Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

NIỆM PHẬT THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHÂT TÂM ?


          Trong kinh A Di Đà Phật nói : “ Ta ở trong cõi Ta bà ngũ trược tu hành thành Phật là việc rất khó. Nay nói pháp môn niệm Phật cầu sanh Tây phương cho người nghe tin theo là việc càng khó hơn ”. Là pháp khó tin Phật đã từng nói như vậy. Cho nên ai tin được pháp môn nầy là người có thiện căn, có phước đức.
          Đức Phật động viên, khích lệ và tán thán người tin và thực hành theo pháp môn này, là pháp thù thắng, là pháp thuận lợi. Ngài nói người nào tin cõi Cực lạc, tin Phật A Di Đà, nghe danh hiệu Phật rồi khởi lòng tin và chấp trì, người đó có thiện căn và phước đức nhân duyên.
          Phật lại khuyên mọi người nên tin và phát nguyện cầu sanh về cõi nước Phật A Di Đà. Cõi ấy có nhiều thuận tiện và ích lợi mọi người nên tin và phát nguyện cầu sanh cõi kia.  Đây không những một mình Ta mà mười phương chư Phật cũng đồng ca ngợi pháp môn nầy và tán thán hộ trì cho những ai tin và thực hành theo pháp môn này. Ai đã tin thì đã vãng sanh, ai đang tin thì sẽ được vãng sanh, ai sắp tin thì cũng được vãng sanh. Như vậy cánh cửa Cực lạc luôn luôn mở chào đón tất cả chúng sanh, sẽ sanh về không giới hạn. Không những Đức Phật A Di Đà mà mười phương chư Phật cũng đều gia trì cho người niệm Phật. Vì thế con đường đi về tịnh cảnh tuy xa nhưng dễ đi và mau đến. Vì có chư Phật và Bồ Tát gia trì. Ví như từ đây đi qua nước Mỹ, nếu đi bộ hoặc đi bằng tàu thủy thì tốn thời gian rất lâu lại khó đến, nhưng đi bằng máy bay siêu tốc, chỉ trong một vài giờ là đến. Chiếc máy bay dụ cho tha lực, dụ cho đại nguyện Phật A Di Đà, phi công và các tiếp viên dụ cho chư Bồ Tát đưa mình đến nơi đến chốn an toàn.
          Thế gian phàm phu ngu dại, đầy dẫy phiền não, thế mà cũng có phương tiện siêu phàm thì đối với cõi Phật là bậc thánh làm sao không tin được ? Đức Phật xác định pháp này là pháp khó tin, người nào tin được người ấy có thiện căn và phước đức. Cho nên nhiều người không có thiện căn và nhân duyên với pháp môn tịnh độ. Họ nhất quyết không tin có Phật A Di Đà và cõi Cực lạc Tây phương. Họ đưa ra những lời lẽ bất đồng về pháp môn tịnh độ, khiến cho nhiều người hoang mang, nghi ngờ thối chí, mất dự phần vãng sanh.
          Đối với pháp môn niệm Phật có hai hạng người làm trở ngại cho sự tu tập : Là hạng người nghi ngờ và hạng người phủ nhận.  Hạng cho rằng Phật A Di Đà và cõi Cực lạc là giả tưởng, là phương tiện để trấn an tâm lý con người, là hóa thành để làm an tâm con người. Hạng cho rằng  ai tin có cõi cực lạc là một lối tin tà kiến,  không có sự gia công mệt sức mà hưởng quả vị an vui lâu dài. Tin như vậy không khác gì như tin có cõi thiên đường và đức chúa trời. Người ta nói rằng Đức Thích Ca tu hành phải trãi qua ba a tăng kỳ kiếp mới thành Phật, ta là hạng người nào tu một đời được giải thoát là chuyện mơ hồ? Cho nên họ cực lực không tin có Phật A Di Đà và cõi Cực lạc.
Luận theo nhân quả công bằng, một bên để vật năm lạng phải để quả cân năm lạng. Làm gì gây nhân một lạng hưởng quả 10 cân ? là vô lý là trái với lẽ công bằng. Những người này nói nhân quả, căn cứ nhân quả nhưng chỉ hiếu nhân quả có một chiều, họ không hiểu nhân quả đa chiều. Ví như người đứng trước ngôi nhà họ chỉ biết mặt trước ngôi nhà làm sao họ biết hết bên trong và các phía còn lại của ngôi nhà. Nhân quả rất phức tạp tinh vi không thể hiểu hết mà đem so sánh.
Nói đến nhân quả ta phải khảo sát qua duyên. Duyên là mối liên hệ hổ trợ đưa đến hình thành quả. Nhưng duyên cũng lại trùng duyên khởi, duyên lại có duyên thuận và duyên nghịch. Duyên đưa đến sự hình thành quả, duyên dẫn đến triệt tiêu quả. Duyên tạo cho quả mau hình thành, duyên làm cho quả chậm phát triển v.v. Khi nhân được tác động với duyên mạnh hay yếu thì sẽ dẫn đến quả nhanh hay chậm là lẽ tất nhiên.
Ví dụ ngày xưa giống lúa dài ngày sáu tháng mới thu hoạch và năng suất lại thấp. Ngày nay cũng giống lúa đó nhà khoa học kích hoạt vào giống lúa đó một số duyên để rồi cho ra giống lúa ngắn ngày chỉ trong ba tháng thu hoạch và năng suất gấp ba ,bốn lần.
         Như vậy đối với pháp môn niệm Phật một đời sẽ xong, khỏi phải cần khổ nhiều đời nhiều kiếp là việc có thật, không phải  mơ hồ hay là lời an ủi dụ dỗ những kẻ ngu phu ngu phụ không biết đọc không biết viết như người ta đã lầm tưởng.
Ở đời có sạch thì có dơ, có tịnh thì có nhiễm, có tối thì có sáng, có phàm thì có thánh v.v.. Thế thì có các cảnh giới chúng sanh tất nhiên có cảnh giới của chư Phật và thánh. Kinh A Di Đà nói ngoài cõi giới Ta bà chúng sanh thì có 10 phương cõi Phật trong đó có cõi Cực lạc Tây phương có vị Phật làm giáo chủ cõi đó là A Di Đà. Và khoa học cũng công nhận như vậy, ngoài quả đất có vô số hành tinh khác, ngày xưa khoa học chưa phát triển con người có thể không tin, nhưng ngày nay khoa học đã mở cái vòm trời vũ trụ cho ta thấy không những thế giới con người mà cả thế giới của các loài động vật nữa. Thế mà có rất nhiều người không tin có thế giới Cực lạc và  có Đức Phật A Di Đà.
Lại có người lại nghi rằng, niệm Phật được nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh. Nhưng có  mấy ai niệm Phật đạt được nhất tâm ? Vậy vãng sanh được là điều rất khó !
          Câu nói nghi ngờ trên đúng chứ không sai, nhưng đúng với một thành phần đặc biệc mà thôi. Niệm Phật nhất tâm là kỳ vọng của người niệm Phật, là mục tiêu đưa ra cho người niệm Phật. Nhưng tiêu chí đó chỉ dành cho các bậc thượng thiện căn ít phiền não mới làm được. Nếu đạt được trình độ niệm Phật nhất tâm thì vãng sanh là việc nắm chắc và quả vị sẽ là thượng phẩm thượng sanh. Giống như học trò giỏi đạt được điểm 10/10 không những được lên lớp mà còn có phần thưởng nữa. Ngoài ra những trò 9 điểm trở lại 3,4,5 điểm không được lên lớp sao ?
          Tiêu chí của pháp niệm Phật không những mức 10/10 được vãng sanh mà ngay cả 1/10 hoặc 2, 3/10 cũng được vãng sanh. Vì Cực lạc có cõi phàm thánh đồng cư sẽ thâu nhận những chúng sanh  trí tuệ thấp kém và nghiệp chướng sâu dày. Giống như trường dạy nghề cho những người khuyết tật vậy. Do đó thế giới Cực lạc mở ra để thâu nhiếp tất cả chúng sanh trong 10 phương không phân biệt,  lên đó tùy theo nghiệp lực, trình độ căn cơ, tội phước mà ứng hợp với ba bậc chín phẩm.

