, do chắp tay rao cùng khắp mà dầu có thể vì thế mà chìm xuống đáy nước chăng ?
Ông trưởng thôn đáp. Bạch Thế Tôn không thể được.
Thế Tôn nói tiếp, Như có người từ bỏ sát sanh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ tà hạnh trong các dục, từ bỏ nói láo, nói lời độc ác, nói lưỡi hai chiều, nói lời phù phiếm, từ bỏ tham lam, sân giận. Rồi quần chúng tụ họp lại cùng nhau cầu khẩn, tán dương, chắp tay đi cùng khắp kêu tên nói rằng, Người kia khi mạng chung đọa vào ác thú, địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh được chăng ? Ông trưởng thôn, bạch Thế Tôn không thể được. Không vì do những lời cầu khẩn và tán dương ấy mà người kia đọa vào ác thú, địa ngục, ngạ quỷ súc sanh.
Khi nghe Thế Tôn nói những lời như trên, ông trưởng thôn bạch Thế Tôn rằng: Thật vi diệu thay, bạch Thế Tôn, như  người dựng lại những gì đã ngã xuống, phơi bày những gì đã che kín, chỉ đường cho những người bị lạc hướng, đem ánh sáng vào bóng tối, để cho những ai có mắt có thể thấy. Cũng vậy, chánh pháp đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện trình bày, giải thích. Bạch Thế Tôn, con xin quy y Phật, Pháp và chúng tăng. Mong Thế Tôn nhận con làm đệ tử cư sĩ, từ nay cho đến mạng chung, con trọn đời quy ngưỡng.
      Từ bài kinh nêu trên có thể rút ra bốn trường hợp như sau:
1/ Người có giới đức thanh tịnh cầu nguyện cho người có tâm thức thanh tịnh.:Đây là nguyên lý cộng hưởng những năng lượng vi diệu.
Một bên là công năng chuyển hóa toàn diện của các bậc tu hành, đầy đủ giới, định, tuệ, chuyển hóa sạch tập khí, lậu hoặc, v.v Bản tâm sáng rõ như trời quang mây tạnh, nên đủ sức chiếu soi các nơi tăm tối.
      Một bên là tâm thức thiết tha hướng về cõi sáng, đó là nguyện lực của các bậc thiện tri thức, Bồ tát, chư Phật trong mười phương. Do thành tâm quy nguyện nhiệt thành như vậy nên các tập khí, tam độc không bị dính mắc vào. Nhờ vậy, tạo được năng lực tương tác, cộng hưởng, giao thoa giữa thức thanh tịnh. Nên tác dụng của việc cầu siêu chắc chắn được thành tựu. Đây cũng là nguyên lý của việc cầu siêu độ trong đạo Phật.
Ví dụ như- Ngài Xá Lợi Phất cầu nguyện cho trưởng giả Cấp Cô Độc. Đức Phật cầu nguyện cho Vua cha Tịnh Phạn.
1-     Người có giới đức thanh tịnh cầu nguyện cho người có tâm thức không thanh tịnh.  Đó là những chúng sanh đã bị tập khí phiền não sai sử trong suốt thời gian khi còn sống. Khi lâm chung bị rơi vào các cảnh giới tối tăm để trả nghiệp. Ví dụ như trường hợp của Ngài Mục Kiền Liên cầu nguyện cho mẹ là Thanh Đề.
Trường hợp này phải cần đến năng lực thanh tịnh của những người có giới đức rất lớn, mới đủ sức tương tác, chuyển hóa phần tâm thức nhiễm ô do tập khí nhiều đời của người đã tạo nghiệp. Nên đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên phải nhờ đến công phu tu tập giới,định,huệ của chư Tăng trong mười phương mới cứu được người thân.
3-Người có giới đức không thanh tịnh cầu nguyện cho người có  tâm thức thanh tịnh.
  Ví dụ trường hợp của Đề Bà Đạt Đa, vì muốn lấy lòng A Xà Thế, nên khi vua Tần Bà Sa La băng hà, Đề Bà Đạt Đa đến thăm và cầu nguyện, nhưng chỉ là hình thức chứ không có kết quả gì. Vì lúc đó Đề Bà Đạt Đa thì đầy tham vọng nên tâm hoàn toàn bị nhiễm ô, còn vua Tần Bà Sa La sau khi thấy được ác tâm của con mình là A Xà Thế nên đã có sự chuyển tâm, nhân đó Đức Phật mới chỉ cho nghiệp báo từ nhiều đời trước.Vua Tần Bà Sa La từ đó càng chuyên tâm hướng về Tam Bảo. Nên sự cầu nguyện lúc này của Đề Bà Đạt Đa chỉ là hình thức để tranh thủ A Xà Thế, còn kết quả tốt đẹp chính là do sự chuyển hóa tâm thức mạnh mẽ lúc cận tử của vua Tần Bà sa La.
4-Người có giới đức không thanh tịnh cầu nguyện cho người có tâm thức không thanh tịnh.  Trong trường hợp này người đứng ra cầu nguyện  đều có tâm thức nặng nề chưa được chuyển hóa thanh tịnh, và đối tượng được nhắm đến cũng đầy những nghiệp quá nặng, thì làm sao sự cầu nguyện có hiệu lực được. Đức Phật ví dụ như tảng đá lớn nặng ném xuống hồ nước sâu. Rồi quần chúng đông đảo tụ họp nhau cùng cầu nguyện, không vì số đông người và sự cầu nguyện đó mà tảng đá nổi lên trôi vào bờ. Tảng đá ví như nghiệp dữ mà người kia đã tạo. nghiệp ác thì phải trả quả báo tương ứng, như viên đá nặng thì phải chìm xuống. Nhưng nghiệp con người thì có thể chuyển hóa được một khi thức tỉnh. Do một yếu tố nhân duyên nào đó, khi tâm thức con người được tác động vào, có được nhận thức, liền có sự thay đổi, thì được gọi là chuyển nghiệp. Yếu tố tác động này chính là giới đức thanh tịnh của người đứng ra cầu nguyện. Nếu thiếu yếu tố này, như những Bà La Môn nêu trên, vì thế nên chính đương sự cũng chẳng có sự tác động nào để được chuyển hóa, thì kết quả chẳng tốt đẹp gì.
     Ác nghiệp nặng thường đưa chúng sanh đi xuống, thiện nghiệp nhẹ thường đưa chúng sanh đi lên.Tuy nhiên nếu đã lỡ tạo ác nghiệp rồi thì phải siêng năng, tinh tấn làm việc lành, chính nhờ việc lành, nhờ thiện nghiệp, nó có khả năng nâng đỡ cho tất cả chúng sanh. Tuy nhiên Đức Thế Tôn còn dạy rằng:  “ Ghe thuyền hằng chuyên chở đồ đạc qua sông lớn, qua biển lớn, nhưng nếu ghe thuyền ấy chở quá mức độ cho phép, ghe thuyền ấy sẽ bị chìm. Cũng vậy, thiện nghiêp nâng đỡ ác nghiệp, nhưng ác nghiệp quá nặng, thiện nghiệp cũng sẽ bị chìm theo ! Lại nữa, ghe thuyền ấy phải được vững chắc, kiên cố không bị rò rỉ, nếu bị rò rỉ thấm nước thì phải tác cạn, phải bịt chặt các lỗ rò rỉ đi.  Cũng vậy, đừng để ác nghiệp xen vào, nếu ác nghiệp đã rò rỉ vào tâm thì phải bịt chặt lại, tát cạn lần hồi ác nghiệp ấy đi. Nhờ vậy ghe, thuyền thiện pháp kia sẽ đến được bền bờ an vui nhất định./.

                                           ---------]----------

BỐN TRƯỜNG HỢP CỦA HIỆU LỰC CẦU NGUYỆN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét