Thứ Ba, 8 tháng 11, 2016

TỰ TÍN

TỰ TÍN

        Phật giáo là tôn giáo của Từ bi và Trí tuệ. Thế nhưng niềm tin trong Phật giáo có vai trò quan trọng quyết định mọi thành tựu đạo quả, nghe qua như không khác gì các tôn giáo hữu thần và đa thần họ giao trọn niềm tin vận mệnh của mình vào Thượng đế, thần linh quyết định. Tự tín bản thân mình sẽ đạt quả vị như đấng giáo chủ của mình là điều không một tín đồ tôn giáo nào dám nghĩ đến ngoại trừ người Phật tử. Đây là điểm đặc biệt nhất về tín ngưỡng của Phật giáo đối với các tôn giáo khác trên thế giới.
Trong kinh Pháp Hoa, Đức Phật dạy “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (Tất cả chúng sanh đều có Phật tánh). Có hạt giống Phật tức sẽ thành Phật và bất luận ai cũng có thể học phật, tu Phật và làm Phật không phân biệt người lành kẻ ác. Tuy nhiên, để tin rằng ai cũng có thể thành Phật là điều rất khó vì không phải ai cũng có đức tin như thế, nhất là đối với những người xấu ác, sân hận hay làm hại người khác, thường bị người lánh xa… làm sao có thể thành Phật.
Do đó, ở đây đòi hỏi niềm tin của người tu Phật phải phát khởi mãnh liệt, tuyệt nhiên không còn chút bóng dáng của hoài nghi. Một khi niềm tin đã kiên cố thì Bồ đề tâm sẽ phát khởi mạnh mẽ. Tâm Bồ đề là tâm Phật. Tâm Phật là tâm trí tuệ và từ bi, tâm vì người khác, tâm phục vụ chúng sanh không chút phân biệt, là tâm không còn nhân và ngã, không còn bỉ thử của chấp thủ vào bất cứ điều gì. Bồ đề tâm được nuôi dưỡng trong môi trường thanh tịnh khi đầy đủ duyên lành sẽ đơm bông kết trái. Người có lòng tin vào Phật quả là người luôn phát khởi Bồ đề tâm “ trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh ” Đây là con đường chư Phật đã và đang đi.
Không thể phủ nhận rằng tâm ta luôn lo lắng suy nghĩ lăng xăng, nhưng một khi khởi niệm buông bỏ thì niềm an lạc lại hiện về trong tâm thức khiến ta cảm thấy sự bình an dù trong chốc lác. Trạng thái đó đã một lần đến với Thái Tử Tất Đạt Đa khi Ngài tọa thiền dưới gốc cây trong lần theo vua cha dự lễ hạ điền, để rồi sau này Ngài có niềm tin chắc thật rằng sẽ thành bậc chánh đẳng giác độ chúng sanh.
Như vậy, để chứng được quả Phật chứng thì phải làm được việc Phật làm. Đó quả là một sự huân công của quá trình tu tập hướng nội nhờ niềm tin mãnh liệt vào chơn tâm của mình. Lục phàm tứ thánh cũng từ tâm mà sanh khởi. Đó là lý do Đức Phật xuất hiện tại thế gian này “Ta ra đời vì một đại sự nhân duyên là khai thị chúng sanh ngộ nhập tri kiến Phật”. Ngộ nhập tri kiến Phật trong ta tức phải quay về với tự tâm. Tự quy y Phật, tức trở về nương tựa chính bản thể Phật của mình, tự quy y Pháp là trở về nương tựa pháp tánh thanh tịnh trong mình, tự quy y Tăng là quay về nương tựa đức tánh Tăng trong chính bản thân mình. Dưới ánh sáng trí tuệ, mọi sự sẽ được soi rọi một cách rõ ràng và chúng ta sẽ có Phật ngay bây giờ, có Tam Bảo ở đây, xung quanh ta không giới hạn thời gian và không gian. Đây là điểm then chốt mà đức Phật muốn truyền trao trong suốt quá trình hoằng dương chánh pháp tại thế gian.
Tóm lại, không thể phủ nhận vai trò và giá trị của niềm tin trong cuộc sống khi niềm tin đã giúp cho con người đạt được những thành tựu nhất định mặc dù tín ngưỡng thiên về cảm tính. Chỉ có ánh sáng mới có thể phá tan màn vô minh phiền não dày đặc của chúng sanh, mới có thể định hướng cho chúng sanh tích tập thiện nghiệp, tu bồi thiện căn, chuyển hóa nghiệp xấu, mới có thể chấp cánh cho chúng sanh vĩnh viễn thoát ly vòng sanh tử luân hồi từ vô lượng kiếp. Tuy nhiên, niềm tin không thể tách rời trí tuệ mà đức tin ở đây có được nhờ trí tuệ quán chiếu. Cũng vậy, hành giả không thể thành tựu đạo quả nếu không trụ vào niềm tin Tam bảo, cụ thể hơn là tin vào giáo lý Phật thừa mà Đức Phật tuyên thuyết trong khả năng tuyệt đối của mỗi chúng sanh có thể khai mở tri kiến Phật của mình như Ngài đã làm. Đức tin mãnh liệt sẽ tạo nền tảng vững chắc, một chí nguyện kiên cố trên lộ trình dài đầy cam go hướng về mục đích./.

TỰ TÍN Rating: 4.5 Diposkan Oleh: CHÙA TAM BẢO TAM KỲ

0 nhận xét:

Đăng nhận xét