          Cực lạc có ba bậc chia làm 9 phẩm là thượng, trung và  hạ . Gồm có thượng thượng phẩm, thượng trung phẩm và thượng hạ phẩm. Đến bậc trung có thượng trung phẩm, trung trung phẩm và hạ trung phẩm. Rồi đến bậc hạ có thượng hạ phẩm, trung hạ phẩm và hạ hạ phẩm.  Bậc thượng căn niệm Phật sẽ vãng sanh về thượng phẩm, bậc trung căn niệm Phật sẽ vãng sanh về trung phẩm. Bậc hạ căn niệm Phật vãng sanh về hạ phẩm. Lại trong 9 phẩm phân chia thành 91 phẩm. Như vậy mọi căn cơ có niềm tin và niệm Phật phát nguyện vãng sanh đều có phần. Duy chỉ có điều kiện là phải có đức tin nơi pháp môn và sự phát nguyện cầu sanh Tây phương thì sẽ có dự phần. Tin là mẹ đẻ mọi công đức, đức tin là cửa ngỏ đi vào đạo. Thiếu đức tin, dù là thánh cũng không về được Cực lạc, chỉ là thánh của thế giới phàm phu mà thôi.

NIỆM PHẬT THẾ NÀO ĐỂ ĐƯỢC NHÂT TÂM ? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét