Thứ Ba, 15 tháng 11, 2016

BA MÓN TƯ LƯƠNG CỦA TỊNH ĐỘ


          Đây là điểm thứ tư mà người niệm Phật nên biết, chúng ta niệm Phật không phải là vì để tiêu khiển thời gian, cũng không phải để cầu bình an, hay là để cầu phù hộ độ trì ăn nên làm ra, nếu như vậy thì đã làm mất đi ý nghĩa chân chính của sự niệm Phật. Chúng ta niệm Phật là để cầu tịnh hoá thân tâm, vãng sanh Tịnh độ. Tịnh độ là mục đích lý tưởng của người niệm Phật chúng ta. Nhưng tịnh độ mà trong Phật giáo nói có rất nhiều, nhưng ở đây chỉ nói tịnh độ mà mọi người niệm Phật A Di Đà phát nguyện vãng sanh, đó chính là thế giới Tây phương Cực Lạc thành tựu nhờ đại nguyện của Phật A Di Đà. Thế giới Cực Lạc vì sao lại gọi là Tịnh độ? Độ tức là cõi. Tịnh độ chính là thế giới thanh tịnh, bởi bất cứ người nào sanh lên thế giới Cực Lạc, thân tâm họ đều thanh tịnh. Thân không có những hành vi sát, đạo, dâm, vọng. Tâm không có các ý niệm tham, sân, si, mạn, nghi ... cả ngày đều thực hành Phật pháp, nghỉ suy về Phật pháp, lìa tất cả những lỗi tạp nhiễm, đầy đủ tất cả công đức thanh tịnh, không có sự nhiễu loạn của phiền não, không có sự lo sợ vì sống chết, đây là tịnh hoá nhân sinh. Thứ hai là nói về tịnh hoá thế giới : Trong thế giới Cực Lạc không có sự gồ ghề cao thấp của núi đồi, khe vực, cũng không có sông dài biển rộng gió to sóng dữ, một dãy bình nguyên vô tận, cát vàng trải làm đất, lầu gác bằng bảy thứ báu, kim ngân lưu ly, pha lê, xa cừ. . .từng dãy lan can, từng hàng cây báu, đáy ao toàn bằng vàng, đầy nước tám công đức, la võng ánh triệt lẫn nhau, ngày đêm sáu thời, tiếng chim kêu, tiếng gió thổi đều là những thời thuyết pháp, thật là một cõi nghiêm tịnh và mỹ diệu không gì sánh bằng. Do tịnh hoá nhân sinh và tịnh hoá thế giới, cho nên gọi là tịnh độ.
          Thế giới Cực Lạc quả thật là thế giới lý tưởng nhất, nếu như chúng ta được sanh về thế giới Cực Lạc, thì muốn gì được nấy, không thiếu thứ gì, thật là cực kỳ sung sướng. Nhưng thế giới Cực Lạc và thế giới Ta bà đau khổ bức bách chúng ta đây cách nhau quá xa, theo trong kinh A Di Đà nói, từ thế giới chúng ta đây đến thế giới Cực Lạc, phải trải qua 10 vạn ức cõi Phật, cho nên chúng ta muốn cầu sinh thế giới Cực Lạc cần phải trang bị một số tư lương phong phú tương đương mới khả dĩ. Không thì đoạn đường dài vô tận như vậy thật không dễ dàng đạt đến. Vậy thì tư lương phong phú này là những gì ? Thông thường có ba loại như sau :
          1: TÍN
                   a/Tín tâm bền chắc : Tin là mẹ của mọi sự thành công, chúng ta bất luận làm một công việc gì, cũng không thể thiếu niềm tin, nhất là tu học Phật pháp. Vì sao ? Vì Phật pháp là cảnh giới của Phật, cảnh giới của Phật tâm lượng của chúng ta không thể đo lường đạt đến, chỉ có dùng niềm tin để nhiếp thọ, cho nên nói biển lớn Phật pháp chỉ có niềm tin mới vào được. Chúng ta học Phật pháp niệm Phật, thứ nhất phải có đủ niềm tin, tin là nguồn của đạo, là mẹ công đức, không đủ niềm tin, thì tất không thể thu được lợi ích Phật pháp. Gần đây có số người cuồng vọng, cho rằng mình có đầy đủ trí huệ như Phật, nói phật nói chẳng khác gì người bình thường, Bồ Tát chẳng qua cũng chỉ là phàm phu, nào ngờ cảnh giới trong Phật pháp, tâm lượng kẻ phàm phu không thể trắc lượng được, họ là người không có chút thiện tâm, thấy biết tà vạy, những người tự cho rằng mình có đầy đủ trí huệ, thật ra là kẻ mít đặc, ngu si vô cùng, không có chút thiện căn, hạt giống tội lỗi gieo khắp, tương lai nhận lấy tội báo nghiêm trọng là điều không thể tránh. Cho nên đối với pháp môn niệm Phật phải giữ lòng tin cho vững chắc, đừng để những tà thuyết mê hoặc, như vậy mới đạt được mục đích mong cầu.
          Nhưng niềm tin vững chắc mà ở đây muốn nói là phải tin những gì ? Thứ nhất tin lòng mình. Nhưng tâm này hoàn toàn không phải chỉ cho cái tâm ý thức vọng tưởng tạp loạn của chúng ta hiện nay, mà là chỉ cho cái tâm chân như thật thể của ta xưa nay. Tâm này tồn tại ba đời, biến khắp 10 phương không bị hạn chế bởi thời gian không gian, núi sông đại địa, chư phật chúng sanh, đều là tâm này hiện, tâm này tạo tác. Trong kinh Phật đã dạy, mỗi chúng ta đều có tâm này, đều có thể nương nơi tâm này mà thành Phật. Hiện tại chúng ta tuy chưa có trí tuệ để thể hội nó, nhưng chúng ta phải tuyệt đối tin tưởng chúng ta có tâm như vậy, y tâm này mà tu hành nhất định sẽ thành Phật. Đây chính là tin chính mình.
                   b/: là tin nơi lời dạy của chư Phật: pháp môn niệm Phật do chính Đức Thích Ca nói ra, những lời Ngài nói chắc chắn chân thật, không lừa dối chúng sanh, giáo pháp mà Phật nói tuyệt đối không sai , chúng ta phải triệt để tin giáo pháp của Phật, Phật nói thế giới Cực Lạc, niệm Phật có thể vãng sanh thì chúng ta tuyệt đối thực hành theo lời Phật dạy. Đồng thời tin thế giới Cực Lạc thành tựu là do đại nguyện của Phật A Di Đà, lại chư Phật sáu phương đồng ca ngợi, cùng tán thán, Phật A Di Đà tuyệt không có nguyện dối, phải hạ thủ công phu quyết tâm niệm Phật cầu vãng sanh, như thế. Đây là tin lời dạy của chư Phật.
                   c/: tin nhân niệm Phật. Đây là tin niệm Phật chắc chắn vãng sanh. Vào thời quá khứ xa xưa, một bác tiều phu đốn củi trên rừng bị cọp rượt, trong lúc cấp bách không gì hơn niệm Phật, cọp nghe niệm Phật bèn bỏ đi thôi không lại hại. Nhân duyên đó đến thời Phật Thích Ca ra đời ông được gặp Phật  được xuất gia tu học và chứng thánh quả. Câu niệm Phật vô tình của bác tiều phu kia mà còn có thể làm nhân duyên gặp Phật tu hành đắc đạo, huống gì là cố ý niệm hay chuyên tâm niệm ? Cho nên chúng ta phải triệt để tin tưởng niệm phật nhất định được vãng sanh.
                   d/: Tin quả niệm Phật:  Quả niệm Phật là gì ? Chư thượng thiện nhơn vãng sanh Tây phương Cực Lạc thế giới là quả niệm Phật, bởi vì họ đều nhờ nhân niệm Phật mà được vãng sanh. Gọi là tin quả niệm Phật, chính là tin sâu chư thượng thiện nhân, đều nhờ niệm Phật mà được vãng sanh. Hiện tiền chúng ta niệm Phật tương lai nhất định sẽ đạt được quả vãng sanh.
2- NGUYỆN : Thệ nguyện khẩn thiết : Nguyện chính là chí nguyện. Chúng ta tin pháp môn niệm Phật, phát tâm niệm Phật, cần phải phát thệ nguyện khẩn thiết để cầu vãng sanh thế giới Cực lạc. Nếu chỉ tín và niệm mà không phát nguyện vãng sanh, thì dù cho có tín một cách chân thành, niệm siêng năng cách mấy khi lâm chung cũng không thể được Phật tiếp dẫn vãng sanh, đây không phải Phật không đến tiếp dẫn, mà vì chính chúng ta không có tâm nguyện. Ví dụ như, ngoài những người đi chùa thường xuyên, có rất nhiều người biết đến Phật pháp, rất thích Phật pháp, nhưng có ai rủ đi chùa tham dự khoá tu học, hoặc nghe thuyết giảng Phật pháp một bửa, thì họ thối thác, vin nhiều lý do rồi không đi, không đi nên không đến để thấy được chùa và nghe giảng đạo lý. Ở đây cho ta thấy có lòng tin, có tâm tốt, nhưng không thực sự thọ nhận sự tốt lành nơi Phật pháp. Vậy sự vãng sanh cũng vậy.
          Cho nên những người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ thì không thể không phát thệ nguyện khẩn thiết, người xưa nói : “ nguyện bất thiết bất sanh Tịnh độ ”, lời nói này quả chân thật không hư dối.
          Muốn tâm nguyện khẩn thiết lâu dài không thối thất, người niệm Phật phải để tâm quán sát, đối với thế giới hiện thực cần phải có tâm lý chán lìa triệt để, thứ 2 đối với thế giới lý tưởng cần phải có nguyện vọng vui cầu ưa thích tích cực.
          Nhưng phải làm như thế nào mới có thể đối với thế giới hiện thực sinh khởi tâm lý chán lìa triệt để ? Đây phải thường quan sát đời người hiện thật vô thường, khổ, bất tịnh, thế giới hiện thực là ác trược, nguy hiểm, không có chổ nào đáng lưu luyến. Thường tư duy quán tưởng như vậy, thì đối với tự nhiên giới sẽ sinh tâm lý chán lìa.
          Lại làm thế nào mới có thể đối với lý tưởng giới khởi nguyện mong cầu tích cực ?  Đây phải quán tưởng thế giới Phương Tây Cực Lạc, do đại nguyện lực mà thành tựu thiện căn xuất thế, thế giới ấy có Phật A Di Đà trụ trì, là bậc pháp vương, đầy đủ vô lượng trang nghiêm mỹ diệu, là thế giới trang nghiêm trong sạch, có vô lượng điều vui không có đau khổ v.v.. thường tác quán như vậy thì đối với thế giới lý tưởng Tịnh độ tự nhiên sẽ khởi nguyện vọng tích cực vui cầu, triệt để chán lìa thế giới hiện thực, tích cực vui cầu thế giới lý tưởng, thì tâm nguyện tự nhiên sẽ khẩn thiết. Có tâm nguyện khẩn thiết rồi, thì ngày vãng sanh là chắc chắn.
           3- HẠNH:  Thực hành khẩn thiết :  Chúng ta học phật, niệm Phật, cầu vãng sanh Tịnh độ, trước hết tất nhiên là phải có tín, thứ đến là nguyện và cuối cùng cần thiết hơn là phải có hạnh, hạnh chính là thực hành. Nếu như không có hạnh, tuy vẫn có tín nguyện, nhưng tín nguyện ấy chỉ là hư nguyện hư tín mà thôi, chẳng giúp ích gì được. Cho nên TÍN , NGUYỆN, HẠNH như đỉnh ba chân, thiếu một không thể được. Chúng ta muốn cầu sanh Tịnh độ, cần phải lấy tín nguyện để dẫn đường cho hạnh, lấy hạnh để thực hành tín nguyện, như vậy mới có thể đạt được kết quả như dự tính.
           Nhưng hạnh muốn nói ở đây là hạnh gì ? Chính là niệm Phật. Nhưng niệm Phật lại có nhiều cách khác nhau, có thật tướng niệm Phật, quán tướng niệm Phật, quán tượng niệm Phật, rồi trì danh niệm Phật . . . nhưng trong nhiều cách niệm Phật này, chỉ có trì danh niệm Phật là thoả đáng nhất. Bởi vì trì danh niệm Phật đã dễ học lại dễ hành, lại dễ đạt được kết quả cao, chỉ một câu niệm Phật A Di Đà niệm rõ ràng, thông suốt là được.
          Có người nghi ngờ hỏi rằng : Một câu niệm Phật A Di Đà có 4 chữ, có thể lìa Ta bà sinh Tịnh độ được sao ? cứu cánh mấu chốt này ở chổ nào ?
          Đây thật là một vấn đề, thường có nhiều người thắc mắc nghi ngờ, nhưng giải đáp lại cũng rất đơn giản.
          Sở dĩ chúng ta cứ chịu khổ mãi ở trong thế giới Ta bà này, là bởi trong lòng chúng ta có quá nhiều phiền não, phiền não như đêm tối, danh hiệu Phật A Di Đà là Vạn Đức Hồng danh, như ánh sáng. Ánh sáng chiếu vào đêm tối, đêm tối tất bị tiêu diệt, danh hiệu Phật đi vào phiền não, phiền não tất sẽ không còn.
          Thứ đến, sở dĩ chúng ta không thể giải thoát sinh tử là do sự chiêu cảm của ác nghiệp, ác nghiệp như độc của mũi tên, A Di Đà Phật là Vạn Đức Hồng danh, thí như tiếng trống trừ độc, tiếng trống trừ độc vừa vang lên, độc tức khắc tiêu trừ, vừa niệm Phật một niệm A Di Đà, ác nghiệp tiêu ngay lập tức. Điều đang nói ở đây vẫn còn là phương diện tiêu cực, nếu nói phương diện tích cực, niệm danh hiệu Phật A Di Đà, còn có thể tăng trưởng vô lượng công đức. Niệm danh hiệu Phật A Di Đà, một mặt đã trừ được phiền não, tiêu nghiệp chướng, thì Ta bà đau khổ tất sẽ được lìa, mặt khác lại có thể tăng trưởng công đức, được Phật tiếp dẫn, thì Cực Lạc an vui chắc chắn được sinh. Cho nên nói một câu danh hiệu phật A Di Đà, tức khắc được lìa Ta bà sinh Tịnh độ.
          Nếu chúng ta có thể đem đạo lý vừa nói trên, suy nghĩ sâu sắc, đồng thời thiết thực, thực hành đầy đủ ba món tư lương TÍN NGUYỆN HẠNH thì Tịnh độ Cực Lạc chắc chắn sẽ có chổ để dành cho chúng ta.


BA MÓN TƯ LƯƠNG CỦA TỊNH ĐỘ Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét