Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

ĐỚI NGHIỆP, TIÊU NGHIỆP VÃNG SINH TỊNH ĐỘ


Siêng niệm Phật, siêng tu cúng dường, rộng gieo ruộng phước, không những đời này có thể tiêu nghiệp, tiêu trừ một phần tội nghiệp, mà phẩm vị hoa sen ở phương Tây cũng được cao lớn hơn.
1/ Tu tịnh nghiệp và tiêu tội nghiệp:  Mỗi lần chúng ta niệm Phật, tụng kinh lễ sám phát nguyện hồi hướng cầu sanh tịnh độ. Như vậy có thể sinh Tịnh độ không ?  Điều này không cho phép chúng ta hoài nghi, thế nhưng người tu tịnh độ, thiện căn có sai biệt sâu cạn, thời gian tu hành có khác là sớm hay muộn, công phu tu trì có siêng hay biếng nhác, nghiệp chướng có nhiều hay ít không đều. Cho nên lúc phàm phu vãng sanh Phật quốc. Kinh Quán Vô Lượng Thọ nói, hoa sen chia ra làm chín phẩm. Kinh vô Lượng Thọ nói, những chúng sanh vãng sanh Phật quốc chia làm hai loại hoa sen hoá sanh và biên địa thai sanh. Hoa sen hoá sanh chia làm ba hạng. Còn biên địa thai sanh là tiếp nhận người không tin Phật trí, nhưng tin tội phước mà nguyện sanh về nước kia. Vãng sanh Phật quốc có cao hạ trung biên cũng có tiêu nghiệp vãng sanh và đới nghiệp vãng sanh không đồng.
          Căn cứ theo yêu cầu của Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật : “ Tất cả phàm phu, muốn tu tịnh nghiệp, để được sanh về cõi nước Cực lạc Phương Tây, phải tu ba phước. Ba phước tức là nhân chính tịnh nghiệp để được vãng sanh Tịnh độ. Ba phước tịnh nghiệp ấy là:
    1/ Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm bất sát, tu 10 thiện pháp.
    2/ Thọ trì Tam quy, đầy đủ các giới, không phạm oai nghi.
    3/ Phát Bồ đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng kinh điển Đại thừa, khuyên tấn người tu hành.
Trong kinh A Di Đà nói : “ Không thể có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sanh về cõi kia ”. Có các vị tiên đức cho rằng chỉ cần nhất tâm niệm Phật liền có được nhiều nhân duyên phước đức thiện căn ( danh hiệu Phật gọi là Vạn Đức Hồng danh ). Nhưng đối chiếu với ba phước tịnh nghiệp đã nêu ở trên trong kinh Quán Vô Lượng Thọ, thì đó chính là phước đức căn lành trong kinh A Di Đà. Đủ chứng tỏ điều kiện tiên quyết để được vãng sanh về cõi kia là tự tu ba phước tịnh nghiệp và khuyên người khác cùng tu ba phước tịnh nghiệp.
Kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật phần thượng phẩm nói : “ Nếu có chúng sanh nguyện sanh về cõi nước kia phát ba loại tâm, thì được vãng sanh”. Ba loại tâm ấy là: a/ Chí thành tâm, b/ Thâm tâm c/ Hồi hướng phát nguyện tâm. Kinh cũng nói: “ Có ba loại chúng sanh sẽ được vãng sanh”. 1/Từ tâm bất sát, đủ các giới hạnh, 2/ đọc tụng kinh điển Đại thừa phương đẳng 3/ Tu hành lục niệm (niệm: Phật, pháp,Tăng, giới, thí, thiên ) hồi hướng phát nguyện sanh cõi nước Cực lạc. Một ngày cho đến bảy ngày liền được vãng sanh. Điều kiện vãng sanh của hạng mục này, ngoài việc dụng tâm và tu lục niệm ra, cũng cần phải trì giới, để trợ giúp cho phước đức căn lành thêm lớn.
Ngoài pháp niệm Phật ra, còn có pháp trì chú vãng sanh, nói cho đủ là thần chú Bạt Nhất Thiết Nghiệp Chướng Căn bản Đắc Sanh Tịnh Độ Đà La Ni, do Tam tạng Câu Na Bạt Đà La xứ Thiên Trúc dịch từ đời Lưu Tống, dạy người ta thọ trì pháp môn A Di Đà Phật, thọ trì chú này, nên súc miệng sạch sẽ, ở trước tượng Phật quỳ gối chấp tay, ngày đêm sáu thời, mỗi lần tụng 37 biến, diệt được bốn tội nặng, ngũ nghịch thập ác, huỷ báng Đại thừa, đều được diệt trừ, hiện đời sở cầu đều như ý, đến lúc lâm chung theo nguyện vãng sanh. Công dụng của thần chú này trì niệm, hiện tại tiêu trừ nghiệp chướng, hiện đời được lợi ích, vị lại được vãng sanh Phật quốc.
Thánh giả Đại Tiểu thừa đều đồng ý nhau rằng sau khi tiêu diệt tội nghiệp vãng sanh Tịnh độ, người ấy thành tựu tam muội, thành tựu lý sám thân chứng thực tướng vô tướng, tiêu nghiệp vãng sanh, có thể lý giải được. Đến như kẻ phàm phu phiền não ràng buộc chỉ nhờ danh hiệu Phật, tín nguyện vãng sanh về nước kia, cũng có thể tiêu nghiệp vãng sanh. Điều này có người không hiểu và không chấp nhận được. Đây là chỉ cho sự nương nhờ vào bản thệ nguyện lực của Đức Phật A Di Đà cứu giúp và cả sự gia trì của thần chú Mật thừa.
 2- Tiêu nghiệp đới nghiệp đều được độ: Căn cứ vào bốn loại Tịnh độ, thì chúng ta hể tin Phật, học Phật đều có thể sinh Tịnh độ. Thế nhưng Tịnh độ ở thế giới Cực lạc phương Tây là do nguyện lực của Phật A Di Đà mà hình thành, nên phải nương nhờ nguyện lực của Phật A Di đà mới có thể vãng sanh. Như vậy có phải ai cũng đều được vãng sanh không ? Căn cứ vào lời nguyện thứ 18 trong 48 lời nguyện mà kinh Vô Lượng Thọ chép thì : Muốn cầu sanh Tịnh độ của Phật A Di Đà, cho đến chỉ cần niệm danh hiệu Phật 10 lần, nhất định được vãng sanh, đó là nhờ nguyện lực gia trì của Phật A Di Đà. Thế nhưng căn cứ vào kinh A Di Đà thì phải niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, kinh còn nói: “ Không thể có chút ít nhân duyên phước đức căn lành mà được sanh về cõi nước kia”.  Ý nói nếu có người niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, lại thêm căn lành cạn cợt, phước đức thiếu kém thì không thể sinh Tịnh độ của Đức Phật A Di Đà. Nguyện thứ 19 trong kinh Vô Lượng Thọ có nói :  Trừ người phạm tội ngũ nghịch và huỷ báng chánh pháp, tất cả chúng sanh hể muốn sanh về nước kia đều được như nguyện vãng sanh. Tuy nhiên kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật lại nói, người phạm tội ngũ nghịch, thập ác tu pháp niệm Phật A Di Đà, cũng được hạ phẩm hạ sanh ở nước Cực lạc. Do dó trong pháp môn Tịnh độ phát sanh ra quan niệm của hai phái. Một phái cho rằng, người ta có thể đới nghiệp vãng sanh hạ phẩm hạ sanh nơi cõi Phật, phái khác thì cho rằng, lúc vãng sanh nghiệp chướng phải được tiêu trừ.
       Câu “ Nguyện sinh chín phẩm sen ở Phương Tây” ý nói hoa sen chín phẩm đều nương nhờ bản nguyện của Phật A Di Đà, tiếp dẫn chúng sanh phàm phu, vì thế giới hoá thân bằng hoa sen, là thế giới sinh tồn của phàm phu, đương nhiên vẫn còn phiền não, đó tức là đới nghiệp vãng sanh, phải nhờ nguyện lực cứu bạt của Phật A Di Đà, dù tự mình tu hành không đầy đủ, không thể giải thoát, nhưng vẫn có thể vãng sanh Tịnh độ. Thật ra được sanh về hạ hạ phẩm trong chín phẩm sen vẫn còn tốt hơn không ?
