TÍN NGƯỠNG
Tín ngưỡng có
hai loại: Tín ngưỡng nhân gian và tín ngưỡng tôn giáo. Tín ngưỡng nhân gian là
tín ngưỡng tôn thờ, lễ bái gồm có nhiều thể loại đa dạng như:
Thần mây, thần mưa, thần gió, thần sông, thần núi, biển cả, ao hồ, sông,
suối, đất, đá, chim, cá, voi, ngựa, cọp… vật thể, vong hồn người chết, sùng bái
người sống, sùng bái vong hồn tổ tiên, các danh nhân v.v... có trên 3000 thể
loại tín ngưỡng nhân gian đã trải qua mấy nghìn năm vẫn còn tồn tại. Các tín
ngưỡng này chủ yếu thờ cúng lễ lạy, cầu mong sức khỏe, mưa thuận gió hòa, bình
yên trong cuộc sống …Có nghi thức chứ
không có quy luật điều răn như tín ngưỡng tôn giáo có giáo chủ giáo điều. Tín
ngưỡng nhân gian bắt nguồn từ những câu chuyện thuộc về huyền thoại truyền
thuyết do nhiều người truyền lại, không có căn cứ rõ ràng. Ví như lịch sử nguồn
gốc người Việt bắt nguồn từ Bà Âu Cơ và ông Lạc Long Quân, hai người sinh ra
100 trứng nở 100 con, 50 trai 50 gái. Truyền thuyết này không thực tế, nhưng
người ta vẫn tin và vẫn tôn thờ là nguồn gốc tổ tiên của dân tộc Việt. Tín
ngưỡng dân gian tuy không thực nhưng vẫn tồn tại và phát triển, mặc dầu nền văn
minh khoa học càng ngày càng tân tiến .
Đối với đạo
Phật thì tín ngưỡng nhân gian này không
chấp thuận, nhưng không phản đối, không tiêu diệt, chỉ khuyên những người tin
theo Phật: “kính nhi viễn chi ”, tôn trọng họ nhưng không theo họ, tôn họ làm
thầy. Những người nguyện làm đệ tử Phật, trong Tam quy có quy định rằng: Quy y
Phật rồi, thì không quy y Trời, Thần, Quỷ, Vật. Quy y Pháp rồi, không quy y
theo ngoại đạo tà giáo. Quy y Tăng rồi, không quy y thầy tà bạn ác. Người đã
quy y Phật rồi thì không phải bạn lành
không thân cận, không phải thánh thì không tôn thờ.
Tín ngưỡng tôn
giáo lại có hai loại: Loại hữu thần và loại vô thần, tức là tôn giáo do một vị
thần hay nhiều vị thần quyết định vận mệnh cuộc sống con người. Và loại vô
thần, tức là không chấp nhận có một vị thần nào quyết định đời sống con người
lúc sinh tiền cũng như sau khi chết. Mà chỉ do con người quyết định, do
“Nghiệp” quyết định vận mệnh con người.
Loại tôn giáo hữu thần như: Hồi giáo, Thiên chúa giáo,
Ấn độ giáo v.v... Họ tin có đức Chúa trời, Ngọc Hoàng Thượng đế sinh ra con
người, quyết định vận mệnh con người...
Loại tôn giáo vô thần như: Phật giáo, Kỳ na giáo, không tin có vị thần,
vị trời nào tạo ra con người, mà tin con người sinh ra con người. Đời sống con
người vui hay khổ do con người tạo nên không phải thần thánh nào tạo cho mình
cả.
Nói đến tôn
giáo phải có 4 tiêu chí:
a/ Giáo chủ: người sáng lập ra tôn giáo
b/ Giáo lý, giáo luật: Những lời dạy, những điều răn
của vị khai sáng ra tôn giáo.
c/ Giáo nghi: nghi thức cúng kiến, lễ lạy, tụng đọc..
d/ Giáo đồ: là những người tin theo và tuân thủ thọ
giáo của tôn giáo ấy.
Ban đầu đạo
Phật không phải là tôn giáo, nhưng sau khi Phật nhập diệt, các đệ tử của Phật
tôn Phật như một bậc thánh trên các bậc thánh. Vì thế phát sinh ra cung cách
tôn thờ lễ lạy như các tôn giáo khác, rồi càng ngày thường xuyên lễ lạy cúng
kính hơn là phát huy tuệ giác và thay tâm đổi tánh. Mục đích của Phật dạy là
làm cho con người thức tỉnh sự khổ của kiếp nhân sinh và đề ra phương pháp dứt
khổ. Tức là khổ và con đường diệt khổ. Cũng như bác sĩ chỉ cho bệnh nhân biết
cơn bịnh và chỉ cho phương pháp trị bệnh (cho toa và chỉ cách uống thuốc). Cho
nên đạo Phật nguyên thủy không mang màu sắc tôn giáo, lời dạy của Phật tuy
nhiều nhưng chung cùng chỉ cho chúng sanh biết khổ và con đường thoát khổ vẫn
còn áp dụng thực tế cho đời cũng như đạo. Đạo Phật là đạo chánh tín, là con
đường chân chánh đưa đến an lạc giải thoát. Đạo đây không mang ý nghĩa tôn giáo
mà là con đường, con đường dẫn đến chấm
dứt khổ đau, con đường đưa đến an lạc cho chính mình và mọi chúng sanh.
Những lời
trên đây để các hành giả hiểu rõ con đường tâm linh mình nên đi, nên chọn một
đức tin chân thật. Đừng tin đừng nghe người ta nói Đạo nào cũng tốt, nói đến
đạo thì đều đưa đến Chân, Thiện, Mỹ. Có đạo chỉ có Thiện và Mỹ mà không có Chân
thật. Đạo Phật đủ cả ba yếu tố Chân, Thiện, Mỹ.
{—]–{
0 nhận xét:
Đăng nhận xét