Thứ Năm, 17 tháng 11, 2016

NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ Ý TRONG KHI TRỢ NIỆM



          Nếu trong lúc trợ niệm, thấy người bệnh có triệu chứng mõi mệt, chán niệm phật, hoặc đau khổ, giãy giụa, hoặc thấy oan gia trái chủ đến đòi mạng . .  . Đây chính là nghiệp chướng hiện tiền, chướng ngại vãng sanh. Lúc ấy khẩn thiết đối trước bàn phật,vì người bệnh mà sám hối, vì oan gia trái chủ của họ mà khai thị.
          Những người mà bệnh nhân ghét, không ưa thì chớ để họ đến gặp mặt, hầu tránh cho người bệnh sanh tâm sân hận mà đọa vào ba đường ác. . .
          Không nên gấp rút lau mình, thay quần áo hoặc rút ống kim . . .cho người bệnh, những việc này làm đau đớn cho người bệnh rất lớn.
          Nếu tắt thở ở trong bệnh viện, đừng vội đưa vào phòng lạnh hoặc chích thuốc chống thân bị rã. Nếu có sợ hôi có thể đốt nhan trầm, hoặc để nước đá, tuy nhiên để nước đá đừng để quá gần thân xác người mất.
          Hỏa thiêu hoặc đưa vào phòng lạnh phải sau 24 tiếng đồng hồ. Phòng khi có việc hồi dương xảy ra. Trừ phi bị chết vì ngoại thương hoặc bệnh nghiêm trọng.
          Khi làm tang lễ, đãi khách thì toàn bộ nên dùng chay. Nếu sát sanh tế lễ sẽ tạo thêm nghiệp nặng cho người lâm chung.
          Trong thời gian tang sự, phải cữ việc vợ chồng. Giữ ngũ giới, thập thiện. Tuyệt đối cấm sát sanh, không trộm cắp, không tà dâm, không vọng ngữ, không uống rượu.
          Gia quyến nên lấy việc mỗi ngày niệm phật hồi hướng cho hương linh là điều thiết thực. Làm được như vậy sẽ được công đức vô cùng thù thắng cho cả người sống lẫn người mất. Là chân chính báo hiếu thiết thực nhất.
          Trong 49 ngày gia quyến nên hoàn toàn cúng chay dùng chay. Không nên sát sanh đãi mặn trong vòng 49 ngày. Phải vì người vãng sanh mà tích phước, tạo phước, làm việc công đức như cúng dường Tam Bảo, phóng sanh bố thí, in kinh ấn tống, giúp người nghèo khó . . . đem công đức nầy hồi hướng cho người vãng sanh họ sẽ được lợi ích thù thắng không gì sánh bằng.
          Trước khi chôn cất cũng như sau khi chôn cất. Bàn thờ Phật cần phải cúng hoa quả tươi và nước trong. Lúc chưa chôn bàn linh mỗi ngày cúng cơm ba lần ( thức ăn chay ) Cúng một chén cơm, một đôi đũa và thức ăn, hoa quả tươi và nước trong hoặc nước trà.
Trong các tuần thất tụng kinh A Di Đà và niệm phật trên 100 tiếng.
          Người sau khi chết thăng hay trầm trong cảnh giới khổ đau hay an lạc, trách nhiệm đó hoàn toàn tùy thuộc vào bà con quyến thuộc. Tốt nhất là người bà con nên tránh đi tất cả những việc làm không có ý nghĩa mà chuyển thành những công đức, như cứu giúp kẻ nghèo khó . . . vì thế không nên tẩm liệm những đồ quý giá, không cần làm đám tang to, cái mã lớn, không nên tụ tập ăn uống linh đình, không nên quá chú trọng đến hình thức, mà điều quan trọng là làm sao cho người chết đạt được sự lợi ích chân thật.
          Cúng tế vong linh nên lấy việc niệm phật làm chính, bà con bạn bè đều nên tham gia niệm phật. Niệm phật để cứu người chết công đức rất lớn, rất dễ làm, rất tinh tế và có sự lợi ích chân thật. Những người tham gia niệm phật nên tránh ăn mặn, uống rượu và cữ ngũ tân.
          Từ khi người thân mất cho đến 49 ngày trong gia đình ngày đêm chia  ra luân phiên niệm phật, sao cho tiếng niệm phật không gián đoạn, mong cầu phật tiếp dẫn thần thức người chết vãng sanh cực lạc. Chớ đốt giấy vàng mã và chôn cất các vật dụng của người chết, làm như thế là muốn người chết đọa lạc vào trong cảnh giới ngạ quỷ. Gia đình cần lưu ý điều này 

NHỮNG ĐIỀU CẦN ĐỂ Ý TRONG KHI TRỢ NIỆM Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét