Thứ Tư, 16 tháng 11, 2016

TÂM LỰC VÀ ĐẠO LỰC


         Người niệm Phật mà tâm không an, chính vì mình còn thiếu lòng tin. Người niệm Phật mà thiếu niềm tin vững vàng thường bị những sinh hoạt chung quanh chi phối làm cho chao đảo. Người mới phát tâm niệm Phật thường nên chuyên tu một thời gian mới tốt, chứ đừng vội phát tâm đi làm đạo sớm. Vì tâm đạo thì có mà lực đạo chưa thành, gọi là lực bất tùng tâm. Dễ gặp chướng ngại làm cho mình thối tâm Bồ đề. Những chướng ngại này Phật học gọi là ma chướng. Ma chướng chính là những nghịch duyên làm cho mình thối tâm.
          Mình muốn niệm Phật cầu vãng sanh tin như vậy nhưng lý đạo chưa chắc gì mình đã thông suốt. Khi gặp những người hiểu đạo họ chê bai, bài bác, hoặc có những luận điệu phản chống. Đây là những thứ thử thách rất thường xảy ra, làm cho mình chao đảo và thối tâm, nghĩa là lòng tin của mình bị giảm sút.
          Những gì làm cho tâm mình thối chuyển gọi là ma chướng. Nói là ma chướng thật ra chỉ vì tâm mình chưa vững thành ra bị hoàn cảnh chuyển đổi. Tâm không vững gọi là nội ma, hoàn cảnh hổn loạn bên ngoài gọi là ngoại ma, hay gọi là thiên ma.
          Như vậy, nội ma hay ngoại ma đều do tâm của mình sanh ra cả. Tâm vững là chánh tâm, chánh tâm sẽ chuyển đổi hoàn cảnh theo chánh đạo, tất cả đều được hổ trợ tốt.
          Tâm không vững thì bị hoàn cảnh chi phối, chuyển đổi theo chiều hướng bên ngoài, gọi là tà đạo. Tà đạo này suy cho cùng cũng là do tâm của ta không vững trước.
          “ Chánh ” là thẳng , tu chánh là đi thẳng một đường tới chổ thành tựu. “ Tà ” là đi không thẳng, đi lần quần, đi vòng quanh. Tu tà là tu không thẳng, tu như vậy không thành công, suốt đời này qua đời khác, tu nhiều kiếp cũng khó tới đích.
          Tu hành mà không có đường hướng rõ rệt, nhắm về tương lai không có hướng đến nhất định, thường vướn vào tệ hại này, người tu hành không có sự hướng dẫn tốt thường bị lầm lạc là vậy.
          Đạo Phật là đạo hướng dẫn con người thoát sanh liễu tử luân hồi, thế mà nhiều người tu học Phật chưa nghỉ đến chuyện thoát ly sanh tử, chưa có tâm muốn thoát khỏi tam giới, không bao giờ nghỉ rằng mình có thể vãng sanh Tây phương Cực Lạc để hoàn thành đạo nghiệp, trong khi lời Phật dạy rõ ràng rằng : “ Người nào niệm Phật cầu vãng sanh Tây phương Cực Lạc, thì sẽ vãng sanh trụ ngôi bất thối rồi sẽ thành Phật ”.
          Tất cả đều do niềm tin quá yếu, quá thiếu phước thiện, thành ra học Phật mà nghi ngờ lời Phật, không theo lời Phật, không y giáo phụng hành. Ngược lại, ưa thích chạy theo những triết lý bóng bẩy của người đời. Những kiểu lý luận lòng vòng của thế gian, ở đó để tâm mê đắm, rồi đem cả công phu tu tập và lý tưởng tu hành của mình đổi lấy từng chút hào nhoáng phù phiếm tạm bợ, tìm kiếm cái phước báu nhỏ nhen trong tam giới lục đạo mà quên mất lối thoát.
          Tu hành như vậy, dù rằng tiếng là đang tu theo chánh đạo, nhưng kết cuộc không thể nào đạt được chánh quả. Tu mà không đạt được chánh quả thì nhất định còn bị trói buộc trong nghiệp ma. Trong kinh Hoa Nghiệm Phật dạy : “ Người tu mà quên mất tâm giác ngộ, mà đi tu các hạnh lành. Đó là nghiệp của ma ”.
          Tâm giác ngộ là tâm thành Phật, muốn thành Phật thì phải về Tây Phương Cực Lạc. Vì về Tây phương Cực Lạc thì một đời thành Phật.
          Trên lộ trình tu học chúng ta không lo tìm phương giải thoát, chỉ một mặt lo dẫn dắt chúng sanh tạo nghiệp thiện, mà mình quên hẳn việc thoát ly sanh tử luân hồi, làm cho chúng sanh đời đời kiếp kiếp bị kẹt trong sanh tử mà không thoát được. Ngài Tỉnh Am nói : “ Thiện nghiệp càng lớn, sanh tử càng nặng ”. Cho nên dạy chúng sanh làm thiện phải dạy chúng sanh con đường giải thoát nữa. Vì vậy tu thiện cũng rất cần, nhưng phải biết hướng tới tịnh nghiệp mới đúng.
          Kinh Phật dạy : “ Tâm tịnh quốc độ tịnh ”. Nghĩa là tâm mình vững vàng, thanh tịnh thì hoàn cảnh chung quanh sẽ ảnh hưởng cái tâm của mình mà dần dần sẽ thanh tịnh. Ngược lại tâm mình chưa vững thì hoàn cảnh bên ngoài sẽ loạn động.
          Chính vì vậy phải hàm dưỡng công phu, cố gắng niệm Phật cho nhiều, khi gặp những nghịch cảnh bên ngoài thì đừng chú ý đến, cũng đừng nên can thiệp vào, tốt nhất là lánh xa để tâm ta khỏi bị chao đảo.

          Tâm ta chưa thanh tịnh, rất cần hoàn cảnh thanh tịnh để cùng nhau sách tấn tu tập, giúp đở nhau. Sự lo lắng, buồn phiền, sợ sệt nghi ngờ đều có ảnh hưởng không tốt cho việc tu tập, tạo một thứ từ trường lành mạnh, biết cách hướng dẫn, thì tâm dễ vững, dễ tu tập dễ vãng sanh./.

TÂM LỰC VÀ ĐẠO LỰC Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét