THẤT THÁNH TÀI
Tài
sản thế gian có thể mất qua 5 con đường: lửa cháy, nước trôi, trộm cướp, vợ con
phá tán, vua quan tịch thu. Con người ai cũng mong cầu đầy đủ tài sản để thọ
hưởng hạnh phúc. Nhưng dù cầu mong có được thì nó lại không chu toàn mà lại bất
an cho sự có nhiều của cải. Không có như người nghèo cũng khổ, nhưng có rồi lại
càng khổ hơn. Khổ vì sợ mất, sợ trộm cướp, sợ vợ con phá tán, sợ chồng hay vợ ăn
chơi, con nghiện ngập ma tuý. Tài sản bị mất bởi 5 yếu tố khiến con người bỗng
chốc trắng tay, nào như nước trôi, lửa cháy, động đất sóng thần v.v..quá nhiều
nổi bất an.
Dù
vậy, vẫn có thứ tài sản không ai có thể cướp đoạt hay phá tán được, có thể sử
dụng cả đời này lẫn đời sau. Trong kinh Tăng Chi Phật dạy về Thất Thánh tài, 7
tài sản của bậc Thánh. Đó là: Tín, Giới, Tàm, Quý, Văn, Thí và Huệ. Đây
là 7 thứ tài sản tinh thần, tài sản phước đức. Người có Thánh tài sẽ có được
thế tài, tức tài sản thế gian. Ngược lại, người có thế tài chưa chắc có Thánh
tài. Vậy người có đầy đủ Thánh tài mới là người thực sự giàu có ở thế gian.
1-Tín
tài: Trong kinh
nói: “Tín là mẹ sinh ra các công đức”.
Tin vào đức Phật, Phật là người dẫn lối chỉ đường chúng ta đi ra khỏi khổ. Tin
pháp là chân lý là lời dạy của Phật, có khả năng chuyển hoá khổ đau thành an
lạc, Pháp là thuốc hay chữa mọi căn bệnh phiền não, Pháp là ngọn đuốc soi đường
phá tan đêm tối vô minh si ám, Pháp là phao nổi đưa người qua bể khổ. Chúng ta
cho rằng tiền bạc giúp chúng ta hết khổ, nhưng nhiều lúc tiền bạc lại không
giúp chúng ta hết khổ mà tăng thêm khổ, không tránh được khổ. Chỉ có Phật pháp
giúp chúng ta ra khỏi khổ.
Ngoài tin Phật, Pháp chúng ta còn tin Tăng nữa, là người xuất gia sống đời phạm
hạnh, lấy trí tuệ làm sự nghiệp “Thượng
cầu Phật đạo hạ hoá chúng sanh”. Tăng là bậc Thầy mô phạm, hướng dẫn
chúng sanh theo con đường đức Phật đã dạy. Nhờ có niềm tin vào Phật pháp tăng
mà hành giả mới nỗ lực tu tập, phát sinh công đức, thành tựu Phật quả, chuyển
hoá khổ đau. Đó là tài sản có được nhờ niềm tin.
2-Giới tài: Giới tài là tài sản có
được do nhờ có thọ giới và giữ giới luật mà nên. Giới luật giúp chúng ta
ngăn ngừa tội lỗi tránh được những quả báo đau khổ ở hiện tại và mai sau. Dù
tại gia hay xuất gia, người học Phật đều lấy 5 giới làm căn bản: Không sát
sanh, không trộm cướp, không tà dâm, không nói dối, không rượu chè cờ bạc. Vì
vô minh che lấp, vì cuồng nộ sân si, đôi khi chúng ta khởi tâm muốn giết một
mạng người hay một con vật, song nhờ có giới đã thọ giúp chúng ta nhanh chóng
tỉnh ngộ dừng lại không giết chúng, sẽ tránh được quả báo hiện tại như tù tội,
giam cầm và quả báo tương lại sẽ đền mạng, chết yểu, tật bệnh ...
Giới thứ 2: Vì tâm mê của nên thấy vật
quý của người, chúng ta khởi tâm lấy cắp, nhưng nhờ có thọ giới rồi, tâm giữ
giới khiến ta không nở trộm cắp của người, nên ta không phạm. Không phạm giới
trộm cắp sẽ không bị quả báo giam cầm, tra tấn đánh đập, chê bai. Đời sau làm
thân trâu bò để đền trả nợ cũ, không bị quả báo nghèo cùng khốn khổ v.v...
Giới thứ 3: Khi khởi tâm xâm phạm tiết
hạnh của người khác, nhờ đã có thọ giới không tà dâm, khiến ta kiềm chế được
tâm bất chánh, nên không vi phạm. Nhờ đó chúng ta tránh được quả báo gia đình
mình và gia đình người khác không đổ vỡ hạnh phúc, không bị người đánh ghen,
không mắc căn bệnh hiểm nghèo thế kỷ, không bị người ta chê bai khinh rẻ. Con
cái ngoan hiền, kinh tế gia đình không bị hao hụt v.v
Giới thứ 4: Nhờ có giữ giới chúng ta
không nói dối, nói lời hung ác, lừa dối. Nhờ có giới chúng ta biết dừng lại.
Nhờ có giữ giới chúng ta không bị mất niềm tin ở nơi mọi người. Trong cuộc sống
niềm tin rất quan trọng, nếu đánh mất lòng tin, ta không thể làm nên được việc
gì, vì thiếu sự tin cậy hỗ trợ của mọi người.
Giới thứ 5: Nhờ có giới chúng ta biết
tránh, không nhậu nhẹt say sưa, ăn chơi cờ bạc. Do đó ta tránh được sự lu
mờ trí tuệ, sức khoẻ được dồi dào, tránh được bịnh tật và gia đình êm ấm v.v…
Giới
giúp thân chúng ta không bịnh tật, tâm không khổ não, gia đình êm ấm, xã hội
yên vui. Như vậy giới phát sinh ra công đức. Giới chính là tài sản quý báu của
người tu học theo Phật pháp.
3-Tàm
tài và Quý tài: “Tàm “là hổ
thẹn, “Quý “là lo sợ. Như vậy, “Tàm tài “là tài sản có được từ sự hổ thẹn. “Quý
tài “là tài sản có được từ sự lo sợ. Khi chúng ta biết hổ thẹn vi phạm vào ba
nghiệp ác, đó là “Tàm”. Khi chúng ta biết sợ quả báo của ba nghiệp ác, đó là
“Quý”. “Tàm” “Quý” nghĩa là hổ thẹn với việc làm ác và lo sợ quả báo của việc
làm ác ấy. Nhờ có Tàm Quý, ta không gây tạo tội lỗi. Trong kinh Di Giáo Phật
dạy: “Người không biết tàm quý chẳng khác gì loài cầm thú”. Chúng ta hơn loài
cầm thú ở sự nhận biết đúng sai phải trái. Người có tàm quý là người có tiến
bộ, có thể làm nên sự nghiệp lớn, người không có tàm quý thì không có việc ác
nào mà họ không làm. Nhờ có tàm quý mà ta giữ được ba nghiệp thanh tịnh.
4- Văn tài: Văn tài là tài sản có
được nhờ nghe Pháp. Kinh Tăng Chi bộ Phật dạy, nghe pháp có 5 lợi ích: a- Nghe
những điều chưa từng được nghe, b- Làm trong sạch những điều được nghe,
c- Đoạn trừ nghi, d- Làm cho tri kiến chánh trực, đ- Làm cho tâm tịnh tín.
a- Nghe những điều chưa từng được
nghe: Khi chưa học Phật, chúng ta nghĩ, khổ là do số phận. Nay nhờ
nghe hiểu Phật pháp, chúng ta biết khổ là do tham, sân, si ái dục, chấp thủ
khiến chúng ta đau khổ. Muốn hết khổ Phật dạy thật hành con đường Bát Chánh Đạo
(Chánh Kiến, Chánh Tư Duy, Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp, Chánh Mạng, Chánh Tinh Tấn,
Chánh Niệm, Chánh Định). Nương theo lời dạy đó mà thực hành, chắc chắn chúng ta
thoát khổ, đạt đến an vui giải thoát.