Nếu tín tâm của chúng ta không đủ, thời thường có ý nghỉ không biết có thế giới Cực lạc phương Tây không, nữa tin nữa nghi, rồi cũng theo gót người khác hành thiện, niệm Phật, cúng dường bố thí. Xin hỏi hạng người này có thể vãng sanh Tịnh độ phương Tây được không ? Đương nhiên là có thể, nhưng chỉ có thể vãng sanh ở biên địa của Tịnh độ. Thế nào là biên địa ? Là thai cung, cũng là thai sen, tức là chỉ cho hoa sen vẫn chưa nở, ngồi trong thai hoa sen thời gian rất lâu dài. Không có tội báo, hưởng phước như cõi trời, nhưng lại thiếu cơ duyên nghe pháp tu hành.
Tuy nói lúc lâm chung niệm danh hiệu Phật A Di Đà 10 lần thì có thể vãng sanh Tịnh độ. Nếu chúng ta bình thời không tin Phật, không niệm Phật, không tu cúng dường, không trồng căn lành chỉ chờ đến lúc lâm chung cầu nguyện được vãng sanh là điều rất mạo hiểm. Lúc sống không niệm Phật, khi sắp chết, thỉnh đoàn trợ niệm đến trợ niệm cầu vãng sanh, đương nhiên cũng có tác dụng nhưng rốt ráo không bằng tự mình kịp thời niệm Phật vẫn tốt hơn nhiều. Một khi chúng ta nghe được Phật pháp dù tuổi già hay tuổi trẻ nên lập tức niệm Phật, trì giới, tu cúng dường trồng căn lành, tu phước đức mới có hy vọng vãng sanh phẩm vị sen cao.
          Người tu hành pháp môn tịnh độ không nên tự tư tự lợi, chỉ cầu cho mình được vãng sanh tịnh độ, mà không thiết gì đến thế gian này còn có rất nhiều chúng sanh đang chịu khổ nạn, chúng ta cần phải lấy từ bi và trí tuệ để giúp đỡ cứu tế họ. Đó chính là phát tâm Bồ đề, thực hành tam tụ tịnh giới của Bồ tát đạo.
          Các vị tổ sư xưa giải thích thiện căn phước đức trong kinh A Di Đà là muốn chúng sanh niệm Phật nhiều, niệm Phật thường và niệm Phật chuyên cần. Niệm Phật cũng có hai loại phương pháp: 1/Dùng miệng niệm ra tiếng, là niệm Phật hữu tướng. 2/ Dùng tâm tưởng niệm, thời thời khắc khắc cùng với lòng từ bi và trí tuệ của Phật tương ưng. Dù niệm Phật ra tiếng hay không, niệm niệm cùng với Phật tương ưng mới gọi là chân thật niệm Phật. Công phu sâu sẽ thành niệm Phật thật tướng, niệm Phật vô tướng. Niệm Phật hữu tướng vẫn là niệm đới nghiệp, niệm Phật vô tướng thì thành tiêu nghiệp vãng sanh. Thật ra người chuẩn bị đới nghiệp vãng sanh cũng cần nên học tập tiêu nghiệp, tiêu trừ dần dần chút nào hay chút đó, đời nay tuy không có biện pháp toàn bộ đoạn trừ tội nghiệp đã có, nhưng tội nghiệp tiêu trừ càng nhiều thì phẩm vị sen được nâng lên cao. Trái lại, thiết nghĩ được hạ phẩm hạ sanh vẫn có vấn đề.

          Đối với người thường, hy vọng cầu sanh thế giới Cực lạc phương tây, thì lúc sống cần phải niệm Phật, siêng tu cúng dường, rộng gieo ruộng phước, dùng quan niệm báo ân để tiêu nghiệp chướng của mình.  Đó cũng là phương pháp lý tưởng : “ Đề cao phẩm chất con người, kiến thiết tịnh độ nhân gian .”. Dùng pháp này để trợ giúp cho người phàm phu tiêu trừ một ít tội nghiệp, lúc sống tiêu trừ được một phần tội nghiệp thì phẩm vị hoa sen ở phương tây cũng cao thêm một tí và rộng lớn ra thêm.

ĐỚI NGHIỆP, TIÊU NGHIỆP VÃNG SINH TỊNH ĐỘ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét