GIAI ĐIỆU CA TỪ VỀ MẸ
“Năm xưa tôi còn
nhỏ/ Mẹ tôi đã qua đời/ Lần đầu tiên tôi hiểu/ Thân phận trẻ mồ côi/ Quanh tôi
ai cũng khóc/ Im lặng tôi sầu thôi/ Để dòng nước mắt chảy/ Là bớt khổ đi rồi/
Hoàng hôn phủ lên mộ/ Chuông chùa nhẹ rơi rơi/ Tôi biết tôi mất mẹ/ Mất cả một
bầu trời”.
Cả một bầu trời
yêu thương, cả một dòng suối dịu hiền, cả một mạch nguồn bao la như biển xanh
ngọt ngào vỗ về con thơ giờ đây không còn nữa. Anh chị không còn trong vòng tay
yêu thương của mẹ, anh chị sẽ nghe cõi lòng mình trống vắng và là thời khắc anh
chị như chú chim non cánh mỏng bơ vơ lạc lối - bởi vì có mẹ là có đủ mọi thứ
trên đời: Mẹ là tất cả…
Giai điệu và ca
từ nhẹ nhàng sâu lắng: “Một bông hồng cho em/ Một bông hồng cho anh/ Và một
bông hồng cho những ai/ Cho những ai/ đang còn Mẹ/ đang còn Mẹ/ để lòng vui
sướng hơn…”. Tuỳ bút thầy Nhất Hạnh kể chuyện từ xứ Phù Tang - bước chân nhẹ
trên phố xa - nhân ngày của Mẹ (Mother’s day), một nhóm sinh viên trẻ thầm thì
to nhỏ với người đồng hành rồi cài lên ngực trái thầy một bông hồng trắng. Hỏi
ra mới biết nếu ai còn mẹ thì sẽ nhận một nụ hồng. Một nụ hồng yêu thương - một
nụ hồng tuyệt vời cao cả, bởi một lẽ anh chị đang còn mẹ để lòng vui sướng hơn.
“Cơm cha cơm mẹ
đã từng/ Con đi làm mướn kiếm lưng cơm người/ Cơm người khổ lắm mẹ ơi/ Chẳng
như cơm mẹ vừa ngồi vừa ăn”.
Tứ khổ: sinh lão
bệnh tử - ai trên đời mà không chết? Chết là quy luật, là lẽ thường của tự
nhiên, cái chết không loại trừ bất cứ ai. Nhưng cái khổ lớn nhất của những đứa
con trên đời là ngày mất mẹ. Mẹ ơi! Hai tiếng thiêng liêng đi suốt cả cuộc đời
con những lúc hỷ nộ ái ố sầu bi - khổ đau, buồn vui hay hạnh phúc.
“Rủi mai này Mẹ
hiền có mất đi/ Như đoá hoa không mặt trời/ Như trẻ thơ không nụ cười/ ngỡ đời
mình không lớn khôn thêm/ Như bầu trời thiếu ánh sao đêm…”. Còn mẹ sẽ là tình
yêu thương tròn đầy viên mãn. Còn mẹ là hạnh phúc lớn trên đời này của những
đứa con.
Anh chị lớn bao
nhiêu tuổi, làm nên biết bao công trạng, nhưng đứng trước mẹ, anh chị cũng chỉ
là đứa con bé nhỏ như ngày xưa mẹ yêu thương, nâng niu bú mớm dỗ dành…
Con dù lớn vẫn
là con của mẹ
Đi suốt cuộc đời
lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên)
“Mẹ, Mẹ là dòng
suối dịu hiền/ Mẹ, Mẹ là bài hát thần tiên/ Là bóng mát trên cao/ Là mắt sáng
trăng sao/ Là ánh đuốc trong đêm khi lạc lối/ Mẹ, Mẹ là lọn mía ngọt ngào/ Mẹ,
Mẹ là nải chuối buồng cau/ Là tiếng dế đêm thâu/ Là nắng ấm nương dâu/ Là vốn
liếng yêu thương cho cuộc đời…”.
“Dẫu là nguyên
thủ quốc gia/ Hay là những anh hùng/ Là bác học hay là ai đi nữa/ Vẫn là con
của một người phụ nữ/ Một người đàn bà bình thường/ Không ai biết tuổi
tên”(Xuân Quỳnh).
Tuỳ bút của
thiền sư Nhất Hạnh “Bông hồng cài áo”, nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ nhạc đã xuất
hiện hơn 50 năm (1962 - PL 2507), bài hát ra đời vào mùa Vu Lan (1963) tại Huế.
Bài hát đã đi vào lòng người. Mỗi mùa Vu Lan đến thì bài hát được vang lên
trong các chùa, tự viện. bài hát đã làm thức tỉnh nhiều người con bất hiếu, lầm
lạc đã quay về với cách sống lương thiện, hiếu thảo. Bài hát đã đưa đứa con hư
trở về bên vòng tay yêu thương của mẹ. Cảm ơn thiền sư Nhất Hạnh và nhạc sĩ
Phạm Thế Mỹ đã dâng nụ hồng lên mẹ kính yêu mỗi mùa Vu Lan.
*************
0 nhận xét:
Đăng nhận xét