Khi chưa hiểu
Phật pháp, ta cho rằng con người và vạn vật là do thượng đế tạo ra. Nay nhờ
nghe pháp giáo lý duyên khởi của Phật, mới biết rằng tất cả vạn vật đều do nhân
duyên hợp lại mà thành, duyên hợp thì sống, duyên tan thì chết. Vậy thân thể
chúng ta và vũ trụ này không do thượng đế nào tạo mà do nhân duyên hình thành.
Trước đây, ta thường nghĩ chết là hết, nay nghe được giáo lý nhân quả luân hồi,
mới biết chết chỉ là một sự thay đổi về thể chất hình hài. Những ai nghĩ chết
là hết sẽ sống cuộc đời buông thả, không tội ác nào không dám làm. Nếu biết có
nhân quả, luân hồi nghiệp báo, chúng ta sẽ cố gắng làm những điều thiện. Thân chúng
ta giống như chiếc áo. Áo cũ rách rồi thay áo khác. Trong vòng luân hồi sanh
tử, nếu muốn sau này có thân tướng tốt đẹp, chúng ta phải tu tập, phải làm
những việc thiện lành.
b- Làm trong sạch những điều đã nghe: Khi chúng ta
nghe pháp một cách thấu đáo, sẽ đem lại những hiểu biết đúng đắn chân chánh. Đó
là làm trong sạch những điều đã nghe
c- Đoạn trừ nghi: Nhờ nghe Phật pháp một cách thấu đáo , rõ ràng, tất
cả những nghi ngờ tan biến, giống như mặt trời xuất hiện bóng tối liền tan. Đó
là đoạn trừ nghi. Do nghe pháp mà có.
d- Làm cho tri kiến chánh trực: Tri kiến là sự thấy biết, chánh trực là ngay
thẳng, đúng đắn. Nhờ nghe hiểu Phật pháp mà chúng ta có cái nhìn đúng đắn về
vạn vật.
đ-
Làm cho tâm tịnh tín: Khi đã có sự thấy biết đúng đắn, sẽ có niềm tin chân
chính. Đó là làm cho tâm tịnh tín.
Tóm
lại, nghe là bước đầu của suy nghĩ và tu tập. Trong kinh thường nói: Văn, Tư,
Tu. Văn là nghe, nghe rồi suy nghĩ, suy nghĩ một cách thấu đáo, sau đó thực
hành. Đây là ba bước căn bản trong việc tu tập. Người ta nói tu mà không
học là tu mù. Nếu không học pháp, không nghe pháp, không hiểu pháp, thì không
có những suy nghĩ chín chắn, sẽ dẫn đến việc tu tập sai lầm. Cho nên văn tài là
một tài sản quý báu.
5- Thí tài: Thí tài là tài sản có
được do nhờ sự bố thí. Bố thí có ba loại: Tài thí, pháp thí và vô uý thí.
Tài thí có nội tài và ngoại tài.
Nội tài là đem sức lực của mình và trí tuệ của mình giúp cho người khác hết khổ
bớt khổ. Ngoài tài là đem của cải vật chất giúp cho người thiếu thốn.
Pháp thí: Đối với những
người si mê tà kiến ta đem Phật pháp giảng giải cho họ nghe để họ biết nhân quả
tội phước, luân hồi sanh tử, nguyên nhân của khổ và phương pháp chấm dứt khổ
đau. Ngoài uế độ còn có Tịnh độ v.v…Chúng ta dùng Phật pháp khai thị, cung cấp
kinh sách, băng đĩa để cho họ có sự hiểu biết. Đó gọi là pháp thí.
Vô uý thí: Hoặc
có người lo sợ bất an mất niềm tin vào cuộc sống, chúng ta an ủi họ, gây dựng
niềm tin cho họ. Đó gọi là vô uý thí. Nhờ sự giải thích động viên khích lệ, an
ủi họ có niềm tin vào Phật pháp, nhờ đó họ có được sự bình an. Trong kinh Phật
dạy: Người bố thí có ba phần lợi ích: - Trước khi bố thí, tâm ý được vui. Trong
khi bố thí tâm được tịnh tín. Sau khi bố thí tâm sanh hoan hỷ.
