Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

THẾ NÀO LÀ NIỆM PHẬT GIÁN ĐOẠN ?

THẾ NÀO LÀ NIỆM PHẬT GIÁN ĐOẠN ?

          Niệm Phật gián đoạn là niệm không liên tục, cách khoản có lúc niệm lúc không, một nóng mười lạnh. Niệm như thế gọi là niệm gián đoạn. Lại gián đoạn có hai loại : Lý gián đoạn và sự gián đoạn. Lý gián đoạn là sự thiệt thòi lớn nhất của sự tu tập cầu giải thoát, coi như đi lạc đường. Còn sự gián đoạn thì không nguy hiểm hơn lý, chỉ có đi chậm, lâu đến mà thôi.
          Có người than rằng, vì công việc làm ăn sinh sống, nên không thể niệm Phật liên tục được, như vậy có phải niệm Phật gián đoạn không ? mà đã gián đoạn thì làm sao đạt được niệm Phật nhất tâm ?
          Niệm Phật không gián đoạn là niệm Phật liên tục, không nên có lúc niệm lúc không niệm. Tuy nhiên, xét cho cùng, thì vấn đề gián đoạn của pháp niệm Phật, nên hiểu có lý hơn là sự.
          Lý niệm gián đoạn chính là người có tâm hồ nghi câu Phật hiệu, không tin rằng pháp môn niệm Phật có thể cứu độ một chúng sanh phàm phu như mình được vãng sanh.. Người không tin vào pháp niệm Phật nên họ niệm lấy có, niệm giống như kiểu trả bài, niệm để cầu xin vào một sự an lạc tạm bợ, cầu xin các thứ phước lành nhỏ nhen nào đó, như cầu xin hanh thông phát tài, cầu mua may bán đắt, cầu hết bịnh, cầu gia đạo bình an v.v..
          Niệm Phật như vậy về hình tướng bên ngoài thì có niệm, không gián đoạn, nhưng thực tế bên trong không niệm gì cả.  Niệm Phật thì không chí tâm, không thành kính. Niệm Phật chưa xong đã chuẩn bị niệm cái khác, thích tu đủ kiểu xen tạp nhiều phương pháp, thấy cái gì hay thì cũng muốn thử nghiệm, đụng đâu tu đó. Nói chung, người không có một hướng đi nhất định.
          Người không có hướng đi nhất định thì tâm hồn chao đảo, đường tu không chuyên, hướng về mù mịt, thường chỉ nhắm vào những điểm gần gủi, tạm bợ, thích chạy theo những thị hiếu giả tạm nào đó của thế gian, chứ không có chí nguyện vãng sanh Tây phương Cực Lạc, không có lý tưởng vượt thoát sanh tử luân hồi, không tin tưởng một đời nay có thể thành đạo.
           Người học Phật như vậy dù cho bề ngoài  nhiều lúc thấy khá hay, nhưng kết quả thường vẫn bị trôi lăng trong vòng sanh tử luân hồi, tiếp tục chịu đoạ lạc khó có cơ hội giải thoát.
          Vì không có hướng nhất định để đi nên thường thay đổi cách tu hành, nay tu cách này mai tu cách khác. Nghe người ta nói cách nào cũng hay hết thôi thì gôm hết. Không có đường  nhất định, nên đường nào cũng đi, vô tình cứ đi lòng vòng, không có hướng nhất định nên không có hướng đến, thành ra không biết đi về đâu ?
           Vì tâm không định nên loạn cách tu, tu không chuyên nhất nên nay niệm Phật, mai không niệm Phật mà niệm thứ khác. Đây chính là gián đoạn trong pháp niệm Phật. Như vậy gián đoạn chính là tâm không có chủ định, vì tâm không chủ định nên tâm hồn thường lạc lòi, bơ vơ, phân vân, hồ nghi, chao đảo, thiếu lý tưởng. Kinh Vô Lượng Thọ gọi là tâm bất định là tâm vô thường, khó có ngày khai ngộ. Người tu niệm Phật mà tâm bất định thì dù hình thức có tu giỏi cho mấy cũng bị vướng vào tình trạng bán đồ nhi phế, là nữa đường bỏ cuộc, tức là gián đoạn.
          Vậy suy cho cùng, gián đoạn chính là cái tâm đã chuyển hướng, tâm xen tạp. Nói gọn là lý gián đoạn.  Còn sự gián đoạn là người chuyên lo làm ăn, buôn bán, lao động . . .bận công việc không thể niệm Phật liên tục được. Sự gián đoạn này là chuyện thường tình, ai cũng có, không ít thì nhiều. Điều này có ảnh hưởng đến việc niệm Phật chứ không phải hoàn toàn không. Tuy nhiên, sự ảnh hưởng này thuộc về công phu tu tập, chứ không phải chủ tâm xen tạp. Công phu bị ảnh hưởng thì có thể tiến chậm, khó thành tựu đến chổ niệm phật thuần thục, niệm Phật thành phiến nhất tâm bất loạn, chứ không phải tạo chủng tử xen tạp trong tâm.
          Về cảnh giới nhất tâm bất loạn, thành thật mà nói thời mạt pháp này khó có thể tìm đâu ra một người đạt được. Tuy nhiên, lâu lâu ta có nghe nói rằng có người nào đó tự xưng là đã nhất tâm bất loạn thì có, còn thực chất người đó có được nhất tâm bất loạn hay không là chuyện hoàn toàn khác.
           Nhất tâm bất loạn là cảnh giới chứng đắc tương đương với đại triệt đại ngộ, minh tâm kiến tánh của thiền tông, đại khai minh giải của giáo hạ, tam mật tương ưng của Mật tông. Cảnh giới chứng đắc này đã phá được một phần vô minh của hàng  Bồ Tát pháp thân đại sĩ chứ không phải là chuyện thường. Chư vị tổ sư mà chưa dám tự xưng  là chứng đắc, thì đâu có chuyện một người quá hứng khởi tự vỗ ngực xưng tên mà được như vậy.
          Vì thế, bận việc làm không thể niệm Phật liên tục thì lúc làm việc cứ làm việc, sau đó hãy chọn giờ nào thuận tiện nhất trong ngày hay đêm để niệm Phật. Hằng ngày hay đêm công phu như vậy cũng được coi như là liên tục. Nếu bửa nay niệm Phật mai tu cách khác, mốt trở lại niệm Phật, bửa kia lại tìm cái gì mới hơn để niệm, đây mới chính là niệm Phật gián đoạn.
           Chính vì cái tâm hồ nghi vào pháp môn niệm Phật, nên mới thay đổi đủ cách, xen tạp đó là tâm không tin tưởng vào câu Phật hiệu, không tin tưởng vào lời Phật dạy, không tha thiết vãng sanh Tây phương. Nói chung, nay muốn mai không tức là gián đoạn.

          Nếu một lòng tin tưởng vững tâm niệm Phật, vẫn tha thiết cầu vãng sanh, những lúc bận rộn làm việc không niệm Phật được, nhưng tâm vẫn giữ một đường niệm Phật thì không phải là gián đoạn, mà hảy tuỳ duyên và an nhiên niệm Phật./.

THẾ NÀO LÀ NIỆM PHẬT GIÁN ĐOẠN ? Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét