CÕI QUỶ THẦN
Tính chất của quỷ thần chỉ thích việc yêu tà, ở chốn tối tăm mang nhiều tội
lỗi. Có loài ở vách núi thẳm, hoặc có loài nương nơi rừng sâu, khe hiểm, non
cao, hoặc ở vùng hoang vu, đồng vắng, phát ra các âm thanh quái lạ, hiện nhiều
hình thù kỳ dị, làm rúng động lòng người, doạ sợ muôn vật. Loài này, dù có uy
quang cũng chỉ là hiện tướng quái lạ hư giả, hoặc hiện thân chim cá mà mặt
người lòng thú, hoặc trỗi nhạc đàn ca, hoặc rung linh vỗ trống. Các loài như
thế chúng ta cũng nên thay cho chúng mà sám hối.
Lại có kẻ thờ trong đền miếu ở chín châu, trong linh từ của vạn quốc, nào là
Thái bà ở Cô tô, Quí Tử ở Diên Lăng, Văn Mệnh ở Vũ Xuyên, hoặc làm chúa nơi
hang đầm, hoặc Thuỷ Nhược Sơn Tinh, Thầng mưa, thần gió, các thần sấm
chớp, hoặc kẻ hết phúc lộc mất ngôi hầu, hoặc kẻ cưỡi trúc làm rồng bay, hoặc
cưỡi chim thay tiên hài, hoặc kẻ thân nương nơi đền miếu, hình gá trên lầu cao,
hoặc tuôn mưa mà đến đi, hoặc phân gió mà lên xuống, cho đến Hoàng Đầu đại
tướng, hoặc Châm Phát quỷ thần, hoặc Túc Lợi Mật Đa, Lặc na xí xá, hoặc Cưu Bàn
Trà, hoặc loài La sát, cùng ba ngàn quyến thuộc, năm trăm đồng đảng. Các loài
này chúng ta cũng nên thay cho họ mà sám hối.
Lại có kẻ tội chướng cực trọng, đó là ngạ quỷ, ánh mắt như điện chớp, cổ nhỏ
như cây kim, chưa từng nghe đến danh từ nước, vĩnh viễn đoạn tuyệt cơm canh,
các chi trên thân đồng thời phát hoả, di chuyển như năm trăm cổ xe chấn
động. Ngày hôm nay đồng thấm nhuần căn lành, nên nguyện cho loài quỷ đói
được thức ăn uống tự nhiên, yêu mị quỷ thần chẳng còn xu phụ, lại còn làm
rạng rỡ phật pháp, ủng hộ thế gian, bảo vệ kinh tượng, cúng dường dài lâu, ghi
điều thiện, chép điều ác, để được mãi huân tu.
Giải thích danh từ quỷ:
Luận A Tỳ đạt Ma, Tỳ Bà Sa ghi:
Hỏi vì sao gọi là quỉ? Đáp: Theo Luận lập thế A Tỳ đàm: Quỉ tiếng
Phạn gọi là Thiểm đa, vì vua Diêm ma tên là Thiểm đa, quỉ đồng loại sinh với
Diêm ma, nên cũng gọi là Thiểm đa. Lại có thuyết cho rằng, đối với các loài
khác, quỉ thường qua lại, thiện ác đều có liên quan, nên gọi là Thiểm đa.
Có thuyết cho rằng do tạo tác làm tăng trưởng, nuôi lớn mạnh tâm tham lam bỏn
sẻn và các hành vi ác của thân miệng ý mà sinh vào cõi quỉ, chiêu cảm nghiệp
đói khát, trãi qua trăm ngàn năm không nghe đến danh từ cơm nước, nói gì thấy
cho đến xúc chạm, loài này bụng lớn như núi, cổ nhỏ như cây kim, dù gặp thức ăn
uống nhưng không thể thọ dụng.
Có thuyết cho rằng do bị sai khiến nên gọi là quỉ. Tức luôn bị chư thiên sai
khiến, chạy rảo khắp nơi. Lại vì có mong cầu, nên gọi là quỉ, tức trong năm
đường, không có loài nào mong cầu ở các loài hữu tình khác nhiều bằng loài này.
Trong luận Bà sa còn giải thích quỉ là uý, tức sợ hãi. Bởi vì loài này tính
khiếp nhược, hay lo sợ, lại nói quỉ tức mong cầu, vì loài này luôn cầu xin thức
ăn uống từ các hữu tình khác để nuôi sống thân mạng.
Trụ xứ
của quỉ:
Luân Bà sa nói: ngạ quỉ có hai trụ xứ chính và phụ. Về trụ xứ chính có nhiều
thuyết khác nhau. Trong luận này nói cõi nước ngạ quỉ nằm sâu dưới Diêm Phù đề
năm trăm do tuần, do Diêm La Vương cai quản, chu vi bảy vạn năm trăm ngàn do tuần.
Trụ xứ phụ: Luận Bà sa nói: Có hai trường hợp, nếu loài quỉ có uy đức thì
ở trong hang núi, hoặc ở trên hư không, hoặc ở vùng bờ biển, mỗi nơi đều có
cung điện, có phúc báu hơn loài người. Còn loài không có uy đức thì không có
nhà cửa, chỉ ở những nơi dơ dáy, hoặc nương đầu cỏ ngọn cây, hoặc nghĩa địa,
hoặc nhà xí, đồng hoang... phúc báo kém hơn loài người. Luận ấy cho rằng, khắp
bốn thiên hạ đều có trụ xứ của quỉ, trong đó hai phương đông và tây có đủ trụ
xứ của hai loài, phương bắc chỉ có trụ xứ của loài quỉ uy đức, vì quả báo tốt
nên được trụ nơi đây. Cho đến cõi Đao Lợi cũng có quỉ thần uy đức cư trú, vì để
chư thiên sai khiến, nhưng trên cõi này không có trụ xứ của loài quỉ.
Luận Bà sa có ghi “Trên cõi trời Tứ Thiên vương và Đao Lợi chỉ có loài quỉ uy
đức lớn cư trú, lãnh nhiệm vụ giữ cửa, đi tuần dẫn đường, lao dịch ”
Hỏi: Hình dáng quỉ như thế nào? Đáp: Phần lớn giống như loài người, nhưng
trong đó cũng có loài đi ngang, mặt giống heo, hoặc giống các loài cầm thú khác
như các hình vẽ trên tường vách ngày nay.
Hỏi: Ngôn ngữ thế nào ? Đáp: Vào kiếp sơ, quỉ cũng dùng ngôn ngữ Trung Thiên
Trúc, nhưng về sau nếu sinh vào trụ xứ nào thì dùng ngôn ngữ trụ xứ nơi ấy. Có
thuyết nói từ cõi nào mạng chung để sinh vào loài quỉ, thì mang thân hình và
ngôn ngữ cõi ấy. Bàn rằng: Điều này không đúng, bởi những chúng sinh ở cõi vô
sắc mạng chung sinh vào làm quỉ, hoá ra không có thân hình và ngôn ngữ sao! Nên
nói sinh vào loài nào thì thọ thân và dùng ngôn ngữ loài ấy.
Số lượng:
Theo kinh Chánh Pháp niệm, tổng quát có 36 loài quỉ, do tạo nghiệp nhân bất
đồng, nên thọ quả báo sai biệt.
1/ Quỉ Hoạch Thang: Quỉ bị nấu luộc trong vạc nước sôi. Do đời trước làm
thuê mướn sát sanh, hoặc nhận vật của người gửi mà không trả, nên nay chịu quả
báo này.
2/ Quỉ Châm Khẩu: Do đời trước dùng tiền thuê mướn người khác sát sanh,
nên nay phải chịu quả báo cổ nhỏ như cây kim, một giọt nước cũng không trôi qua.
3/ Quỉ thực thổ: Do đời trước làm vợ mà ngăn cản, không cho chồng bố thí, chỉ
biết chất chứa tài sản, nên nay chịu quả báo ăn thức ăn đã nôn mửa.
4/Quỉ Thực Thổ phẩn: Do đời trước làm vợ mà dối chồng, tự do ăn uống, khinh chê
chồng, nên bị quả báo, ăn phân và thức ăn đã nôn mửa.
5/ Quỉ Thực Hoả: Do đời trước ngăn cấm lương thực, khiến cho người phải
chết đói, cho nên phải lãnh quả báo lửa đốt cháy cổ, chịu khổ khát nước.
6/ Quỉ Thực Khí: do đời trước ăn món ngon mà không cấp cho vợ con, nên đời này
chịu quả báo đói khát, chỉ ngửi mùi mà thôi.
7/ Quỉ Thực Pháp: Do đời trước thuyết pháp để cầu tài lợi, nên đời nay bị đói
khát, thân chỉ còn da bọc xương, chỉ mong nghe chư tăng thuyết pháp để giữ mạng
sống.
8/ Quỉ Thực Thuỷ: do đời trước dùng rượu nhạt như nước lã, lừa bán cho người
ngu, không giữ trai giới, nên đời này chịu quả báo khát cháy cổ.
9/ Quỉ Hy Vọng: Do đời trước mua bán dìm giá, lừa dối lấy vật của người, nên
nay luôn sợ đói khát, khi cúng tế tiên linh mới được ăn uống.
10/ Quỉ Thực Thoá: Đời trước dối chư tăng dâng cúng thức ăn bất tịnh, nên nay
thân luôn đói khát, bị lửa đốt cháy, chỉ cầu người nhổ nước bọt để ăn và cũng
ăn các vật dơ uế.
11/ Quỉ Thực Man: do đời trước trộm tràng hoa của phật để trang sức, nếu người
bắt gặp, thì đền lại tràng hoa dâng cúng, nên nay phải chịu ăn tràng hoa.
12/ Quỷ Thực huyết, do sát sanh cúng tế mà không thí cho vợ con, nên nay thọ
thân quỷ, ăn vật cúng có thoa máu.
13/Quỷ thực nhục, do đời trước cắt thịt chúng sanh cân lường, buôn bán lừa dối.
Do đó nay chịu quả báo xấu ác, gian trá ai cũng không thích nhìn, cúng tế nhiều
loại thịt quỷ này mới ăn được.
14/ Quỉ Thực hương, do bán hương xấu mà lại đắt, nên nay chỉ ngửi mùi hương,
mai sau lại bị nghèo cùng khốn khổ.
15/ Quỷ Tật hành, do đời trước phá giới mà đắp pháp phục, dối gạt lấy tiền thí
chủ, nói cúng cho người bệnh, nhưng lại để cho mình dùng. Nên nay thọ quả báo
này, thường ăn đồ bất tịnh, tự đốt thân mình.
16/Quỷ Tứ tiện, do đời trước mưu mô, lừa dối lấy tiền bạc của người khác, không
tu phúc nghiệp, nên thọ quả báo lỗ chân lông toàn thân phát hoả, ăn hút khí lực
và vật dơ uế của người để sống.
17/ Quỷ Hắc ám, do đời trước bẻ cong phép nước để cầu tài lợi, bắt giam người
vô tội, khiến mắt họ không nhìn thấy, phát ra những lời ai oán, cho nên bị quả
báo ở những nơi tối tăm, đầy dẫy rắn độc, chịu nổi khổ như dao cắt.
18/ Quỷ Đại lực, do đời trước trộm cắp để cung cấp cho kẻ ác, không cúng vào
phúc điền, do đây thọ báo có đại lực thần thông, nhưng cũng chịu nhiều khổ đau.
19/ Quỷ Xí nhiên, do đời trước phá thành cướp bóc, giết hại bá tánh, nên nay
chịu khổ toàn thân bị lửa đốt, kêu la khóc lóc, nếu mai sau được làm người thì
luôn bị cướp đoạt.
20/ Quỷ Tứ hài nhi tiện, do đời trước giết trẻ con, khởi tâm sân hận, nên nay
chịu quả báo luôn rình tìm chỗ sơ hở của người để giết hại trẻ con.
21/ Quỷ dục sắc, do đời trước háo sắc, có được tiền tài mà không chịu tạo phúc
điền, nên nay thọ quả báo đi khắp nhân gian giao hợp với người, vọng tác yêu
tác quái để cầu sống.
22/ Quỉ Hải chử, do đời trước đi trên đồng vắng, gặp người bệnh, liền lừa gạt
lấy tiền tài, cho nên nay sinh vào vùng bờ biển chịu khổ lạnh nóng gấp bội loài
người.
23/ Quỷ Diêm la vương chấp trượng, do đời trước làm đại thần thân cận quốc
vương, ỷ thế làm nhiều điều bạo ác, nên nay phải chịu quả báo là quỷ cầm gậy
cho Diêm vương sai khiến.
24/ Quỷ Thực tiểu nhi, do đời trước làm chú thuật gạt người lấy tài vật, giết
hại heo dê, sau khi chết đoạ địa ngục thọ quả báo thường ăn thịt trẻ con.
25/ Quỷ Thực nhân tinh khí, do đời trước dối trá làm bạn thân, hứa bảo vệ,
khiến bạn dốc hết sức, nhưng rốt cuộc thất trận mà chết, lại không chịu cứu
giúp, cho nên nay chịu quả báo này.
26/ Quỷ La sát, do đời trước sát sinh để tổ chức hội lớn, nay phải bị lửa đói
khát thiêu đốt.
27/ Quỷ Hoả thiêu thực, do đời trước tham lam bỏn xẻn, thích dùng thức ăn của
chúng tăng, nên sau khi chết rơi vào địa ngục, sau khi ra khỏi địa ngục lại làm
quỷ bị lửa đốt thân,
28/ Quỷ Bất tịnh hang mạch, do đời trước dâng cúng thức ăn bất tịnh cho người
tu phạm hạnh, nên bị quả báo làm quỷ ăn chất bất tịnh ở những nơi làng xóm,
đồng ruộng.
29/ Quỷ Thực phong, do đời trước thấy người xuất gia đến khất thực, hứa cúng
nhưng không cúng, do đó nay bị quả báo luôn có nỗi khổ đói khát, giống như địa
ngục
30/ Quỷ Thực than, do đời trước làm chủ ngục, cấm tù nhân ăn uống, nên nay phải
chịu quả báo ăn than cháy đỏ.
31/ Quỷ Thực độc, do đời trước cho người dùng thức ăn có độc, khiến họ
phải chết, nên phải đoạ vào địa ngục, sau khi ra khỏi địa ngục thì làm quỷ luôn
bị đói khát, phải ăn lửa độc, lửa đốt cháy thân.
32/ Quỷ Khoáng dã, do đời trước đào ao hồ trên đồng vắng cung cấp cho người đi
đường, nhưng lại dùng lời ác mắng chửi, phá lấp khiến người chịu khát, cho nên
nay chịu quả báo đói khát, lửa đốt cháy thân.
33/ Quỷ Trủng gian thực khôi thổ, do đời trước trộm hoa cúng Phật để bán lấy
tiền nuôi thân mạng, cho nên bị quả báo, ăn thịt người chết, nằm trong đống tro
nóng chịu thiêu đốt.
34/ Quỷ Thu hạ trụ, do đời trước thấy người trồng cây che mát,
nhưng khởi tâm ác đốn chặt, bán lấy tiền sử dụng, cho nên nay bị quả báo sống
nơi gốc cây, chịu khổ lạnh nóng.
35/ Quỷ Giao đạo, do đời trước trộm lương thực của người đi đường, cho nên nay
bị quả báo cưa sắt cắt thân, lại phải nhận thức ăn cúng tế bên đường để tồn tại.
36/ Quỷ Ma la thân, do đời trước tu theo tà đạo, không tin chánh đạo, cho
nên nay chịu quả báo làm ma quỷ, thường phá pháp thiện của mọi người.
& & &
Luận Chánh lý ghi: Có ba loại quỷ: Vô tài, Thiểu tài và Đa tài. Quỷ Vô
tài có ba loại: Cự khẩu, Châm khẩu và Xú khẩu. Cự khẩu thì miệng thường
tuôn ra lửa, cháy rực mãi không dừng, thân như cây đa la cháy đen. Do quá
bỏn xẻn mà chiêu cảm nỗi khổ này. Quỷ Châm khẩu bụng lớn như hang núi, miệng
nhỏ như cây kim, tuy thấy thức ăn thức uống, nhưng không thể thọ dụng được, đói
khát không thể chịu nổi. Quỷ Xú khẩu thì trong miệng luôn phát ra mùi hôi thối,
hơn cả phân dơ trong nhà xí, do khí độc uất kết trong bụng, nên thường ợ và có
cảm giác nôn mửa, nên dù gặp thức ăn cũng không thể thọ dụng được, lại bị khát
nước bức bách nên hay kêu la, chạy loạn.
Quỷ Thiểu tài cũng có ba loại, là Châm mao, Xú mao và Anh. Quỷ Châm mao, lông
trên thân rất cứng, bén và nhọn, không loài nào có thể đến gần, lông mày đâm
lại thân và bắn vào loài khác, như nai trúng tên độc sợ hãi chạy loạn khắp nơi,
bổng gặp được vật bất tịnh, liền ăn để tạm thời cứu mạng.
Quỷ Xú mao, thì lông trên thân vô cùng hôi thối, hun chín thịt xương, chưng nát
lục phủ ngũ tạng, xông lên yết hầu rồi nôn ợ ra ngoài, vô cùng thống khổ, không
thể chịu nổi, nên cào cấu thân thể, bứt tóc nhổ lông khiến cho da thịt rách
nát, thống khổ càng tăng gấp bội, bấy giờ may gặp vật bất tịnh, vội ăn để tạm
cứu mạng.
Quỷ Anh, quỷ này do sức của ác nghiệp, nên cổ hiện ung nhọt lớn, nóng rát
đau đớn, nên nắm bứt lẫn nhau, khiến máu mủ hôi thối vỡ chảy, liền tranh
nhau lấy ăn để tạm qua cơn đói khát.
Quỷ Đa tài cũng có ba loại, là Hi từ, Hi khí và Đại thế . Quỷ Hi từ luôn đến
các đền miếu hưởng thọ phẩm vật người khác cúng tế, từ nơi sinh có thế tự nhiên
đi khắp mọi nơi như chim bay lên hư không, đến đi không ngăn ngại. Do đời trước
có tâm tin hiểu mà lập nguyện. “Nếu ta mạng chung, con cháu nhất định sẽ cúng
tế ta các vật dụng sinh hoạt, thức ăn thức uống. Do sức tin hiểu, nên sinh vào
loài quỷ này, lại do nghiệp thiện xưa, nên cảm được đền miếu thờ phụng cúng tế.
Quỷ hi khí, Quỷ này thường ăn những phân tiểu còn thừa và thức ăn đã nôn mửa
của người, nhưng chúng cũng đầy đủ các vật dụng sinh hoạt. Do đời trước tham
lam bỏn xẻn, nên những nơi có thức ăn thức uống, loài quỷ lại thấy toàn là vật
dơ uế hoặc không có gì, thích tịnh thì thấy uế, nhưng cũng do phúc hiện tại,
nên đầy đủ vật dụng mong cầu. Thức ăn uống đều tự nhiên hiện đến nơi sinh,
nhưng thọ dụng khác nhau, không thể suy tìm và nói đến nguyên nhân.
Quỷ Đại thế , cũng có ba loại. Quỷ Ngoại chướng, quỷ Nội chướng và Quỷ Vô
chướng. Quỷ Ngoại chướng, do đời trước có tâm bỏn xẻn sâu nặng, nên nay sinh
vào loài ngạ quỷ, luôn bị đói khát, thân hình chỉ còn da bọc xương, giống như
hòn than cháy đỏ, đầu tóc rối bời, môi miệng khô nứt, thường le lưỡi liếm môi
mặt, đói khát khốn khổ chạy khắp nơi tìm cầu. Khi đến được gần hồ ao, sông suối
thì bị các hữu tình khác cầm dao gậy canh giữ, không cho nhìn, hoặc nước nơi đó
biến thành máu mủ, không thể uống được.
Quỷ Nội chướng, là loài quỷ có miệng như cây kim cháy đỏ, bụng rất lớn, dẫu gặp
được thức ăn cũng không thọ dụng được.
Quỷ Vô chướng, tức loại ngạ quỷ Mãnh diệm phát, loài này hễ thức ăn đưa vào
miệng thì đều biến thành lửa, do đó luôn bị đói khát, khốn khổ vô cùng.
Nghiệp nhân: Luận
Trí độ ghi: “Ác có ba bậc . Một, tạo ác bậc hạ thì sinh vào ngạ quỷ. Tức trong
10 nghiệp ác, hễ tạo bất cứ nghiệp nào, trước tiên sinh vào ba đường khổ, sau
đó mới được thân người.”. Kinh Chánh niệm ghi: “Nếu đối với chúng sanh mà khởi
tâm tham lam, ganh tị, tà kiến, dua nịnh, siểm khúc, khinh khi dối trá, hoặc
tham lam bỏn xẻn, cất chứa tiền tài mà không bố thí thì sau khi chết sinh vào
loài ngạ quỷ, hết nghiệp ngạ quỷ thì sinh vào loài súc sinh làm chim Già trá ca,
luôn bị nỗi khổ đói khát, chỉ ngửa cổ uống nước mưa mà thôi, không thể uống các
loài nước khác.
Thân tướng và thọ mạng: Kinh Ngũ
Đạo ghi: “Về thân lượng của ngạ quỷ, loại lớn nhất cao một do tuần, đầu như núi
lớn, tóc rối , cổ chỉ bằng cây kim, thân hình khô gầy, chống gậy mà đi, số
lượng quỷ này rất đông. Loại quỷ nhỏ nhất thì chỉ bằng đứa bé đã hiểu biết,
hoặc chỉ cao khoảng ba tất.
Kinh Quán Tam muội ghi, có loại ngạ quỷ sống rất lâu, đến 8 vạn 4 ngàn năm, còn
ngắn thì không nhất định. Luận Thành thật ghi rằng, loài ngạ quỷ sống lâu nhất
khoảng 7 vạn năm, còn ngắn cũng không nhất định. Kinh Ưu Bà tắc ghi rằng, ngạ
quỷ sống lâu nhất là 1 vạn 5 ngàn năm bằng 2 nghìn 7 trăm vạn năm ở nhân gian.
Kinh Chánh pháp niệm nói, Ngạ quỷ có thọ mạng 500 năm, mà 10 năm nhân gian bằng
một ngày một đêm cõi ngạ quỷ. Vậy 500 năm bằng 182 vạn 2 nghìn năm nhân gian.
Đẹp xấu khổ vui sang hèn: Luận Bà sa
ghi: “Loại ngạ quỷ hình mạo đẹp là loài có uy đức. Dung mạo ngạ quỷ này rất
đoan chính, không khác gì chư thiên. Nói chung tất cả quỷ thần có dung mạo đoan
chính sống trong năm núi, bốn sông, biển cả ao hồ đều thuộc loài quỷ đẹp. Loại
quỷ xấu xí, tức là loài không có uy đức, hình dáng vô cùng xấu xí, không thể
nói. Thân như bụng chó đói, đầu giống tóc rối bay, cổ như cây kim bé xíu, chân
như cây gỗ mục, miệng thường chảy nước bọt, mũi tuôn nước giãi, trong lỗ tai
đầy mủ, mắt thường tuôn máu, đó gọi là Đại quỷ ”. Luận Bà sa ghi, loài quỷ này
luôn chịu đói khát, nhiều năm không từng nghe tiếng danh từ nước, nói gì đến việc
thấy. Dẫu gặp sông lớn muốn uống thì nước sông liền biến thành lửa, nếu vào
được trong miệng thì đốt cháy ruột gan. Như thế há không khổ sao ? Loài quỷ
hưởng niềm vui là loài có uy đức, loài này giàu có sung túc, thức ăn uống tự
nhiên hiện đến, mặc y phục và thọ dụng thức ăn cõi trời, dáng vẻ thong dong,
đến đi nhẹ nhàng, mặc tình dạo chơi, không khác chư thiên. Như thế há không vui
sao ?
Hỏi: Vui sướng như vậy còn hơn cả loài người, tại sao nói người và quỷ khác
đường ?
Đáp: Kinh nói có hai điều quỷ thần không bằng loài người. Một thọ báo ẩn hiện
không bằng loài người, vì quỷ thần ban ngày ẩn, ban đêm mới xuất hiện, đến đi.
Hai , tâm yếu hèn thường lo sợ, không bằng loài người. Loài này tuy có uy đức
nhưng hèn kém, thường sợ loài người, dẫu ban đêm có gặp cũng lẩn tránh.
Hỏi: Đã kém hơn người, vì sao có uy đức và phúc báo đồng chư thiên ?
Đáp: Do đời trước bố thí nhiều, nên có uy đức, do siểm khúc, không chân thật
nên đoạ vào loài quỷ.
Luận Bà sa ghi, “Loài có uy đức thì sang, không uy đức thì hèn kém, làm quỷ
vương thì sang, làm nô dịch thì hèn. Loài có uy đức thì đầy đủ y phục, thức ăn
uống, tự do sai khiến, đó gọi là giàu. Còn loại luôn bị kẻ khác sai khiến, thức
ăn dỡ còn không nghe nói, y phục thô xấu còn khó gặp, huống gì nhìn thấy, đó
gọi là nghèo ”.
Nhà cửa: Luận Bà sa ghi: “Loài
có uy đức thì nhà cửa cao rộng, có báu báu trang hoàng, tất cả các thần núi
thần sông đều có nhà cửa để cư ngụ. Loài không có uy đức thì trôi dạt khắp nơi,
đói khát khốn khổ, không nhà không cửa, tạm gá mồ hoang, rừng vắng, lùm cây,
hang động...
---------—]–---------
0 nhận xét:
Đăng nhận xét