Tóm
lại, nhờ bố thí mà tâm sanh hoan hỷ, mở rộng lòng thương, trừ được tâm ích kỷ
gian tham, đời nay được mọi người thương mến, đời sau được giàu có. Đây là tài
sản có được nhờ sự bố thí.
6- Tuệ tài: Tuệ
tài là tài sản có được từ trí tuệ. Tuệ là sự sáng suốt, là thấy biết đúng thực
tướng của vũ trụ nhân sinh. Nói cách khác, tuệ chính là chánh tri kiến, trong
Bát chánh đạo, chánh kiến là thấy biết về nhân sinh vô thường, khổ, không, vô
ngã. Nhờ thấy đúng, ta suy nghĩ đúng và làm đúng, nên ta không đi vào con đường
đau khổ, ta có cơ hội hướng về con đường giác ngộ giải thoát cao thượng.
Có chánh kiến sẽ
có chánh mạng và chánh nghiệp. Thân khẩu ý ta không đi vào đường ác. Trong kinh
Phật dạy người có chánh kiến sẽ có chánh mạng, phải tránh xa 5 nghề: 1- Không
buôn bán vũ khí 2- không buôn bán người, 3- Không buôn bán thịt và súc vật- 4- không
buôn bán rượu, hoặc các chất gây say nghiện, 5- Không buôn bán thuốc độc. Là
người phật tử phải sống theo chánh mạng, nên tránh 5 nghề này, bởi nó dẫn đến
khổ đau trong tương lai.
(Có người phóng sanh mà lại
thích ăn mặn, sát sanh? Hoặc đem từ thiện bằng thịt cá điều đó phóng sanh và từ
thiện có ý nghĩa gì không?)
Khi
tuệ có rồi, sẽ có tinh tấn. Tinh tấn tránh các điều ác, tinh tấn làm các điều
lành, tinh tấn giữ tâm ý trong sạch. Nhờ có tinh tấn chúng ta có chánh niệm,
tỉnh giác không để những tư tưởng hành động xấu làm chủ mình.
Khi
có chánh niệm sẽ có chánh định, nghĩa là tâm trí chúng ta bình tĩnh sáng suốt.
Như vậy, tuệ là một tài sản rất quý báu.
Phật dạy về 7 tài sản của bậc Thánh. Người nào có được 7 tài sản này là người giàu
có nhất đời. Tiền bạc, nhà cửa, ruộng vườn đất đai, xe cộ, địa vị v.v…Tuy chúng
ta nắm trong tay được, nhưng trước sau gì nó cũng rơi vào 5 nhà. Khi chết không
mang theo được. Song 7 tài sản này, lại khác, tuy ta không thấy nó, nhưng đời
này đời sau chúng ta vẫn hưởng được. Nó không mất, cũng không bị ai lấy cắp.
Có
hai người cùng đi qua biển, một người có học có nghề nghiệp mà không có tiền,
còn một người không học không nghề nghiệp lại mang theo một rương tiền bạc. Khi
ra khơi sóng to gió lớn thuyền bị úp chìm. Hai người thoát chết nhờ nương vào
cái phao sống sót nhờ người vớt cứu lên đất liền. Khi lên đất liền người có
rương đựng tiền bạc trắng tay không còn gì để tin cậy. Còn người kia có nghề
nghiệp có chữ nghĩa, sau một vài ngày đi làm có tiền độ nhật khỏi phải khổ sở
lo miếng ăn chỗ ở. Còn anh kia khổ vô cùng khó làm lại tài sản như ban đầu.
Tài
sản thế gian như người có rương bạc. Tài sản Thánh như người có kiến thức và
nghề nghiệp. Cho nên ta phải hiểu và quý kính tạo tài sản Thánh để là người có
hạnh phúc thực sự là người giàu có./.
Trích
Hương Pháp 6- Thích Chân Tính
---------—]–---------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét