Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

BỐN LOẠI VÃNG SANH


     a/  Định thiện niệm Phật vãng sanh.
                                    b/  Tán thiện niệm Phật vãng sanh
                                    c/  Phước thiện vãng sanh
                                    d/  Phật lực vãng sanh.
Trong ba bậc chín phẩm  bao gồm bốn loại vãng sanh.
          1/ Định thiện niệm Phật vãng sanh : Là những người thuần thiện, ít phiền não, tâm tánh thuần hòa, định tỉnh niệm Phật dễ nhất tâm. Tâm không tán loạn, hạng này gọi là định thiện sẽ vãng sanh về một trong ba phẩm thượng.
          2/ Tán thiện niệm Phật vãng sanh: Hạng người còn nhiều phiền não, tuy không làm các việc ác nhưng tâm tánh không yên rối loạn, buồn vui lo nghĩ lẫn lộn. Niệm Phật không nhất tâm. Hạng này niệm Phật vãng sanh về trong ba phẩm bậc trung.
          3/ Phước thiện vãng sanh : Hạng người này không chuyên niệm Phật nhưng chuyên làm các việc phước thiện rồi đem công đức làm phước hồi hướng vãng sanh, cũng được vãng sanh, gọi là phước thiện vãng sanh.
          4/ Phật lực vãng sanh : Hạng người này bình thời cả đời không tu, không biết tu đến lúc cuối cuộc đời đối diện với cái chết, không còn con đường nào khác hơn là niệm Phật cầu vãng sanh. Anh ta tha thiết niệm Phật tin Phật, cộng với sự trợ niệm của những người thân quen. Do có cảm nên có ứng, anh ta được Phật và thánh chúng phóng quang tiếp độ. Trường hợp này gọi là Phật lực vãng sanh. Sự vãng sanh này phần nhiều do từ lực của Phật nhiều hơn công đức tu tập của hành giả nên gọi là Phật lực. Tức là sức của Phật chư không phải sức của mình. Ví như ta đến chổ mau lẹ không phải bằng đôi chân mà nhờ vào máy móc, xe cộ tàu bè nhiều hơn sức của mình. Ta chỉ cần cất đôi ba bước lên tàu, lên xe nó sẽ đưa ta đi ngàn dặm trong chốc lác.
          Mọi người đừng ám ảnh và bâng khuâng về việc niệm Phật nhất tâm hay không nhất tâm. Nhất tâm khó làm mà khó đạt, chỉ có chuyên tâm niệm Phật, thì ai cũng làm được, ai cũng thực hiện được. Nếu chúng ta chuyên tâm niệm Phật thì lúc nào đó ta sẽ đạt được nhất tâm niệm Phật. Như vậy muốn niệm Phật đạt đến chổ nhất tâm ta chỉ thực hiện chuyên tâm niệm Phật thì sẽ được nhất tâm. Nhưng nhất tâm lại có nhiều loại, nhất tâm thường xuyên và nhất tâm trong giai đoạn. Nhất tâm thường xuyên là mọi lúc mọi nơi trong tâm ta cũng nghe tiếng niệm Phật mặc dù ta không niệm mà tâm ta vẫn nghe rõ ràng câu danh hiệu Phật luôn luôn hiện hữu trong ta cũng như mọi âm thanh bên ngoài, như tiếng gió thổi, tiếng chim kêu v.v đều là tiếng niệm Phật, ban ngày cũng như ban đêm, như thế mới gọi là niệm Phật nhất tâm.  Còn thứ niệm Phật nhất tâm chỉ diễn ra trong lúc ta dụng công niệm Phật mới có, ngoài ra không dụng công thì không thì không, là hạng nhất tâm thấp hơn . . .
          Tóm lại để mọi người không lo lắng và hoài nghi, là hành giả niệm Phật ai cũng có phần vãng sanh, ai cũng sẽ thực hiện được chuyên tâm niệm Phật. Chúng ta chỉ cần một số tiêu chuẩn gọn nhẹ thì ai cũng lên đường về Cực lạc hết. Đừng tham vọng quá cao xa, ví như đi đường cầu mau đến chổ, mà mang theo quá nhiều hành lý, khiến cho cuộc hành trình lâu đến và mỏi mệt. Niệm Phật cũng vậy, bỏ hết những tâm niệm không cần thiết, chỉ giữ lại những điều cần đem đi đó là :
          1/ Lòng tin chân thật  có cõi Cực lạc và Phật A Di Đà là thật chứ không là giả tưởng.
          2/ Phải chuyên tâm niệm Phật, trong mọi tình huống, mọi thời mọi lúc không rời câu Phật hiệu
          3/ Phải phát nguyện cầu sanh Tây phương ngay trong đời này, không kỳ hẹn đời sau.
          Đó là ba tiêu chuẩn cần phải trang bị nằm trong ba điều TÍN, HẠNH, NGUYỆN
          Tín là tin Phật và tin mình có thể thực hiện được pháp môn, tin mình sẽ vãng sanh. Hạnh là dụng công niệm Phật. Nguyện phát nguyện cầu sanh Tây phương, ngoài ra không cần nguyện gì khác.
    Người niệm Phật hay bị tán tâm là chuyện thường, nhưng đừng lo ngại và chán nản, cho rằng niệm Phật như vậy sẽ không đạt. Niệm Phật chưa thuần thục thì tán tâm sẽ có là chuyện bình thường ai cũng có, nhưng mặc kệ nó ta đừng quan tâm đến lúc nào đó nó sẽ hết, ta phải kiên trì. Ví như mới bắt nồi nước lên không thể phút trước phút sau nước nóng và sôi liền được đâu ? Niệm Phật cũng thế, ta không lo việc tán tâm hay nhất tâm mà ta chỉ kiên tâm niệm Phật  không ngừng là đủ.


BỐN LOẠI VÃNG SANH Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

1 nhận xét:

  1. Tôi rất thích bài viết này . Niệm Phật đến nhất tâm bất loạn rất khó đạt , dù tôi đã cố gắng thật nhiều . Đã có lúc tôi thối lòng nản chí vì các vọng niệm cứ mãi xen vào trong lúc niệm . Hôm nay đọc được bài viết này , lòng mừng vô cùng vì biết rằng , tuy mình niệm Phật còn nhiều trắc trở , nhưng nếu cố gắng thì một ngày nào sẽ đạt được ý nguyện . Xin cám ơn ACE nào đã post bài viết .

    Trả lờiXóa