Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

NGHĨA RỘNG CỦA A DI ĐÀ


          Đây là điểm thứ ba của người niệm Phật nên biết. Hiện tại chúng ta rất nhiệt thành niệm Phật A Di Đà. Vậy đối với ý nghĩa của ba chữ A Di Đà chúng ta cần phải biết rõ:
          a/ Vô lượng Quang và Vô Lượng Thọ. A Di Đà là tiếng Ấn  Độ, nghĩa chủ yếu là Vô Lượng Quang và Vô Lượng Thọ. Quang là biểu thị cho trí tuệ. Vô lượng quang, chính là biểu thị sự quảng đại của trí tuệ không thể nghỉ bàn, đây là nói về phương diện không gian. Thọ là biểu thị sinh mệnh lâu dài, vô lượng thọ là biểu thị sự trường cửu của sinh mệnh không thể nghỉ bàn, đây là nói về phương diện thời gian.
          Trong kinh A Di Đà, Phật Thích Ca nói “ Phật ấy vì cớ sao mà có tên là A Di Đà? Bởi vì ánh sáng của Phật ấy chiếu thấu suốt khắp 10 phương, cho nên có tên là A Di Đà ”.  Đây là lần thứ nhất Đức Phật Thích Ca tự hỏi  tự trả lời về nghĩa ba chữ A Di Đà. Tự hỏi tự đáp lần thứ hai là: “ Phật ấy vì duyên cớ gì có tên là A Di Đà ? Bởi vì tuổi thọ của Phật ấy vô lượng vô biên bất khả tư nghì, cho nên có tên là A Di Đà ”. Do đó chúng ta có thể biết, gọi là A Di Đà, chính là nói rõ Đức Phật nầy trí tuệ của Ngài rộng lớn không thể nghỉ bàn, thọ mạng cũng bất khả tư nghị.
          Ánh sáng chiếu xuyên đêm tối, trí tuệ dứt sạch ngu si, đêm tối sẽ làm cho chúng ta không thấy được cảnh tượng trước mắt, làm cho người ta va tường chạm vách, rơi hầm sụp hố, nguy hiểm cho sinh mạng, ngu si làm cho con người không hiểu rõ chân lý vũ trụ nhân sinh, làm cho người ta suy nghỉ sai lầm, hành động ngu muội, tạo nên quả báo đau khổ. Cho nên đêm tối và ngu si thì ai cũng chán và muốn phá trừ. Ánh sáng sẽ làm cho người ta thấy rõ ảnh tượng trước mắt, làm cho người ta đi đúng đường, đạt được mục đích muốn đạt, trí tuệ làm cho ta thấu rõ được chân lý nhân sinh, làm cho người ta suy nghỉ đúng đắn, hành động hợp lý, hoàn thành nhân cách cao nhất, đạt được cảnh giới tự do, an vui, giải thoát tự tại. Cho nên ánh sáng và trí tuệ là điều mà ai cũng muốn truy cầu. Trong lòng mỗi người chúng ta đều có đêm tối và ngu si, mục đích đầu tiên của niệm Phật chính là vì muốn phá trừ đêm tối và ngu si để thâu nhận được ánh sáng và trí tuệ.
          Thọ mạng lâu dài, cũng là điều mà con người ai cũng muốn, thế nhưng thọ mạng của con người đều rất ngắn ngủi, tuổi thọ cao nhất không quá 100 năm, đây là điều đáng tiếc nhất của đời người. Nhưng nếu chúng ta muốn bù đắp điều đáng tiếc lớn này, chỉ có thành tâm niệm Phật, bởi vì khi thành tâm niệm Phật chúng ta được vãng sanh Cực Lạc, thọ mạng của chúng ta cũng vô lượng vô biên bất khả tư nghì như Phật A Di Đà vậy .
          Nhưng điều mà ở đây chúng ta cần phải biết là: Đức Phật mà chúng ta đang niệm đây, đương nhiên là ở thế giới Tây phương Cực Lạc, nhưng trong bản thân của mỗi chúng ta đây, ai cũng có đầy đủ đức tướng A Di Đà, A Di Đà này là gì ? chính là chân tâm là Phật tánh của chúng ta. Niệm Phật là dùng danh hiệu Phật của Phật để thức tỉnh A Di Đà Phật của tự tâm chúng ta. A Di Đà Phật của tự tâm chúng ta một khi hiện tiền, thì chúng ta tức khắc đồng Phật A Di Đà không khác, ánh sáng chiếu thấu suốt khắp 10 phương, thọ mạng vô lượng vô biên không thể nghỉ bàn. Phật pháp chú trọng tất cả do tâm tạo, nói tâm chính là phật, tâm làm Phật là  lý này vậy.
          b/  Đầy đủ vạn đức : Chúng ta phải biết, phàm là danh hiệu của chư Phật, đều y nơi đức mà lập. Đức có rất nhiều, nhưng trong Phật giáo tổng quát có hai loại là : Trí đức và phước đức. Trí đức do tu tập mà được, phước đức nhờ lợi tha mà thành. Vô lượng quang của A Di Đà, tức đầy đủ trí đức, Vô lượng Thọ của A Di Đà, tức hàm đủ phước đức, cho nên một câu A Di Đà tức đầy đủ muôn đức, niệm A Di Đà tức bằng với tu hành vạn đức. Cho nên danh hiệu A Di Đà Phật này, các bậc đại đức xưa nay đều khen ngợi là hồng danh vạn đức.

           c/ Niệm A Di Đà Phật tức đồng niệm tất cả Phật. A Di Đà Phật cố nhiên là đức hiệu của một vị Phật, nhưng ý nghĩa của A Di Đà thì lại thông với tất cả Phật. Bởi vì bản thể của tất cả Phật đều là vô lượng quang vô lượng thọ, tất cả Phật đều từ trong nhân địa tu hành trang nghiêm vạn đức bằng tự lợi lợi tha, cho nên tất cả Phật đều có thể gọi là A Di Đà và một A Di Đà Phật cũng có thể đại diện cho tất cả Phật. Trong pháp quán tướng đẹp sáng ngời của Phật A Di Đà pháp quán thứ 9 trong kinh Quán Vô Lượng Thọ nói : “ Thấy Phật A Di Đà tức là thấy 10 phương chư Phật, quán Phật A Di Đà, tức là quán tất cả Phật. Đã thấy Phật A Di Đà, tức thấy 10 phương chư Phật, quán 10 phương chư Phật, vậy niệm Phật A Di Đà, đương nhiên cũng như niệm tất cả Phật. cho nên công đức niệm Phật A Di Đà là không thể nghỉ bàn vậy ./.

NGHĨA RỘNG CỦA A DI ĐÀ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét